Thứ Sáu, 18 Tháng 4, 2025

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 15 TN-B 

(Am 7,12-15; Ep 1,3-14Mc 6,7-13)

 

TRƯỚC THỐNG HỐI

Ngôn sứ đáp lại lời gọi của Thiên Chúa để thi hành một sứ vụ. Ngôn sứ là tiếng nói của Thiên Chúa. Ngôn sứ nhận ‘lệnh’ từ Thiên Chúa, nên lời nói của ngôn sứ khi thì diễn tả một tâm tình, khi thì thẳng thắn cảnh cáo những sai trái của con người. Do đó, những ai nghĩ là vị ngôn sứ đang nói những điều bất lợi về mình, thường họ khó chịu và không muốn thấy vị ngôn sứ hiện diện tại miền đất của mình. Mỗi chúng ta, nhờ Bí Tích Rửa Tội, được Thiên Chúa mời gọi làm ‘con Chúa’, để ra đi làm chứng nhân cho Chúa bằng việc phục vụ tha nhân.

Tạ ơn Chúa về hồng ân cao quý này.

Và thành tâm thống hối :

+ Lạy Chúa, những lời căn dặn của Chúa hôm nay là một bản đề cương với những lời đơn sơ muốn nói lên tinh thần phải có đối với những ai Chúa gọi làm chứng nhân của Chúa. Nhưng chúng con lại không nhớ đây là một “ơn gọi phục vụ”, Chúa mời gọi để chúng con ra đi phục vụ.

+ Lạy Chúa, Chúa sai các chứng nhân ra đi từng hai người một, để giúp đỡ nhau; và Chúa “ban quyền” để các ngài sử dụng mà giải thoát người khác khỏi quyền lực của ác thần, của bệnh tật trên tinh thần và thể xác. Nhưng chúng con chưa tín thác vào tình yêu và quyền năng của Chúa. 

+ Lạy Chúa, Chúa muốn người chứng nhân phải luôn thẳng thắn thi hành sứ vụ của mình bằng lời loan giảng và việc phục vụ, để trở nên khí cụ bình an của Chúa. Nhưng chúng con chưa trung thành theo những lời dặn dò đơn sơ, cần thiết và thực tế của Chúa.

 

 

SUY NIỆM

 

I.          Một thánh nhân vĩ đại, hoặc một thường dân, ai cũng đều nhờ tinh cha huyết mẹ mà được hiện diện trên cõi đời này. Hạnh phúc biết bao cho những ai khi hiện hữu trên cõi đời này, lại được cha mẹ chăm sóc những ngày còn thơ bé. Một ân sủng thật lớn lao hơn, hạnh phúc tuyệt vời hơn nữa khi con người được Thiên Chúa chọn làm nghĩa tử, nhờ Chúa Giêsu Kitô. Và được Thiên Chúa chọn gọi là để nhận sứ vụ Người trao.

 

            II.         Như ông Amốt, một nông dân chỉ biết miệt mài với công việc chăn nuôi và trồng cây. Ông không hề nghĩ một ngày nào đó ông vinh dự được Thiên Chúa gọi làm công việc của một vị ngôn sứ. Đáp lời gọi của Chúa, ông loan giảng ở miền bắc vương quốc Israel, dưới thời Giarópam II (783-743 tCN).

Với tính tình chất phác của người nông dân, lời giảng của ông giản dị, dễ hiểu, nhưng cũng hết sức mạnh mẽ và thẳng thắn. Chính những lời ông cảnh cáo tội ác của mọi giới trong Israel đã khiến cho các nhà lãnh đạo khó chịu, và không muốn thấy ông hiện diện tại miền đất của họ sinh sống nữa.

Ngôn sứ đáp lại lời gọi của Chúa để thi hành một sứ vụ trong một thời gian. Thánh Phaolo cho thấy vinh dự của con người là được Thiên Chúa tuyển gọi, không chỉ để trở thành một ngôn sứ mà được tuyển chọn còn để trở thành “nghĩa tử” nhờ Chúa Giêsu Kitô.

Trong phần thứ nhất Thư Êphêsô, thánh Phaolô cho chúng ta biết điều này khi ngài long trọng dâng lời chúc tụng và đề cao ân sủng Thiên Chúa tuyển chọn con người làm “nghĩa tử” nhờ Chúa Giêsu Kitô. Ngài gọi ân sủng đó là “kế hoạch yêu thương”.

Kế hoạch này là : 1) Thiên Chúa đã chọn con người và muốn con người nên tinh tuyền thánh thiện (x. Ep 1,4); 2) Thiên Chúa đã tiền định cho con người làm nghĩa tử nhờ Đức Kitô (x. Ep 1,5); 3) Thiên Chúa cứu độ con người nhờ máu Thánh Tử đổ ra (x. Ep 1,7); 4) Thiên Chúa đã chọn các Tông đồ làm gương mẫu đặt hy vọng vào Đức Kitô (x. Ep 1,11); 5) Thiên Chúa đã cho con người được diễm phúc đón nghe Tin Mừng (x. Ep 1,13); 6) Thiên Chúa ban Thánh Thần làm bảo chứng phần gia nghiệp của con người (x. Ep 1,13).  

            Đoạn Ep 1,3-14, là một bài thánh thi chúc tụng Thiên Chúa Cha, Đấng đã thực hiện kế hoạch cứu độ, trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, cùng với sự tiếp tục và sinh hiệu quả do Thánh Thần. Chúa Cha là Đấng đã thi ân giáng phúc, Đấng đã chọn, Đấng đã tiền định, Đấng cho ta biết được… chính Người yêu thương nhân loại với tình yêu vô điều kiện và muốn nhân loại nhận biết tình yêu ấy mà đáp trả. Tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ qua Đức Giêsu Kitô. 

Thánh Phaolô sử dụng cụm từ “trong Đức Kitô”, hoặc “nhờ Đức Giêsu Kitô”. Điều này cho chúng ta biết vai trò quan trọng của Đức Giêsu Kitô trong kế hoạch cứu độ. Kế hoạch cứu độ không thể thực hiện ngoài Đức Giêsu Kitô và nhờ một nhân vật nào khác không phải là Đức Giêsu Kitô.

 

            III.        Chúa Giêsu tuyển chọn các tông đồ, để các ông loan giảng Tin Mừng (x. Mc 16,15). Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (x. Mc 1,1). Vì “không có ơn cứu độ ngoài Đức Giêsu Kitô” (x. Cv 4,12).

Bởi vậy, Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi từng hai người một. Người “ban quyền” cho các ông, để sử dụng mà giải thoát người khác khỏi quyền lực của ác thần, bệnh tật thể xác cũng như tinh thần. Người muốn các ông một lòng tín thác cậy dựa vào tình yêu cũng như quyền năng, sức mạnh của Chúa mà thôi; đang khi thi hành sứ vụ thì phải nghiêm túc không thỏa hiệp. 

Như thế, con người muốn được cứu độ, cần phải kết hiệp với Đức Giêsu Kitô. “Kết hiệp” đây chính là “ở lại” trong Đức Giêsu Kitô, như ĐTC Bênêđictô XVI viết : “Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc ‘ở lại’ cách thâm sâu và trung tín với Chúa”. Ðiều quan trọng là luôn gắn kết với Đức Giêsu Kitô, nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho, các con cũng vậy, nếu không ở trong Người (x. Ga 15,4-5). 

            Chúng ta xin ơn khao khát kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Tạ ơn Chúa đã tuyển chọn chúng ta làm nghĩa tử trong Đức Giêsu Kitô.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI