CHÚA NHẬT 27-A TN
(Is 5, 1-7; Pl 4, 6-9; Mt 21, 33-43)
I. Những ngày tháng gần đây, phương tiện truyền thông cho biết có nhiều vụ đại án ‘lạm dụng tín nhiệm’ để tham ô tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng của Nhà Nước cũng như của nhân dân. Trong khi đó, đất nước còn bao cảnh đói nghèo, nhiều vùng đất quê hương đang chịu bao cảnh thiên tai… Thế mà có ‘người ăn không hết, kẻ lần không ra’, lạm dụng sự tín nhiệm để chiếm hữu cho riêng mình.
II. Ở Israel thời Chúa Giêsu, nếu chủ một thửa đất chết mà không có người thừa kế, thửa đất ấy sẽ thuộc về người nào chiếm ngụ đầu tiên. Đó là lý do các tá điền nói: “Đứa con thừa tự đây rồi, chúng ta giết nó và chiếm gia tài của nó” (x. Mt 21,38). Chúa Giêsu mượn dụ ngôn tá điền lạm dụng sự tín nhiệm của điền chủ để bày tỏ thân thế và sứ vụ Thiên Sai của Người. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa Cha ban cho con người, đem bình an hạnh phúc cho con người (x. Ga 3,16), nhưng lại bị khai trừ. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn ám chỉ về Người.
Đây là thái độ của dân được tuyển chọn –Dân Israel– đã không muốn tiếp nhận Nước Thiên Chúa. Và trong tình huống tưởng như bế tắc này, Chúa Giêsu lại hé mở niềm hy vọng mới, khi Người cho thấy lời Kinh Thánh ứng nghiệm về Người, là “tảng đá thợ xây loại bỏ” (x. Mt 21, 42) lại được Thiên Chúa sử dụng làm nền móng để xây dựng một “Vườn Nho Mới” là Hội Thánh của Người.
Dụ ngôn các tá điền sát nhân diễn tả một giai đoạn lịch sử của dân tộc Israel. Lịch sử nầy viết bằng một tương quan giữa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành tặng con người. Lòng Thương Xót đó được diễn tả ra thành Đường Lối của Thiên Chúa, hoặc gọi là Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, là mọi người được kêu gọi, được tuyển chọn nên công chính để hưởng hạnh phúc vinh quang.
Kế Hoạch Cứu Độ này, bao gồm : – mục đích là giải thoát con người khỏi tội lỗi và đem về hưởng hạnh phúc vinh quang với Người; – phương tiện là cho con người có khả năng trở nên công chính nhờ cuộc Khổ Nạn và Sống Lại của Chúa Giêsu; – cách thức là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (x. Rm 8, 28-30). Và trong Kế Hoạch Cứu Độ này, không có ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tách được con người ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 8, 35-39). Bởi vậy, thánh Phaolô đi đến kết luận con người bất hạnh, là vì con người không tin vào Thiên Chúa, Đấng ban sự bình an hạnh phúc cho con người (x. Pl 4,6-9 / BĐ II).
Từ khi kêu gọi cụ tổ Ápraham rời bỏ quê hương cho tới khi thành lập quốc gia Israel, Thiên Chúa luôn tỏ lòng yêu thương đối với dân Israel này. Để củng cố tương quan ấy, Thiên Chúa sai các Ngôn Sứ đến với Dân, mong hoa trái yêu thương trổ sinh trong “Vườn nho” đó. Nhưng lòng mong ước của Thiên Chúa đã không được như ý, “Vườn nho” chỉ sinh ra những trái nho dại (x. Is 5, 1-7 // BĐ I). Trách nhiệm chính quy về những người đã được Thiên Chúa trao phó sứ mệnh dẫn dắt dân Người, tức là những nhà lãnh đạo Israel mà Chúa Giêsu gọi là “những tá điền” canh tác vườn nho trong dụ ngôn Người kể. Những người lãnh đạo này đã không nghe lời các Ngôn Sứ là các đầy tớ do Chủ vườn nho sai tới, trái lại, họ còn bách hại các Ngôn Sứ (x. Mt 11,9.11 ; Mc 6,17-29).
Dù dân Israel có hành động đó, Thiên Chúa vẫn không phá bỏ “Vườn nho” (x. Is 5,5-6). Nhưng qua Chúa Giêsu, là Đá Tảng góc tường, Thiên Chúa đã biến “Vườn Nho Cũ” thành “Vườn Nho Mới” là Nước Thiên Chúa, và ban lại cho muôn dân, đúng như lời Kinh Thánh Chúa Giêsu đã trích dẫn: “Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118,23). Công Trình đó là Hội Thánh. Công Trình Kỳ Diệu bởi vì công trình thiết lập Hội Thánh là do Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu. Và, như Chúa Giêsu tuyên bố : “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43). Đây một Kế Hoạch Mới của Thiên Chúa.
Hoa lợi “Vườn Nho Mới” đem lại, thánh Phaolô nói đó “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý và đem ra thực hành” (x. Pl 4,8-9). Nên Hội Thánh kêu mời các thành viên phải quan tâm đến ‘con người’, vì “con người là con đường của Hội Thánh” (ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Centessimus Annus – Bách chu niên, chương VI, 53-62).
Hội Thánh có trách nhiệm chăm sóc không những toàn thể nhân loại mà còn chăm sóc cho từng cá nhân sao cho muôn người được ơn cứu độ. Hội Thánh kêu gọi mọi người quan tâm điều này, để tinh thần Phúc Âm đi đến khắp cùng bờ cõi trái đất, cho mọi dân tộc. Lòng Chúa Thương Xót phải được loan giảng ra tận những ‘vùng ngoại biên’ của Hội Thánh, bằng chính hành động bác ái yêu thương của các thành viên trong Hội Thánh.
III. “Vườn nho cũ” (x. Is 5,1-7), được Thiên Chúa thay thế bằng giống nho mới là Chúa Giêsu (x. Ga 15,1-5). Thiên Chúa thiết lập “Vườn Nho Mới – Nước Thiên Chúa – Hội Thánh” ai ai cũng có thể được tiếp đón vào “Vườn Nho Mới”. Chúng ta chiêm ngắm Thánh Thể Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu “tự hủy – kenosis” (x. Pl 2,6-11). Theo gương Người, chúng ta phản tỉnh lại cách sống của mình (sứ vụ), phân định các ơn lành mình đã đón nhận (nghĩa vụ), nhờ đó khám phá ra “công trình kỳ diệu của Chúa trước mắt chúng ta” (Mt 21,42). Để cuộc đời, một cuộc đời chỉ biết quan tâm đồng cảm sống cho tha nhân như Chúa Giêsu (x. Mc 10,45), trở thành “bản trường ca tôn vinh “Lòng Chúa Xót Thương” (x. Tv 136).