Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 33-C TN (Lc 21, 5-19)

CHÚA NHẬT 33-C TN (Lc 21, 5-19)

         I. Làm môn đệ Chúa Giêsu”, là chủ đề chính trong bài Tin Mừng của các Chúa Nhật Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng hôm nay đưa ta tới kết luận :dù ở hoàn cảnh nào, là “môn đệ Chúa Giêsu”, ta cũng sống trung thành theo Người và làm chứng cho Người.

        II. Trong mỗi sách Tin Mừng Nhất Lãm đều có bài giảng của Chúa Giêsu về biến cố ngày thế mạt, nhất là những gì sẽ xảy đến cho thành Giêrusalem. Riêng thánh Luca, ngài nhấn mạnh đến sự sụp đổ của thành Giêrusalem sắp xảy tới. Sách Tin Mừng Luca được viết sau khi thành Giêrusalem sụp đổ, nên sự kiện Giêrusalem sụp đổ không có nghĩa là ngày thế mạt đã tới, nhưng là dấu chỉ nói lên tình trạng của một thế giới đầy khó khăn đối với người môn đệ muốn làm chứng cho Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nêu lên một số những biến động bất lợi và nguy hiểm cho việc sống đời Kitô hữu và làm môn đệ Chúa. – Trước hết là “có nhiều người mạo danh Chúa” đến làm cho ta hiểu lầm đó chính là Chúa :  “Người ta sẽ bảo anh em:  ‘Người ở kia!’ hay ‘Người ở đây này!’  Anh em đừng đi, đừng chạy theo” (Lc 17, 23). – Tiếp đến là những hỗn loạn của thế giới như chiến tranh, thiên tai, đói kém, những hiện tượng kinh khủng và những điềm lạ tinh tú.  Những hỗn loạn này thường bị hiểu lầm là dấu chỉ cho thấy sắp đến ngày tận thế. 

            Tóm lại, tất cả những gì đã xảy ra hoặc đang xảy ra mà Chúa Giêsu nêu lên, chỉ cốt nói lên một thực tế người đi theo Chúa phải sẵn sàng đối phó. Nghĩa là sống giữa thế giới này, Kitô hữu sẽ bị bách hại vì danh Chúa, và “đó là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (Lc 21,13).

Làm môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là “bước theo sau Người”, là đi vào trong dấu chân của Người, là đón nhận những khổ đau và bị ghét bỏ…như Người. Chính Chúa Giêsu trên đường Emmau, đã cho môn đệ thấy rõ con đường Người đã đi qua:  “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).  Bách hại là điều dĩ nhiên xảy tới cho người môn đệ.  “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,14).

Chúa Giêsu đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại, đến nỗi Người sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá.  Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã sai các ông đi công bố Người đã sống lại và là Chúa.  Từ ngữ “làm chứng” của Hy-ngữ có nghĩa là “tử đạo”.  Tuy đó là chức năng thuần túy của các ngài, nhưng mọi Kitô hữu –những người đi theo Chúa– đều được mời gọi tham dự vào việc “tử đạo” ấy, khi họ can đảm sống đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh và sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi vì đức tin này.

            Hoàn cảnh xã hội mọi thời mọi nơi đều trở thành “cơ hội” cho Kitô hữu biểu lộ đức tin Công Giáo của mình, qua lời nói và hành động, cũng như trong những giao tiếp ở bất cứ cảnh huống nào.  Mỗi thời đại, Kitô hữu đều có những hoàn cảnh khác biệt để “tử đạo”. Cách “tử đạo” lúc này có thể là phải chấp nhận những kỳ thị, đố kỵ, mất quyền lợi và bị thù ghét bởi những con người không muốn cùng đi con đường Giêsu Kitô như các Kitô hữu.

            Cảm nhận được khó khăn của việc làm chứng, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy hoàn toàn đặt tin tưởng vào Người. Vì chính Người sẽ đích thân dạy dỗ ta cách đối phó với kẻ thù, chính Người sẽ bênh vực ta, để “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21,18).

            Giữ được mạng sống nghĩa là được vinh quang hạnh phúc với Chúa Giêsu, sau khi đã vượt qua được mọi thử thách. Kiên trì là điều kiện cần thiết để lời Thiên Chúa sinh hoa kết quả :  “Hạt giống rơi vào đất tốt:  đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8,15). Với Chúa Giêsu, kiên trì có nghĩa là trung thành với sứ mệnh Chúa Cha trao phó, là trân trọng thánh ý Chúa Cha, là yêu mến nhân loại cho đến cúng (x. Ga 13,1), nỗi thí mạng sống mình (x. Ga 15.13).

            Trong hành trình làm môn đệ Chúa Giêsu, thành Giêrusalem mang nhiều ý nghĩa.  Một trong những ý nghĩa ấy là nó biểu tượng cho giai đoạn quyết liệt nhất của hành trình làm môn đệ, nói lên những thử thách lớn lao cho người môn đệ muốn gắn bó với Thầy mình và giáo lý của Người.  Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, sự hiện diện của Chúa Giêsu bên ta lại được nhấn mạnh qua lời hứa của Người để ta “giữ được mạng sống” (Lc 21, 19) và hiển trị với Đấng là “sự sống lại và là sự sống” (x. Ga 11,25).

           

            III. Sống đức tin giữa lòng cuộc đời, chẳng khác nào đi trên mặt nước. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu và nắm lấy tay nhau để không bị chìm giữa biển đời. Cùng nhau chúng ta thân thưa với Chúa Giêsu : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI