Thứ Hai, 5 Tháng Sáu, 2023

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT II-A MÙA CHAY

CHÚA NHẬT II-A MÙA CHAY
 
I.          Giáo Hội tin rằng : “Sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trái lại, Thiên Chúa gọi con người (x. St 3,9); và, một cách huyền nhiệm, loan báo cho con người cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy (x. St 3,15). Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là “Tiền Tin Mừng”, bởi vì đó là lời loan báo đầu tiên về Đấng Mêsia Cứu Chuộc, về cuộc chiến đấu giữa con rắn và Người Nữ, và về chiến thắng chung cuộc của một hậu duệ Người Nữ này” (GLCG, 410).
 
II.         Giáo Hội tin như thế, vì Giáo Hội được Kinh Thánh cho biết “Thiên Chúa là Cha giàu Lòng Thương Xót” (x. Lc 6,36) hằng quan tâm đồng cảm với thân phận “bụi tro” của con người (x. St 3,19b), như lời Người hứa “Con đừng sợ, Ta cứu chuộc con. Ta gọi tên con. Con là con Ta, con thuộc về Ta” (Is 43,1). Và Lòng Chúa Thương Xót đó đã từng bước trải dài suốt lịch sử con người, khởi đầu từ việc Ngườituyển chọn và kêu gọi tổ phụ Abraham (x. St 12,1-4a), và từ một người con của dân tộc ấy, Người thiết lập một dân tộc đặc biệt (x. 1 Pr 2, 9). Người con của dân tộc ấy là Chúa Giêsu. Từ cuộc Hiển Dung (x. Mt 17,1-9), Thiên Chúa kêu gọi Con Một Người để Con Một Người đáp lại và hoàn tất sứ mệnh cao cả cứu độ muôn người. 
 
          Việc Thiên Chúa kêu gọi luôn bao hàm một sự rời bỏ tất cả những gì thuộc về con người được kêu gọi, và ra đi với một sứ mệnh cần phải thực hiện với tất cả lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa.  Tổ phụ Abram (sau này được Thiên Chúa đổi tên lại là Abraham) quê quán thành Ur miền Lưỡng Hà Địa, một người giàu có đang sống ổn định. Tổ phụ Abraham được Thiên Chúa kêu gọi bỏ lại tất cả tại quê cha đất tổ để lên đường đi tới một chân trời mới, và ngài được tuyển chọn làm tổ phụ cho một dân riêng của Người. Người chỉ ban cho ngài một lời hứa:  “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ ban phúc lành cho ngươi”. 
 
Chỉ có một lời hứa của Thiên Chúa, tổ phụ Abraham đã tin và ngài đã bỏ lại tất cả để ra đi theo một cuộc hành trình đức tin vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô ca tụng đức tin của tổ phụ Abraham:  Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: ‘Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như sao trời cát biển’  (x. Rm 4,18-22). Để tiếp tục chương trình này, giờ đây, trên đỉnh Tabor, Thiên Chúa tuyển chọn và gọi Chúa Giêsu lên Giêrusalem để đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết khổ nhục. Sứ mệnh của Chúa Giêsu không phải làm một vị cứu tinh theo phong cách trần thế, mà là làm Đấng Mêsia như đã được mô tả trong Lề Luật và sách các Ngôn Sứ. Nghĩa là làm Tôi Trung của Thiên Chúa, sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để giải hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Nên trong cuộc Hiển Dung này có sự hiện diện và đàm đạo của ông Môsê và ngôn sứ Êlia. Sự hiện diện của các ông là để xác nhận vai trò đích thực của Đấng Mêsia nơi Chúa Giêsu, “Đấng phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).
 
Tổ phụ Abraham ‘từ bỏ và ra đi’ theo tiếng kêu gọi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng từ bỏ tất cả vinh quang, và ra đi mặc lấy kiếp phàm nhân để sống vâng phục đến bằng lòng chịu chết (x. Pl 2,6-8). ‘Từ bỏ và ra đi’, chính là bằng chứng của Tình Yêu cao quý nhất :  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Các tông đồ chỉ muốn một Đấng Mêsia như các ông đã từng nghe Ngài giảng thuyết và làm các phép lạ. ‘Từ bỏ và ra đi’, thật khó hiểu chưa nói đến thực hành. Nhưng giữa cơn cám dỗ bỏ cuộc và không muốn đi theo Chúa Giêsu, các tông đồ được diễm phúc nghe chính lời Chúa Cha kêu gọi:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Lề Luật và Các Ngôn Sứ đã chứng thực về sứ mệnh của Đấng Mêsia.  Giờ đây, chính Chúa Cha xác nhận Ngài là “Con yêu dấu” và Ngài “làm hài lòng” Chúa Cha. Đó là căn tính và là phẩm giá của Chúa Giêsu.  Một Chúa Giêsu đầy quyền năng, nên cũng hạnh phúc cho những ai biết “vâng nghe lời Ngài”.
 
           III.         Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ Abraham và Chúa Giêsu thực hiện chương trình cứu độ để đem hạnh phúc cho con người.  Hai cuộc kêu gọi này, mục đích Thiên Chúa hướng đến việc kêu gọi hết mọi người vào làm dân thánh của Người.  Do Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà giờ đây các tín hữu được phúc làm Dân riêng của Thiên Chúa: “Anh em là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa… Xưa kia anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em được xót thương” (x. 1 Pr. 2,9-10). Cuộc kêu gọi từng mỗi người trong chúng ta, được mệnh danh là Tin Mừng do Chúa Giêsu khởi sự loan giảng, rồi tiếp theo là các tông đồ và Giáo Hội mọi thời mọi nơi. 
 
Nên việc “vâng nghe lời Ngài” không là chỉ lắng nghe những lời Chúa Giêsu giảng dạy, còn là dấn thân tham dự vào sứ mệnh của Ngài.  “Vâng nghe lời Ngài” là bỏ đi lối suy nghĩ loài người, để cùng với Ngài theo “tư tưởng của Thiên Chúa”.  “Vâng nghe lời Ngài” thúc giục chúng ta quan tâm đồng cảm và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” như Chúa Giêsu. Nhờ đó, muôn dân nước thấy được nơi con người Kitô hữu là dấu chỉ của Lòng Chúa Thương Xót, và tìm về một đoàn Dân duy nhất trong Giáo Hội.
 
            Bằng cách sống trọn vẹn đức tin vào Thiên Chúa, sứ vụ của tổ phụ Abraham và của Chúa Giêsu đã được chu toàn. Tổ phụ Abraham và Chúa Giêsu thật xứng đáng với danh hiệu “cha của đức tin” và “Con Yêu Dấu của Chúa Cha”.  Hạnh phúc của chúng ta là được mời gọi làm Dân Thánh, làm Con Đích Thực của Chúa. Hạnh phúc này càng tỏa sáng khi chúng ta biết ‘từ bỏ’ cách sống an phận và ‘ra đi’ loan giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống của chúng ta : Tabor Hiển Dung thành Nước Trời Hiển Linh.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

2022 – Cùng nhau trên hành trình (Nhìn lại 2022)

https://www.youtube.com/watch?v=N8si-Jc6elc Cuộc sống đan tu không chỉ được nuôi dưỡng bởi những sự kiện lớn, nhưng còn là từng giây phút trong cuộc đời, đan...

Tập viện An Phước – Mừng Lễ Bổn mạng 2022

Tập viện sinh hoạt mừng ngày bổn mạng - Lễ các thánh giữ luật thánh Biển Đức (13.11.2022) #DanVienAnPhuoc #BonMangTapVien2022 https://www.youtube.com/watch?v=XNzCq2n-BQI https://www.youtube.com/watch?v=pbKulk7GPM0 https://www.youtube.com/watch?v=X9noM7o9wJs https://www.youtube.com/watch?v=1UjggFrao8U

Ý nghĩa của lao động | Đan viện An Phước

Bạn có biết, tại sao các đan sĩ lại yêu mến lao động hay không? Trong Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, Cầu nguyện...

LƯỢC SỬ ĐAN VIỆN AN PHƯỚC

               ...

Một vài hình ảnh về Đan Viện An Phước

Đan Viện An Phước ...

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – THÁNH LỄ BỔN MẠNG VÀ HỒNG ÂN THÁNH HIẾN ĐAN TU

Lúc 9g00, Cha Viện Trưởng M. Martino de...

CỘNG ĐOÀN AN PHƯỚC – TĨNH TÂM THÁNG 9-2015 – BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY “ĐIỀU LỰA CHỌN”

  BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY “ĐIỀU LỰA CHỌN”   Fr....

Đan Viện An Phước – ĐÊM HỘI TRĂNG RẰM

Xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng...

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – NĂM THÂN NHẮC LẠI CHUYỆN “KHỈ” (TĨNH TÂM THÁNG 02-2016)

Một Mùa Xuân mới lại đến. Mùa Xuân này...