Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 24 TN A

CHÚA NHẬT 24-A THƯỜNG NIÊN
Hc 27,33 – 28,9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
 
I.     Văn hào Nga Leon Tolstoi kể câu chuyện ngụ ngôn :
       Người hành khất nọ đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Đồng xu nhỏ hay miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người hành khất mong chờ nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người hành khất van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ kia.
 
         Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị, thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”. Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
 
        Năm tháng trôi qua. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam. Hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.
 
          Nhưng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.
 
 
II.    Văn hào Nga Leon Tolstoi kết luận : Tha thứ là điều khó khăn nhất, nhưng cũng là điều cao cả nhất. Đời sống chung luôn có những va chạm, đụng độ, gây nên chia rẽ.  Việc sửa lỗi anh em là bổn phận (x. Ed 33,7-9), có đức ái là nền tảng (x.Rm 13,8-10) và cần phải hiệp lòng cầu nguyện (x. Mt 18,15-20) thì việc việc sửa lỗi mới thành công (x. PVLC CN 23-A).
 
Hôm nay, PVLC nói đến việc tha thứ cho nhau. Chúa Giêsu đã dạy : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35), thì tha thứ chính là ‘động lực’ giúp cho người ta ‘yêu thương’ nhau. Tha thứ trở nên tín hiệu giúp nhận ra các môn đệ của Chua Giêsu. ĐTC Phanxico nói : “ai không tha thứ không phải là kitô hữu” (Vatican, ngày 10-9-2015)
 
Tha thứ chính là ‘động lực’ giúp cho người ta ‘yêu thương’ nhau, nên thánh Mátthêu ghi lại câu chuyện khi ông Phêrô đến với Chúa và đặt câu hỏi về vấn đề tha thứ “nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (x. Mt 18, 21-35 // Bài Phúc Âm). Câu hỏi này,  tương tự như câu hỏi ‘khi bị người khác xúc phạm mình, chúng ta phải tha thứ cho họ bao nhiêu lần’. Đặt câu hỏi về tha thứ bao nhiêu lần, ông Phêrô đã lấy lòng quảng đại của ông để làm chuẩm mực.  Các bậc thầy Do Thái đưa ra con số ba lần. Ông Phêrô tăng lên bảy lần, như vậy là ông Phêrô còn rộng rãi hơn cả các bậc thầy Do Thái. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ông Phêrô một bất ngờ. “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Chúa Giêsu không muốn lòng tha thứ bị giới hạn và lệ thuộc vào những con số:  Tha thứ bảy mươi lần bảy có nghĩa là tha thứ luôn luôn.
 
       Hội Thánh của Chúa Giêsu phải vượt trên khuôn mẫu Do thái giáo trong Cựu Ước, phải thay thế những bất toàn để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 15,48).  Vậy nếu chỉ tha thứ theo lần, dù năm lần bảy lượt, hay hơn nữa, vẫn còn là trong vòng giới hạn. Lòng tha thứ diễn tả lòng thương xót, nên lòng tha thứ của con người phải giống như lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa: “Thương xót như Chúa Cha” (Misericordes sicut Pater – Lc 6,36). Lòng tha thứ thuộc về tình yêu. Mà “mức độ tình yêu là yêu không mức độ” (thánh Phanxico Salien – Youcat, 2).
 
Chúa Giêsu minh họa bằng dụ ngôn nói về một tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót, như để giải tỏa thắc mắc tại sao phải tha thứ “đến bảy mươi lần bảy”. Món nợ tên đầy tớ không biết thương xót mắc nợ ông vua là một biểu tượng nói lên mức độ xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa.  Cho dù con người có làm mọi sự với tất cả những gì con người có cũng không đủ để đền bù xúc phạm ấy.  Vậy mà Thiên Chúa sẵn sàng tha nợ cho con người.  Nên lòng thương xót bao la và rộng lòng thứ tha của Thiên Chúa đã trở nên lý do chính để con người tha thứ cho nhau không giới hạn.  Nếu con người chỉ tha thứ vì anh chị em xin lỗi mình, hoặc vì con người muốn tỏ ra cao thượng và nhân đức, đó chỉ là những lý do phụ thuộc và sẽ bị hạn chế. Chúa Giêsu muốn con người theo gương Cha Người, lấy lòng nhân từ thương xót mà tha thứ cho nhau.
 
 
III.   Lòng thương xót và tha thứ mà Thiên Chúa dành cho con người đã trở nên lý do và nền tảng để con người sẵn sàng tha thứ cho nhau. Hiện thân Lòng Thương Xót và Tha Thứ, chính là Thánh Thể Chúa Giêsu. Chúa Giêsu Thánh Thể phá vỡ ‘bức tường ngăn cách tạo nên sự thù nghịch lẫn nhau (x. Ep 2,14-16).
 
Mẹ Têrêsa khi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố : “Trong gia đình nhân loại chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau… Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”.  Vì “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa” (x. Rm14,7-9 // BĐ II).
 
 
Để xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng ta “bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, không nuôi lòng hờn giận, biết thương người đồng loại” (x. Hc 28,1-8 // BĐ I), chúng ta mau thưa lên cùng Chúa Giêsu Thánh Thể lời “Abba – Cha ơi” (x. Mc 14,36; Rm 8,15; Gl 4,6).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI