Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

SUY NIỆM VỀ MẦU NHIỆM CHÚA PHỤC SINH-Lm. Hoàng Luật

ALLELUIA. CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

SUY NIỆM VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH


      Alleluia “Chúa đã sống lại thật”. Đây là lời xác tín, là lời công bố vui mừng của các môn đệ cũng như của mọi thế hệ Kitô hữu. Chúa Giêsu phục sinh là sự kiện có thật và là nền tảng niềm tin của Giáo hội. Khởi đi từ biến cố này, người Kitô hữu vững vàng hiên ngang sống niềm tin của mình, vượt qua mọi sóng, những trăn trở của phận người để hướng tới sự sống lại vinh quang với Chúa Kitô. Đau khổ, cái chết không còn là tiếng nói cuối cùng mà là sự sống lại vinh hiển: “Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11, 25-26).  

1. Chúa Giêsu phục sinh một biến cố vĩ đại và kỳ diệu

Chúa Giêsu phục sinh là biến cố vĩ đại và kỳ diệu, vì Ngài đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng tử thần mở đường vinh quang cho nhân loại. Giữa lúc nhân loại đang ngồi trong tối tăm, trong sự vô vọng của sự chết, Chúa Kitô đã sống lại vinh quang, bẻ gãy xiềng xích của sự dữ và sự chết đang trói buộc con người. Ngài đã sống lại thật như lời Ngài từng tiên báo. Đã trở thành Ánh Sáng cho nhân loại. Thành Môisê Mới dẫn đầu dân mới là Giáo hội bước vào sự sống mới. Thật vậy, biến cố Chúa Giêsu sống lại đánh dấu tội lỗi, sự dữ, thế gian bắt đầu bị chế ngự. Thiên Chúa thống trị, làm chủ, đánh thức mọi cõi lòng, đưa nhân loại sang một khúc quanh, một kỷ nguyên mới. Chính vì thế, đầu đêm Canh Thức Vượt Qua chúng ta cùng cất vang lên bài ca Exultet: Mừng vui lên. Không mừng vui sao được vì Chúa đã sống lại thật. Nguồn vui ơn cứu độ đã đến thế gian. Sự sống mới, hạnh phúc mới bắt đầu xuất hiện. Không vui sao được từ lâu khi nguyên tổ phạm tội, nhân loại khao khát, mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát. Sự mong đợi ấy đã trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu phục sinh mang ơn cứu độ đế cho nhân loại: “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”(x. 1Cr 15, 20-22). Thánh Gioan được mạc khải trong thị kiến: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ (x. Kh 1,17c-18).

2. Chúa Giêsu phục sinh, niềm hy vọng cho nhân loại

Biến cố Chúa Giêsu phục sinh là biến cố quan trọng liên hệ tới toàn bộ đời sống, lịch sử nhân loại. Nếu Chúa không sống lại thì cuộc sống con người sẽ không có giá trị, sẽ giống như những động vật khác; chết là hết. Nhưng Chúa Giêsu đã sống lại thật nên cuộc sống con người mang một giá trị mới, vì sẽ được chung hưởng vinh quang với Chúa muôn đời trên Nước trời. Đây là niềm vui niềm, niềm hy vọng cho chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại”(Rm 6, 3-5).

Nhưng thật trớ trêu, không phải ai cũng nhìn nhận Chúa Giêsu sống lại, nhiều người giống như một số người Do thái xưa, họ phi bác việc Đức Kitô sống lại. Họ cho các tông đồ đã lấy trộm xác Chúa(x. Mt 28,11-15). Nhiều người cho việc tin Chúa Giêsu sống lại là mê tín, mơ hồ. Thánh Phaolô nói về vấn đề này: “Có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể nấy”(1Cr 15, 35-38). Công Đồng Vaticanô II diễn tả những cứng lòng muôn thuở của con người trong Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” với những lời thật súc tích như sau: “…trước sự tiến hóa hiện nay của thế giới, càng ngày càng có nhiều người hoặc đặt vấn đề hoặc nhận thức sâu sắc mới mẻ về những vấn đề hết sức căn bản như: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng còn tiếp tục tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ? Bao chiến thắng đạt được với giá đắt ấy có ích gì? Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau cuộc sống trần gian này?” (x. Gaudium et Spes số 10).

Chúa Giêsu phục sinh sẽ là câu trả lời cho tất cả những vấn nạn trên! Công Đồng Vaticanô II xác định trong cùng văn kiện trên: “Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và sống lại cho mọi người. Vì thế qua Thánh Thần của Người, Người ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình. Giáo Hội cũng tin rằng dưới bầu trời này chẳng còn danh hiệu nào khác được ban cho loài người để loài người nhờ đó mà được cứu rỗi. Cũng thế, Giáo Hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Đức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội. Hơn nữa, Giáo Hội còn tin rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vậy dưới ánh sáng Chúa Kitô, Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình, Trưởng Tử giữa mọi thọ sinh, Công Đồng muốn nói với mọi người để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và để cùng nhau tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại chúng ta”.

Người Kitô hữu chúng ta thì sao? Chúng ta tin Chúa phục sinh có mơ hồ không? Chắc chắn không. Việc Chúa phục sinh là một sự kiện có thật, một sự kiện của lịch sử. “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng. Và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, như thế là chúng tôi chống lại Thiên Chúa” Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống”(1Cr 15, 14-23).

Khi Chúa Giêsu sống lại không ai thấy, Tin Mừng cũng không nói Ngài sống lại như thế nào, nhưng cả bốn Tin Mừng đều thuật lại ba điểm giống nhau. Thứ nhất về thời giờ là sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Thứ hai là ngôi mộ trống. Chúa Giêsu không còn ở trong mộ. Có những nhân vật chứng kiến là bà Maria Madalena, hai tông đồ thế giá là Phêrô và Gioan (Mc 16: 1-8; Lc 24: 1-10; Ga 20: 1-10 ). Thứ ba là Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ và chứng minh cho họ thấy là ngài đã sống lại(Mc 16: 14 -18; Lc 24: 36 -49; Ga 20: 19 -23; Cv 1:6-8).  

Thánh Phaolô cũng chứng thực điều này: “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15, 3-8).

Không cần phải lý luận dài dòng, giả sử Chúa Giêsu không sống lại thì ngày hôm nay không ai còn tin Chúa Giêsu. Nhưng vì Ngài đã sống lại thật nên trãi qua hơn hai ngàn năm lịch sử, trãi qua bao nhiêu thăng trầm, bắt bớ tù tội.. vẫn có nhiều người tin vào Chúa Giêsu, trong đó có những bác học, những nhà khoa học nổi tiếng. Ngày hôm nay khoa học phát triển, con người chế tạo, phát minh nhiều điều mới lạ, nhưng số người tin Chúa Giêsu trên thế giới vẫn nhiều, riêng Công giáo hơn một tỉ người.

3. Làm sao để được phục sinh với Chúa Giêsu?

Thánh Phaolô nói: Chúa Giêsu là đầu, chúng ta là chi thể(x. 1Cr 10,17; Cl 1,18). Chúa Giêsu là cây nho, chúng ta là cành nho(x.Ga 15,1-8). “Đầu” đã sống lại, “cây nho” đã sống lại thì chúng ta là chi thể, là cành trước sau gì cũng được sống lại để được kết hợp với Ngài. Chúa Giêsu phục sinh đã trở thành nền tảng của niềm tin, niềm hy vọng cho chúng ta. Biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu, đã làm sáng tỏ, trả lời cho chúng ta những thắc mắc, những nghịch lý, những đau khổ, những thánh giá, cùng đích cuộc đời. Sự đau khổ, sự chết của chúng ta trở thành một ý nghĩa mới, trở thành hy tế cứu độ cho nhiều người, vì được tham dự vào sự đau khổ và sự phục sinh của Chúa. Thánh phaolô từng nói: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta”(Rm 6,8). Ngài còn nói: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).

Chúng ta muốn được phục sinh vinh hiển với Chúa, chúng ta cần đi con đường Chúa đi, là con đường thập giá để đi tới vinh quang. Thập giá đó luôn có trong phận người, luôn có trong ơn gọi làm con Chúa. Thập giá đó là đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa Kitô. Tính xác thịt ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Thánh Phaolô nói: Tôi bảo trước cho mà biết: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê(x. Gl 5,20-24).

Chúng ta cần chết đi con người cũ, con người tội lỗi, con người thế gian: Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống(Rm 8, 13). Hãy loại bỏ men cũ là lòng gian tà và độc ác để trở thành bột mới là lòng tinh tuyền và chân thật(x. 1Cr 5,7-8). Phải sống theo Thần khí Chúa là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ(Gl 5, 22-23).

Muốn được phục sinh với Chúa chúng ta cần mục nát đi những điều xấu để nẩy sinh ân huệ sự sống mới như hạt lúa mì mục nát nó mới phát sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12, 24-26). Mục nát ở đây chính là hy sinh bỏ mình, bỏ đi những điều nghịch với thập giá Đức Kitô (x. Pl 3, 17). Đức Kitô đã tự nguyện mục nát, đi vào con đường hẹp, con đường yêu thương cho đến chết và chết trên thập giá, nên đã được Thiên Chúa tôn vinh trên mọi danh hiệu(x. Pl 2,6-11).

Một hình ảnh khác rất đẹp, hạt giống ở trong lòng đất, nó phải đội lên một lớp đất mới nẩy mần, mới phát triển cây non. Vậy chúng ta muốn sống lại với Chúa, chúng ta cần can đảm đẩy đi, hất tung đi những rào cản, những đam mê xấu không xứng với con cái Chúa. Phải hất tung đi những nghen tị, độc ác, tham lam, bất công … đang đè nặng cuộc đời người Kitô hữu. Đức Kitô khi sống lại cũng đã đẩy nắp mồ ra, đẩy sự chết trói buộc Ngài.

Khi chúng ta hất tung, bỏ đi những tham sân si của kiếp người nhiều khi làm chúng ta mất mát, vất vả, hy sinh, có khi còn đau đớn nữa. Nhưng thánh Phaolo cho chúng ta niềm hy vọng: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta”(Rm 8,18). 

Chúa đã chết và sống lại hơn hai ngàn năm, nhưng nhiều người vẫn chưa tin Chúa, hoặc không biết Chúa Giêsu Phục sinh để được sống đời đời. Là những Kitô hữu chúng ta cần trở nên chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục sinh như Madalena, như Phêrô, Gioan, các tông đồ đem Tin Mừng Phục sinh cho người khác. Việc chứng nhân cụ thể được thánh Phaolô mời gọi: hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới(x. Cl 3,1-4). Xin Chúa mở lòng, phá tan những tấm lòng chai cứng của biết bao người như những phiến đá đậy nắp mồ Chúa, để niềm tin được chổi dậy nơi họ đưa họ tới sự sống đời đời với Chúa Kitô phục sinh.

Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồng Ân Thánh Hiến – Đan Viện Xitô Châu Thủy, 11.07.2023

HỒNG ÂN THÁNH HIẾN - ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY Hôm nay ngày 11.07.2023, Giáo hội mừng lễ thánh Biển Đức viện phụ,...

Thánh lễ An Táng – Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành

THÁNH LỄ AN TÁNG - Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành Cách đây gần 4 tháng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy đã...

Thánh lễ An táng Đan sĩ Lm. M. Clemente Phạm Sĩ Ân 10.02.2023

THÁNH LỄ AN TÁNG  Đan sĩ Linh mục Maria PHẠM SĨ ÂN         Xem hình ảnh tại đây      Bầu khí Đan...

Lễ Phong chức Linh mục tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy 19.12.2022

THÁNH LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy Thứ ba - 20/12/2022 Xem hình          Gần tới Lễ Chúa...

Xin kính dâng Cha (dâng lễ) St: Lm. Hoàng Luật, Tb: Tốp ca MTG Vinh

https://youtu.be/ZzbEenqJrn0      

LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY

  ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY(Phần I)     I....

Lịch sử Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy(Phần II)

  LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU...

Lễ Phong Chức linh mục và Phó Tế, Cộng Đoàn Châu Thủy

LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ Đan...

Khấn Dòng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY: HỒNG...

Cảm nghiệm của một linh mục khi đến tĩnh tâm tại Đan Viện Xitô Châu Thủy

CẢM NGHIỆM TUẦN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN XITÔ...