Thứ Hai, 16 Tháng Chín, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT 4-B TN

 

THỐNG HỐI

            Trong lịch sử Dân Chúa, nhất là thời kỳ hai miền Bắc Nam phân ly thành hai nước (-922) và bị lưu đày (miền Bắc -720; miền Nam -586). Thiên Chúa tuyển chọn một số người làm Ngôn Sứ. Thời Tân Ước, Chúa Giêsu là chính Lời của Thiên Chúa, là  Ngôn Sứ Tối Cao quyền năng. Quyền năng này, Ngài cũng ban cho Hội Thánh của Ngài (x. Mc 16,14-18).

 

+ Lạy Chúa, Chúa đặt những lời của Chúa trong miệng các Ngôn Sứ, và các Ngôn Sứ sẽ nói với chúng con tất cả những gì Chúa truyền, để chúng con bình an hạnh phúc. Nhưng chúng con không nghe những lời của Chúa qua các ngôn sứ nói nhân danh Chúa (x. Đnl 18,18-19).

Xin Chúa thương xót chúng con.

+ Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa muốn chúng con chu toàn bổn phận trong ơn gọi của mình. Các ơn gọi đều có bổn phận cộng tác với nhau, và góp phần vào việc tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng chúng con thường xuyên quên ‘nên thánh’ trong bổn phận thường ngày của chính mình.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

            + Lạy Chúa, bản tính Chúa là Thương Xót, nên Chúa luôn động lòng thương xót những ai đau khổ, nhất là những ai đến với Chúa, bất kể không gian hay thời gian nào. Nhưng chúng con không ý thức vinh dự Chúa dành cho chúng con mà đến nhận Lòng Chúa Thương Xót chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

CHÚA NHẬT IV-B TN (Đnl 18,15-20; 1 Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)

 

            I.          ĐHY John Henry Newman (1801-1890 – Chân phước 19-09-2010) có lần hỏi Cộng Đoàn của ngài: “Việc trở thành một Người Kitô Hữu tạo ra sự khác biệt gì trong lối sống hằng ngày của chúng ta?”. Câu kết luận là “Tôi e rằng hầu hết chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đã làm, nếu chúng ta cho rằng đạo Công giáo không hơn gì một câu chuyện ngụ ngôn”.

Mỗi chúng ta có lẽ cũng cần một giây lát phản tỉnh: chúng ta có đang sống như các thành viên trong Cộng Đoàn của ĐHY J.H. Newman chăng.

Và xin đừng quên trả lời câu hỏi của ĐTC Phanxicô hỏi chúng ta : “anh chị em có nhớ ngày mình được Rửa Tội không ? (x. Radio Vaticana, 07.01.2018).

 

II. Còn một số tín hữu ở Corintô thời thánh Phaolô, phải chăng vì sốt sắng muốn làm một sự thay đổi nào đó để nói lên ‘con người mới’ qua Bí Tích Rửa Tội, nên chủ trương : khi chịu Phép Rửa để trở lại đạo, không chỉ những người sống độc thân mà ngay cả những người có đôi bạn, cũng không được làm việc vợ chồng. Vì họ mong chờ Ngày Chúa Giêsu Quang Lâm, họ trăn trở so sánh giữa 2 ơn gọi: độc thân để làm việc cho Chúa và ơn gọi gia đình, ơn gọi nào tốt hơn?

Thánh Phaolô cho họ ý kiến:

MỘT. Theo kinh nghiệm bản thân của thánh nhân. Thánh nhân rong ruỗi trên khắp mọi nẻo đường, và mong muốn mọi người theo gương ngài để “loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (x. 1 Cr 7, 7).

HAI. Theo quan niệm văn hóa thời thánh nhân. Chỗ đứng của  phụ nữ trong xã hội xưa, và mối giây ràng buộc bất khả phân ly của hôn nhân.

Hai lý này, cho thấy thánh nhân không có ý nói ơn gọi nào tốt hơn ơn gọi nào. Ngài chỉ muốn nói lên sự khác biệt hoàn cảnh giữa người độc thân và người có gia đình. Ngài nhấn mạnh điều này, là dù độc thân hay có gia đình, chúng ta đều hiến dâng cho Thiên Chúa toàn diện con người mình “để được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”.  

Chúa Giêsu đã hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa và Người đã chiến thắng được những giằng co khi thi hành sứ mệnh ngôn sứ.  Các tông đồ và môn đệ Người cũng theo gương ấy mà tận hiến cuộc đời cho việc loan giảng và làm chứng nhân cho Tin Mừng.  “Chuyên lo việc Chúa” chính là việc thi hành tác vụ ngôn sứ của người tín hữu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Mọi người cần chu toàn ơn gọi của mình. Bậc nào cũng cần cộng tác với nhau và góp phần vào việc làm vinh quang Thiên Chúa (x. 1 Cr 7,32-35).

Ngày nay, Giáo Huấn của Công Đồng Vatican II cho chúng ta thấy rõ : Ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất chung cho tất cả những người đã được rửa tội, đó là ơn gọi trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu, người Kitô hữu. Ơn gọi này là một tiếng gọi kêu mời các Kitô hữu trở nên “muối đất và ánh sáng thế gian” (x. Mt 5, 13-14). Để việc tốt của Kitô hữu làm cho mọi người là hành vi tôn vinh Thiên Chúa Cha (x. Mt 5,16). “Các Kitô hữu là những người, nhờ Phép Rửa, được hiệp thông với Chúa Giêsu, kết thành Dân Thiên Chúa và do đó được tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Giêsu” (C. § 204).

Nếu nối đoạn trích thư Chúa Nhật trước (1 Cr 7,29-31) với đoạn trích thư Chúa Nhật hôm nay (1 Cr 7,32-35), thánh Phaolô cho biết các tín hữu được nhờ quyền năng của Đấng Phục Sinh Giêsu mà có năng lực sống vượt khỏi các đòi hỏi của xác thịt, quan tâm về những ràng buộc của lòng mến. Người đồng trinh và độc thân vì mến Chúa thì trọn vẹn lo đẹp lòng Chúa. Còn người có đôi bạn cũng phải sống đẹp lòng Chúa nhưng bị chia sẻ bởi việc lo đẹp lòng bạn mình (và lo cho con cái).

Con người là “sở hữu” (x. Xh 19,5) của Thiên Chúa, luôn luôn nghe và làm theo ý Thiên Chúa. Mà truyền thống Do Thái tin khi một người nhìn thấy Thiên Chúa, người đó sẽ phải chết (x. Đnl 18,16). Nên ở núi Horeb, Thiên Chúa hứa cho xuất hiện vị ngôn sứ được chọn giữa con người, để trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người (x. Đnl 18,18-20). Lời hứa này ám chỉ tất cả các ngôn sứ trong Cựu Ước Thiên Chúa gởi đến cho con người. Thời Cựu Ước chuẩn bị cho thời Tân Ước, nên lời hứa trên qui hướng về Chúa Giêsu, vị Ngôn Sứ toàn hảo của Thiên Chúa. Ngài cũng là người giữa con người, nhưng có uy quyền và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài là trung gian hòan hảo giữa Thiên Chúa và con người.

 

            III.        Thiên Chúa chọn ngôn sứ và gởi ngôn sứ đến giúp dân. Bổn phận của ngôn sứ là nói những gì Thiên Chúa muốn nói với dân như lời Thiên Chúa truyền, ngôn sứ nào cả gan nói lời Thiên Chúa không truyền cho nói thì ngôn sứ đó phải chết. Bổn phận của dân là vâng nghe những gì ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa nói; ai không nghe thì chính Thiên Chúa hạch tội (x. Đnl 18,15-20).

            Con người xưa nay dường như không muốn nghe sự thật, vì sự thật mất lòng. Họ thích nghe những gì vui nhộn, không khơi dậy sai trái nơi những việc họ đang làm. Còn ngôn sứ, thỏa hiệp để không mất lòng ai, nhờ đó mà mình được người ta quý trọng.

 Nhưng Chúa Giêsu đã đến và đem vào thế gian, không những một giáo lý mới, mà còn một uy lực mới, giúp tín hữu xa tránh được sức mạnh của tà thần (x. Mc 1,21-28). Chúa Giêsu là vị Ngôn Sứ mà sách Đệ Nhị Luật đã loan báo. Ngài vẫn có đó trong Nhà Tạm (x. Mt 28,10) và đang biểu dương quyền lực bảo tồn và phát triển các tín hữu (x. Ga 10,10).

            Mời bạn ngắm nhin về Nhà Tạm và thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể để biết cách làm ngôn sứ, và để có sức thực hành điều được nghe : “Abba” (Mc 14,36; Rm 8,15; Gl 4,6).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI