Hội dòng Xitô Thánh Gia
VPHT Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Giảng lễ tạ ơn 02.12.2019 – Tân Viện Phụ Dominic Savio Trần Thiết Hùng
Bđ1: 1V 3,8-13 – Bđ2: 1Pr 5,1-4 – TM: Ga 10,11-16
HỌC LÀM VIỆN PHỤ
Anh chị em thân mến,
Tân Viện Phụ Dominic Savio Trần Thiết Hùng kính mến,
Hôm nay, chúng ta dâng thánh lễ tạ ơn về sứ vụ Viện Phụ mà cha Dominic Savio Trần Thiết Hùng đón nhận từ Thiên Chúa qua cộng đoàn Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương. Ngài đã được chúc phong tại đan viện đơn lập Châu Sơn Sacramento ngày 13 tháng 10. Phần đông chúng ta không được cơ may tham dự. Nhưng hôm nay, với thánh lễ tạ ơn này, chúng ta dành trọn vẹn tình yêu mến đối với tân Viện phụ và cầu nguyện cho sứ vụ ngài vừa đảm nhận.
Trong nghi thức chúc phong tân viện phụ, Tổng Phụ Maurô Lepori đã nhấn mạnh và triển khai về ý nghĩa sự chúc lành, và ngài mời gọi tân viện phụ Domnic Savio hãy là người của chúc lành.
Hôm nay, các bài đọc Kinh Thánh gợi cho chính bản thân tôi, và tôi xin được chia sẻ với anh chị em, đặc biệt với tân Viện phụ Dominic Savio, ý nghĩa của việc học làm viện phụ. Ba bài đọc cho tôi thấy ba gương mẫu – ba người thầy – dạy cho biết thế nào để trở thành người phục vụ anh chị em mình. Đó là vua Salômôn. Đó là thánh tông đồ Phêrô. Đó là Chúa Giêsu.
1. HỌC NƠI VUA SALÔMÔN: LỜI CẦU NGUYỆN
Bài đọc thứ nhất trích sách Các Vua quyển thứ nhất trình thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và vua Salômôn tại thánh địa Ghíp-ôn. Thiên Chúa hiện ra với ông trong một cơn mộng và nói với ông: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” Sau khi đã nhắc lại tình thương nhân hậu của Thiên Chúa đối với phụ vương Đa-vít và nói lên sự kiện là bản thân, dù là một thanh niên bé nhỏ, lại được đặt là vua cai trị một dân đông đúc, vua Salômôn đã cầu xin Thiên Chúa ban cho một tâm hồn biết lắng nghe: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.” Thiên Chúa hài lòng vì vua Salômôn đã cầu xin điều đó và hứa ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn.
“Một tâm hồn biết lắng nghe”: đây không những là một khả năng mà còn là phẩm chất của những ai muốn làm môn đệ Chúa Kitô và muốn phục vụ như Ngài. Chúa Giêsu luôn là một con người biết lắng nghe Cha, đón nhận Lời Cha, biết lắng nghe tiếng kêu bi thương của những người nghèo khổ, của tội nhân để cứu độ. Nhưng làm sao một tâm hồn có thể biết lắng nghe?
Điều kiện thứ nhất là biết ở trong thinh lặng: sự thinh lặng bên ngoài và sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Làm sao có thể lắng nghe được, khi mà cứ thả mình vào chốn ồn ào náo động, khi mà tâm hồn xao động với bao nhiêu lo sợ và lắng lo? Xã hội ngày nay tràn ngập tiếng ồn ào của mọi thứ âm thanh làm cho tâm hồn giao động không thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói trong sâu thẳm linh hồn, không thể nghe hết những tâm tư của anh chị em mình, vì bị quá nhiều kích động. Hãy biết ở lặng thinh để lắng nghe thật rõ.
Điều kiện thứ hai là yêu mến. Người ta chỉ lắng nghe người mà mình yêu mến. Chúa Cha đã nói với các môn đệ Chúa Kitô: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.” Thiên Chúa thường nói qua những ngôn ngữ không lời và anh chị em chúng ta cũng không phải lúc nào cũng diễn tả ước muốn bằng lời nói. Chính tình yêu mang lại cho chúng ta khả thể nghe được, hiểu được điều vượt trên ngôn từ.
Điều kiện thứ ba là cầu nguyện. Đây là nơi của lắng nghe kiến hiệu nhất. Con người hiện diện trước Thiên Chúa để lắng nghe tiếng lòng của Người về công việc của Người, về tha nhân. Đây là nơi của sự hiểu biết sâu lắng nhất, vì là nơi của hiện diện sâu xa và trao đổi thân tình. Là người quản trị Nhà Chúa, trước hết và trên hết, phải là con người cầu nguyện, con người hiện diện trước Thiên Chúa và lắng nghe.
Một tâm hồn biết lắng nghe là điều kiện để có thể quản trị Nhà Chúa. Thánh Phụ Biển Đức bắt đầu Tu Luật của ngài bằng lời mời gọi: “Hãy lắng nghe. Hãy ghé tai lòng. Hãy đón nhận lời…” Nghĩa là hãy để đôi tai thể lý này, hãy đặt tai lòng vào việc quản trị Nhà Chúa. Hãy nghe. Hãy lắng nghe. Hãy nghe cho kỹ, trước khi bắt tay vào bất cứ công việc gì.
Tân Viện phụ Dominic Savio kính mến,
Viện phụ hãy noi gương vua Salômôn xin Thiên Chúa, không phải là giầu có, vinh quang, mà là một tâm hồn biết lắng nghe. Đây là cỗi rễ sự khôn ngoan. Đây là nơi để khám phá các đường lối của Thiên Chúa và biết phân biệt phải trái. Nếu Viện phụ đồng ý, chúng con sẽ cầu nguyện ơn này cho Viện phụ.
Một tâm hồn biết lắng nghe phải dẫn tới hành động. Nhưng làm sao hành động cho thích hợp và như Thiên Chúa muốn? Đâu là cung cách của người quản trị Nhà Chúa, phục vụ anh chị em mình?
2. HỌC NƠI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ: CUNG CÁCH CHĂM SÓC ĐOÀN CHIÊN
Trong bài đọc thứ hai, trích thư thứ nhất của thánh Phêrô, chúng ta nghe được những lời khuyên nhủ của thánh nhân dành cho các bậc kỳ mục, nghĩa là cho những người phụ trách cộng đoàn. Ngài lên tiếng, không chỉ như một thầy dạy, nhưng như một con người kinh nghiệm và chứng nhân: “Tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục và là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô”. Qua những lời khuyên nhủ của thánh tông đồ Phêrô, chúng ta nhận ra được những điều gì cho cung cách chăm sóc đoàn chiên?
Điều thứ nhất cần xác tín: đây là đoàn chiên của Chúa đã uỷ thác.Thánh Phêrô viết: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em” (1Pr 5,2). Xác tín này rất quan trọng và nền tảng. Cộng đoàn đây là đoàn chiên của Chúa uỷ thác để được chăm sóc. Như vậy sẽ hành động như Chúa hành động trên đoàn chiên. Sẽ không như một chủ nhân ông hay một bạo chúa trên các tâm hồn, nhưng là mục tử hiền lành khiêm nhường, bao giờ cũng giầu lòng thương xót (TL 64,10).Đây là cung cách của người cộng tác với Chúa để chăm sóc đoàn chiên của Chúa.
Điều thứ hai là nhiệt thành tận tuỵ.Thánh Phêrô khuyên các kỳ mục lo lắng cho đoàn chiên, vì lòng nhiệt thành tận tuỵ (1Pr 5,2). Đây là đặc điểm thứ hai của cung cách chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Nhiệt tâm là phải có lửa trong tâm hồn, để có thể toả hơi nóng ra bên ngoài qua hành động và lời nói. Đây phải là thứ nhiệt tâm tốt lành mà Thánh Phụ Biển Đức đề xuất (TL 72). Chính thứ nhiệt tâm này sẽ hướng dẫn để biết hànhđộng sao cho đúng với ý muốn của Thiên Chúa. Đây là thứ nhiệt tâm lo cho phần rỗi anh em và hướng dẫn các linh hồn Chúa uỷ thác (TL 2,33-34). Đây là cung cách của người quản trị Nhà Chúa.
Điều thứ ba là nêu gương sáng.ThánhPhêrônhắn nhủ: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Thánh Phụ Biển Đức khuyên viện phụ phải biết hướng dẫn anh em bằng hai hình thức giáo hoá, nghĩa là lấy việc làm hơn là lời nói mà chỉ cho họ tất cả những gì lành thánh (TL 2,11-12). Đây là cung cách của người có nhân đức, nghĩa là hội tu nơi mình những phẩm chất của người chăm sóc anh em, như Thánh Phụ Biển Đức liệt kê, đó là thanh khiết, điều độ, khoan nhân, thương anh em, cư xử khôn ngoan, chừng mực (TL 64,10-12…). Nói như Thánh Phụ là biết phục vụ hơn là cai trị. Đây là cung cách của người toả sáng trong phục vụ.
Thánh Tông Đồ Phêrô, qua kinh nghiệm của bản thân, đã nêu lên một vài cung cách chăm sóc đoàn chiên Chúa uỷ thác, để qua đó, chức vụ cuả người quản trị Nhà Chúa, chăm sóc anh em, phải là nơi rạng sáng khuôn mặt của Vị Mục Tử tối cao.
Kinh thưa Viện phụ Dominic Savio,
Cộng đoàn phụng vụ hôm nay cầu nguyện và kính chúc Viện phụ thủ đắc cho chính bản thân ngài cung cách mà thánh Phêrô đã thực hiện, mà Thánh Phụ Biển Đức đã sống và trao lại cho những ai được bầu chọn để quản trị Nhà Chúa.
Khi đã cầu nguyện để có một tâm hồn biết lắng nghe, khi đã xác định cung cách chăm sóc đoàn chiên, điều quan trọng còn lại: đâu là hình ảnh mà bản thân phải hoạ lại trong đời sống?
3. HỌC NƠI CHÚA GIÊSU:HOẠ LẠI MỘT HÌNH ẢNH
Trong bài tin mừng theo thánh Gioan, Chúa Giêsu đã diễn tả bản thân ngài dưới hình ảnh một vị mục tử nhân lành. Đây là hình ảnh có sức mạnh nhất cho những ai đảm nhận việc chăm sóc đoàn chiên của Chúa và quản trị Nhà Chúa. Rất nhiều chi tiết được Chúa Giêsu nêu lên để làm nổi bật khuôn mặt của người mục tử nhân lành. Xin được dừng lại ba yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,16). Đây là một thách đố lớn. Vì ý nghĩa và lý hữu của mục tử là đoàn chiên, nên hy sính mạng sống cho đoàn chiên là một đòi hỏi nền tảng. Cũng có thể xảy ra ngược lại, là mạng sống của đoàn chiên bị hy sinh vì lợi ích của chủ chăn. Chúng ta đọc thấy điều đó trong sách ngôn sứ Edekiel chương 34. Hy sinh mạng sống cho đoàn chiên phải là niềm vui của người mục tử nhân lành. Người chăm sóc anh chị em mình cần hoạ lại hình ảnh của Chúa Giêsu, mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống, nghĩa là trao ban chính sự sống của mình cho đoàn chiên.
Yếu tố thứ hai là biết rõ đoàn chiên và từng con chiên. Chúa Giêsu đưa ra một nhận định về vai trò mục tử của mình: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Yếu tố thứ hai này nhấn mạnh đến mối tương giao cá vị giữa mục tử và từng con chiên. Biết trong Kinh Thánh đồng nghĩa với yêu. Vì tôi yêu nên tôi biết rõ. Vì biết rõ nên tôi càng yêu. Yêu không điều kiện. Biết không giới hạn. Đây là hình ảnh của một mục tử với mối thân tình với đàn chiên và từng con chiên.
Yếu tố thứ ba là qui tụ: một đoàn chiên và một mục tử. Chúa Giêsu còn cưu mang một mong ước: “Tôi còn có nhưng chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16).Chúa Giêsu đến để qui tụ con cái Thiên Chúa về một mối (Ga 11,52). Đây là khao khao của chính Thiên Chúa Cha, Đấng muốn qui tụ mọi người, mọi sự nơi Chúa Kitô (Ep 1,10). Người mục tử nhân lành không xua đuổi bất cứ con chiên nào, nhưng đi tìm con chiên lạc để đưa về đàn. Người mục tử nhân lành phải có thao thức qui tụ tất cả trong cái duy nhất.
Kính thưa Viện phụ Dominic Savio,
Chúng con cầu nguyện, cầu chúc và mong ước Viện phụ hoạ lại một cách rõ nét hình ảnh của Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành, tràn đầy yêu thương và khiêm nhường.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta cùng nhau dâng thánh lễ tạ ơn vì sứ vụ viện phụ mà cha Dominic Savio Trần Thiết Hùng vừa đảm nhận. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và chia vui với tân viện phụ, không phải vì những lợi lộc vật chất hay vinh hoa phú quí trần gian, là những thứ phù vân. Nhưng chúng ta cầu xin Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã chọn tân viện phụ cho công việc quản trị Nhà Chúa và chăm sóc các linh hồn được uỷ thác cho ngài. Hành trình phục vụ của ngài chắc còn dài và sẽ được phong phú hoá theo dòng thời gian. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay mời gọi ngài học làm viện phụ với những định hướng mở ra những chân trời cho ngài và cho tha nhân, cho Thiên Chúa, để qua sứ vụ của ngài, Chúa Giêsu, Vị Mục Tử nhân lành tiếp tục ban cho đoàn chiên Chúa được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Viện Phụ Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn
(Viện Phụ Hội Trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia)