Thứ hai, 9 Tháng mười hai, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 27 TN A

CHÚA NHẬT 27-A THƯỜNG NIÊN (Pl 4, 6-9)

           

I.          Ngạn ngữ Pháp có câu : “Aide-toi, Dieu t’aidera – Bạn hãy tự cứu mình rồi Trời sẽ cứu bạn”. Không biết có phải trong cuộc sống hôm nay đang có nhiều người –vô tình hay hữu ý– áp dụng nghĩa đen của câu này, nên xã hội có nhiều vấn đề tiêu cực, thậm chí có nhiều án mạng. Nhiều án mạng do phản ứng tự vệ quá mức, để sau đó phải lo âu hối hận, như người Việt Nam có câu : “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”.

           

II.         Con người tự cứu mình, nhưng lại càng sa vào những điều bất nhân bất nghĩa. Con người tự vun xới cho mình, nhưng lại tạo thêm những mối ưu tư lo lắng. Con người tự tìm thế đứng cho mình, vững chắc đâu không thấy nhưng càng ngày lại càng thấy bị chống đối và đơn độc, cuộc sống Gia Đình không bình an hạnh phúc. Ngạn ngữ Pháp này, phải chăng có ý nói đến giá trị và vinh dự của con người được tham gia vào chương trình của Thiên Chúa, như thánh Augustino nói : “Thiên Chúa sáng tạo nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”. 

Những cuộc “tự cứu” như thế,  chỉ là tự cao tự đại, không ‘tri chỉ’, không đi đúng đường lối của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cho thấy :  Đường lối của Thiên Chúa là mọi người được kêu gọi, được tuyển chọn nên công chính để hưởng hạnh phúc vinh quang. Đường lối này, hay gọi là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, bao gồm : – mục đích là giải thoát con người khỏi tội lỗi và đem về hưởng hạnh phúc vinh quang với Người; – phương tiện là cho con người có khả năng trở nên công chính nhờ cuộc Khổ Nạn và Sống Lại của Chúa Giêsu; – cách thức là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (x. Rm 8, 28-30). Và trong kế hoạch Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì không có ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Người (x. Rm 8, 35-39). Bởi vậy, thánh Phaolô đi đến kết luận là vì con người không tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, là Đấng ban sự bình an hạnh phúc cho con người (x. Pl  4,6-9).

Để có bình an hạnh phúc trong cuộc sống và có được một chỗ đứng an lạc trong Gia Đình, thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Giêsu”. Minh chứng những điều khuyên này không vượt quá sức con người, thánh Phaolô đưa ra một ví dụ cụ thể về chính cuộc đời của ngài: “Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em”.

Thánh Phaolô dạy: “Ðừng lo lắng gì cả”. Ðiều này có nghĩa là phải phân định xem những lo lắng ấy có thực sự đáng lo không. Phân định theo thánh Phaolô là “giãi bày trước mặt Chúa”. Giãi bày trước mặt Chúa là lấy chính những tiêu chuẩn Chúa đã nêu ra để lượng giá, để phân biệt đâu là những lo lắng đích thực, đâu là những lo lắng giả tạo.

Những tiêu chuẩn đó, như Chúa Giêsu nói, là không quá lo lắng cái ăn, cái mặc, mà quên việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (x. Mt 6,25-34), không quá lo lắng phải nói năng làm sao (x. Mt 10,19), không quá lo lắng việc đời (x. Mt 13,22) ngay cả đến những lo lắng có vẻ chính đáng (x. Lc 10,41). Nếu chúng ta biết dựa theo những tiêu chuẩn đó để phân định mà tìm ý Chúa, dù chúng ta sống giữa trăm mối lo lắng, chúng ta vẫn an tâm. Bình an chúng ta gặp được không phải là bình an của người đời, nhưng là “bình an của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi hiểu biết”. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định điều đó, “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Và thánh Phaolô nhận ra hiệu quả của thứ bình an này là sẽ “giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Giêsu” (Pl 4,7).

         III.        Xây dựng một Gia Đình sống bình an hiệp nhất là bổn phận của mọi người. Chúng ta phản tỉnh lại xem có khi nào chúng ta khám phá ra sức sống của Thiên Chúa đang âm thầm vươn lên giữa những biến động trong Gia Đình không. Hay là, lúc nào chúng ta cũng nhìn Gia Đình mình bằng lăng kính bất mãn, phàn nàn than trách.

Gia Đình có Chúa Giêsu, nên Gia Đình hiệp nhất và bình an hạnh phúc. Hiệp nhất và bình an không có nghĩa là mọi người phải giống nhau, mà là mọi người tuy khác biệt nhưng cùng kết hiệp làm một với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu Hoàng Tử Hòa Bình (x. Is 9, 5), là “nguyên lý hiệp nhất” (x. Gl 3,28) và là “nguồn bình an hạnh phúc” (x. 1 Tx 5, 16-26; Mt 5, 1-10) cho Gia Đình, vì Chúa Giêsu là “Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót” được ban cho chúng ta (x. Ga 3,16). Nên kết hiệp với Chúa Giêsu cũng đồng nghĩa “yêu thương kẻ được Ðấng ấy sinh ra” (1 Ga 5,1). Cách biểu lộ tình yêu thương là không làm hại người đồng loại” về mọi phương diện, chứ không theo kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Yêu thương như thế, chính là “chu toàn cả Lề Luật” (Rm 13,10).

Chúng ta chiêm ngắm Thánh Thể Chúa Giêsu, để nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta yêu thương nhau và yêu mến Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và Cha của chúng ta nữa, xây dựng đời sống Gia Đình an vui và yêu thương như thánh Phaolô dạy (x. 1 Cr 11,1).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI