Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 31-C THƯỜNG NIÊN (Lc 19,1-10)

CHÚA NHẬT 31-C THƯỜNG NIÊN (Lc 19,1-10)

I. Tin Mừng Luca giới thiệu một câu truyện có thực, xảy ra tại thành phố Giêrikhô, khi Chúa Giêsu trên đường đi lên Giêrusalem. Một con người, với đầy đủ chi tiết về thân thế sự nghiệp, đến tìm gặp Chúa Giêsu. Người ấy có tên là Giakêu, “đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có”.

Thánh sử Luca viết:  “Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé”. Đó là một trở ngại thể lý từ bên ngoài làm cho ông Giakêu không thể “nhìn xem” cho biết Chúa Giêsu là “người thế nào”. Từ trở ngại thể lý, phát sinh trở ngại tâm lý. Đối với trở ngại tâm lý, chắc hẳn ông Giakêu đã không còn để ý đến chức vị và thế giá của mình, không còn quan tâm người khác sẽ nghĩ thế nào về mình, ông can đảm vượt thắng những lời xầm xì của dân chúng khinh bỉ ông là “người tội lỗi”. Những lời xầm xì to nhỏ, không thể làm cản trở ý định ông muốn gặp gỡ với Chúa Giêsu. 

Ông Giakêu không bỏ cuộc, ông tìm cách cố gắng thắng vượt tất cả các trở ngại này bằng cách chạy tới phía trước để đón đường, tìm cách “nhìn xem” bằng được Chúa Giêsu. Rồi ông thắng trở ngại ‘thiếu chiều cao’ của ông qua sáng kiến “ông leo lên một cây sung”. Đúng là “cái khó ló cái khôn” (x. Lc 19,26).

Và khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông, Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Trong khi ông Giakêu chưa kịp nhìn thấy Chúa Giêsu, thì Người đã nhìn thấy ông, và ông liền tuột xuống để đón Chúa Giêsu vào nhà ông. Quả là “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân: Ông Trời không phụ lòng tốt con người”.

Ông Giakêu đã chiến thắng lòng tham của mình, để sẵn sàng đền bù những lỗi phạm về công bằng ông gây ra trước đây.  Chiến thắng lòng tham của ông Giakêu được biểu tượng qua cung cách đáng khâm phục của ông : Ông sẵn sàng cho người nghèo phân nửa tài sản và đền bù gấp bốn lần cho những người ông đã cưỡng đoạt, ông đã lấy hành động để nói cho mọi người biết sự biến đổi của ông.  Chúa Giêsu bênh vực và phục hồi nhân phẩm cho ông trước mặt mọi người. Từ một kẻ tội lỗi, ông được Chúa cho trở nên công chính.  Từ một kẻ bị coi là theo gót ngoại bang, ông được Chúa khẳng định ông là con cháu tổ phụ Ápraham.

II.Sự hoán cải của ông Giakêu, làm chúng ta tưởng như trọng tâm câu truyện là đây. Nhưng trọng tâm câu truyện chính thực lại là Lòng Chúa Thương Xót. Lòng Chúa Thương Xót được bày tỏ ra cho con người nơi hành vi của Chúa Giêsu, qua “hiện tượng Giakêu”. Vì từ cái nhìn đầu tiên khi bắt gặp ông Giakêu ở trên cây, một cái nhìn đầy yêu mến xót thương, đầy quan tâm đồng cảm và tha thứ, cái nhìn ấy của Chúa Giêsu đã phá tan sự ngăn cách, cái nhìn ấy đã tiếp tục nâng ông Giakêu chỗi dậy, và cái nhìn ấy đã cho ông có cơ hội để làm lại cuộc đời.

Cũng vậy, một khi ai đó trong chúng ta đã mở cửa cho Chúa Giêsu bước vào trong tâm hồn mình, Chúa sẽ tháo gỡ tất cả các nút thắt trong cuộc sống, giải tỏa những bế tắc, và biến đổi hoàn toàn con người ấy, làm cho con người ấy biết hướng đến tha nhân và đồng cảm với tha nhân. Nên từ nay, khi nhắc tên ông Giakêu, chúng ta không chỉ nên nghĩ đến một ‘con người thiếu chiều cao’. Điều cần nghĩ đến là “ánh mắt” của Lòng Chúa Thương Xót con người, bất luận con người ấy là ai, như Lòng Chúa Thương Xót đã diễn tả trong ‘hiện tượng Giakêu’. 

Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn tìm kiếm chúng ta, ai đưa tay cho Ngài nắm lấy và để cho Ngài nâng lên, đều được Ngài đem vào trong nhà của Ngài. Ánh mắt của Thiên Chúa : “Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế” (Tv 33,13-14). Ngài luôn cho chúng ta có cơ hội và thời gian để sửa chữa sai lầm, như sách Khôn Ngoan đã cho thấy (BĐ I – Kn 11,22-12,2).

Chúa Giêsu muốn ngự vào tâm hồn mình không chỉ để làm thỏa mãn ước muốn của mỗi chúng ta là được “nhìn xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Nhưng Chúa Giêsu đến gặp chính chúng ta để chúng ta “biết” Người (động từ “biết” diễn tả một mối quan hệ mật thiết). Chúa Giêsu chính là một người bạn muốn xây dựng tình bạn thân thiết với cá nhân mỗi chúng ta, để phục hồi nhân phẩm và sự kính trọng mà mỗi chúng ta đã đánh mất, như Ngài  đã nói : “Thầy gọi các con là bạn hữu” (x. Ga 15,9-17).

            III.        Từ nay, chúng ta cần xác tín rằng : Chúa luôn nhìn mỗi con người chúng ta bằng ánh mắt yêu thương. Chúng ta cần cầu nguyện cho nhau : luôn biết nhìn vào ánh mắt Chúa, để nhận ra Lòng Chúa Thương Xót . Và chúng ta xin ơn này cho nhau : xin Chúa biến đổi cuộc đời chúng ta như Chúa đã biến đổi cuộc đời ông Giakêu, nhờ đó chúng ta biết quan tâm đồng cảm với nhau hơn trong đời thường, “để tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự” (TL 57,9).

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI