LỜI CẦU NGUYỆN ĐẸP LÒNG CHÚA
(Bài Suy niệm Thứ 4 tuần XXV TN)
Bernadette, vị thánh rất thời danh, đã từng được Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức. Một đêm, Chúa hiện ra nói với thánh nữ: “Con xin gì, Ta sẽ ban cho?” Không đắn đo, thánh nữ thưa với Chúa: “Con không biết xin gì tốt nhất cho linh hồn, xin Chúa chọn giúp con!” Chúa nói: “Vậy, Ta sẽ chọn cho con thánh giá!”.
Nội dung bài đọc I (Cn 30, 5-9) thánh lễ ngày Thứ 4 tuần XXV TN cho chúng ta thấy rõ sứ điệp Lời Chúa muốn chúng ta quan tâm hơn nữa đó là việc cầu nguyện. Tác giả sách Châm Ngôn khiêm tốn và chân thành cầu xin với Chúa: “Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30, 7-9). Vậy phần chúng ta đâu là lời cầu nguyện được coi là chân thành? Cách thức và nội dung chúng ta cầu nguyện với Chúa thế nào mới được gọi là đẹp lòng Chúa?
Đề tài cầu nguyện rất rộng: nói không bao giờ hết, đã có biết bao nhiêu sách viết về cầu nguyện, đã có biết bao nhiêu bài giảng nói về cầu nguyện. Tuy nhiên đi cho đến tận cùng thì cầu nguyện vẫn là việc của từng người, nó mang tính cá vị giữa bản thân ta đối với Thiên Chúa.
Trong thực tế người ta hay lầm cầu nguyện chỉ là cầu xin. Người ta ra sức cầu nguyện cho mình, kêu gọi người khác cầu nguyện phụ với mình, gởi tiền xin cầu nguyện, xin khấn cho mua được nhà, trúng vé số, làm ăn thành đạt, hết bệnh tật,….vv. Kinh Thánh mà cụ thể là bài đọc trích từ sách Châm Ngôn hôm nay không dạy chúng ta cầu nguyện như vậy hay cầu nguyện một cách tương tự như vậy: “Xin đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng”.
Khi cầu nguyện chúng ta hay xin Chúa cái này cái kia theo ý mình, những thứ cần cho nhu cầu vật chất của mình. Có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy dường như cầu nguyện cách tinh tuyền là chuyện khó, nó khác với thói quen chúng ta vẫn làm xưa nay. Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI dạy rằng: “Chúng ta phải hiểu rằng khi cầu xin Thiên Chúa điều gì, chúng ta không được đòi hỏi Chúa ban theo ý muốn của chúng ta ngay, mà phải tin tưởng vào Thánh ý Chúa, nhận ra những biến cố nhằm để Chúa được vinh danh và chương trình đầy yêu thương của Chúa được thực hiện, mặc dầu những biến cố ấy thường rất khó hiểu. Vì thế, trong lời cầu nguyện của chúng ta, cầu xin, ca tụng, xin lỗi và tạ ơn phải kết hợp với nhau, ngay cả khi chúng ta thấy dường như Chúa không đáp ứng những kỳ vọng của mình. Phó thác cho tình yêu Thiên Chúa, vốn luôn đi trước và đồng hành với chúng ta là nguyên tắc căn bản khi chúng ta đối thoại với Ngài. Ngoài những điều Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta kêu cầu, món quà vĩ đại nhất mà Ngài có thể ban cho chúng ta chính là tình bằng hữu với Ngài, sự hiện diện của Ngài và tình yêu của Ngài. Người tặng quà thì quý giá hơn món quà” (Trích trong bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung ngày 14/12/2011 của ĐTC Biển Đức XVI tại sảnh đường Phaolô VI, Rôma).
Thử so sánh lời cầu nguyện của bài đọc I cùng với cách các thánh cầu nguyện thì thật khác xa với lời cầu nguyện của chúng ta. Thánh Gioan Bosco thường cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con các linh hồn, còn các sự khác Chúa hãy lấy đi”. Còn thánh Gioan Thánh Giá thì cầu nguyện: “Xin cho con được chịu đau khổ với Chúa”. Bí quyết sống của Thánh Têrêsa Calcutta theo Mẹ nói hết sức đơn sơ: “Tôi cầu nguyện. Và trong cầu nguyện, tôi say mê yêu mến Chúa Kitô, và tôi hiểu rằng cầu nguyện với Chúa là yêu mến Chúa, và điều này có nghĩa là chu toàn Lời Chúa dạy”. Cũng vậy, thánh Piô Năm Dấu mà Giáo hội kính nhớ hôm nay dạy chúng ta cần hòa quyện đời mình trong lời cầu nguyện liên lỉ: “Cuộc đời Kitô hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều, nếu không phải trả giá sự đau khổ”.
Còn chúng ta, mỗi khi cầu nguyện chúng ta thường dâng một danh sách ý nguyện rất nhiều và rất dài cùng với lời cầu nguyện thật trau truốt bóng bảy. Lời cầu nguyện của chúng ta có lẽ chưa đẹp lòng Chúa vì chúng ta hay xin những gì có lợi cho ta, hay xin ơn về phần xác mà quên xin phần hồn, nhưng Chúa sẽ chỉ ban cho điều Ngài thấy tốt cho linh hồn ta mà thôi. Đúng như Julien Green phát biểu rằng: “Mục đích của cầu nguyện có lẽ không phải là xin cho được điều ta cầu xin cho bằng trở nên những con người khác. Cần phải đi xa hơn và nói rằng xin một điều gì với Thiên Chúa là để ta được biến đổi trở thành những con người có khả năng bỏ qua – đôi lúc – những gì ta cầu xin” (Journal III). Cũng vậy, lời của thánh Augustinô dạy chúng ta cầu nguyện cũng khác xa với điều chúng ta vẫn thực hiện. Thánh Augustinô nói rằng: “vấn đề căn bản không phải là biết “phải nói gì khi cầu nguyện” (quid ores), nhưng là biết “phải thế nào khi cầu nguyện” (qualis ores).
Sứ điệp lời Chúa hôm nay cùng với lời dạy của các thánh về việc cầu nguyện nhắc nhở, khích lệ và cảnh tỉnh chúng ta trong việc cầu nguyện hàng ngày: hãy tập theo cách cầu nguyện như Chúa muốn, theo lời dạy của Kinh thánh và cách các thánh đã làm. Ước gì đời sống cầu nguyện của chúng ta mỗi ngày mỗi đẹp lòng Chúa hơn và thành toàn hơn như Chúa mong muốn; nhờ đó chúng ta có thể sống, làm chứng và loan báo Tin mừng tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho tất cả mọi người. Amen.
Mai Thi