Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 2 TN B

CHÚA NHẬT 2-B QUANH NĂM

 

THỐNG HỐI

            Tiếng Thiên Chúa mời gọi một người, hoặc trực tiếp cho đó, hoặc được mặc khải qua trung gian người khác. PVLC hôm nay cho chúng ta thấy những trường hợp con người có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa. Hằng ngày, tiếng Thiên Chúa vẫn vang lên mời gọi chúng ta hợp tác với Người để đem bình an hạnh phúc cho chính bản thân mình và cho người khác. Vì thân xác chúng ta là một phần chi thể của Chúa Giêsu, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phản tỉnh ơn gọi và sứ vụ của chúng ta :

            1)- Lạy Chúa, qua thầy cả Êli hướng dẫn, trẻ Samuel đã “không để rơi xuống đất một lời nào Thiên Chúa phán” (x. 1 Sm 3,19). Còn chúng con, Hội Thánh vẫn luôn nhắc bảo chúng con, nhất là trong Ngày Chúa Nhật, nhưng chúng con chẳng những không quan tâm mà còn viện dẫn nhiều lý do để không tham dự lễ Ngày Chúa Nhật, nên chúng con không sống đúng và không đủ sức để chu toàn sứ vụ Kitô hữu. Xin Chúa thương xót chúng con.

– Xin Chúa thương xót chúng con.

            2)- Lạy Chúa Kitô, nhờ Chúa đã từ cõi chết sống lại, chúng con được kết hiệp trở nên chi thể của Chúa. Đức tin này không cho phép chúng con làm ô uế tấm thân, nhưng chúng con lại không ý thức thân xác mình đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, và phải “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân thể của mình” (1 Cr 6, 20). Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

– Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

            3)-       Lạy Chúa, Ngôi Lời làm người và ở giữa loài người. Ông Gioan Tẩy Giả đã cảm nghiệm điều này và biết sứ vụ của Chúa, nên ông đã giới thiệu cho các môn đệ : “Đây là Chiên của Thiên Chúa” (Ga 1,36). Hai môn đệ đã đi theo Chúa. Hội Thánh hôm nay mỗi khi dâng lễ, vẫn nhắc lại điều này, nhưng chúng con thờ ơ với lời mời này. Xin Chúa thương xót chúng con.

– Xin Chúa thương xót chúng con.

CHÚA NHẬT II- B TN

(1 Sm 3,3-10.19; 1 Cr 6,13-15.17-20; Ga 1,35-42)

 

I.          Theo thánh Phaolô, thân xác con người có phẩm giá cao trọng, vì thân xác này là một phần chi thể của Chúa Giêsu, và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 6, 15.19).

 

II.         Một số triết gia Hy Lạp chủ trương thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Xác (sôma) được xem là tù ngục giam hãm hồn, là phần mộ của hồn (séma). Hồn sống lưu đày trong xác. Nảy sinh ra 2 lối sống  (1) khổ chế: hành hạ thân xác bằng ăn chay đánh tội nghiệm nhặt để chế ngự nó; và (2) buông thả: vì thân xác không quan trọng trong việc giải thóat con người, nên cứ việc tự do hưởng thụ khóai lạc.

ĐTC Benedicto XVI cắt nghĩa : “Thành ngữ xác phàm không thể diễn tả hết những ý nghĩa của tiếng hy lạp trong Kinh Thánh. Từ Soma chỉ thân xác, nhưng cũng chỉ đến nhân vị. Và từ Soma cũng có thể là Sarx, có nghĩa là thân xác trong thân phận trần tục, lịch sử, phải tuân theo những qui luật thể lý hóa. Thân xác con người quan trọng và cần thiết để làm việc cho Thiên Chúa. Vì thế, khi trở lại Kitô giáo, không phải chỉ rửa tội là xong, nhưng là cả một tiến trình thay đổi nếp sống luân lý từ từ.

Thánh Phaolô đương đầu với cách sống thứ hai. Ngài khuyên các tín hữu Corintô tránh xa tội gian dâm vì 2 giá trị trên. Ngài nhắc nhở tín hữu Corinto về lối sống của họ trước khi họ được rửa tội, được thánh hóa và được nên công chính, họ là những người đã sống cuộc sống thiếu đạo đức, vô luân (x. 1 Cr 6,11).

Thánh Phaolô lên án: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác” (1 Cr 6,13b). Nhu cầu ăn uống đi liền với đời sống thể xác, để thể xác được bảo tồn và phát triển. Nhu cầu tính dục tương quan tới con người toàn diện, tức là tương quan tới cái thân xác vừa có chiều ngang mang tính xã hội để sống cho tha nhân, vừa có chiều kích hướng thượng vươn lên để sống cho TC.

Con người được liên kết với Chúa Giêsu Phục Sinh, tức là đã được thánh hóa, cần phải có một đời sống tính dục xứng đáng với một chi thể của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói đến chiều kích thể lý của mầu nhiệm kết hợp với Chúa Giêsu, “trở nên một tinh thần với Chúa Giêsu” (c.15). Việc kết hợp tinh thần này đòi chúng ta phải để cho Thần Khí của Chúa Giêsu ngự trị trong chúng ta (x. Rm 8,9 ; Gl 2,20). Kết hợp với Chúa Giêsu là lẽ sống và là phương thế duy nhất để chúng ta đón nhận ơn cứu độ (x. Rm 6,5).

         Từ đó, thánh Phaolô hướng chúng ta về cách sử dụng thân xác của chúng ta. Khi khẳng định thân xác chúng ta là “Ðền Thờ của Thánh Thần” (1 Cr 6,19), ngài muốn nói lên mục đích khi chúng ta sống cuộc sống thể lý này. Thần Khí của Thiên Chúa nơi thân xác Chúa Giêsu luôn hướng dẫn Người phục vụ: thi hành thánh ý Chúa Cha và giúp đỡ tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã sử dụng “Ðền Thờ của Thánh Thần” của Người để ra đi loan giảng Tin Mừng, chữa lành và diệt trừ sức mạnh của ma quỷ. Thiên Chúa cũng muốn biến tất cả chúng ta thành “Ðền Thờ của Thánh Thần” như Người đã thực hiện nơi Chúa Giêsu. Người “đã trả giá đắt” (1 Cr 6, 20 a) chuộc lấy chúng ta và làm cho chúng ta trở nên Ðền Thờ của Thánh Thần. Cái “giá đắt” ấy chính là cái chết tủi nhục của Con Một Người trên thập giá (x. Pl 2, 6-11), để chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác” chúng ta (1 Cr 6,20 b).

           

III.        Cách thế để con người “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác” đúng đắn nhất và sinh nhiều hiệu quả tốt nhất, đó là theo mẫu gương của người Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu (x. Mt 3, 17). Chúa Giêsu  mời gọi chúng ta làm môn đệ Người (x. Ga 1,35-42).  Lời gọi của Chúa là hồng ân cho chúng ta lên đường đi theo Chúa –dù trẻ tuổi như Samuel– để học với Người và thay đổi cuộc sống mình (1 Sm 3,3-10.19). Và tới lượt chúng ta cũng có khả năng làm như Người làm là ra đi loan giảng Tin Mừng, chữa lành và diệt trừ sức mạnh của ma quỷ ác thần.  Để nhờ có sự hiện diện của môn đệ Chúa nơi đâu, ở đó có niềm vui. Kitô hữu là niềm vui cho trần gian.

Lời mời gọi “Đến mà xem” luôn luôn khích lệ ta đi sâu mỗi ngày một hơn vào mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu. Hành trình làm môn đệ cũng đưa ta đến gần Chúa đến độ “ở lại với Người” (x. Ga 15, 4-10: 10 lần ‘ở lại’).  Có gắn bó và quan hệ mật thiết với Chúa như thế, chúng ta mới nói đúng về Chúa cho người khác. 

“Đến mà xem”. Chúng ta chiêm ngắm Thánh Thể Chúa Giêsu. “Ở lại với Người”. Chúng ta rước Thánh Thể Chúa Giêsu. Đó là hai nhịp làm nên một người Kitô hữu vui tươi trong sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa Giêsu giữa dòng đời.

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI