Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 15-A TN (Rm 8,18-23)

CHÚA NHẬT 15-A TN (Rm 8,18-23)
  
I.          Ca dao Việt Nam có câu : Muốn no thì phải chăm làm / Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi. Đời người muốn thành công hạnh phúc, không thể không kinh qua kiên trung vất vả trong công việc (x. St 3,17). Ngôi Lời Thiên Chúa đã hóa thân làm người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14), đồng lao cộng khổ với con người (x. Pl 2,6-7). Điều này xảy ra, “không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy” (Rm 8,20). Nhưng, chúng ta luôn xác tín rằng “sẽ không có ngày nào trong cuộc sống mà con tim của Thiên Chúa không lo lắng cho chúng ta” (x. ĐTC Phanxico, Radio Vaticana, ngày 26 tháng 04 năm 2017). 
 
II.         Cuộc sống chúng ta hạnh phúc vì luôn có Chúa đồng hành, luôn có Chúa là Đấng Emmanuel của chúng ta (x. Mt 1, 23). Đồng thời, cuộc sống chúng ta và muôn loài thọ tạo cũng đang “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (x. Rm 8, 22-23). Hai mặt này của một cuộc sống, trong Rm 8,18-23 (BĐ II), thánh Phaolô lý giải điều này.
Qua Bí Tích Rửa Tội, nhờ cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, chúng ta được hội nhập vào Người. Vì thuộc về Chúa Giêsu, nên chúng ta cũng có chung một Thánh Thần với Người. Thánh Thần đã giúp Người khi ở trần gian gọi Thiên Chúa là “Abba! Cha ơi!” (Rm 8, 15 ; x. Gl 4, 6) thế nào, cũng cho chúng ta có đủ tư cách để gọi Thiên Chúa là Cha như thế.
      Bởi vậy, theo thánh Phaolô, “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta… Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19). Vì tất cả “vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21).
Con người không phải đợi đến Ngày Chung Thẩm (x. Mt 25, 31-46) mới nhận được vinh quang cứu độ từ Thiên Chúa. Thánh Thần đã ban cho con người cảm nghiệm được điều đó ngay từ cuộc đời này. Nên thánh Phaolô xác tín : “Chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,23).
       Hiện thời, chúng ta là con Thiên  Chúa. Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Nhưng chúng ta vẫn đang sống trong một cuộc đời còn lệ thuộc hậu quả của tội lỗi. Do đó, tất cả thế gian chưa nhìn thấy và chưa thể nhận biết vinh quang đã bắt đầu được mặc khải nơi các tín hữu nhờ quyền năng Thánh Thần. Khi mặc khải vinh quang ấy được hoàn tất, chính là lúc muôn loài thọ tạo được giải thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi.
         Cuộc giải thoát này đã bắt đầu trong Hội Thánh, nơi Thánh Thần Thiên Chúa đã làm cho các tín hữu trở thành con Thiên Chúa. Trong cuộc giải thoát nầy, Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta cộng tác với Người. Chúng ta là hoa quả đầu mùa của ơn cứu độ, nhưng vẫn còn phải hy vọng trong kiên nhẫn (x. Rm 8, 24-25). Và Thiên Chúa vẫn luôn luôn dủ lòng thương xót chúng ta. Niềm hy vọng đó, chính là động cơ giúp chúng ta có sức chịu đựng những khổ đau hiện tại.
 
            III.        Chúng ta là những con người được tuyển chọn “để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2, 9). Vì Ngôi Lời Thiên Chúa là Chúa Giêsu đến trần gian và đã thay đổi hoàn toàn thân phận của chúng ta, thánh hóa chúng ta nên “đồng hình đồng dạng” (x. Rm 8, 29) với Người. Những đau khổ chúng ta chịu hiện thời không thể sánh với vinh quang chúng ta sẽ được mai sau (x. Rm 8,18). 
Ngôi Lời Thiên Chúa bảo đảm cho chúng ta niềm hy vọng đó. Người làm cho cuộc đời mỗi chúng ta có ý nghĩa và giúp chúng ta kiên vững trước mọi gian nan thử thách.  Đây là con đường hy vọng của Người, Đấng từng tuyên bố “ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và  khỏi bị xét  xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (x. Ga 5, 24). Người đã vượt qua từ cái chết đến cuộc sống lại trước tiên để mở đường (x. Cl 1, 12-20) và làm “Đường” (x. Ga 14, 6) cho chúng ta đến cùng Thiên Chúa Cha. 
            Vấn đề hôm nay, là mỗi chúng ta có ý thức Chúa Giêsu là Chúa đang hiển ngự “nơi lòng chúng ta, để luôn luôn sẵn sàng đáp lời với mọi người hỏi lẽ chúng ta về mối hy vọng có trong chúng ta không” (x. 1 Pr 3,15). Những khi Rước Lễ, những buổi chầu Thánh Thể, những lần viếng Thánh Thể, và mỗi lần Rước Lễ thiêng liêng, đó là bí quyết để chúng ta  cảm nghiệm lại sự hiện diện của Chúa Giêsu-Emmanuel đã có trong chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhờ đó, chúng ta dám phản tỉnh (= tìm nguyên nhân) và phân định (= chọn hướng đi) từ cách tổ chức và giáo dục cuộc sống trong quá khứ, để vơi đi nỗi khổ và tăng niềm vui tươi hy vọng tương lai.
 
KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG : Kính lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong Bí Tích Thánh Thể, nên lòng con khát khao ước ao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được Rước Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa là xin Chúa thương ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin thương ngự vào lòng con. Amen.
 
(Thánh FranÇois De Sales khuyên: cứ mỗi mười lăm phút,  nên lặp lại lời kinh Rước Lễ Thiêng Liêng này).

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI