Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 21-B THƯỜNG NIÊN

(Gs 24,1-2, 15-17; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69)

 

Chúa Giêsu tuyên bố : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống đời đời”. Phản ứng lại lời tuyên bố đó, những người bỏ đi đầu tiên là dân chúng, rồi đến lượt “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Khi thực lòng yêu ai, người ta luôn đặt hy vọng nơi người mình yêu. Bình tĩnh và đầy hy vọng, Người hỏi các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Phêrô thay mặt anh em trả lời : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Lời của tình yêu đích thực bao giờ cũng ngọt ngào, đầy niềm tin và hy vọng. Ước mong những lời ấy vẫn còn vang lên.

+          Lạy Chúa, Chúa Giêsu tuyên bố : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống đời đời”. Nhiều người bỏ đi. Chúa Giêsu hỏi số người còn lại : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Câu hỏi của Chúa hàm ý Người rất tin yêu và hy vọng, nhưng chúng con chưa nhận ra mối tình này.

+          Lạy Chúa, thánh Phêrô trả lời : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Nhưng chúng con còn thiếu lòng yêu mến, nên chưa thưa với Chúa được như thánh Phêrô.

+          Lạy Chúa, hôm nay ở ngay trong tâm hồn mỗi chúng con, bằng ánh mắt yêu thương và hy vọng, Chúa Giêsu nhìn mỗi người chúng con, Người hỏi: “Cả con nữa, con cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Mỗi chúng con cũng muốn trả lời như thánh Phêrô, nhưng chúng con chưa yêu con người Chúa và lời Chúa nói.

CHÚA NHẬT 21-B TN

Gs 24,1-2, 15-17; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69

 

I.          Cuộc đời là một quá trình của hàng chuỗi những điều lựa chọn. Khi ta có điều lựa chọn đúng, ta sẽ có kết quả sau cùng dẫn đến thành công. Điều này buộc ta phải xác định ngay từ đầu rằng trong cuộc đời này ta muốn một cái đích như thế nào. Xác định rõ cái đích mà ta muốn vươn tới trong cuộc đời mình là thế nào, đây cũng chính là một điều lựa chọn. Điều lựa chọn thế nào, quyết định một cuộc sống như thế đó. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay minh chứng điều này.

           

II.         Sau khi đã dẹp tan các dân bản xứ và định cư con cái Israel trong Đất Hứa, ông Joshua biết mình đã hoàn tất nhiệm vụ Chúa trao và sẵn sàng về  yên nghỉ với cha ông; nên ông truyền quy tụ ở Shechem mọi chi tộc Israel, tất cả các kỳ mục của Israel, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa.  

            Nói với họ, ông nhắc lại những điều Thiên Chúa thực hiện cho Israel, kể từ thời các tổ phụ tới thời gian sống nhờ bên Ai-cập, cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ của Pharaô và trở về Đất Hứa.  Rồi ông yêu cầu họ dứt khoát quyết định phụng thờ Chúa hay phụng thờ các thần ngoại. Ông cũng không ngại cho dân chúng biết ông và gia đình nhất quyết phụng thờ Thiên Chúa.  Toàn dân đồng thanh đáp lời kêu gọi của ông:  “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24,18b).

            Đây là một trang sử đẹp của dân Israel. Cảm nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa còn đậm nét và những biến cố lịch sử mới xảy ra không lâu đã giúp cho họ dễ dàng nhận ra “Người là Thiên Chúa” thật của họ và họ quyết tâm phụng thờ Người.  Nhưng lịch sử dân Israel lại hầu như đầy dẫy những bất trung của họ trong tương quan với Chúa.  Họ bị lôi cuốn theo lối sống của dân ngoại thay vì theo Lề Luật. Họ đã lấy các thần ngoại để thay thế chỗ đứng của Thiên Chúa, thí dụ như “các thần cha ông họ đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc các thần của người Emôri” (Gs 24,15). 

            Dân Chúa bất trung như thế đó, vậy mà ngược lại, Thiên Chúa luôn trung thành với dân Người. Người tìm đủ mọi cách để giúp họ thức tỉnh và thống hối sau những sa ngã tày trời ấy.  Khi thì Người dùng hình phạt, chiến tranh, lưu đày để làm cho họ gắn bó với Người.  Khi khác Người nhắc lại những việc tốt lành Người đã thực hiện cho họ, để xin họ hãy trung thành với Người (x. Hs 1-3).

            Lịch sử bất trung của Israel tuy là một sự kiện cụ thể, nhưng cũng là lịch sử tái diễn nơi tâm hồn chúng ta : Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương chúng ta. Nên trong BĐ II, thánh Phaolô sánh ví Chúa Giêsu yêu thương và chăm sóc người tội lỗi, như yêu thương và chăm sóc đối với Hội Thánh, Israel – Mới.

            Dù thánh Phaolô trong BĐ II này (Ep 5,21-32), bàn về những cách cư xử trong đời sống gia đình của Kitô hữu. Ngài đem mẫu gương Chúa Giêsu yêu thương và chăm sóc Hội Thánh áp dụng vào đời sống gia đình, đặc biệt là cách vợ chồng đối xử với nhau. Tất cả những nghĩa cử này của Chúa Giêsu chứng tỏ lòng trung thành yêu thương của Người đối với Hội Thánh.  Mà Kitô hữu là chi thể của Huyền Thể Chúa Giêsu, được bao bọc bằng tình yêu của Đầu là Chúa Giêsu, nên ta phải trung thành theo Chúa, tùng phục Người, “như Hội Thành tùng phục Chúa Giêsu” (Ep 5,24).

            Qua lịch sử Hội Thánh, mặc dù có những giai đoạn đen tối, chúng ta vẫn thấy thái độ căn bản của Hội Thánh đối với Chúa Giêsu, đó là sự tùng phục và trung thành. Thái độ ấy không hẳn chỉ được biểu lộ qua những công thức tuyên tín hoặc những văn kiện chính thức của Hội Thánh, nhưng còn phải là lòng trung thành của mỗi phần tử trong Hội Thánh, cố gắng sống đúng với căn tính Kitô và với niềm xác tín:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. 

Niềm xác tín này không chỉ của riêng ông Phêrô, nhưng cũng phải là xác tín của mỗi người Kitô hữu. Kitô hữu chỉ có được xác tín như ông Phêrô, nếu Kitô hữu thường xuyên chuyên chăm đọc Lectio divina và ở lặng bên Thánh Thể Chúa Giêsu. Nhờ 2 việc này :

(1) Kitô hữu hiểu về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa chỉ được thực hiện do Chúa Giêsu. Người là nguồn sức sống duy nhất cho cuộc đời của họ.

(2) Kitô hữu hiểu về mục đích của cuộc đời mình là ‘ở lại’ trong Chúa, nên phải ăn thịt và uống máu Chúa để đạt được mục đích này.

(3)       Kitô hữu chỉ có thể hiểu được về Đức tin và mầu nhiệm Thánh Thể, với ơn thánh của Thiên Chúa (x. Ga 6,37.44.65).

           

III.        Khi Thiên Chúa Cha ban Con Một cho chúng ta, là để chứng tỏ lòng yêu thương chúng ta, Ngài cũng đã ban cho chúng ta ơn đến với Chúa Giêsu.

Nên thánh P.J. Eymard xác tín : “Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể như bánh cho người yếu đuối cũng như cho người mạnh sức, là thuốc chữa cho tội lỗi, là khí giới mạnh mẽ chống ma quỉ, là điều kỳ diệu của phục sinh và sức sống liên lỉ của Người trong các chi thể đau khổ bệnh tật. Vậy hãy đến với Bí Tích Thánh Thể, ở đó, bên chân Người, con sẽ nhận được ơn sủng, sức mạnh cho điều thiện, với ánh sáng và tình yêu. Như thế, con hãy quẳng mọi nỗi khốn khó và lửa thần thiêng đó như quẳng rơm vào lửa. hãy dìm áo của Bí Tích Rửa Tội đã hoen ố vào trong Máu tinh tuyền chân thật của Chiên Thiên Chúa, rồi áo ấy sẽ trở nên trắng tinh đẹp đẽ” (PD 19,23).

Vậy chúng ta cần ý thức chân lý yêu thương nầy và xác tín vai trò “Lời đem lại sự sống đời đời” của Người. Chúng ta mạnh dạn đến rước Thánh Thể và ở lại với Người. Người sẽ tăng cường sinh lực để chúng ta trung thành đi theo làm môn đệ của Người.

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI