CHÚA NHẬT 19-A TN
(1 V 19,9.11-13; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33)
I. Đầu thế kỷ 20, con người được biết về một con tàu Titanic, với chiều dài 269 mét, bị chìm vào ngày 15-04-1912. Đầu thế kỷ 21, con người được biết về một Toà Tháp Đôi ở New York cao đến 110 tầng (khoảng 425 mét) : bị tấn công và sụp đổ tan tành, chôn vùi gần năm ngàn nạn nhân vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Những tháng ngày này… với bao vụ cháy các khách sạn danh tiếng trên thế giới; và gần chúng ta nhất, khoảng 23 g 30 đêm 05-08-2017, Nhà Thờ Trung Lao, thuộc Giáo Phận Bùi Chu, xây dựng từ năm 1888, có nội thất bằng gỗ lim với hàng trăm cây cột đường kính 70-80 cm, cũng đã bị cháy.
Bao nỗi bất hạnh cũng như đang muốn ập xuống con người bất cứ lúc nào. Dường như “lo sợ” đang bao quanh con người chúng ta. Theo Kinh Lễ Nho Giáo, con người có 7 loại tình cảm, gồm: Hỷ (vui mừng), Nộ (hờn giận), Ái (yêu thương), Ố (ghen ghét), Ai (buồn sầu), Cụ (lo sợ), Dục (ham muốn). Loại tình thứ sáu là “lo sợ”, như có sẵn trong bản chất con người, nên cụ Nguyễn Công Trứ kêu lên : “thoát sinh ra thì đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì ?” (Chữ Nhàn). Ngày khôn lớn, lại cũng “lo sợ” : “một mình lo bảy lo ba; lo cau trổ muộn, lo già hết duyên” (Ca dao).
ĐTC Phanxico lạc quan nhắc lại rằng : Trong Kinh Thánh, có hơn 365 lần lời khuyên “Đừng lo sợ” (Vatican, 28-07-2015).
II. Con người có lạc quan để “đừng lo sợ” không ? Thật khó ! Tin Mừng hôm nay minh chứng điều này.
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng trên 5,000 người (x. Mc 6,45-52; Ga 6,16-21), Người liền bắt các ông xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Con thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, đang bị sóng đánh vì ngược gió. Người biết điều đó. Người biết các ông đang cần có sự hiện diện của Người. Người dùng quyền năng Thiên Chúa để đi trên mặt nước mà đến với các ông.
Các môn đệ là dân chài, nên thường ngày vẫn luôn đối đầu với sóng gió, sóng gió không làm các ông lo sợ mấy. Nhưng khi nhìn thấy có người đi trên mặt nước biển và tiến về phía các ông: các ông kinh hoàng. Kinh hoàng vì các ông suy nghĩ là không người nào có thể đi trên biển, ngọai trừ quyền lực siêu nhiên hay quyền lực ngoại nhiên. Chúa Giêsu lên tiếng trấn an các môn đệ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng lo sợ” !
Cái bản năng “lo sợ” muốn được kiểm chứng, nên ông Phêrô đã thưa lên : “Thưa Thầy, nếu quả là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Chúa Giêsu bảo ông: “Cứ đến” ! Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy gió nổi lên thì ông lo sợ. Lo sợ sinh hoài nghi. Và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Thầy, xin cứu con!” Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” ? Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.
Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Chính Thầy là Con Thiên Chúa” ! Một cử chỉ hết sức ý nghĩa đã được thánh Mátthêu ghi lại. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, việc bái lạy chỉ dành riêng để tỏ lòng phụng sự tôn thờ đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta không chỉ vì chúng ta cần Người cứu giúp, không chỉ như một “người làm phép lạ”, nhưng quan trọng là để chúng ta biết nhận ra Người là Đấng nào. Con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”. Tước hiệu “Con Thiên Chúa”, nói lên sứ mệnh cứu độ Chúa Giêsu sẽ thực hiện cho nhân sinh.
III. Tin Mừng theo các thánh sử Mátthêu, Máccô và Gioan, đều ghi lại câu truyện này. Đặt hai phép lạ bên nhau, các thánh sử như muốn gợi lại hai biến cố trong Cựu Ước: Thiên Chúa đưa dân Do thái vượt qua Biển Đỏ và nuôi sống họ bằng Manna trong hoang địa.
Hội Thánh cũng đang làm một Cuộc Vượt Qua. Cuộc Vượt Qua từ trần gian này để tiến về quê hương vĩnh cửu trên trời. Một Cuộc Vượt Qua đòi hỏi các thành viên trong Hội Thánh phải tin yêu vào Thiên Chúa và Đấng Người sai đến để dẫn dắt Hội Thánh (x. Ga 3,16). Chúa Giêsu là đối tượng đức tin. Nơi Người, chúng ta nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết và sống theo làm sao (x. Ga 14,6). Đây là một mối tương quan sống động liên kết hai chủ thể với nhau để sinh hoa quả (x. Ga 15).
Khi ông Phêrô không còn ý thức Chúa Giêsu hiện diện trong đời mình, là lúc “ông lo sợ và bắt đầu chìm”. Thiếu mối tương quan giữa con người chúng ta với Chúa Giêsu, cũng chính là thiếu ý thức về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống. Con người chúng ta cũng sẽ “lo sợ và bắt đầu chìm” như ông Phêrô. Chúa Giêsu đã nhắc nhở ông Phêrô và các bạn ông ngay từ đầu : “Chính Thầy đây, đừng lo sợ!” Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời chúng ta là bản chất của đức tin. Sống đức tin là sống tương quan với Người, giúp chúng ta không lo sợ.
Chúa Giêsu Thánh Thể, là hiện tại hóa lời “Chính Thầy đây, đừng lo sợ” ! Chúng ta mau đến bái lạy Người và tôn vinh chúc tụng Người : “Chính Thầy là Con Thiên Chúa” ! Chúng ta mau đến bái lạy Người và thân thương thưa với Người : “Cha ơi”!