Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 13-C TN (Lc 9, 51-62)

I. Người Việt có câu : “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng!”. Ý nói về những kẻ mới có chút quyền đã lên mặt hống hách, muốn tiêu diệt những kẻ khác mình ! Hai anh em con ông Dêbêđê trong Tin Mừng hôm nay, phản ánh tâm thức đó.

 II. Ông Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20), không phải vì điều tuyên xưng ấy sai, mà là vì ông và các môn đệ hiểu sai điều tuyên xưng ấy. Vai trò của Đấng Kitô không phải là lãnh đạo một vương quốc trần gian, nhưng là vương quốc của Triều Đại Thiên Chúa, là trung tâm của lịch sử cứu độ. Thư Do Thái 1,1-3 diễn tả: qua Đấng Kitô, Thiên Chúa phán dạy trần gian;  nhờ Đấng Kitô, Thiên Chúa sáng tạo và duy trì trần gian;  trong Đấng Kitô, Thiên Chúa tỏ ra cho trần gian biết bản thể của Người;  nhờ Đấng Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ trần gian;  với Đấng Kitô, Thiên Chúa cho trần gian được dự phần vinh hiển với Người. Nói cách khác, sứ mệnh cứu thế của Chúa Giêsu là để thi thố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho trần gian.

Hôm nay, khi Chúa Giêsu muốn đi về hướng Giêrusalem ngang qua Samari (1), dân chúng Samari không tiếp đón Người. Samari là một tên gọi mang tính chủng tộc và tôn giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Giuđê và Galilê, về phía tây sông Giođan. Người Samari chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư  là Kinh Thánh và đã xây một đền thờ trên núi Garidim.

Trước thái độ của người Samari, hai ông Giacôbê và Gioan muốn chia sẻ quyền lực của Chúa Giêsu để làm một phép lạ trừng phạt họ, nên các ông xin Chúa Giêsu cho phép các ông “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy họ”. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ hiểu biết thêm về sứ mệnh của Người :  “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào, vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng” (bản văn Nova Vulgata-1998 : không có câu này).

Chúa Giêsu quở mắng các môn đệ vì các ông vẫn chưa hiểu sứ mệnh của Người nhắm điều gì (x. Lc 9,45). Người không chấp nhận cho người ta coi Người là ngôn sứ Êlia, nhà cải cách được ví với lửa. Người không chấp nhận phản ứng theo kiểu thường tình loài người (x. Lc 6,29). Thánh Luca ghi lại một chi tiết tưởng như không có gì đáng chú ý, nhưng lại gợi hình lên Lòng Chúa Thương Xót nơi những người đi loan giảng Tin Mừng:  “Rồi Thầy trò đi sang làng khác” (Lc 9,56).

Thầy Giêsu muốn các môn đệ không có trả thù, không phàn nàn oán trách và không nản lòng. Vì thế, dù trên đường thi hành sứ mệnh cứu thế luôn gặp những chống đối như tại Samari, người môn đệ chấp nhận những khó khăn và tiếp tục lên đường. Thái độ bình tĩnh và độ lượng này, nói lên cốt lõi Tin Mừng Cứu Thế mà thầy trò Giêsu đang muốn loan giảng : là chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Lòng Thương Xót chỉ ‘tìm kiếm và cứu vớt những gì đã mất’ (Lc 19,10).

Lời dạy này giúp các môn đệ chấp nhận tinh thần của Cha trên trời, Đấng luôn biểu lộ Lòng Thương Xót của Người qua việc yêu thương hết mọi người (x. Mt 5,45). Yêu thương đến mức trao ban người Con Một cho con người (x. Ga 3,16). Và để nhờ Thần Khí của Thiên Chúa là Thần Khí cứu độ (x. Rm 8,10), làm cho con người chẳng những được bảo tồn mà còn được phát triển (x. Ga 10,10).

Thần Khí nầy sung mãn nơi con người Chúa Giêsu và sai Người đi thi hành sứ mệnh. Chúa Giêsu đã lên đường thi hành sứ mệnh trong Thần Khí ấy thể nào, thì các môn đệ theo Người và tham gia vào sứ mệnh của Người, cũng có cùng một Thần Khí và cùng một cung cách thi hành sứ mệnh như thế. Thần Khí biểu lộ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để con người nhận ra niềm vui của Thiên Chúa ban cho con người nơi Chúa Giêsu.

         

III.      Tâm thức của anh em thánh Giacôbê và Gioan phản ứng trước thái độ của người Samari, cũng rất dễ là của mỗi chúng ta khi ai đó không làm như ý chúng ta muốn. Và một khi mang tâm thức đó rồi, Kitô hữu chúng ta sẽ không phản ánh lên niềm vui mà tự bản chất Kitô hữu đang có, ánh sáng của Lòng Chúa Thương Xót trong ta cũng bị che khuất, và sự thù hận dâng cao.

ĐTC Phanxicô (2) nhấn mạnh : Một Kitô hữu là một con người của niềm vui, có niềm vui trong tim. Không có ‘Kitô hữu không có niềm vui’!  Chứng minh thư của Kitô hữu là niềm vui, niềm vui được Chúa Giêsu chọn, niềm vui giữa những thập giá và đau khổ trong đời hiện hữu, niềm vui bình an vì biết Chúa Giêsu đồng hành với mình. Kitô hữu lớn lên trong niềm vui khi tín thác vào Thiên Chúa. Ngài luôn luôn nhớ giao ước của Ngài. Và Kitô hữu thì biết rằng Thiên Chúa nhớ đến mình, Thiên Chúa yêu thương mình, và Thiên Chúa đồng hành với mình, đang chờ đợi mình.

Chúng ta chỉ có thể vượt qua sự bực tức như của hai anh em thánh Giacôbê và Gioan, vượt qua sự thù hằn hiềm khích nhau trong cuộc sống để có niềm vui, nếu chúng ta biết tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những người Samari. Kitô hữu mà không có niềm vui thì không tồn tại, không làm cho người khác thấy được Lòng Chúa Thương Xót. Tha thứ cho những người làm tổn thương và ngược đãi chúng ta, cho kẻ thù chúng ta, sẽ giúp chữa lành tâm hồn chúng ta để lấy lại niềm vui, niềm vui Tin Mừng là Chúa Giêsu, Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để chia sẻ cho nhau.

Chúng ta thân thưa cùng Chúa Giêsu : Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin Chúa giúp con biết thứ tha như Chúa đã tha thứ cho con.

 

 

=========

([1]) Samari là kinh đô của vương quốc phía Bắc do vua Omri sáng lập vào khoảng năm 870. Đế quốc Ássua đưa người Do Thái đi lưu đày sau khi chiếm được đất nước năm -722,  và đưa những người không phải là Do Thái vào làm thực dân ở trong miền đó (2 V 17,24). Có lẽ cũng do đó mà sau này những người ở lại quê nhà đã phá những người Do Thái hồi hương khi những người này xây lại thành và Đền Thờ Giêrusalem (x. Er 4,2-24; Nkm 2,19; 4,2-9).

(2) x. ĐTC Phanxicô, bài giảng thánh lễ ban sáng, ngày 23-05-2016 và 14-06-2016, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI