Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 4-A MÙA VỌNG (Rm1,1-7; Mt 1,18-25)

CHÚA NHẬT 4-A MÙA VỌNG (Rm1,1-7; Mt 1,18-25)

 

 I. Con người có tổ, có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn.

            Chúa Giêsu cũng có cội có nguồn. Cội nguồn của Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã sai Người đến với nhân loại, vì Người là Con Một Thiên Chúa. Thiên Chúa dành chỗ cho nhân loại cộng tác với Người và Người đã chọn Đức Maria cùng với thánh cả Giuse để gửi gấm Con Một Người. Qua gia đình thuộc dòng dõi Đa vít này, Con Thiên Chúa đã mang lấy cội nguồn nhân loại. 

 II. Ở đây, chúng ta ghi nhận lại cội nguồn của Chúa Giêsu theo thánh sử Matthêu và thánh Phaolô:

1)- Theo thánh sử Mathêu.

Thánh sử Luca nhấn mạnh đến vai trò của Đức Mẹ, thánh Mátthêu làm nổi bật vai trò của thánh cả Giuse. Mục đích của thánh Mátthêu là minh chứng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế thực hiện những điều đã được Cựu Ước nói đến. 

Thánh Mátthêu khi kể đến tên ông Giuse (đời 13) trong gia phả, thay vì tiếp tục công thức “ông Giuse sinh Đức Giêsu” thì ngài lại viết: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”. Điều này cho thấy thánh Mátthêu muốn nhấn mạnh đến tính cách pháp lý của thánh cả Giuse là cha nuôi Chúa Giêsu, không phải là cha theo huyết nhục (x. Mt 1,21). 

Thánh Mátthêu sắp đặt gia phả : Đầu gia phả là ông Ápraham và cuối gia phả là thánh cả Giuse.  Ápraham là mẫu người đầy đức tin, là cha của dân Chúa tuyển chọn. Giờ đây ta có thể hiểu thánh cả Giuse cũng là con người của đức tin.  Nhờ lấy đức tin để chấp nhận một hoàn cảnh vô lý là đón nhận Mẹ Maria, thánh cả Giuse trở thành cha của một Israel Mới.

        

            2)- Theo thánh Phaolô.

Theo thánh Phaolô, cội nguồn của Chúa Giêsu đã được loan báo ngay trong “Tin Mừng nguyên thủy” từ Cựu Ước, khi Thiên Chúa phán với con rắn trong vườn địa đàng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).

Nhắc đến chi tiết này, thánh Phaolô muốn đề cao sự hòa hợp và liên tục giữa Cựu Ước với Tân Ước. Thánh Phaolô còn khẳng định Tin Mừng này không chỉ dành riêng cho dân Do thái, mà còn cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc màu da. Tin Mừng ấy giờ đây được thánh Phaolô lập lại theo lối tuyên xưng đức tin, với những từ ngữ rất đặc biệt (x. c.2 và c.3). Cái nhìn của thánh Phaolô về Ðức Giêsu Kitô luôn luôn theo hai khía cạnh: – “xét như một người phàm” (x. Ga 1,14; Gl 4,14), và – “xét như Ðấng đã từ cõi chết sống lại” (x. Ep 11,9-10; Cl 1,15-16,19-20).

Đoạn thư này đặt trong bối cảnh Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật IV-A Mùa Vọng, Giáo Hội muốn chúng ta hướng về Mầu Nhiệm Ðức Kitô trong hai chiều kích Nhập Thể và Phục Sinh. Không thể tách rời hai yếu tố ấy nơi Ðức Kitô :

– Nhập Thể là khởi điểm để Thiên Chúa đến với con người trong lịch sử, trong không gian và thời gian, tức là Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, “xuất thân từ dòng dõi vua Ða vít”.

– Phục Sinh là khởi điểm để con người trở về với Thiên Chúa trong vĩnh cửu và bất hoại, nghĩa là được chia sẻ vinh hiển cùng Ðức Kitô, Ðấng “đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”. Nơi Ðức Kitô, con người bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà Cha.

 

III.        Giáo Hội muốn ta tìm về cội nguồn gốc tích của Chúa Giêsu Cứu Thế, để ta nhận ra được phần nào những chuẩn bị kỹ càng của Thiên Chúa khi Người ban cho ta Đấng Kitô.  Nhưng điểm cốt yếu là qua những chuẩn bị ấy của Thiên Chúa, ta hiểu được tình yêu Người dành cho ta bao la đến chừng nào, đồng thời cũng nhắc nhở ta phải chuẩn bị xứng đáng để đón nhận Con Một Người, món quà yêu thương Người ban cho ta.

Ta “đã được kêu gọi để thuộc về Ðức Giê-su Ki-tô”. Ðược Thiên Chúa kêu gọi đã là một đặc ân rồi. Chính vì yêu thương ta, Thiên Chúa đã kêu gọi ta và cho ta được “thuộc về Ðức Ki-tô”. Nhận thức lời kêu gọi này của Thiên Chúa, thánh Phaolô không ngần ngại gọi tín hữu Roma và dĩ nhiên cả ta ngày nay nữa là “những người được Thiên Chúa yêu thương”, hoặc mạnh nghĩa hơn, là “các thánh”. Gọi ta là “thánh”, thánh Phaolô không có ý nhấn mạnh đến tình trạng luân lý của ta, nhưng ngài muốn đề cao hồng ân được Thiên Chúa gọi của ta. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa đã thương gọi ta, thì Người cũng mong muốn ta đáp lại Ân sủng ấy.

            Ân sủng trọn vẹn là chính Chúa Kitô,  “Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), để “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Xin Chúa cho ta biết mở rộng tâm hồn để Ân Sủng đến với ta, sống trong ta, biến đổi ta, để ta cảm nghiệm được mình đang thuộc về Đức Giêsu Kitô, những con người được Thiên Chúa yêu thương. 

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI