Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU VÀ THẬP GIÁ CỦA NGƯỜI (Bài suy niệm Chúa nhật tuần XXII TN A) – Mai Thi

MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU VÀ THẬP GIÁ CỦA NGƯỜI

(Bài suy niệm Chúa nhật tuần XXII TN A)

 

Theo kết quả khảo sát và nhận định của nhiều người, một trong những lý do chính yếu khiến đời tu sa sút và gặp khủng hoảng là các tu sĩ sống theo tinh thần đời, khước từ thập giá vốn là điều kiện tiên quyết Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn dấn thân theo Người. Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 16, 21- 27) đã nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Điều kiện Chúa Giêsu đưa ra tất nhiên dành cho tất cả mọi người Kitô hữu, không trừ một ai. Tuy nhiên với các linh mục và tu sĩ, mức độ của việc từ bỏ và dấn thân mang tính triệt để hơn. Chính vì thế dù là Kitô hữu giáo dân hay tu sĩ hoặc linh mục việc thực hiện yêu cầu của Chúa đến nơi đến chốn trong mọi khía cạnh của cuộc sống đời thường nhất là trong thời đại hôm nay không đơn giản chút nào. Xưa nay nhân loại đều bị cám dỗ đi theo một Chúa Kitô không thập giá hoặc một thập giá không có Chúa Kitô. Sứ điệp lời Chúa tuần XXII TN năm A cũng là bài học Chúa dạy chúng ta ghi nhớ là: đời người Kitô hữu không thể tách rời khỏi thập giá Chúa Kitô nhưng vác thập giá vì Chúa và với Chúa bằng tình yêu mến và tự nguyện hiến dâng tất cả cho một Tình Yêu chứ không phải vì điều gì khác.

           1. Theo Chúa Giêsu bằng con đường thập giá.

Con đường mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ không phải là con đường dễ dãi, thênh thang, mà là con đường hẹp. Con đường đó là  “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy”. Không có con đường nào khác để đi theo Chúa Giêsu ngoài con đường thập giá, trong khi đó nói đến thập giá, hy sinh và đau khổ thì ai cũng ngại, cũng tránh, cũng né,… bao nhiêu có thể. Chính vì thế khi nghe Chúa Giêsu báo trước con đường Người phải đi thì ông Phêrô mới kéo riêng Người ra để tư vấn và an ủi: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp chuyện ấy” (Mt 16, 22).

Theo tính tự nhiên, chẳng ai trên cuộc đời này thích vác thập giá. Có lẽ vấn đề của chúng ta cũng giống như Phêrô và các môn đệ: thích một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, thích ăn trên ngồi trước, thích được người khác phục vụ,…vv. Nhưng khi chúng ta muốn làm môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, muốn gắn kết đời mình với Chúa Giêsu thì điều tất yếu không thể bỏ qua đó là đi con đường khổ nạn, con đường thánh giá, giống như hành trình cứu thế của Người. Con đường Chúa đi không phải là con đường dễ dàng và được trải nhung lụa; ngược lại, con đường Chúa đi đầy chông gai, nhiều thách đố, cuối cùng là cái chết. Đó là một sự thật, đó là điều kiện đương nhiên dành cho tất cả những ai muốn tiếp bước theo gót Chúa Giêsu.

Môn đệ đích thực phải là người giống như Thầy mình: chấp nhận đánh đổi tất cả để chỉ yêu, vâng lời, thuộc về một Thiên Chúa mà thôi. Môn đệ Đức Giêsu tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Người đã đi: con đường khổ nạn, từ bỏ và hy sinh. Cũng chính vì thế Chúa Giêsu trong trình thuật Tin mừng hôm nay nặng lời trách Phêrô: “Satan, lùi lại đằng sau thầy! Anh cản lối Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người”.

Đi vào thực tế đời sống đức tin của chúng ta, thật không đơn giản chút nào: lúc chúng ta được thành công, lúc bình an vô sự thì việc nói yêu Chúa, sẵn sàng theo Chúa và từ bỏ mọi sự cho Chúa chẳng có vấn đề gì; nhưng lúc gặp đau khổ, thất bại, thử thách…. thì chúng ta lại muốn buông xuôi, chán nản, trách móc hay “nghỉ chơi” với Chúa. Nguyên nhân thật dễ hiểu vì tình yêu của ta với Chúa không đủ mạnh, chúng ta vác thập giá vì chẳng còn chọn lựa nào khác; trái lại Chúa thì muốn chúng ta giống Người trong mọi sự: tất cả đều được khởi đi và kết thúc bằng tình yêu.

 

          2. Vác thập giá theo Chúa bằng tình yêu.

Thập giá Chúa Giêsu là đỉnh cao thể hiện bản tính Thiên Chúa một cách tốt nhất. Sách giáo lý Công giáo số 618 đã viết: “Thập giá là hy sinh độc nhất của Chúa Kitô ‘vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người’ (1Tm 2, 5)…. Người kêu gọi các môn đệ: ‘Vác thập giá và đi theo Người’, bởi vì ‘Người đã chịu đau khổ vì chúng ta, Người đã vạch cho chúng ta con đường để bước theo Người” (1Pr 2, 21).

Một khi Chúa Giêsu yêu Chúa Cha và yêu nhân loại thì Người không hề tính toán thiệt hơn, sẵn sàng chết cho chúng ta được sống. Tình yêu mạnh hơn sự chết là vậy. Thánh giá Người vác, cái chết nhục nhã đau đớn trở thành niềm vui và tiến trình này đã được thực hiện đúng như vậy.

Thực tế cho thấy khi đã say yêu ai rồi thì chẳng còn thấy người mình yêu bất toàn hay trở thành thập giá cho mình, mà nếu có thập giá thì cũng trở thành báu vật để giữ riêng cho mình. Không có khổ đau hay không còn thấy khổ đau đối với người đang yêu cho nên người ta vẫn nói, bị say tình, tình yêu mù quáng, điên vì yêu…. Nội dung bài đọc I (Gr 20, 7-9) làm sáng tỏ điều đó. Thật ra cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia cũng bị giằng co: có nhiệt thành, có vui vẻ hạnh phúc nhưng nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc cảm thấy buồn chán, thất vọng vì theo Chúa thấy quá vất vả. “Mỗi lần nói năng là con phải la lớn: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’. Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và bị chế giễu suốt ngày” (Gr 20, 8). Nhưng Lời của Chúa như ngọn lửa bùng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt và rồi Giêrêmia thắng được sự cám dỗ buông xuôi, để rồi Giêrêmia đi theo Chúa cho đến cùng. Giêrêmia sẵn sàng hiến dâng đời mình vì một tình yêu, ông đối diện với thử thách, đón nhận những thánh giá của cuộc đời bằng tình yêu mãnh liệt để đáp lại tình yêu quyến rũ của Chúa.

Vấn đề là chúng ta khi theo Chúa, vác thập giá cách tự nguyện hay miễn cưỡng. Nếu chưa có tình yêu, chưa được khởi đi từ động lực của tình yêu thì chúng ta theo Chúa chỉ để tìm lợi, theo cơ hội,… chứ chưa thật sự hiến dâng cho một Tình Yêu.

 

          3. Hiến dâng tất cả cho một Tình Yêu.

Tất cả cuộc đời của Đức Giêsu đều quy hướng về Thập giá. Sách Gương Chúa Giêsu viết: “Cuộc đời của Đức Kitô là Thập giá và tử đạo” (II, ch.12). Không thể hiểu cuộc đời của Chúa mà không có Thập giá, cũng như không thể hiểu Thập giá nếu không đi vào con đường dẫn tới Thập giá. Thiên Chúa chỉ hứa thập giá, đau khổ, thử thách cho những ai muốn làm môn đệ của Người. Ai đó đã nói: “đời là bể khổ, đi qua bể khổ cũng là lúc qua đời”. Nếu Thiên Chúa có hứa hạnh phúc cho ai thì cũng phải đi tìm nó bằng con đường từ bỏ, chấp nhận thiệt thòi….. Thánh Têrêsa Avila nói chí lý rằng: Chúa cứ như thế nên Chúa ít bạn lắm.

Khi can ngăn Chúa Giêsu chấp nhận con đường thập giá, thái độ của Phêrô thật đáng thương trước mặt thế gian nhưng lại đáng trách trước mặt Thiên Chúa. Điều ông làm cũng là điều mọi người xưa nay vẫn làm như vậy, trừ ra các thánh. Phêrô trách Chúa vì nghĩ rằng Chúa thiếu khôn ngoan. Trái lại Chúa Giêsu mắng Phêrô vì chẳng khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa, nếu Phêrô cứ thế ông trở thành kẻ thù của Chúa, là đồ đệ của satan. Chỉ sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Phêrô mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường thập giá thì mới vào được hưởng vinh quang với Chúa. Khi đó ông chỉ còn sống và chết cho một Tình Yêu.

Cũng vậy, kinh nghiệm của thánh Phaolô giúp chúng ta sáng tỏ hơn nữa: một khi được ơn biến đổi, ông không coi bất cứ cái gì cao trọng bằng tình yêu đối với Giêsu. Nội dung bài đọc II (Rm 12, 1-2) nói lên điều đó: khi đã yêu rồi thì người ta dám hiến dâng tất cả.

Chúng ta thường muốn điều dễ dàng, tránh né khó khăn và cũng muốn điều đó cho người thân, như Phêrô ước muốn cho chính Thầy mình. Điều mà thánh Phaolô trong bài đọc II gọi là “rập theo đời này” chính là thái độ chọn theo tinh thần thế gian, điều đó không đẹp ý Chúa. Như vậy, cần phải vượt qua tất cả để hiến dâng cho một Tình Yêu.

 

Kết:

Nhiều thế kỷ trước đây, Thomas Kempis, tác giả cuốn Gương Phúc (Gương Chúa Giêsu) tổng hợp và ghi lại cách ứng xử của con người với giáo huấn của Tin mừng như sau:

“- Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người.

– Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.

– Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

– Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.

– Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.

– Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người”.

Chúa Giêsu đã đưa ra điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ: “Ai muốn theo Thầyphải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Vì thế những đau khổ thử thách chắc chắn có, còn và tiếp tục gắn liền với cuộc đời chúng ta. Việc theo sát Đức Kitô của mỗi chúng ta nghĩa là cùng nhịp bước đi với Đức Kitô xuyên qua gian khổ để đến vinh quang.

Là người Kitô hữu, Chúa mời gọi chúng ta đừng “rập theo đời này” nhưng “vác lấy thập giá hằng ngày mà theo Chúa”. Thập giá không chỉ là bệnh tật, hiểu lầm, mà còn là chính bổn phận và trách nhiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, tùy theo ơn gọi và sứ mạng của mỗi người. Các tu sĩ và linh mục khi sống trong các cộng đoàn và Hội dòng hay bất cứ được sai đi đâu, chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc không chỉ với người chúng ta sống với và sống cùng mà cho toàn thể phần rỗi nhân loại. Mỗi người một việc, mỗi người một trách nhiệm và chúng ta được mời gọi nên thánh trong bậc sống của mình. Với tất cả các bổn phận thường nhật đó và cả con người mình, miễn là trong mọi sự đều được gắn kết với thập giá Chúa, chu toàn bằng lòng yêu mến nhờ đó hiến trao tất cả cho một Tình Yêu duy nhất là Đức Kitô.

 

 

Mai Thi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Sáu Tuần XII Thường niên, Mt 8,1-4: Chạy lại với Chúa nhận ơn chữa lành

Thứ Sáu Tuần XII Thường niên, Mt 8,1-4 Chạy lại với Chúa nhận ơn chữa lành Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay mô tả...

Thứ Năm Tuần XII Thường niên, Mt 7,21.24-27: Đời hạnh phúc khi sống Tám Mối Phúc

Thứ Năm Tuần XII Thường niên, Mt 7,21.24-27  Đời hạnh phúc khi sống Tám Mối Phúc Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đoạn Tin Mừng hôm nay...

Thứ Ba Tuần XII, Thường niên, Mt 7,6.12-14: Sống tương quan ba chiều

Thứ Ba Tuần XII, Thường niên, Mt 7,6.12-14 Sống tương quan ba chiều Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đọc Tin mừng hôm nay, có một số người...

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương – Trao Tác Vụ Đọc Sách & Giúp Lễ

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG TRAO TÁC VỤ ĐỌC SÁCH & GIÚP LỄ Vào lúc 5h30’, ngày 25/03/2023, Đan Viện Xitô Thánh...

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm)

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm) M. Lasan Châu Sơn Trong khung cảnh huy hoàng của...

Con biết con cần Chúa – Con biết Chúa cần con – Suy niệm Tin Mừng: Mt 1,18-24 – CN IV MV, năm A

CON BIẾT CON CẦN CHÚA - CON BIẾT CHÚA CẦN CON Suy niệm Tin Mừng: Mt 1,18-24 Chúa nhật IV Mùa vọng, Năm A M. Lasan...

Tình yêu tự hủy của Vua Kitô

TÌNH YÊU TỰ HỦY CỦA VUA KITÔ SNTM Lc 23, 35-43; Chúa Kitô - Vua vũ trụ, Chúa nhật 34, Năm C Lasan Châu Sơn Một điều...

Tôi tin một cuộc sống đời đời

TÔI TIN MỘT CUỘC SỐNG ĐỜI ĐỜI Suy niệm Lời Chúa: Mcb 7,1-2.9-14; Lc 20,27-38; Chúa nhật 32 Thường niên, Năm C M. Lasan Châu Sơn Chúng...