Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 42,1-4,6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17)
         
I.          Ông Giosuê dẫn Dân được tuyển chọn Israel đi qua dòng sông Giođan vào Đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Sau khi qua đó, họ không còn là dân du mục nữa, nhưng là Dân Tộc được tuyển chọn để phụng sự Chúa. Thiên Chúa dùng lịch sử của họ để thực hiện kế hoạch cứu độ.
         
II.         Chúa Giêsu rời Nazareth miền Galilê để tới dòng sông này, không chỉ để ôn lại một biến cố lịch sử của dân tộc Người, nhưng là cùng với nó và tất cả nhân loại để đi vào một triều đại mới, Triều Đại Thiên Chúa. Từ dòng sông này, ông Gioan đã giúp con người ra khỏi nó để thống hối, chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Mêsia đến.  Còn Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đi qua dòng sông này khi nhận phép rửa của ông Gioan, sẽ dẫn đưa nhân loại vào Đất Hứa mới là Nước Trời. Triều Đại Thiên Chúa là triều đại của Tin Mừng được loan giảng, là năm hồng ân, thời gian tình yêu của Thiên Chúa được tỏ ra cho nhân loại một cách cụ thể, tất cả đều nằm trong sứ vụ Chúa Giêsu bắt đầu từ hôm nay. 
 
         Khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai, Người nói :  “Bây giờ cứ thế đã.  Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Chúa Giêsu đến và tự ý xin ông Gioan làm phép rửa cho Người.  Ông Gioan từ chối và nói:  “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”  Chúa Giêsu hiểu rõ “bây giờ” là “giờ” của Người, “giờ” thi hành sứ mệnh. Hiểu rõ thiên ý của Chúa Cha và hoàn toàn vâng phục, đó là ý nghĩa ẩn tàng trong lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu.  Do đó, Người cũng mời gọi ông Gioan hãy “cứ thế đã” (cứ làm phép rửa cho Người), hãy cộng tác với Người để cùng nhau chu toàn thánh ý Chúa Cha, là giúp cho đức công chính của nhân loại được thể hiện. 
 
          Những lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu khi Người bắt đầu xuất hiện công khai, chính là  nguyên lý hành động của Chúa Giêsu để thi hành sứ mệnh được đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Chúa Thánh Thần củng cố sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc xức dầu tấn phong Người làm Đấng Kitô (x. Is 11,2; 42,1).  Chúa Thánh Thần luôn “ngự trên Người” để Người giữ vững nguyên lý và trung thành với sứ mệnh. Cùng với Chúa Thánh Thần là tiếng phán từ trời của Chúa Cha, không chỉ là lời giới thiệu mà thôi, nhưng còn ngầm hiểu là ước vọng của Chúa Cha mong Con Một Người chu toàn những gì Người trao phó.
 
         Quang cảnh thần hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa:  Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chính là phần trọng yếu của biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa : Ba Ngôi Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ nhân loại. Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ là Chúa Con, nhưng luôn luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần để giúp cho việc thực hiện đi theo đúng đường lối và tinh thần của Thiên Chúa, có sự hiện diện của Chúa Cha để khích lệ nâng đỡ Chúa Con. 
Trong hành trình loan giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu được kể lại trong sách Tin Mừng, từ đây luôn luôn thuật lại những giây phút kết hiệp thân mật giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.  Những hình ảnh Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hoặc những lúc Người cầu nguyện với Chúa Cha, đều nói lên sự cộng tác chặt chẽ của Ba Ngôi Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ.
          Nét đặc biệt trong cuộc thần hiện này là cuộc biểu lộ tình yêu Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần lấy hình “chim bồ câu” đáp xuống trên Chúa Giêsu.  Còn Chúa Cha được diễn tả bằng tiếng nói yêu thương từ trời cao.  Hình chim bồ câu và tiếng nói yêu thương, là những biểu tượng sống động cho sự mật thiết của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. 
 Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Con thế nào, thì tiếng nói yêu thương của Chúa Cha cũng vang lên trong tâm hồn Chúa Con như vậy. Trong tình yêu viên mãn của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Con được sai đến trần gian. Cũng chính trong tình yêu viên mãn này, Chúa Con đáp lại tình yêu bằng cách chu toàn sứ mệnh được trao phó, “hy sinh mạng sống mình” (Ga 15,13), để ban ơn cứu độ cho “bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành thuộc bất cứ dân tộc nào” (x. Cv 10,34-38). 
         
            III.        Chúng ta nghe lại lời giáo huấn của ĐTC Phanxicô. Ngài nói: Thật là quan trọng về việcbiết ngày chúng ta đã được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Chúa Giêsu. Tôi xin phép khuyên anh chị em. Nhưng hơn là một lời khuyên, hôm nay nó là một bài tập. Hôm nay, khi về nhà anh chị em hãy tìm, hãy hỏi ngày chịu phép Rửa Tội của mình, và như thế, anh chị em sẽ biết ngày xinh đẹp ấy.
Nhờ sức mạnh của Bí Tích Rửa Tội chúng ta trở thành những người mang một niềm hy vọng mới, bởi vì Bí Tích Rửa Tội ban cho chúng ta niềm hy vọng mới: niềm hy vọng bưc đi trên con đường cứu độ, suốt đời. Và niềm hy vọng này không gì và không ai có thể dập tắt được, bởi vì niềm hy vọng không gây thất vọng. Niềm hy vọng trong Chúa không bao giờ gây thất vọng.
Nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta có khả năng tha thứ và yêu thương cả những người xúc phạm đến chúng ta và làm điều dữ cho chúng ta nữa. Chúng ta thành công trong việc nhận ra nơi những người rốt hết và nơi những người nghèo, gương mặt của Chúa đến viếng thăm và sống gần chúng ta. Và Bí tích Rửa Tội giúp chúng ta nhận ra nơi gương mặt của những người khốn khó, khổ đau, cả người bên cạnh chúng ta, gương mặt của Chúa Giêsu. Chính là nhờ sức mạnh của Bí Tích Rửa Tội.
 
 (Vatican, Thứ Tư, ngày  08-01-2014).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI