Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 22 TN A

CHÚA NHẬT 22-A TN
(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,24-26)
 
            I.          Hans Christian Andersen, văn sĩ Đan Mạch, viết câu truyện ngụ ngôn : “chú vịt con xấu xí”.
 
Có một quả trứng thiên nga nở trong chuồng cùng những vịt con. Chú thiên nga này quá xấu, cả bầy vịt đều coi chú thiên nga này là một ‘vịt con xấu xí’, nên cười nhạo, coi khinh. Trước những áp lực to lớn vì bị phân biệt đối xử, ‘vịt con xấu xí’ bỏ nhà đi lang thang.
 
Trên bước đường lưu lạc, mặc dù ‘vịt con xấu xí’ cố gắng vui vẻ chào hỏi mọi người, nhưng không được đáp lời. Mùa thu tới, thời tiết trở lạnh, ‘vịt con xấu xí’ dường như cũng cảm nhận được chút lạnh lẽo cô đơn. Một buổi chiều, ‘vịt con xấu xí’ nhìn thấy một bầy thiên nga rất xinh đẹp đang bay về phương nam, nó cảm thấy trong mình có một thứ hưng phấn không nói lên lời, ‘vịt con xấu xí’ ám ảnh về bầy thiên nga ấy.
 
Khi mùa đông tới, ‘vịt con xấu xí’ bị rét cóng nơi bờ hồ. ‘Vịt con xấu xí’ được một nông dân mang về. Cái giá lạnh của mùa đông rồi cũng đi qua, bầy thiên nga xinh đẹp lại quay trở lại và ‘vịt con xấu xí’ lại được trông thấy bầy thiên nga. ‘Vịt con xấu xí’ không kiềm chế nổi bản thân, muốn bay lên với bầy thiên nga. ‘Vịt con xấu xí’ liền lao xuống nước, bơi về hướng bầy thiên nga. Khi bầy thiên nga nhìn thấy ‘vịt con xấu xí’ đến, chúng liền bơi tới xung quanh, và dùng mỏ để hôn nó. Bầy thiên nga ca ngợi ‘vịt con xấu xí’ là thiên nga xinh đẹp nhất bầy.
 
II.         Người ta thường dùng cách nói “vịt con xấu xí”, để ám chỉ về ai đó có dáng vẻ bề ngoài khiếm khuyết mà bị người khác phân biệt đối xử. Phải chăng đó là “thân phận” con người. Con người ít ‘phản tỉnh’ về mình, nên không ‘phân định’ được giá trị cao quý mình chính là một “Giêrêmia dễ thương” đang được Thiên Chúa “quyến rũ”, mà lại chỉ thấy “suốt ngày mình nên trò cười cho thiên hạ nhạo báng” (x. Gr 20,7-9). Thánh Phaolo cho biết con người được Thiên Chúa “quyến rũ”, là “vì Thiên Chúa thương xót” (x. Rm 12,1).
 
Con người được Thiên Chúa “thương xót”, nên thánh Phaolô mời gọi con người phải có bổn phận đối với Thiên Chúa.
 
Một. Bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Hồn của việc thờ phượng Thiên Chúa, chính là những tâm tình đạo đức của chúng ta diễn tả ra nơi tất cả con người mình (x. Ðnl 6,5). Của lễ sống động là cả một đời sống được dâng hiến cho Thiên Chúa, đối nghịch với của lễ gia súc chết hiến dâng trên bàn thờ. Bởi vậy, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).
 
Muốn đạt điều này, trước hết, phải cảm nhận Lòng Chúa Thương Xót. Kế đến là hiến dâng thân mình cho Chúa, vì nếu để ‘đầu óc suy luận viễn vông sẽ làm tâm trí ngu si hóa ra mê muội (x. Rm 1,21), và sẽ ‘buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể ra hư hèn’ (x. Rm 1,24).
 
Tất cả cuộc đời Kitô hữu là một đời phụng vụ (x. Rm 15, 16).  Dâng hiến chính bản thân mình lên Thiên Chúa, là “cách thế xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa”. Phụng vụ đòi hỏi hiến thánh toàn thể con người, là bổn phận phụng thờ Thiên Chúa xứng hợp nhất.
 
Hai. Bổn phận đổi mới tinh thần và tâm hồn. Kitô hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (x. Rm 8,29), nhờ kết hợp với Chúa Giêsu. Vì Tôn Ý của Thiên Chúa là muốn con người tin và kết hiệp với Con Một của Người là Chúa Giêsu (x. Ga 3,16) thì mới trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
 
Đối với thánh Phaolô, thế giới hiện tại là thế giới tội lỗi, thế giới ngoại giáo, nên thánh Phaolô mời gọi “đừng rập theo đời này”để hướng về “đời sau” là thời ân sủng đã được khởi đầu từ khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại (x. Gl 1,4). Kế đến là “đổi mới tâm thần”, là chọn Chúa Giêsu làm tiêu chuẩn và gương mẫu trong khi Kitô hữu phân định phải trái, tốt xấu, điều gì đẹp lòng Chúa hoặc mất lòng Chúa.
 
Nhờ có thái độ không theo đời, không thỏa hiệp với đời, Kitô hữu tỏa chiếu những tâm tình của Chúa Giêsu qua cách đối xử với nhau, và đối phó với những gian nan thử thách.
 
      Đây là một thách đố thường ngày đối với các Kitô hữu xưa cũng như nay. Nhưng Kito hữu không đơn phương độc hành trên đường theo Chúa. Vì Chúa Giêsu không chỉ thiết lập Vương Quốc thiêng liêng quy tụ nhân loại thành một đoàn con Thiên Chúa.  Chúa Giêsu còn là gương mẫu và chính con đường để tất cả các môn đệ noi theo và Người đồng hành với họ.  Do đó, sau khi giải thích cho môn đệ hiểu sứ mệnh của Đấng Kitô theo tư tưởng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu kết luận : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). 
 
Chúa Giêsu đã “từ bỏ chính mình” đến độ “trút bỏ vinh quang và địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” (x. Pl 2,6-8). Trên đường thi hành sứ vụ loan giảng Tin Mừng, Người đã từ bỏ ý muốn và tư tưởng loài người để tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã “vác thập giá mình” bằng cách đón nhận tất cả những khổ đau của kiếp người, từ khi sinh ra nghèo hèn tại Bêlem cho đến lúc tắt thở trên Thánh Giá.  Hình ảnh “từ bỏ chính mình” và “vác thập giá mình”, theo thánh Phaolô đó là “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.”
 
 
III.        Đáp lại Lòng Chúa Thương Xót “quyến rũ” chúng ta vào hưởng hạnh phúc cùng Người, chúng ta cố gắng “phản tỉnh” lại những gì mình đã sống, thì sẽ “phân định” được biết bao hồng ân Thiên Chúa dành cho cuộc sống mình. Tự bản chất chúng ta là “con Chúa”, như ‘vịt con xấu xí’ đã có bản chất là ‘thiên nga’, mà không hay biết. Chúng ta đến bên Thánh Thể Chúa Giêsu, Thánh Thể Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta tái khám phá thiên chức cao quý đó, vì “Ngài quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, con người được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Nhờ Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta chẳng những khám phá ra bản chất thánh của mình, mà chúng ta còn được Ngài biến đổi cuộc sống chúng ta thành “của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”.

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI