Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY B

CHÚA NHẬT II-B MC

(St 22,1-2.9-13.15-18; Rm 8,31-34; Mc 9,2-10)

 

             I.         Để trình bày Chúa Giêsu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phêrô cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi và cứu chuộc chúng ta nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu (CN I); nay (CN II), thánh Phaolô muốn đề cao tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, Đấng “bênh đỡ chúng ta” và không “buộc tội, lên án” chúng ta.

 

II.         Thánh Phaolô nêu lên chân lý : “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”(Rm 8,31). Đặc tính quảng đại của tình yêu Thiên Chúa được nhận ra qua sự kiện chắc chắn là Người không buộc tội chúng ta. Tuy tội lỗi nguyên tổ và những tội riêng của chúng ta đã phạm tới Thiên Chúa, Người vẫn không hủy diệt chúng ta. Trái lại, ngay từ đầu Người còn kêu gọi, tuyển chọn và làm cho chúng ta được nên công chính (x. Rm 8,29-30). Thiên Chúa có quyền buộc tội chúng ta và chính chúng ta cũng đáng bị buộc tội, nhưng Thiên Chúa đối xử với con người hoàn toàn bằng tình yêu của người Cha đối với con cái.

Khi sai Con Một đến với thế gian, Thiên Chúa đã trao quyền kết án cho Người (x. Ga 12,48; 16,8-11). Người Con đến với thế gian là để cứu độ những người Thiên Chúa đã tuyển chọn và cho được nên công chính, thì Người Con không kết án họ. Nên thánh Phaolô trình bày Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa như một kế hoạch. Khởi đầu của kế hoạch ấy là Thiên Chúa tiền định sẽ làm cho chúng ta được nên công chính. Tiếp theo là kế hoạch nầy được thực hiện “nhờ Đức Kitô” đã nhập thể, loan giảng Tin Mừng, chịu khổ nạn, chết và sống lại, để “giải án tuyên công” cho tất cả những ai tin vào Người. Cuối cùng là mọi người được hưởng phúc vinh quang.

Thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời chỉ cho chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu ấy nơi Chúa Giêsu. Người luôn là một dấu chỉ sống động nói lên tình yêu Thiên Chúa.  Ông Isaac được tha chết chỉ nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với tổ phụ Abraham (BĐ I). Nhưng chính việc Chúa Giêsu không được tha chết, nói lên được tất cả chiều dài, rộng, cao, sâu của tình yêu Thiên Chúa (x. Ep 3,18-19) ôm ấp toàn thể nhân loại.

Vì Chúa Giêsu (x. Mc 9,2-10 – bài TM) là:

– “Con yêu dấu” của Chúa Cha. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất trong biến cố Chúa chịu Phép Rửa tại sông Giođan). Mục đích là để các tông đồ xác tín mối liên hệ giữa Chúa Cha và Người.

       –  Đấng Thiên Sai mà Lề Luật và các ngôn sứ loan báo. Ông Elia đại diện cho các ngôn sứ và ông Môsê đại diện cho  Lề Luật, hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu, chứng tỏ điều này.

– Đấng Thiên Sai tự nguyện chọn con đường Thập Giá: Câu hỏi “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” chứng tỏ các môn đệ biết quý ngài đàm đạo về Cuộc Thương Khó sắp xảy ra cho Chúa Giêsu tại Giêrusalem. Trình thuật Biến Hình trong Tin Mừng Luca nói rõ điều này.

– Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Khi cho Con của Ngài đi qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người, Thiên Chúa muốn các ông hiểu tình yêu của Ngài dành cho con người.

– Chúa Giêsu tự nguyện đi qua Cuộc Thương Khó. Các ông đã nghe chính Ngài bàn với các chứng nhân Cựu Ước về những gì sắp xảy ra; để khi nó thực sự xảy ra, các ông biết đó không phải là chuyện tình cờ. Ngài tình nguyện chấp nhận chịu đau khổ, chứ không phải Ngài thua cuộc trước bạo lực của con người.

Chúa Giêsu ngăn cấm các ông kể lại việc Biến Hình, vì bí mật của Đấng Thiên Sai. Ngài chỉ tỏ việc Biến Hình cho ba môn đệ thân tín là các ông Phêrô, Giacôbê, và Gioan. Ở trên núi xuống, Chúa Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

 

            III. Bước vào Mùa Chay, chúng ta được mời gọi “thống hối và tin vào Tin Mừng”. Lời mời gọi này, Thiên Chúa còn nhắc lại hôm nay: “Đây là Con chí ái của Ta, hãy lắng nghe lời Ngài”. Theo Thánh Kinh, lắng nghe không phải chỉ là nghe bằng tai nhưng là để cho mình được uốn nắn, giáo dục, hoán cải.

Cũng như các tông đồ được chứng kiến cuộc Biến Hình, chúng ta được mời gọi lắng nghe, được mời gọi đi vào sự kiện Biến Hình của Chúa Giêsu. Lắng nghe Chúa Giêsu phải dẫn đưa chúng ta đến chỗ thay đổi sâu xa, để chấp nhận cả một chương trình sống mới. Một chương trình sống “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu (x. Pl 3,10-11). Vì Thiên Chúa muốn nói với mỗi chúng ta : ‘Đây là Con Một Ta ưu ái, hãy lắng nghe lời Ngài. Trong tất cả các ngôn sứ, đây là vị ngôn sứ thật. Chỉ mình Ngài đáng tin cậy, bởi vì Ngài là người duy nhất đã thực hiện kế hoạch của Ta về thế giới. Các ngươi hãy chọn Ngài’.

            Trong việc thực hành lectio divina, chiêm ngắm và nhận lãnh Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta sẽ lắng nghe được tiếng Chúa và có sức mạnh thực hành được những yếu tố căn bản của Mùa Chay, để khám phá ra dung nhan Lòng Chúa Thương Xót :

– Cầu nguyện. Để nhổ tận gốc khỏi con tim mình những lời dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối, và tìm thấy niềm an ủi mà Chúa mang đến.

– Bố thí. Giúp giải thoát khỏi lòng tham, và giúp nhận ra người láng giềng là anh chị em với mình.

– Chay tịnh. Làm yếu đi xu hướng bạo lực. Giúp trải nghiệm những gì mà người nghèo khó phải chịu đựng, để hướng đến sự đói khát thiêng liêng trong Chúa.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI