Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B

CHÚA NHẬT I-B MV

(Is 63,16-17.19;64,2-7; 1 Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

 

THỐNG HỐI

 

Tạ ơn Chúa, với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta lại được Chúa ban cho bước vào một Năm Phụng Vụ mới. Năm Phụng Vụ mới này cũng sẽ cử hành các ngày lễ diễn tả các khía cạnh của Mầu Nhiệm Thiên Chúa yêu thương con người. Lịch sử con người lại tiến thêm một bước nữa về ngày Chúa Quang Lâm, để hưởng “một trời mới và đất mới”.

 

   Chúng ta cùng phản tỉnh:

– Lạy Chúa, chúng con được kêu gọi “tỉnh thức” ngay trong ngày Chúa Nhật khởi đầu Mùa Vọng bước vào Năm Phụng Vụ mới. Tỉnh thức để nhận ra mình chỉ là người tôi tớ cần làm các bổn phận theo ý chủ. Nhưng chúng con lại ‘ngủ mê’ trong những sở thích riêng tư thế tục.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

– Lạy Chúa, Chúa nhắc bảo chúng con biết chân lý này: “chúng con không biết khi nào chủ nhà đến”. Chúng con được mời gọi luôn luôn ý thức một cách khiêm hạ về chân lý đó. Nhưng chúng con lại ‘ngủ mê’ trong những sở thích riêng tư thế tục.

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

– Lạy Chúa, điều Chúa nói với chúng con, Chúa cũng muốn nói với hết mọi người là: phải tỉnh thức!” Mỗi người chúng con đều có nhiệm vụ nói cho thế giới biết Chúa chắc chắn sẽ trở lại, trở lại vào lúc không một ai ngờ. Nhưng chúng con lại ‘ngủ mê’ trong những sở thích riêng tư thế tục.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

SUY NIỆM

 

 I.         “Nhà không có bố buồn sao / Cái đinh cũng thiếu, cái dao thì cùn // … // Cho dù bãi mật phù sa / Mà không bên lở chẳng là dòng sông” (Nhà không có bố -Nguyễn Thị Mai-1992). Đây là những câu đầu và cuối của bài thơ “Nhà không có bố”. Bài thơ nói lên sự hiện diện của người cha trong gia đình là nền tảng xây dựng niềm vui hạnh phúc cho gia đình. Trong đời sống tôn giáo của Israel cũng thế, ngôn sứ Isaia cũng nhận ra Thiên Chúa là Người Cha rất cần thiết cho cuộc sống con người (x. Is 63,16-17).

 

II.         Sách Isaia được viết vào một giai đọan lịch sử rất khó khăn của Israel: quốc gia bị xóa sạch và dân chúng bị lưu đày các nơi. Thời gian lưu đày là lúc thuận tiện để họ nhìn lại quá khứ và tìm ra lý do tại sao dân tộc của họ bị đàn áp và lưu đày. Ngôn sứ Isaia cho chúng ta một cái nhìn rất sống động về thân phận con người sống trong vòng kiềm tỏa của tội lỗi, nhận biết mình sống xa lạc đường lối của Thiên Chúa, nhưng lại thấy bất lực tuy muốn trở lại với Người.  Vì thế, họ chỉ còn biết hoàn toàn phó thác số phận trong tay Chúa, như đất sét trong tay thợ gốm. 

Để diễn tả khát vọng cứu độ này, ngôn sứ đã sử dụng hoàn cảnh lịch sử dân Chúa thời lưu đày.  Cũng như lòng mong ước được cứu thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang, khát vọng được cứu độ không thể đặt nền tảng vào bất cứ quyền lực nào ngoài Thiên Chúa.  Chỉ có “Đức Chúa là Cha, là Đấng cứu chuộc” (Is 63,16b) mới có thể xóa bỏ “tội ác chúng con đã phạm mặc sức hành hạ chúng con” (Is 64,6). Lời con người tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa đến cứu độ tới mức họ mong ước “phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63,19b). 

Đúng như lời cầu khẩn trong sách ngôn sứ Isaia, việc “xé trời ngự xuống” đã được thể hiện.  Thiên Chúa đã “xé trời” đến với nhân loại. Thiên Chúa Cha đã thực hiện kế hoạch cứu độ, sai Con Một đến chịu chết để chuộc tội nhân loại và sai Thánh Thần xuống đem sự sống mới cho nhân loại. Lịch sử Cứu Độ được lật qua trang, vì: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Israel-cũ không thể sống vắng bóng Thiên Chúa. Israel-mới cũng không thể sống vắng bóng Đức Kitô, vì như thánh Phaolô xác quyết: – Đức Kitô là nguồn mạch bình an, giúp con người hòa giải với Thiên Chúa và với nhau; và cũng là nguồn mạch mọi ân sủng cho con người, nhất là qua các Bí Tích. – Đức Kitô mặc khải cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhờ được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. – Đức Kitô giúp con người vượt qua những gian khổ của cuộc đời để trung thành với Thiên Chúa. Và từ xác quyết này, thánh Phaolô đi tới kết luận: “Thiên Chúa là Ðấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1,9).

Đây là kế hoạch cứu độ yêu thương của Thiên Chúa tặng ban cho con người. Quà tặng Người ban là chính Ðức Giêsu Kitô. Tiếp nhận quà tặng của Thiên Chúa có nghĩa là hiệp thông với Ðức Giêsu Kitô, để trong Người chúng ta có thể tiếp tục nhận và đáp lại ân huệ vô cùng phong phú và vô giá của Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người chúng ta tìm lại được ân sủng và bình an trước mặt Thiên Chúa, là Cha chúng ta.

            Để “hiệp thông”, Chúa Giêsu dạy : Kitô hữu phải tỉnh thức (Mc 13,32). Chỉ 5 câu trong Bài Tin Mừng, thánh Marcô lặp đi nhắc lại tới 4 lần chữ “tỉnh thức”; một câu không có chữ “tỉnh thức” lại dùng chữ “ngủ mê” với trạng từ “không”.

            Để nói lên thái độ “tỉnh thức” này, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể người đầy tớ có bổn phận giữ cửa nhà trong khi chủ đi vắng cho đến lúc ông trở về. Mối nguy hiểm của người đầy tớ, là ngủ mê, là quên bổn phận của họ. Mặc dù chủ nhà trước khi đi đã “ra lệnh” cho người giữ cửa phải tỉnh thức, nhưng anh ta lý luận theo lợi ích của riêng mình. Lẽ ra việc không biết lúc nào chủ về phải là động lực giúp anh ta tỉnh thức, điều này lại trở thành cớ để anh ta sao lãng bổn phận và lao mình vào những gì lợi ích riêng cho mình.

           

III.        Khởi đầu Mùa Vọng, Phụng vụ Lời Chúa nhấn mạnh đến ngày tận thế, ngày Chúa Giêsu trở lại phán xét mọi người. Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta ý nghĩa của Giáng Sinh là cứu độ, không chỉ đơn thuần là lịch sử.  Nên Hội Thánh muốn chúng ta hướng về cuộc Quang Lâm của Chúa Giêsu trong ngày tận thế để chuẩn bị đón tiếp Người. Việc tỉnh thức đón Chúa đến không phải là việc của một số người, nhưng là của mọi người, mọi thời. “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức” (Mc 13,37).  Vì ai cũng cần được cứu độ và phải chịu phán xét khi Chúa đến. Tỉnh thức bằng cách chu toàn bổn phận giống như các đầy tớ được chủ nhà “chỉ định cho mỗi người một việc”.  Điều quan trọng là Chúa đến vào lúc nào cũng mong thấy chúng ta tỉnh thức đón Ngài trong bổn phận thường ngày.

Chúng ta đọc lại Di Ngôn của Cha Tổ Phụ M. Biển Đức Thuận: “Mùa Áp: Hãy bắt đầu lại. Bắt đầu lại một cách vui mừng, mạnh mẽ: ‘Ecce nunc cœpi, này tôi bắt đầu’. Chúng ta hãy bắt đầu dọn mình lại cách vui mừng: trước không phải thì sau phải (x. DN 146). Cha Tổ Phụ trích lời Kinh Thánh “Ecce nunc cœpi” này, ở trong Genesis 18,31: “Et dixit : ecce nunc cœpi loqui ad Dominum meum: Si forsitan inventi fuerint ibi viginis ? Respondit: non disperdam propter viginti” [Biblia Sacra cum universis Franc. Vatabli – Pariis MDCCXXIX (1729)] phải chăng ngài muốn nhắc chúng ta nhớ lại Lòng Chúa Thương Xót với Cụ Tổ Abraham và lời Cha Thánh Biển Đức dạy “Không bao giờ thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (TL 4,74) (x. Tôn vinh Chúa, An Phước 2017, trang 6). Cha Tổ Phụ dạy : Phần vụ của thầy dòng chúng ta, không phải là hoạt động bên ngoài, nhưng là việc dâng lên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ. Phước của đời chúng ta, là trở nên một “loài chim”, hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ, là “con chim hót hay hơn cả”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta được noi gương Đức Mẹ, mỗi ngày nên giống Đức Mẹ hơn (DN 128).

Năm qua, chúng ta sống không đúng, không phải; năm nay chúng ta quyết chí sống đúng, sống phải: “trước không phải thì sau phải” ! Chúng ta sẽ đầy tràn sức mạnh Thánh Thần của Chúa Giêsu để thực hiện chương trình tỉnh thức này, nếu chúng ta năng hướng về Nhà Tạm và thưa với Chúa Giêsu: “Abba”; chúng ta năng chiêm ngắm Thánh Giá và thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI