Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 13 TN-B

Kn 1,13-15;2,23-24; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

TRƯỚC THỐNG HỐI

Chúa Nhật tuần trước trùng ngày 24.6 là Lễ Trọng Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Chúa Nhật Thường Niên chỉ tương đương bậc Lễ Kính, phải nhường cho bậc Lễ Trọng. Nên chúng ta không được nghe Phụng Vụ Lời Chúa chu kỳ 12 TN-B. PVLC CN 12 TN-B này, nhấn mạnh đến sự hiện diện không thể thiếu vắng của Chúa trong cuộc đời con người. Sự hiện diện này (= quà tặng) giúp chúng ta vui tươi sống đời Kitô hữu, và bình an tiến bước về Quê Trời. Sự hiện diện này còn minh chứng lòng thương xót của Người khi Người chăm sóc và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống. Lòng thương xót đó, Người cũng muốn chúng ta phải tỏ ra với những anh chị em lâm cảnh túng thiếu.

          Chìm ngập trong Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta theo gương tác giả Thánh Vịnh thưa lên:  “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt.” (Tv 29,2). Và thành tâm thống hối :

+ Lạy Chúa, vì yêu thương, Chúa đã sáng tạo chúng con với mục đích tốt là cho chúng con được chia sẻ vinh quang bất diệt của Chúa và quyền thống trị muôn loài trên mặt đất (x. Kn 2,23). Nhưng chúng con lại sử dụng sự tự do để tự ý chối bỏ ân huệ cao quý ấy và phá đổ kế hoạch sáng tạo của Chúa. 

+ Lạy Chúa, Vườn Địa Đàng tượng trưng cho cuộc sống hạnh phúc. Nguyên Tổ chúng con đã cộng tác với “quỷ dữ ganh tị”. Hậu quả là “cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24) và khiến cho mọi người phải chết. Nhưng chúng con không ý thức “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong”. 

+ Lạy Chúa, Chúa chấp nhận sự đổ vỡ con người đã gây ra cho chương trình sáng tạo của Chúa, vì Chúa muốn tôn trọng tự do Người đã ban cho họ. Nhưng chúng con lại không nhận ra dung nhan lòng thương xót của Chúa nơi Con Một Yêu Dấu của Chúa, một quà tặng với phẩm chất Thiên Chúa, một dấu chỉ nói lên tuyệt đỉnh lòng Chúa Xót Thương.

 

CHÚA NHẬT 13 TN-B

Kn 1,13-15;2,23-24; 2 Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43

 

I.          Thiên Chúa luôn luôn muốn cứu độ mọi người để mọi người được hạnh phúc như Ngài (x. 1 Tm 2,4). Ngài là Cha giàu Lòng Thương Xót (x. Lc 15; Ep 2,4-5). Để minh chứng Lòng Thương Xót này, Thiên Chúa đã nhờ chính Con Một Ngài để diễn tả cho mọi người biết lòng quảng đại xót thương của Ngài (x. Ga 3,16). Nên, Con Một Ngài là Chúa Giêsu, là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa, là “dung nhan Lòng Chúa Xót Thương”. Lòng Chúa Xót Thương dần dần được hiển linh qua các lời giảng dạy và qua các việc chữa lành của Chúa Giêsu; đặc biệt trong việc thứ tha.

 

II.         Những gì Chúa Giêsu dạy và nhất là qua những phép lạ chữa lành, Người cho chúng ta thấy Người thực hiện những phép lạ ấy là để nói lên những gì tốt lành về Cha Người. Như, khi Người tha thứ cho những kẻ tội lỗi là Người cho chúng ta thấy dung nhan nhân từ của Chúa Cha. Khi Người chữa lành thể xác cũng như tâm hồn là Người cho chúng ta cảm nghiệm quyền năng yêu thương của Chúa Cha, Đấng không muốn thấy con cái mình phải quá khổ đau dưới gánh nặng cuộc đời.

            Bài Tin Mừng hôm nay kể lại 2 câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành.

Trước hết, mặc dù ông Giaia là người trưởng Hội Đường, ông vẫn đích thân đến gặp Chúa. Ông “sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin”. Đây là cử chỉ thờ lạy của con người trước tôn nhan Thiên Chúa. Người “lập tức ra đi với ông”. Lòng quảng đại xót thương dành cho “con người” khiến cho Chúa xếp lại “những việc quan trọng khác”, để mau mắn đáp lại lời cầu xin của ông đến cứu chữa con ông. Chúa ưu tiên cho sự sống con người. Hội Thánh cũng theo nguyên tắc này : con người là con đường Hội Thánh (x. ĐGH Gioan Phaolo II – Thông Điệp Bách Chu Niên, chương VI, 53-62).

Tiếp đến, phép lạ chữa người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm. Những đau khổ vì bệnh tật của bà thật lớn lao, vừa kéo dài nhiều năm vừa làm cho bà tán gia bại sản vì chạy chữa. Bà muốn âm thầm đến với Chúa. Bà “lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người”. Bà không dám đến trước mặt Chúa vì nghĩ mình không xứng đáng. Đối với bà, Chúa thật vĩ đại, quyền năng, không cần phải trực tiếp gặp Người và để Người chạm đến. Bà tin rằng bà chỉ cần chạm vào áo choàng của Người, cũng giúp bà nhận được quyền năng ấy. Lòng quảng đại xót thương của Chúa, làm bà tin tưởng không cần phải lên tiếng xin Người chữa lành.

Đúng như bà suy nghĩ. Ngay sau khi bà chạm được vạt áo choàng của Chúa, Người liền “nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”. Năng lực ấy đã cứu chữa bà. Tuy nhiên, ngoài việc chữa lành, Chúa Giêsu còn muốn đưa bà đi xa hơn nữa trên hành trình đức tin, dù cách biểu lộ đức tin của bà được tỏ ra kín đáo và tế nhị. Người muốn đức tin của bà phải là cuộc gặp gỡ riêng tư giữa bà với Người, để bà “nói hết sự thật với Người”.

Lòng quảng đại xót thương của Chúa đã giải thoát bà khỏi khổ đau do cơn bệnh đã mười hai năm. Chính lòng quảng đại xót thương của Người đã làm cho bà mạnh dạn “đến phủ phục trước mặt Người”, để đón nhận những lời thật khích lệ đầy quyền năng của Chúa nói với bà, mà không sợ dân chúng cười nhạo : “Này con, đức tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.

            Khi tới nhà ông trưởng Hội Đường, người nhà ông Giaia đến báo tin “con gái ông đã chết rồi, và xin ông đừng làm phiền Thầy chi nữa !” Nhưng Chúa Giêsu bảo ‘con bé đang ngủ chứ không phải chết’. Người bị người ta chế nhạo, nhưng Người không phản ứng về những lời đó, mà còn khích lệ ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”, và Người cứ tiến đến chỗ người ta để xác đứa trẻ. Vì Người có lòng quảng đại xót thương thực sự, mới kiên nhẫn và tha thứ cho những kẻ chế nhạo mình.

Lòng quảng đại xót thương, vượt qua cả những luật lệ tự nhiên, để phục hồi sự sống cho một em bé đã chết. Lòng quảng đại xót thương đã vượt trên bất cứ mong đợi nào, dù đó là một người nữ bị băng huyêt suốt 12 năm, hoặc của bất cứ một con người nào. Lòng quảng đại xót thương này, trở nên một dấu chỉ hướng chúng ta đến niềm hy vọng vinh quang của Chúa Giêsu  có được khi Người phục sinh từ cõi chết (x. Cl 1, 27). “Dấu Chỉ” này, giúp chúng ta nghĩ đến cái chết thiêng liêng do tội lỗi của chúng ta. Nhờ lòng quảng đại xót thương của Chúa, chúng ta mới được giải hòa với Người qua Bí Tích Hòa Giải. Bí Tích Hòa Giải là một dấu chỉ bề ngoài, nhờ đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, sẵn sàng và quảng đại tha thứ mọi tội lỗi chúng ta phạm đến Người và đến anh chị em; đồng thời ban ơn thánh để phục hồi sự sống siêu nhiên cho chúng ta. Hội Thánh tuyên tín qua Lời Nguyện : “Lạy Chúa, khi Chúa xót thương và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả” (CN 26 TN – Lex orandi, lex credendi).

            Tha thứ là cao điểm của tình thương yêu. Tình thương yêu đích thực được biểu lộ bằng hành động thứ tha. Khi yêu thương, người ta mới dám cho đi tất cả, cho chính bản thân, nhưng ít  ai cho đi sự thứ tha. Chính sự thứ tha dẫn chúng ta tới thâm cung nhiệm mầu tình yêu thương như Chúa Giêsu, Đấng yêu con người đến cùng (x. Ga 13,1). Thiên Chúa là tình yêu thương (x. 1 Ga 4,8.16). Thứ tha là đặc tính của tình yêu thương Thiên Chúa dành cho con người.

           

            III.  Quyền năng, tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho ông Giaia và người phụ nữ băng huyết trong bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta phó thác tin yêu vào Người. Tin là đáp lại tình yêu và lòng thương xót ấy.  Nhưng để đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta phải có thái độ căn bản là khiêm nhượng, như ông Giaia, hoặc như người phụ nữ bị bệnh băng huyết. Tấm gương khiêm nhường của hai người dạy chúng ta bài học “nhìn vào Chúa Giêsu” để không sợ hãi, sẵn sàng “nói hết sự thật” để giãi bày cõi lòng với Chúa.

            Vì Người là “Đấng vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh chị em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh chi em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9).  Thánh Phaolô (x. 2 Cr 8,7.9.13-15) mời gọi chúng ta nhìn vào Lòng quảng đại xót thương như Chúa Giêsu, mới xóa bỏ ranh giới để ơn cứu độ không chỉ hạn hẹp dành riêng cho riêng ai, nhưng cho toàn thể nhân loại không trừ một ai. Theo gương Chúa Giêsu quảng đại ban ơn cứu độ cho chúng ta, chúng ta cũng quảng đại đáp lại và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, một cách cụ thể để quảng đại “giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu” (x. 2 Cr 8,14). 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI