Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT I-B PHỤC SINH

CHÚA NHẬT I-B PHỤC SINH

TRƯỚC THỐNG HỐI

Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Alleluia. Chúng ta vui vì Chúa Giêsu dù đã chết, đã đi vào qui luật chung của kiếp người, nhưng hôm nay, Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ trong cõi chết. Đã chết và sống lại, là hai thời điểm rất quan trọng đối với con người chúng ta. Cái chết của Người đã giúp chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi. Sự sống lại của Người đã mở ra một cuộc sống mới cho chúng ta.

+ Lạy Chúa, Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, để ban cho chúng con một đời sống mới qua Bí Tích Rửa Tội. Nhưng chúng con quên lãng mình đã được rửa tội, không nhìn lên Chúa Giêsu Phục Sinh để được chỗi dậy trong con người mới với Chúa Giêsu. Xin Chúa thương xót chúng con.

+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu sống lại để chúng con được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Nhưng chúng con đã không kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh là sự sống mới của chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

+ Lạy Chúaqua việc Chúa Giêsu sống lại, Ngài đã trở nên Ánh Sáng để chiếu soi cuộc đời của mỗi người chúng con. Nhưng chúng con đã không nhìn lên Chúa Giêsu Phục Sinh để tiến bước. Xin Chúa thương xót chúng con.

CHÚA NHẬT I-B PHỤC SINH

(Cv 10,34.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)

 

I.          Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Alleluia.

 

II.         Lời loan báo của sứ thần “Chúa đã sống lại thật” (x. Mc 16,1-8). Không chỉ là loan báo một mầu nhiệm. Không chỉ là khai mở một mùa Phụng Vụ. Điểm chính yếu là khai mở một chương trình sống đời sống mới (x. Cl 3,3).

Chương trình sống đời sống mới, bước mộtđặt nền tảng trên việc “Chúa đã sống lại thật”.

Tại Do Thái thời Chúa Giêsu, ngôi mộ chỉ là một hốc đá được đục vào vách đồi núi để làm chỗ an nghỉ cho người chết. Ngôi mộ của Chúa Giêsu là ngôi mộ của ông Giuse Arimathê. Ông chuẩn bị cho ngày chết của mình, nhưng ông được diễm phúc nhường lại cho Chúa. Chúa Giêsu được an táng trong ngôi mộ này, có một tảng đá lớn lấp cửa mộ.

Tại ngôi mộ này, bà Maria Magđala và một vài bà khác nữa đã đến vào sáng sớm để thương khóc Chúa. Vừa tới nơi và khi còn ở bên ngoài, bà “thấy tảng đá lớn lấp cửa mộ đã lăn ra khỏi mộ” (Ga 20,1). Thấy sự việc này, bà hoảng hốt, và kết luận ngay là “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2). 

Bà Maria Magđala vội vàng chạy về kể lại cho ông Phêrô và “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (x. Ga 20,2). Sau khi nghe, hai ông cũng hối hả chạy đến mộ. Vào bên trong, hai ông nhìn thấy “băng vải và khăn che đầu Chúa Giêsu” xếp gọn gàng ở đó (x. Ga 20,7). Nhờ những chi tiết này mà “người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” đã khám phá được chân lý Chúa đã sống lại rồi.  “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). 

Ngôi mộ trống trở nên quan trọng. Quan trọng, vì nó không còn lưu giữ thân xác Chúa, nhưng giữ lại những dấu tích nói lên sự kiện Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết.  Những gì ông Gioan thấy đã giúp ông nhớ và “hiểu rằng:  theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Thánh Phaolô đã lý giải và đề cao tầm quan trọng của sự kiện Chúa Giêsu “phải trỗi dậy từ cõi chết” bằng một khẳng định: “Nếu Chúa Giêsu đã không trỗi dậy, thì lời loan giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (x. 1 Cr 15,14).

Sự sống lại của Chúa Giêsu không chỉ quan trọng vì là một sự kiện, nhưng là nền tảng cho hy vọng đích thực của chúng ta:  đó là sự sống lại. Sự sống lại của Chúa Giêsu làm cho “chúng ta sẽ được biến đổi”, để “cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, và cái thân phải chết này được mặc lấy sự bất tử” (x. 1 Cr 15,52-53).

Chương trình sống đời sống mới trong bước hai là phải ý thức mình đã được trỗi dậy với Người, thì mới hoan lạc kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh để sinh hoa trái (x. Ga 15).

        Ý thức mình đã được trỗi dậy với Chúa Giêsu là ý thức nhớ mình đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Bí Tích Rửa Tội đã xóa bỏ đi con người cũ của chúng ta đã bị tội nguyên tổ khống chế, tước đoạt khả năng được nên công chính và ý muốn hướng về Thiên Chúa. Chúng ta sống mà như đã chết rồi. 

Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được phục hồi khả năng và ý muốn đã mất này. Từ đó, con người chúng ta có năng lực sẵn sàng đáp được lời gọi của Chúa Giêsu là sống cuộc sống mới trong Thần Khí. Chúa Giêsu đã lấy lại cho chúng ta một quyền lợi bị tội lỗi chiếm mất, đó là quyền được đứng thẳng (trỗi dậy) trước mặt Thiên Chúa, như con cái chứ không phải như nô lệ hoặc kẻ bị kết án tử hình.

            Chương trình sống đời sống mới trong bước ba là phải thực hành hồng ân mình đã được trỗi dậy với Chúa Giêsu Phục Sinh.

Thánh Phaolô nêu lên hai điểm thực hành:

1. Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa Giêsu Phục Sinh đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Sau khi nguyên tổ Ađam và Evà phạm tội bất tuân, tội lỗi đã làm cho con người phải gập mình xuống để đi tìm những gì ở trên mặt đất, và hướng chiều về sự xấu chỉ có giá trị tạm bợ nơi vật chất chóng qua. Chúa Giêsu Phục Sinh đã dẫn đưa nhân loại đi theo một hướng đi mới thuộc về thượng giới (ngự bên hữu Thiên Chúa) và Người ở đó để chúng ta nhìn lên và tìm kiếm Người.

2.  Xác tín sự sống mới của chúng ta đang tiềm tàng với Chúa Giêsu Phục Sinh, thánh Phaolô muốn diễn tả vai trò của Người thực sự hiện diện qua một tiến trình biến đổi từ từ, để chờ tới ngày nào đó khi được viên mãn nó sẽ được biểu lộ trọn vẹn và cũng sẽ được ở “bên hữu Thiên Chúa” như Người. Phía Chúa Giêsu Phục Sinh, Người là khuôn mẫu, đồng thời cũng là chính sự sống mới của chúng ta. Sự sống mới ấy được nuôi dưỡng, được lớn lên là do nguồn sống Ki-tô và việc chúng ta tiếp nhận sự sống ấy.

 

            III.        Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Alleluia. Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng vinh quang (x. Cl 1,27). Đấng Phục Sinh mở ra một trời mới đất mới. Khi Đấng Phục Sinh trở lại để phán xét nhân loại, đó mới là thời điểm sự sống mới của chúng ta được hoàn tất. Thời gian hiện tại cho tới khi lìa bỏ thân xác này, chúng ta được mời gọi tích cực cộng tác vào việc biến đổi dần dần nên giống với Đấng Phục Sinh. Khi thực hành việc này, dù vừa hướng về tương lai vĩnh cửu, vừa chu toàn được những bổn phận của cuộc đời trần thế, quả là điều khó khăn. Nhưng, “đừng sợ” (x. Mc 16,6), chúng ta đã có vị Thầy là Chúa Giêsu Phục Sinh, luôn ở cùng chúng ta mọi ngày trong Bí Tích Thánh Thể.

            Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể là đến với Đấng Phục Sinh. Nhờ đến với Đấng Phục Sinh, chúng ta có sức mạnh thực hành cuộc sống mới, là sống thân phận làm con Thiên Chúa mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã phục hồi cho con người.

Chúc mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con tín thác vào Chúa. Alleluia.

 

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI