Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 32-C TN (Lc 20,27-38)

CHÚA NHẬT 32-C TN  (Lc 20,27-38)

I. Mặc dù lên Giêrusalem là đi vào đường thập giá để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu luôn lợi dụng để trình bày hoặc làm sáng tỏ giáo lý của Người. Như trong câu truyện Tin Mừng hôm nay:  Chúa Giêsu cho thấy Đức Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.

II. Nhóm Saduceo dụng ý sắp đặt một câu truyện giả tưởng có liên hệ đến Luật Môsê (x. Đnl 25, 5-10) để bác bỏ sự sống lại, và tưởng như đưa được Chúa Giêsu vào thế bí. Nhóm Saduceo sử dụng luận lý của Kinh Thánh, trưng dẫn luật Môsê.  Đối lại, Chúa Giêsu cũng sử dụng luận lý của Kinh Thánh, dùng lời lẽ của ông Môsê gọi “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp” (Xh 3,6) để làm bằng chứng. 

Lý luận của Chúa Giêsu có nghĩa là: Các ông Saduceo nhận mình là con cháu của các tổ phụ và nhìn nhận điều ông Môsê gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ. Vậy nếu các ông bảo chết là hết thì các tổ phụ sẽ chẳng còn là gì nữa và như vậy không thể gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ như ông Môsê đã gọi. Cho nên phải kết luận là các tổ phụ vẫn đang sống trước tôn nhan Thiên Chúa, mặc dù thân xác họ đang chờ đợi ngày sống lại, vì có như vậy thì ông Môsê mới gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ. 

Chúa Giêsu còn giải thích thêm:  “Vì đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống”.  Sống và chết, hiện tại và quá khứ là của ta.  Nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng vượt ra ngoài thời gian và không gian, tất cả đều hiện diện trước tôn nhan Người.

Sự sống của ta đến từ Thiên Chúa, như sách Sáng Thế đã ghi :  “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7).  Người ban sự sống cho ta, vì chính Người là sự sống. “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14), danh của Thiên Chúa nói lên lý do tồn tại của các tổ phụ và của mọi người. Nên sự sống của ta là do sự hiện hữu vĩnh cửu của Thiên Chúa mà có, để ta có mặt ở thế giới này và sẽ được ở bên Người muôn đời. 

Đó là ý nghĩa sự sống của ta.  Còn nếu ta không được ở bên Thiên Chúa đời đời thì sự sống của ta không còn ý nghĩa nữa. Cuộc sống trần gian của ta trở nên chật vật và phải luôn phấn đấu, vì đó là hậu quả của tội nguyên tổ. Thánh Phaolô nói : “cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).  Nhưng Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu, không bỏ rơi ta trong tình trạng khốn khổ ấy. 

Khi nói với bà Mácta, Chúa Giêsu nói:  “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Người nói “sự sống lại và là sự sống”, không nói “sự sống và sự sống lại”. Cái nhìn của Chúa Giêsu ở đây là nhìn về sự sống vĩnh cửu.  Người mời gọi ta hãy chết đi cho con người tội lỗi của mình, để sống cuộc sống lại trong ân sủng, cuộc sống mới của Người, và sẽ được sự sống đời đời.

Khi đặt lại vấn đề ý nghĩa sự sống qua lời khẳng định “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”, quả thực Chúa Giêsu đã đặt trước mặt ta một thách đố:  Nếu ta muốn Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của ta, thì ta phải là những kẻ sống.  Muốn được gọi là con cái Chúa, ta phải giữ sao cho mối tương quan Cha-con luôn sống động, đừng để cho tội lỗi cắt đứt mối quan hệ ấy.

 

III.        Qua Chúa Giêsu, Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót, Người đến cứu giúp ta.  “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15). Vì Đức Chúa chăn dắt đàn chiên Israel, Chúa Giêsu nhân lành cũng chăm sóc ta như vị Mục tử chăm sóc đàn chiên mình (x. Ed 34,11-16;Tv 42). Người nuôi dưỡng ta bằng Lời Tin Mừng của Người (x. Lc 8,1). Người còn bổ dưỡng ta bằng chính Thánh Thể của Người.

Bí tích Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo (PV 10, GH 11); là Bí Tích Tình Yêu, là Dấu Chỉ Hiệp Nhất, là Mối Dây Bác Ái (T. Augustinô,  PL 35, 1613),  Người dùng các Bí Tích để giúp cho ta được bảo tồn và phát triển (x. Ga 10,10) trong mọi lãnh vực:  sống làm con cái Chúa, sống ơn gọi của mình và được chữa lành mỗi khi đau yếu thiêng liêng và cả thể xác nữa (x. Youcat, 193). Nếu ta luôn nhận ra tiếng của Người và theo Người, Người sẽ dẫn ta đến sự sống đời đời (Ga 10,27).

            Ta cùng tạ ơn Chúa. Cầu nguyện cho nhau ý thức và siêng năng đón nhận các Bí Tích trong Giáo Hội, để nói được như thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng : “Em không chết, em đi vào cõi sống”. “Sinh ký tử qui” : Sống là gửi, chết là về ! Xin Thiên Chúa là Cha Giàu Lòng Thương Xót đón nhận các các linh hồn vào Lòng Chúa Xót Thương. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI