Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Đan Viện An Phước – Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXVIII TN – Năm C

Đan Viện An Phước –  Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXVIII TN – Năm C

(Lc 17, 11 – 19)

Gregorio – An Phước

 

Khi nói đến  đau khổ, con người thường tìm cách để lẩn tránh. Nhưng đối với quan điểm Kitô giáo, chúng ta phải chấp nhận, chịu đựng và ngay cả sẵn sàng đón nhận đau khổ, để nhờ đó thắng vượt nó.

Tin Mừng Luca 17, 11-19, trình thuật về cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Ðối với Thánh sử, Ðức Giêsu lên Giêrusalem không chỉ để chịu đau khổ, và chịu chết mà còn để được vinh quang. Phần vinh quang mà Ngài sẽ nhận lãnh từ Chúa Cha, không chỉ cho riêng Ngài, mà còn cho chúng ta.

Nếu Đức Giêsu không lên hướng Giêrusalem, và nếu như Ngài không không chấp nhận đau khổ, thì số phận của những người bệnh phong hồi ấy, và số phận của nhân loại chúng ta hôm nay sẽ như thế nào? Đây là mục đích tại sao khi kể về những người phong cùi được chữa lành, thì Thánh sử Luca lại đề cấp đến cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu.

Nhân loại ngày nay đang tìm cách đẩy đau khổ ra khỏi thế giới. Đối với từng cá nhân, điều đó có nghĩa là phải làm sao tránh bị đau khổ. Theo William Macdonald: “Ai thực sự muốn diệt đau khổ, người đó cũng hủy diệt luôn cả tình yêu, không có đau khổ thì chẳng có tình yêu, bởi vì tình yêu luôn đòi hỏi từ bỏ một phần của chính mình”.

Đường lên Giêrusalem của Chúa Giêsu không chỉ đơn giản dừng lại ở chuyến đi, hay lộ trình như bao lộ trình của những con người bình thường khác, nhưng mang một ý nghĩa  “cứu độ”.

Mười người phong cùi hôm nay, họ được lành sạch từ thể xác đến tâm hồn ngay chính trong ngôi làng, trên con đườn dẫn lên Giêrusalem, là dấu chỉ báo trước cho sự chiến thắng của thập giá trên đau khổ và sự chết. Đồng thời cũng báo trước thập giá là mối giây liên kết và hiệp nhất giữa muôn người, từ đây ơn cứu độ không còn phân biệt giữa Do Thái hay Hy Lạp hoặc người Samari bội giáo nữa, nhưng cho tất cả những ai có lòng tin vào Thiên Chúa.

“Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” (Lc 17, 13″. Cụm từ  “xin dủ lòng thương chúng tôi” trong đó có cả người Do Thái và người Samari, như muốn diễn tả niềm tin của con người đang trông chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Một trong 10 người được lành sạch quay trở lại để tôn vinh Thiên Chúa, đó là người Samari. Qua đó Thánh Luca muốn làm nổi bật lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Vị Cha chung, “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như người bất chính” (Mt 5, 45). Nghĩa là, Ngài không phải là một Thiên Chúa độc quyền của người Do Thái, nhưng là Chúa của tất cả mọi người, Ngài yêu hết tất cả muôn người, không phân biệt màu da, giai cấp hoặc tôn giáo, và bổn phận của mỗi người cũng phải đáp trả lại tình yêu ấy khi lãnh ơn.

Thế nhưng, nhiều khi chúng ta sống vô ơn, tự hào, tự đắc những gì mình có, để rồi không công nhận sự quan phòng của Thiên Chúa, và loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Như thế Chúa sẽ hỏi chúng ta như hỏi người được chữa lành khi đến trình diện: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế chín người kia đâu?” (Lc 17, 11-19).

Câu hỏi: “Thế chín người kia đâu?”, chúng ta đừng lầm tưởng, mình chỉ lo cho phần rỗi của mình là đủ, nhưng mỗi người phải có trách nhiệm trên phần rỗi của người anh em mình nữa. Chúng ta sống là sống chung sống với. Do đó, việc thực thi bác ái cho nhau, phải đặt lên hàng đầu, nhất là trong việc giúp nhau thực thi đàng nhân đức.  

Xin cho cuộc đời của chúng ta trở nên lời tạ ơn không ngừng, tạ ơn Chúa cho chính mình, và cũng tạ ơn Chúa cho người anh em, biết nhận ra những gì mình có là do hồng ân đến từ Thiên Chúa. Đồng thời, không sơn lòng trước những khó khăn trong cuộc sống, vì đó là dấu chỉ của “con đường hướng về Giêrusalem” mà Chúa đang mời gọi chúng ta cùng người sánh bước.

 

 

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI