Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 2-B PHỤC SINH – KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

CHÚA NHẬT  2-B  PHỤC SINH

KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

TRƯỚC THỐNG HỐI

Alleluia. Chúa đã sống lại. Chúa Giêsu Phục Sinh là nền tảng xây dựng Cộng Đoàn. Cộng Đoàn này diễn tả Hội Thánh của Đấng Phục Sinh với những điều tích cực và tiêu cực, mang tính trần thế và cả thánh thiêng. Nhưng Cộng Đoàn Hội Thánh của Đấng Phục Sinh này lại là “dấu chỉ” Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót.

 

            + Lạy Chúa, Chúa củng cố đức tin chúng con, bằng sự hiện diện của Đấng Phục Sinh là Dung nhan Lòng Chúa Thương Xót giữa Cộng Đoàn, để Cộng Đoàn được bình an và vui mừng. Nhưng chúng con đã không nhận ra giá trị cao quý của đời sống chung giữa Cộng Đoàn.

           

+ Lạy Chúa, đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh được củng cố và trưởng thành nơi Cộng Đoàn. Đồng nghĩa Cộng Đoàn là nhân tố cơ bản cho đức tin phát triển và hiệp nhất. Nhưng chúng con chưa ý thức điều làm cho Cộng Đoàn phát triển và hiệp nhất, theo Cộng Đoàn tín hữu Giêrusalem, là “chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung” (Cv 4,32).

 

+          Lạy Chúa, Cộng Đoàn các tín hữu Giêrusalem đã để lại cho chúng con những tấm gương sống động qua đời sống đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, và mọi người thương yêu nhau. Nhưng chúng con lại chỉ biện minh bằng những dấu chỉ cứng lòng tin và tiêu cực nơi người thời đại hôm nay, để chỉ sống cho mình.

 

 

I.          LỊCH SỬ THÁNH LỄ.

Ngày 30.4.2000, nữ tu Maria Faustina được ĐTC Gioan Phaolô II tôn vinh hiển thánh. Đồng thời ĐTC ấn định từ năm 2001, Chúa Nhật II Phục Sinh, là lễ tôn kính Lòng Chúa Thương Xót, để đáp lại ý muốn Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Cha mong ước Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là ngày đại lễ kính lòng thương xót Cha” (Nhật Ký –NK– 299). “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (NK, 699).

Trong dịp này, ĐTC dạy: “Chúa Giêsu cúi mình xuống trước mọi hình thức nghèo khổ của nhân loại, nghèo vật chất cũng như tinh thần. Sứ điệp về lòng thương xót tiếp tục chạm đến chúng ta qua cử chỉ Ngài đưa tay hướng về người đau khổ… Tôi chuyển đến mọi người lòng thương xót đó, để cho họ tìm hiểu ngày càng rõ ràng hơn về gương mặt đích thực của Thiên Chúa và gương mặt của anh em mình”.

ĐTC còn nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đón nhận trọn vẹn sứ điệp xuất phát từ Lời Chúa trong Chúa Nhật II Phục Sinh, và kể từ nay, Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật của Lòng Chúa Thương Xót”.

 

II.         SỨ VỤ THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA : “món quà của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta” (ĐGH Gioan Phaolo II).

 

Thánh nữ sinh ngày 25.08.1908 tại làng quê Glogowiec ở Ba Lan. Helena là tên thánh rửa tội. Là người con thứ ba trong gia đình nông dân nghèo gồm 10 người con, Helena chỉ được đi học có 3 năm. Ngày 01.08.1925, Helena được nhận vào Dòng Nữ Tử Ðức Bà Xót Thương và đổi tên là Maria Faustina. Thánh nữ qua đời tại Cracovia ngày 05.10.1938, lúc 33 tuổi đời.

Trong 13 năm sống trong Dòng, thánh nữ được nhiều ơn mặc khải, thị kiến, được nhận dấu thánh của Chúa, và cả ơn tiên tri nữa. Theo ý muốn của Chúa Giêsu và theo yêu cầu của cha linh hướng, thánh nữ đã ghi Nhật Ký (NK – khoảng 700 trang) tất cả những cuộc đối thoại thiêng liêng giữa ngài và Chúa Giêsu, như thánh nữ  viết: “Hôm nay Ta sai con đi loan truyền Lòng Thương Xót của Ta cho mọi người khắp thế giới. Ta không muốn trừng phạt con người, nhưng Ta muốn chữa lành, ôm ấp con người vào Trái Tim Giàu Lòng Thương Xót của Ta”.

 

1. BỨC HÌNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ chiều ngày 22 . 02 . 1931 ngay trong phòng của thánh nữ tại Tu Viện ở Plock, và dạy chị vẽ bức ảnh theo hướng dẫn của Chúa Giêsu. Thánh nữ ghi lại trong nhật ký: “Ban chiều khi đang ở trong phòng của mình, tôi trông thấy Chúa Giêsu mặc chiếc áo trắng : một tay giơ lên để ban phúc lành, trong khi tay kia chạm vào áo trên ngực, từ đó nhích ra bên cạnh để cho hai luồng sáng lớn phát ra,  một đỏ, một nhạt… Sau một chút Chúa Giêsu nói với tôi: “Con hãy vẽ một hình giống mẫu con trông thấy, bên dưới viết: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!” (NK,74). “Cha muốn tấm hình này được làm phép một cách trọng thể vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật này phải là lễ của Lòng Thương Xót” (NK, 75).

Trong hình của Chúa Giêsu có hai tia ánh sáng. Thánh nữ Faustina hỏi Chúa Giêsu ý nghĩa của hai tia ánh sáng này và Ngài giải thích chúng như sau: “Tia sáng lạt diễn tả Nước khiến cho các linh hồn nên công chính; tia sáng đỏ diễn tả Máu là sự sống của các linh hồn. Phúc cho người sống dưới bóng chúng” (NK,235). Linh hồn được thanh tẩy bởi Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thống Hối, trong khi lương thực tốt nhất cho nó là Bí Tích Thánh Thể.

Hình của Chúa Giêsu Thương Xót thường được gọi là hình Lòng Chúa Thương Xót, bởi vì trong mầu nhiệm phục sinh  của Chúa Giêsu tình yêu của Thiên Chúa đối với con người được vén mở một cách rõ ràng hơn. Bức hình không chỉ diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, mà con nhắc cho kitô hữu nhớ tới bổn phận phải tin cậy đối với Thiên Chúa và sống lòng bác ái tích cực đối với tha nhân. Ngoài ra Chúa Giêsu còn nói: “Bức hình này phải nhắc nhớ các đòi buộc của Lòng Thương Xót của Cha, bởi vì cả lòng tin mạnh mẽ nhất cũng không ích lợi gì, nếu không có các việc làm” (NK,457). “Qua bức hình này Cha sẽ ban nhiều ơn cho các linh hồn, vì thế mỗi linh hồn phải có thể đến với nó” (NK,379).

 

2. LỄ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Chúa Nhật II Phục Sinh, “Chúa Nhật này phải là lễ của Lòng Thương Xót” (NK,75). Ngày lễ không phải chỉ là một ngày đặc biệt tôn thờ Thiên Chúa trong mầu nhiệm lòng thương xót, nhưng còn là thời gian ơn thánh cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu đã nói: “Cha ước mong rằng lễ Lòng Thương Xót là sự bảo vệ và ẩn náu cho tất cả mọi linh hồn, và cách đặc biệt cho các kẻ tội lỗi đáng thương” (NK,440). “Các linh hồn hư đi mặc dù Cuộc Khổ Nạn đau thương của Cha. Cha ban cho chúng lần cứu rỗi cuối cùng, nghĩa là  lễ Lòng Thương Xót của Cha. Nếu chúng không tôn thờ Lòng Thương Xót của Cha, chúng sẽ chết đời đời” (NK, 561).

Trong Thánh Lễ Chúa Nhật II Phục Sinh, Hội Thánh đọc Tin Mừng theo thánh Gioan, trình thuật biến cố Chúa Giêsu phục sinh hiện ra trong Nhà Tiệc Ly và việc thành lập Bí Tích Thống Hối (Ga 20,19-29). Như thế, bức hình diễn tả Chúa Giêsu Phục Sinh đem đến cho cọn người niềm an bình với việc tha thứ các tội lỗi, bằng cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người trên thập giá. Các tia sáng  của máu và nước vọt ra từ trái tim Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thâu và các vết sẹo của các thương tích của việc đóng đanh đưa chúng ta trở về với các biến cổ của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (x. Ga 19,17-18.33-37). Máu chỉ Bí Tích Thánh Thể và Nước chỉ Bí Tích Rửa Tội (x. Ga 3,5; 4,14).

“Cha ước mong rằng lễ Lòng Thương Xót là sự bảo vệ và ẩn náu cho tất cả mọi linh hồn, và cách đặc biệt cho các kẻ tội lỗi đáng thương” (NK,440). “Trong ngày đó ruột Lòng Thương Xót của Cha sẽ mở ra, Cha sẽ tuôn đổ cả một biển ơn thánh trên các linh hồn đến gần suối nguồn Lòng Thương Xót của Cha… Đừng có linh hồn nào sợ hãi đến gần Cha, cả khi tội lỗi của nó có đỏ như son đi nữa” (NK,441).

Để được các ơn lớn lao này cần phải chu toàn các điều kiện  của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa (tin tưởng nơi lòng nhân lành của Thiên Chúa và sống bác ái tích cực với tha nhân), ở trong tình trạng ơn thánh (sau khi xưng tội) và rước lễ một cách xứng đáng.

“Không có một linh hồn nào sẽ tìm được sự công chính hoá cho tới khi nào hướng tới Lòng Thương Xót Cha với sự tin tưởng, và vì thế ngày Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh phải là lễ Lòng Thương Xót, và các linh mục trong ngày đó phải nói với các linh hồn về Lòng Thương Xót vĩ đại và khôn dò của Cha” (NK,378).

 

3. CHUỖI KINH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Ngày 13-14 tháng 9 năm 1935,  Chúa Giêsu đọc cho thánh nữ Faustina ghi lại tại Vilnius lời kinh Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, như là lời cầu nguyện giúp nguôi cơn giận của Thiên Chúa (NK,327-329). Ai đọc chuỗi kinh này thì dâng lên Thiên Chúa Cha “Thân xác, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính” của Chúa Giêsu để khẩn nài lòng thương xót cho các tội riêng, cho các tội của tha nhân và của toàn thế giới, đồng thời trong khi kết hiệp với hiến lễ của Chúa Giêsu cũng hướng tới tình yêu mà Thiên Chúa Cha trên trời ban cho Chúa Con, và trong Người ban cho tất cả mọi người.

Không chỉ những ai lần hạt kính Lòng Thương Xót sẽ nhận được các ơn đó, nhưng cả người hấp hối mà người ta lần hạt kính Lòng Thương Xót bên cạnh họ nữa. Chúa Giêsu đã nói: “Khi chuỗi Lòng Thương Xót được đọc bên cạnh người hấp hối, cơn giận của Thiên Chúa được nguôi ngoai, và Lòng Thương Xót khôn dò bao bọc linh hồn” (NK,487). “Lòng Thương Xót của Cha sẽ bao bọc trong khi sống và đặc biệt trong giờ chết các linh hồn sẽ lần chuỗi hạt này” (NK,463). Lời hứa tổng quát nói rằng: “Vì việc lần hạt này Cha thích ban cho tất cả những gì họ sẽ xin Cha” (NK,806). “Với chuỗi lòng thương xót con sẽ được mọi sự, nếu điều con xin phù hợp với Ý muốn của Cha” (NK,897). “Với việc lần chuỗi lòng thương xót còn đưa nhân loại tới gần Cha” (NK,543).

 

4. GIỜ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chúa Giêsu xin thánh nữ cầu nguyện hằng ngày vào lúc 15 giờ (3 giờ chiều), “vì trong giờ này Lòng Chúa Thương Xót đối với các linh hồn được mở toang ra” (15 giờ chính là giờ Chúa Giêsu tắt thở trên Thánh Giá và bị anh lính cầm đòng đâm vào Trái Tim, làm cho Máu cùng Nước chảy ra).

Vào tháng 10 năm 1937 tại Cracovia Chúa Giêsu đã nói với  thánh nữ Faustina tôn kính giờ chết của Chúa. “Mỗi khi con nghe đồng hồ điểm ba giờ, hãy nhớ dìm toàn thân mình con trong Lòng Thương Xót của Cha, bằng cách thờ lậy nó và chúc tụng nó; hãy khẩn nài quyền năng của nó cho toàn thế giới và đặc biệt cho các kẻ tội lỗi đáng thương, bởi vì chính trong giờ đó Lòng Thương Xót được mở toang ra cho mọi tâm hồn”(NK,820).

Rồi Chúa nói thêm: “Con gái của Cha, trong giờ đó hãy đi Đàng Thánh Giá, nếu các bổn phận không cho phép con, và nếu con không đi Đàng Thánh Giá được, thì ít nhất hãy vào nhà nguyện một lúc và tôn kính Trái Tim Cha trong Bí Tích Cực Thánh tràn đầy Lòng Thương Xót. Và nếu con không thể đến nhà nguyện, thì hãy cầm trí cầu nguyện ít nhất trong một lúc ngắn tại nơi con đang ở. Trong giờ đó con sẽ được tất cả cho con và cho các người khác, trong giờ đó ơn thánh được ban cho toàn thế giới, Lòng Thương Xót chiến thắng công lý”  (NK,820)

 

5. PHỔ BIẾN VIỆC TÔN VINH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Chúa Giêsu đã ủy thác cho chị nữ tu đơn sơ, ít học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là loan truyền sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót cho thế giới. Người đã phán với chị: “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới. Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim thương xót của Cha” (NK, 1588). “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha. Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK, 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ  tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha” (NK, 1567)

Nòng cốt của việc tôn sùng Lòng  Thương Xót Chúa hệ tại thái độ của tín hữu kitô tin tưởng nơi Thiên Chúa và sống bác ái tích cực đối với tha nhân. Chúa Giêsu đòi hỏi lòng tin tưởng của các thụ tạo (x. NK,597) và các việc bác ái, bằng hành động, lời nói và lời cầu nguyện. “Con phải cho thấy lòng thương xót đối với tha nhân luôn luôn và ở khắp mọi nơi: con không thể miễn cho mình điều này, cũng không được khước từ hay biện minh cho mình” (NK,457).

Chúa Giêsu muốn các người tôn kính Ngài mỗi ngày phải chu toàn ít nhất là một hành động bác ái đối với người khác.

 

Tóm lại, chị Maria Faustina được Chúa Giêsu trao phó cho 5 sứ vụ sau đây:

– Thứ nhất, phổ biến tôn vinh hình Lòng Chúa Thương Xót. “Qua bức hình này Cha sẽ ban nhiều ơn cho các linh hồn, vì thế mỗi linh hồn phải có thể đến với nó” (NK,379).

– Thứ hai, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh. “Chúa Nhật này phải là lễ của Lòng Thương Xót” (NK,75).

– Thứ ba, Chuỗi kinh Lòng Chúa Thương Xót, là lời cầu nguyện giúp nguôi cơn giận của  Thiên Chúa (NK,327-329). “Lòng Thương Xót của Cha sẽ bao bọc trong khi sống và đặc biệt trong giờ chết các linh hồn sẽ lần chuỗi hạt này” (NK,463).

– Thứ tư, tôn kính giờ chết của Chúa: “Giờ” của Lòng Chúa Thương Xót. “Trong giờ đó con sẽ được tất cả cho con và cho các người khác, trong giờ đó ơn thánh được ban cho toàn thế giới, Lòng Thương Xót chiến thắng công lý” (NK,820).

– Thứ năm, phổ biến việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót. “Các linh hồn phổ biến việc tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha, Cha che chở họ suốt đời, như một bà mẹ dịu dàng che chở đứa con thơ còn đang bú sữa, và trong giờ chết Cha sẽ không là một thẩm phán đối với chúng, nhưng là Đấng Cứu Độ xót thương” (NK,604).

 

III.        SỨ VỤ HÔM NAY : THỰC THI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT.

Thánh Gioan tông đồ viết : “Nếu ta nói: Ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta (1Ga 1, 8). Và ĐTC Phanxicô nhắc lại : “Tất cả chúng ta ai cũng là người có tội. Không một ai có thể nói, ‘Người kia là người có tội.  Còn con, tạ ơn Chúa, con công chính.’ Không, chỉ một mình Chúa công chính, Đấng đã trả giá đắt cho chúng ta. Và nếu ai đó phạm tội, thì Ngài đang chờ chúng ta và xóa tội cho chúng ta bởi Ngài thương xót và biết rất rõ chúng ta, biết rằng chúng ta từ bụi đất mà ra” (Vatican, ngày 29-04-2016). Vậy, ai cũng là tội nhân, ai cũng cần đến Lòng Chúa Thương Xót.

Thực Thi Lòng Chúa Thương Xót cũng là luật công bình. Nên được thương xót rồi thì phải biết thương xót người khác, không như con nợ không biết xót thương (x. Mt 18,23-35), nhưng phải có lòng trắc ẩn để xót thương người khác như  lời mời gọi của Chúa Giêsu“Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Lòng thương xót đó, trước hết phải biểu lộ ra ở tâm tình tha thứ. Có tâm tình tha thứ với người khác, là dấu chỉ chứng tỏ có Đức Ái thực sự. Tha thứ là dấu chỉ biểu hiện Lòng Chúa Thương Xót, nên khi con người tha thứ cho nhau cũng chính là thực thi Lòng Chúa Thương Xót. Đó là đỉnh cao của tình yêu – bác ái – như thánh Thomas Aquino nói: “Tha thứ cho người khác là thương xót họ, đó là việc to lớn hơn việc sáng tạo trần gian”. Vì họ đã biết theo gương Chúa Giêsu xưa trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Tha thứ, là cốt lõi của sứ điệp “Lòng Chúa Thương Xót”. Nên ĐTC Phanxicô dạy : “Mỗi người chúng ta đều được tha thứ. Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng tha thứ. Để có thể nhận biết được điều ấy, chúng ta cần tiến bước với niềm vui, vì Chúa tha thứ cho chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho mọi yếu đuối mà chúng ta đã phạm… Chúa luôn đồng hành với chúng ta mọi lúc mọi nơi, giống như Ngài đã làm cho tổ phụ Abraham. Chúa luôn ở cùng chúng ta, ở giữa chúng ta, giữa những khó khăn thử thách, giữa những niềm vui, ở trong mọi hoàn cảnh. Như thế, trong ngày sống, chúng ta hãy tâm niệm lời này: Chúa ở bên con, Chúa ở trong con, trong cuộc đời con. Bi quan không phải là lối sống của người Kitô. Sống bi quan không phải là lối sống của Kitô hữu. Sống bi quan xuất phát từ gốc rễ cho rằng mình không được tha thứ, rằng mình không nhận biết mình đã được thứ tha. Sống bi quan vì chưa nhận biết sự quan phòng của Thiên Chúa. (x. Vatican, ngày 21.12.2017)

 

III.        SUY NIỆM TIN MỪNG (Lễ I).

Trang Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể : lần họp đầu tiên của các tông đồ, Chúa Giêsu hiện ra không có thánh Tôma. Vừa nghe kể lại, thánh Tôma không tin, còn đòi “xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn” (Ga 20, 25). Phải chăng thái độ không tin này, là do phía bên các bạn tông đồ : Kể lại việc Thầy Giêsu hiện ra, nhưng cung cách sống vẫn còn e dè sợ sệt, nên cung giọng thuật lại có cái gì đó thiếu xác tín chăng. Hoặc là tại thái độ hoài nghi chính sự kiện sống lại của Thầy Giêsu.

Lần họp thứ hai, thánh Tôma có mặt. Chúa Giêsu hiện ra. Và ông Tôma được Chúa Giêsu bảo: “Đặt ngón tay vào đây… Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”. Thánh Tôma không dám, vì ngài đã tin. Ngài thưa với Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Danh xưng “Thiên Chúa”, thánh Gioan dùng lần đầu trong lời tựa Tin Mừng Thứ IV : “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1), và lần thứ hai qua miệng thánh Tôma hôm nay : “Lạy Thiên Chúa của con”. Từ không tin chuyện các bạn tông đồ kể lại Thầy Giêsu hiện ra, đến tin và tuyên xưng công khai đức tin vào Thầy Giêsu của mình là “Thiên Chúa”.

Trong lần Thầy Giêsu hiện ra thứ nhất, thánh Tôma hoài nghi chính sự kiện sống lại của Thầy Giêsu. Nhưng lần thứ hai này, đức tin của ông có được, là nhờ ông sống chung một nhà với các bạn tông đồ. Cuộc sống chung này, hỗ tương cho nhau, vì yếu tố Thầy Giêsu hiện diện là yếu tố chính yếu quy tụ các ông, như chính Chúa Giêsu cũng đã từng bảo : “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20). Có Thầy Giêsu, các ông không còn phải âu sầu, sợ hãi (x. Mt 10,19.26.28.31; Mt 24,27; Mt 17,7; Mt 28,10; Mc 5,36; Lc 5,10).

Như thế, câu chuyện ông Tôma hôm nay là một lời kêu gọi các môn đệ hãy tín thác vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Ông Tôma không đáng trách, nhưng chỉ đáng tiếc là ông không có mặt lần Chúa hiện ra đầu tiên, để cùng các bạn “xem tay và cạnh sườn” của Thầy Giêsu ! Khi ông Tôma tuyên xưng đức tin, ông không chỉ nhận Thầy Giêsu là Chúa và Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là ‘Chúa của con’ và ‘Thiên Chúa của con’, nghĩa là Chúa và Thiên Chúa trong tương quan với cá nhân ông Tôma nữa!

Bởi vậy, câu chuyện ông Tôma hôm nay, càng diễn tả Lòng Chúa Thương Xót, để chúng ta càng tin rằng chính vì Lòng Chúa Thương Xót, nên dù sự đòi hỏi của ông Tôma nếu là ‘tội vô lễ’, thì cũng được Thầy Giêsu tha thứ, như xưa chính Thầy Giêsu đã dạy ông Phêrô “phải tha thứ bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,21-35). Câu chuyện ông Tôma hôm nay, càng diễn tả Lòng Chúa Thương Xót, quặn đau lên để chiều chuộng niềm tin non yếu của học trò Tôma. Và câu chuyện ông Tôma cũng không nhằm nói về “người cứng lòng tin”, mà chỉ là dịp để Thầy Giêsu cho chúng ta biết thêm một mối phúc nữa ngoài Tám Mối Phúc (x. Mt 5,1-12), đó là “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). 

            Hôm nay, chúng ta làm chứng cho đức tin Kitô trên hai phương diện:  cộng đoàn và cá nhân.

Là phần tử của Hội Thánh, chúng ta soi gương những Kitô hữu tiên khởi cộng đoàn Giêrusalem.  Đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ “một lòng một ý” trong đời sống cầu nguyện ở Cộng Đoàn ra tới đời sống ngoại biên xã hội.  Đức tin sống động của họ đã đưa họ tới việc làm cụ thể, là chăm sóc cho nhau và nhất là quan tâm tới những anh chị em nghèo đói hoặc túng thiếu. 

Về phương diện cá nhân là một Kitô hữu, chúng ta lấy đức tin của mình để làm chứng rằng chúng ta “đã được Thiên Chúa sinh ra”, nên cụ thể chúng ta phải sống yêu thương.  Có sống yêu thương giống như Thiên Chúa, chúng ta mới đủ tư cách như thánh Tôma, gọi Thầy Giêsu là “Chúa của con” và Chúa Cha là “Thiên Chúa của con”. 

Mối Phúc Thứ Chín, thật cần thiết cho đời sống chúng ta. Để từ nay, tất cả những gì chúng ta không thể thấy bằng mắt, không thể hiểu bằng trí óc, chúng ta có thể thấy bằng con mắt đức tin và hiểu bằng tất cả trái tim. Sứ mệnh làm chứng nhân đức tin thật là cao cả ! Chúng ta chỉ có năng lực để thực hành việc này, khi chúng ta thường xuyên chiêm ngắm bức hình Chúa Giêsu đã mặc khải cho thánh nữ Maria Faustina và hết lòng khiêm cung thưa với Chúa Giêsu :

“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG (Lễ II).

 

            I.     Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Phụng Vụ Lời Chúa Đêm Thánh Vọng Phục Sinh đã giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa đã thực hiện Lịch Sử Cứu Độ đó trong Chúa Giêsu là để tỏ ra Lòng Chúa Thương Xót cho con người. 
 
            II.    Chúng ta lưu ý mấy điểm :

 

1.         Hội Thánh giới thiệu gương sáng của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi (BĐ I), cùng với lời nhắn nhủ của thánh Gioan tông đồ về việc tôi luyện đức tin (BĐ II).

Điểm đề cập trong hai BĐ này, Hội Thánh muốn nói lên ý nghĩa của những lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, là để củng cố đức tin. Đức tin không của riêng ai. Đức tin cần được tung gieo khắp nơi, để mọi người “tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa; và nhờ tin vào danh Người mà người ta được sống” (x. 1 Ga 5,13). Chúa Giêsu là “Dung Nhan của Lòng Chúa Thương Xót”.

Tin vào Danh Chúa Giêsu để được sống, đồng nghĩa là chúng ta được hưởng Lòng Chúa Thương Xót. Vì Chúa Giêsu là “Đường” dẫn đến Chúa Cha, “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (x. Ga 14,6). Cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, là “niềm hy vọng vinh quang” của chúng ta” (x. Cl 1,27). Vì như Người đã hứa trước “khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,33).

Và lúc Người “chịu đưa lên cao khỏi đất” cũng chính là “Giờ” của Thiên Chúa tuôn trào Lòng Chúa Thương Xót cho nhân loại. Chúa Giêsu yêu cầu chị Faustina : “Mỗi ngày, vào lúc 3 giờ chiều, hãy khẩn cầu Lòng Thương Xót của Cha cho các tội nhân cách riêng. Và nếu có thể trong giây lát, con hãy trầm mình vào cuộc khổ nạn của Cha, đặc biệt lúc Cha bị bỏ rơi trong cơn hấp hối. Đây là giờ cao điểm của lòng thương xót vĩ đại tuôn đổ xuống trên thế giới… Trong giờ này, Cha sẽ chẳng từ chối bất cứ điều gì với các linh hồn kêu van Ca nhân danh cuộc tử nạn của Ca… Đây là giờ ân sủng của toàn thế giới. Nếu không thể vào nhà nguyện, thì dù ở đâu, con cũng cứ trầm mình một phút ngắn ngủi cầu nguyện nhớ đến Cha là đủ. Cha yêu cầu mọi tạo vật tôn sùng Lòng Thương Xót của Cha” (NK, 1320).

 

            2.         Sau “bữa Tiệc Ly”, những ngày giờ sau thời gian này, một sự hụt hẫng đầy lo sợ đối với các môn đệ. Vì, Thầy Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, chịu lính tráng hành hạ thân xác, chịu chết treo trên thập tự, được các môn đệ an táng trong huyệt đá của ông Giuse. Tảng đá lớn lấp kín huyệt mồ, cũng chôn vùi luôn bao ước mơ nở rộ tưởng chừng như ngày vinh quang Vương Triều Đavít tái lập, trong ngày Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem. Các môn đệ ẩn náu trong phòng kín, hoặc trở về quê quán với nghề nghiệp cũ.

Alleluia. Chúa đã sống lai.

Chúa Giêsu sống lại. Đấng Phục Sinh đang cho các môn đệ được “xem tay và cạnh sườn” của Chúa. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Thầy Giêsu. Niềm vui mừng càng nhân lên khi Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh,  ban phúc lành bình an và ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Nhưng quan trọng nhất, Người trao cho các ông một sứ mệnh.

Sứ mệnh “tha tội cho ai thì người ấy được tha, cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Chúa Giêsu đã hoàn tất công cuộc cứu độ bằng cái chết trên thập giá và sống lại từ kẻ chết, để mở đầu thời đại “tha tội” cho nhân loại và làm hòa họ với Thiên Chúa. Người sắp về với Chúa Cha, nên giờ đây Người trao lại sứ mệnh tha thứ và giải hòa ấy cho các môn đệ tiếp tục.  Do đó muốn được tha tội và được sống đời đời, nhân loại phải chấp nhận điều kiện “tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

Lòng Chúa Thương Xót, giờ đây như một cuộc hiển dung riêng cho từng người chúng ta, nếu chúng ta nhận mình là người có tội. Vì ơn tha thứ là tha cho kẻ nhận mình là người có tội. Chúa Giêsu đã trở nên “Trạng Sư” bàu chữa kẻ có tội (x. 1 Ga 2, 1). Ơn tha thứ hiện diện trong Hội Thánh của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” Mt 28,19-20).

Chúng ta soi gương ĐTC Phanxico. Báo chí tiết lộ ‘bí mật’ trong Mật Tuyển Bầu Giáo Hoàng năm 2013 : Hồng y Bergoglio đã chấp nhận sự bầu chọn ngài làm Giáo Hoàng với những lời nầy: “Tôi là một người tội lỗi, nhưng tôi tín thác vào lòng thương xót và kiên nhẫn vô bờ của Chúa Giêsu Kitô”. Nhiều lần khi đã là ĐTC Phanxico rồi, ngài cũng nói như thế với những ai hỏi ‘ngài là ai’. Trong một bài giảng, ĐTC xác tín “vua Đavit là một vị thánh, và từng là tội nhân. Một tội nhân có thể trở thành thánh nhân. Còn vua Salomon bị Chúa từ chối, vì con tim ông yếu nhược và không thật tâm. Có tình trạng lật lọng trong trái tim ông” (x. ĐTC Phanxico, vi.radiovaticana.va, ngày 08.02. 2018)

           

3.         Câu chuyện Tông Đồ Tôma trong bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ là thêm một lời kêu gọi các môn đệ hãy tin vào Chúa Phục Sinh. Qua sự kiện ông Tôma không có mặt lần Chúa hiện ra đầu tiên, để cùng các bạn “xem tay và cạnh sườn” Chúa Giêsu. Lòng Chúa Thương Xót lại bùng sáng lên.

Lòng Chúa Thương Xót lại bùng sáng lên, vì chẳng những Chúa Giêsu yêu chiều ông Tôma cho “xem tay và cạnh sườn” như các bạn, giúp ông Tôma mạnh mẽ tuyên xưng không chỉ nhận Chúa Giêsu là Chúa và Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn là ‘Chúa của con’ và ‘Thiên Chúa của con’. Mà nhất là, Lòng Chúa Thương Xót lại bùng sáng lên, khi Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết thêm một mối phúc nữa ngoài Tám Mối Phúc. Đó là Mối Phúc Thứ 9 : “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Khi chúng ta không thấy, hoặc không hiểu mà tin, là chúng ta khiêm nhượng nhận biết và chấp nhận uy quyền của Chúa Giêsu, và từ đó xây dựng mối tương quan với Người. 

Mối Phúc Thứ 9 thật cần thiết cho đời sống chúng ta. Tất cả những gì chúng ta không thể thấy bằng mắt, hiểu bằng trí óc, thì chúng ta có thể thấy bằng con mắt đức tin và hiểu bằng tất cả trái tim. “Chúa đã sống lại thật”. Đó là đức tin căn bản mở tung Lòng Chúa Thương Xót, để mỗi chúng ta bình an hạnh phúc và có khả năng đi tới ‘vùng ngoại biên’ của các cuộc đời đang chờ Ánh Sáng Phục Sinh. Alleluia.

 

            III.        Vì vậy, theo như cuốn nhật ký của thánh nữ Maria Faustina, muốn được đón nhận Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cần thực hiện 3 điều sau đây : 1- Thỉnh cầu Lòng Chúa Thương Xót; 2- Thực hành Lòng Chúa Thương Xót; 3- Tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót.

 

1. Thỉnh cầu Lòng Chúa Thương Xót:

Chúa nói với chị Faustina: “Các linh hồn nào kêu cầu đến Lòng Thương Xót của Cha, đều làm cho Cha vui thỏa. Cha sẽ ban cho các linh hồn đó còn nhiều hơn cả điều họ xin. Thậm chí Cha cũng không trừng phạt các tội nhân gian ác nhất, nếu kẻ đó kêu cầu đến lòng trắc ẩn của Cha” (NK, 1146). “Con hãy van xin Lòng Thương Xót cho toàn thế giới” (NK, 570). “Không một linh hồn nào kêu cầu Lòng Thương Xót của Cha mà phải thất vọng bao giờ” (NK,1541).

2. Thực Hành Lòng Chúa Thương Xót:

Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cụ thể cho chị Faustina: “Cha xin con hãy làm những việc Thương Xót, và chúng phải phát xuất từ tấm lòng yêu mến Cha. Con có bổn phận thi hành lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, chữa mình. Ngay cả đức tin mạnh nhất cũng vô dụng nếu không có việc làm kèm theo (NK,742). “Những ai không thực hành việc gì cả – thì kẻ ấy chẳng đáng được Cha thương xót vào ngày phán xét” (NK,1317).

Việc đầu tiên, đó là tha thứ cho nhau, vì “đong đấu nào thì sẽ nhận đấu ấy…” (x. Mt 6,12-14), nhất là theo mẫu gương : “Các con hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Khi biết tha thứ cho tha nhân, chúng ta mới tôn trọng, mới đồng cảm và nhận ra được những nhu cầu của tha nhân để thương xót họ bằng việc làm thiết thực đầy tính nhân văn. Và để tha thứ, việc đâu tiên là biết xét ý lành cho nhau (x. Di Ngôn Cha M. Biển Đức Thuận,123: “Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần trúng, mà cho đi có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích. Chúng ta xét ý lành, thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu: mình xấu nên cũng ngờ người ta xấu như mình”.  

3. Tín Thác Vào Lòng Chúa Thương Xót :

Chúa Giêsu nói với chị Faustina : “Cha chính là tình yêu và lòng thương xót. Khi một linh hồn tiến đến gần Cha với lòng tín thác, Cha đổ tràn đầy ân sủng trên người ấy, đến mức độ người ấy không thể chỉ giữ riêng cho mình, mà phải toả ra cho các linh hồn khác được nhờ” (NK, 1074).

 

Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Xin Đấng Phục Sinh ban cho mọi người bình an hạnh phúc, để luôn nhận thấy Lòng Chúa Thương Xót trong mọi biến cố cuộc đời. Aleluia.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI