Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

MỘT SỰ KIỆN – NHIỀU GÓC NHÌN (Bài suy niệm Thứ 7 tuần II TN) – Mai Thi

 

MỘT SỰ KIỆN – NHIỀU GÓC NHÌN

(Bài suy niệm Thứ 7 tuần II TN)

 

Chúng ta vẫn thường nghe câu nói rất hay như sau:

“Sống sao cho phải lòng người!

Thị phi đừng chấp vui tươi nhìn đời

Tâm hồn sẽ được thảnh thơi

Khen chê trách móc… bỏ lời bên tai”.

Còn rất nhiều câu châm ngôn hay danh ngôn khác mang nội dung tương tự liên quan đến lối xử thế, quan hệ xã hội giữa con người với nhau. Ví dụ câu ca dao: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”.

Vấn đề của chúng ta là phải sống thế nào: sống sao cho vừa lòng người, sống thế nào để người khác hài lòng, sống sao cho thật với chính mình, làm thế nào để áp dụng giáo huấn của Tin mừng vào đời sống Kitô hữu của mình…vv.

Mỗi ngày chúng ta phải tiếp cận và đối diện với nhiều vấn đề, gặp gỡ và làm việc chung với nhiều người, phải liên tục chọn lựa và đưa ra quyết định để làm thành một phong cách sống của riêng mình. Giống như chúng ta, bất cứ ai khác cũng có cách sống riêng của họ. Chính vì thế một thực tế là cùng một vấn đề, cùng một đối tượng, cùng một sự việc hay một con người nhưng nhiều khi do cách nhìn khác nhau dẫn đến cách sống hay cách hành xử cũng khác nhau. Bài Tin mừng ngắn hôm nay (Mc 3, 20-21) được thánh sử Mác-cô kể lại việc Chúa Giêsu trở về quê hương Nazareth giảng đạo nhưng nhân vật Giêsu và các công việc Người làm được người ta nhận diện và đánh giá theo các lăng kính khác nhau. Cũng một sự kiện, cũng một con người đang ở trước mắt họ nhưng có nhiều góc nhìn khác nhau. Sự phong phú này giúp chúng ta hiểu vấn đề đa chiều và tường tận hơn; tuy nhiên cũng hết sức phiền phức và có khi là đáng trách khởi đi từ sự bất đồng quan điểm như thế. Hẳn là mỗi người đều có lý do riêng khi đưa ra quan điểm của mình nhưng đây cũng là dấu báo hiệu một sự chia rẽ đang bắt đầu xảy ra.

Chúng ta có thể kể ra ba nhóm người với ba quan điểm khác nhau như được kể lại trong trình thuật Tin mừng hôm nay:

– Thứ nhất: đám đông dân chúng.

Đám đông dân chúng từ nhiều vùng miền khác nhau kéo đến để gặp Chúa Giêsu. Họ đến với Chúa Giêsu đông đến mức Chúa Giêsu và các môn đệ không có thời giờ ăn uống và nghỉ ngơi (Mc 3, 20). Họ nhìn nhận và công bố về Chúa Giêsu như thế nào?

Đám đông kéo đến xem Chúa Giêsu vì nhiều lý do khác nhau: vì tò mò, vì để thấy các phép lạ, vì để được chữa bệnh, để được ăn uống no nê… Họ coi Chúa Giêsu như vị anh hùng, như ông thần nhờ đó chăm lo và đáp ứng mọi nhu cầu cuộc sống của họ. Tất nhiên trong số họ có không ít người thật sự khao khát đời sống thiêng liêng, khao khát được nghe Lời Chúa, được hoán cải và chữa lành tinh thần.

– Thứ hai: các nhà chức trách đạo đời thời bấy giờ.

Mặc dù bài Tin mừng ngắn hôm nay không minh nhiên nhắc đến sự hiện diện của những nhà chức trách tôn giáo đạo đời nhưng đọc trong Tin mừng chúng ta thấy ở nhiều chỗ khác nhau và rất nhiều lần những nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội thời bấy giờ thường trà trộn với đám đông để rình xem Chúa Giêsu nói gì và làm gì để bắt lỗi (Mc 3, 6). Đây cũng là lý do ngầm cho thấy việc nhận tội của những thân nhân Chúa Giêsu rằng Người bị mất trí là có lý do.

Cùng hiện diện như bao người trong đám đông ô hợp vây quanh Chúa Giêsu, nhưng nhóm người lãnh đạo Dothái giáo lại có cái nhìn khác: cái nhìn ác cảm, soi mói, ghen tị và ghen ghét. Như vậy, cùng một sự kiện, cùng một con người nhưng mỗi nhóm người lại có cái nhìn khác nhau, có cách đánh giá khác nhau, vì động cơ cũng như mục đích của họ khác nhau. Tấm kiếng mầu đen mà các nhà lãnh đạo Dothái giáo đeo khiến mắt họ không nhìn ra sự thật; trái lại họ tìm cách để săm soi vào mọi lời ăn tiếng nói và việc làm của Chúa Giêsu. Thái độ này từ từ đẩy thêm kịch tính làm cho Chúa Giêsu ngày càng trở nên xấu xa, có tội và đáng phải loại trừ. Chúa Giêsu đành phải chịu bó tay trước sự cứng tin, Người bị giới lãnh đạo Dothái giáo thời bấy giờ dán cho cái mác xấu. Theo họ: cần phải có biện pháp cứng rắn, càng sớm càng tốt. Một bằng chứng cụ thể là sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa người bại tay được khỏi họ đã bàn tính với nhau và với những đồng minh để giết Chúa Giêsu (Mc 3, 6).

– Thứ ba: các thân nhân của Chúa Giêsu.

Về phía thân nhân của Chúa Giêsu, chắc chắn họ cũng cảm thấy đau lòng và xấu hổ khi tự luận tội cho Chúa Giêsu vì có lẽ họ không làm khác được. Chọn lựa đó là giải pháp an toàn khi phải đối mặt với nhóm công quyền. Việc qui bệnh tật mất trí cho Chúa Giêsu thật là bất công nhưng người thân của Người dường như không thể làm khác hơn được nếu cả Chúa Giêsu và người thân của Chúa muốn được yên.

Tóm lại, cuộc sống thường nhật của chúng ta chắc chắn phải có những tương quan, nhưng tương quan có được xây dựng và vun đắp để ngày càng tốt hay không là tùy ở cách nhìn, tùy ở thái độ, tùy ở quan điểm chúng ta với người đối diện.

Nhìn vào cuộc đời riêng của mỗi người chúng ta hay của tha nhân: cùng một biến cố, cùng một sự kiện nhưng mỗi người lại có cái nhìn, tầm nhìn, sự đánh giá và cách xử thế khác nhau. Tuy nhiên, có nhiều chuyện thấy vậy mà không phải vậy. Không khéo chúng ta sẽ bị lầm hay ít là chưa công bằng với người mình tiếp xúc. Trong cuộc sống chúng ta, không thiếu những chuyện không đâu, không đáng mà do bị suy diễn, thổi phồng, do cái nhìn chủ quan của một ai đó khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng, làm thiệt hại cho người khác. Cũng vậy, có những điều đáng lẽ cần sửa sai, lên án và loại trừ thì vì một lý do nào đó chúng ta lại dễ bỏ qua, tha thứ hay dung túng với nó.

Nếu Chúa Giêsu không thể làm hài lòng được mọi người thì chúng ta cũng vậy. Tuy nhiên không phải vì thế mà tự ý bỏ đi cái tôi độc đáo của mình để tìm cách lấy lòng mọi người bằng bất cứ giá nào hay buông xuôi bỏ cuộc. Một qui tắc vàng cho chúng ta dựa vào, đó là mọi tiếp cận của ta với người đồng loại cần phải khởi đi từ sự chân thành và quan điểm vừa đúng đắn vừa tích cực. Câu hỏi giúp chúng ta kiểm chứng tư tưởng, lời nói và việc làm hàng ngày đó là: điều tôi nghĩ, nói và làm có đẹp lòng Chúa không, có làm tăng thêm tương quan giữa tôi với người khác, có làm cho tôi được lớn lên hay không. Nói cách khác, trong mọi khía cạnh xảy đến cuộc đời chúng ta làm sao để chúng ta có thể thực hiện được giới răn thứ hai một cách tròn đầy nhất: yêu thương người ta như chính mình, yêu người ta như Chúa yêu. Amen.

 

Mai Thi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương – Trao Tác Vụ Đọc Sách & Giúp Lễ

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG TRAO TÁC VỤ ĐỌC SÁCH & GIÚP LỄ Vào lúc 5h30’, ngày 25/03/2023, Đan Viện Xitô Thánh...

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm)

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm) M. Lasan Châu Sơn Trong khung cảnh huy hoàng của...

Con biết con cần Chúa – Con biết Chúa cần con – Suy niệm Tin Mừng: Mt 1,18-24 – CN IV MV, năm A

CON BIẾT CON CẦN CHÚA - CON BIẾT CHÚA CẦN CON Suy niệm Tin Mừng: Mt 1,18-24 Chúa nhật IV Mùa vọng, Năm A M. Lasan...

Tình yêu tự hủy của Vua Kitô

TÌNH YÊU TỰ HỦY CỦA VUA KITÔ SNTM Lc 23, 35-43; Chúa Kitô - Vua vũ trụ, Chúa nhật 34, Năm C Lasan Châu Sơn Một điều...

Tôi tin một cuộc sống đời đời

TÔI TIN MỘT CUỘC SỐNG ĐỜI ĐỜI Suy niệm Lời Chúa: Mcb 7,1-2.9-14; Lc 20,27-38; Chúa nhật 32 Thường niên, Năm C M. Lasan Châu Sơn Chúng...

Tiền – Tiền đáng ông chủ hay đầy tớ?

TIỀN - TIỀN ĐÁNG ÔNG CHỦ HAY ĐẦY TỚ? Suy niệm Tin mừng Lc 16,9-15; Thứ 7 Tuần 31 Thường niên M. Lasan Châu Sơn Tin Mừng...

Ngày 2 Tháng 11: NGƯỜI ĐI KẺ Ở NỖI VẤN VƯƠNG

Ngày 2 Tháng 11: NGƯỜI ĐI KẺ Ở NỖI VẤN VƯƠNG M. Lasan Châu Sơn Hằng năm cứ đến dịp Lễ Các Đẳng, lòng mỗi người...

Ngày 1 tháng 11: Kính Mừng Các Thánh Nam Nữ

  Ngày 1 tháng 11: Kính Mừng Các Thánh Nam Nữ M. Lasan Châu Sơn Hôm nay, Giáo hội long trọng kính mừng các thánh nam nữ....

CHÚA NHÌN CON – CON NHÌN CHÚA – MỐI TÌNH NHIỆM MẦU (Lc 19,1-10) – Chúa nhật 31 thường niên năm c

CHÚA NHÌN CON - CON NHÌN CHÚA - MỐI TÌNH NHIỆM MẦU Suy niệm Tin Mừng Lc 19, 1-10,  Chúa nhật 31 Thường niên, Năm...