Thứ Hai, 16 Tháng Chín, 2024

Muốn vào Nước Trời hãy: “nghe – làm – đi”

Thứ 5 tuần XII thường niên

MUỐN VÀO NƯỚC TRỜI HÃY: “NGHE – LÀM – ĐI”

Mt 7, 21-29

(Đông Kỳ 2020)

              Trong đoạn Tin Mừng Mt 19, 24-25, Chúa Giêsu dùng hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim để ví người giàu có thật khó vào Nước Thiên Chúa biết bao. Khi nghe vậy các môn đệ sửng sốt thốt lên: Thế thì ai có thể được cứu? Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khuyến cáo rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu!” Như vậy, làm sao có thể vào Nước Trời? Và đâu là tiêu chuẩn để (mỗi người, cách riêng những môn đệ bước theo Chúa) được vào Nước Trời. Khi suy niệm Lời Chúa hôm nay, con xin đưa ra ba động từ, có thể tạm coi là những tiêu chuẩn và cũng là lời dạy của Chúa Giêsu. Ba động từ đó là: nghe – làm – đi.

  1. Động từ: Nghe

          Như chúng ta biết, nghe là khả năng tiếp nhận hay khả năng đón nhận những thông tin từ người khác hay đối tượng khác. Bởi vậy, những người bị khiếm thính hay người những người bị “nặng tai” thì rất khó khăn trong việc nghe và tiếp nhận thông tin từ người khác. Thế nhưng cần phải nghe gì? Và nghe như thế nào? Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, mỗi ngày chúng ta có cả một khối lượng thông tin khổng lồ để nghe. Nào là nghe âm thanh, tiếng động của loa đài, máy móc, của các phương tiện kĩ thuật số; nào là nghe tiếng than thở, tiếng rên siết của vũ trụ vạn vật, tiếng chim ca hót, tiếng của các loài động vật…; nào là nghe tiếng í ới, tiếng trò chuyện của con người giao thiệp với nhau; và đặc biệt mỗi ngày, chúng ta được nghe lời của Chúa, tiếng Chúa nói với mỗi người chúng ta ngang qua bài đọc trong thánh lễ, qua bài giảng của chủ tế, qua cầu nguyện, qua những mạc khải riêng tư với mỗi người nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa.

           Nhưng phải nghe với thái độ nào? Thánh Biển Đức đã thấm thấu lời dạy trong sách Huấn ca nên khuyên chúng ta rằng: “Con ơi, hãy ghé tai lòng con, để lắng nghe lời Cha hiền dạy bảo…” (x. Hc 6,23). Còn Lời Chúa hôm nay dạy: “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Còn ai nghe mà những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem thực hành, thì ví như người ngu dại xây nhà trên cát” (Mt 7, 24.26). Như vậy, nghe xong rồi không phải để đó, nhưng phải đi đến hành động, đó là làm điều mình đã được nghe.

  1. Động từ: Làm hay Thực hành

          Người ta thường nói “lao động là vinh quang”. Quả vậy, lao động – làm việc trước hết có mục đích tạo ra của cải vật chất để con người có của ăn và sử dụng hằng ngày. Chính Chúa Giêsu khi nhập thể, Ngài cũng làm việc như con người chúng ta. Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Còn thánh Phaolô thì quả quyết mạnh mẽ với giáo đoàn Thexalonica: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10). Như vậy, ngoài việc tạo ra của cải vật chất để phục vụ con người và phát triển xã hội, thì “làm” còn có ý nghĩa giúp con người thăng tiến bản thân, thắng vượt tính lười biếng của mình, phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao phẩm giá và phát triển con người toàn diện. Hơn nữa, làm việc cũng là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

           Thế nhưng phải làm hay thực hành như thế nào? Chúa Giêsu xuống thế gian là để thi hành ý muốn của Chúa Cha như lời Ngài nói: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Nơi khác có lời chép: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,9). Bởi vậy, chỉ ai thi hành ý muốn của Chúa Cha là Đấng ngự trên trời, thì mới được vào mà thôi (x. Mt 7,21). Cho nên, không phải chúng ta muốn làm gì thì làm. Điều chúng ta làm phải được chỉ thị, phải có phép. Chẳng hạn chúng ta muốn đi đâu, về quê hay làm một công việc gì thì phải có phép của bề trên; hoặc một anh công an muốn kiểm tra hình sự hay kiểm tra giấy tờ xe, thì phải có chỉ thị của cấp trên. Điều đó cho thấy làm hay thực hành một việc gì đã được chỉ thị, đã được nghe, thì kết quả sẽ được bình an và được tán thưởng. Trái lại, nếu đã được nghe, được chỉ thị mà không làm hoặc làm mà không có chỉ thị, làm theo ý riêng của mình thì phải lãnh hậu quả là án phạt, như Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ, nhiều người sẽ thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa, nào chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác’ (Mt 7, 22-23).

  1. Động từ: Đi

         Động từ “đi” diễn tả hành động của một sự di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác hay từ nơi này đến nơi kia. Chẳng hạn đi lên Sài Gòn, đi qua Mỹ, đi qua châu Âu… Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, có hai lối đường để con người bước đi, đó là đường lối của người công chính và đường lối của kẻ bất lương. Hay con đường hẹp, gồ ghề dẫn đến Nước Trời và con đường rộng rãi, thênh thang thì đi tới chỗ diệt vong. Cho nên, lựa chọn đi trên con đường nào là quyết định tự do của mỗi người chúng ta. Trong chiều hướng của bài Tin Mừng hôm nay, con xin nói đến khía cạnh thể bị động của động từ “đi”, nghĩa là được đi hay bị đi. Được đi hay được đưa đi là kết quả của việc nghe và thực hành Lời Chúa để đi vào nhận phần thưởng Nước Trời: hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi (x. Mt 25,21). Câu chuyện ông Êlia được đưa lên trời trong cỗ xe ngựa đỏ như lửa phần nào cho chúng ta thấy rõ điều đó. Trái lại, bị đi hay bị đuổi đi là hậu quả của việc nghe mà không thực hành Lời Chúa, cho nên phải đi chịu án phạt: hãy xéo đi cho khuất mắt ta, hỡi bọn làm điều gian ác (x. Mt 7,23).

          Nói tóm lại, nghe – làm – đi là quá trình diễn ra hàng ngày trong đời chúng ta. Mỗi ngày chúng ta được nghe Lời Chúa, nhưng liệu chúng ta có làm theo Lời Chúa dạy hay không. Nếu nghe mà không thực hành thì sẽ ví như người ngu dại xây dựng cuộc đời mình dựa trên những thứ mau qua chóng tàn, như xây nhà trên cát và hậu quả một ngày kia sẽ bị tiêu diệt, bị phá vỡ tan tành. Còn nếu nghe và thực hành lời của Chúa thì ví như người khôn xây dựng cuộc đời mình vững chắc trên nền tảng là chính Chúa và sẽ được đi vào Nước Trời. Để việc nghe Lời Chúa, đem ra thực hành lời Ngài để được vào Nước Trời thiết tưởng cần phải có ơn Chúa. Xin Chúa trợ giúp chúng con mỗi ngày. Amen!

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh – Mừng 50 Năm Thành Lập Đan Viện Xitô Phước Vĩnh

THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH-MỪNG 50 NĂM THÀNH LẬP ĐAN VIỆN XITÔ PHƯỚC VĨNH      Vào lúc 9:30 thứ Ba ngày 19 tháng...

Tâm tình với anh Bernadino

TÂM TÌNH VỚI ANH BERNADINO Dũng Ân Anh thân mến! Anh đã an nghỉ nơi lòng đất mẹ rồi, nhưng em và mọi người vẫn chưa...

Ai tín

…Xin Người cho anh em biết con người và ơn gọi của anh em là gì…

Một vài suy nghĩ về con người và ơn gọi nhân dịp tuyên khấn của anh em (Vinh-sơn Liêm, PV) Hằng năm chúng ta vẫn thường...

TÂM TÌNH TẬP VIỆN TÊ-RÊ-SA PHƯỚC VĨNH SỐ 4

LẠI BẮT ĐẦU          Thưa Chị,...

Bài Giảng Thứ Năm Tuần Thánh

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2015 TẠI PHƯỚC VĨNH VENI...

Bài Giảng Lễ PHỤC SINH- VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII

VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII.Cha Viện Trưởng           ...

Niềm Vui Phục Sinh

Niềm Vui Phục Sinh Truân chuyên vạn nẻo đường...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Chúa Giêsu đã phục...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh             Chúa...

Phước Vĩnh 40 năm hành trình sứ vụ- gắn liền với ơn gọi của thánh Gioan Tiền Hô.

    Hôm nay là ngày sinh nhật của thánh...

NGÀY TẠ ƠN CỦA HỘI DÒNG 24/07/2015 – NHÂN DỊP GHỖ LẦN THỨ 82 CHA TỔ PHỤ

 NGÀY TẠ ƠN CỦA HỘI DÒNG 24/07/2015 NHÂN DỊP...