Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT II – A MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT II – A MÙA VỌNG

(Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12)

        

THỐNG HỐI

Chương trình của Thiên Chúa là ban ơn cứu độ cho hết mọi người. Muốn đón nhận được ơn cứu độ, ông Gioan Tẩy Giả nhắc lại lời ngôn sứ Isaia mà loan giảng cho chúng ta biết rằng : “Anh em hãy thống hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

 

Lạy Chúa, việc thống hối đối với chúng con không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm nhường để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gio-an ban phép rửa. Ước gì chúng con luôn biết soi gương khiêm nhường của Chúa.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

        Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con. Chúng con khao khát luôn biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình. Ước gì chúng con theo gương Chúa mà đồng cảm với nhau.

            Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

            Lạy Chúa, tội lỗi ràng buộc con người chúng con, làm chúng con cản trở không dám biểu lộ lòng thống hối bằng những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau là từ bỏ để hoàn toàn thuộc về Chúa. Ước gì chúng con được Chúa cho cảm nghiệm niềm vui, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến, để chúng con đừng quản ngại thống hối trở về với Chúa.

            Xin Chúa thương xót chúng con.

   SUY NIỆM

 I. Thánh Phaolô đã công bố thời giờ Chúa đến và kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống để đón mừng Chúa (CN I-A MV). Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi đi sâu hơn vào Mầu Nhiệm Ðức Kitô. Mầu nhiệm này, thánh Phaolô giới thiệu: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta”.

Qua Kinh Thánh, chúng ta biết Thiên Chúa hiện hữu và muôn vật đều do Người tác thành, và nhất là chúng ta còn biết Người là “Thân Phụ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, yêu thương chúng ta và muốn chúng ta được chia sẻ phần phúc với Người. Thiên Chúa đã bắt đầu bằng việc tỏ mình ra cho ông Ápraham và đặt ông làm tổ phụ một Dân được tuyển chọn. Người sai Con Một đến nhập thể làm người trong số miêu duệ ông.

       Hiệu quả của việc trên: “Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy”. Thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa thực hiện những hiệu quả ấy cho các tín hữu được “đồng tâm nhất trí với nhau” để “đồng thanh tôn vinh Thiên Chúa”. Và cần phải học hỏi nơi Mầu Nhiệm Ðức Kitô bài học “đón nhận nhau” không phân biệt chủng tộc hay địa vị xã hội (x. Gl 3,27-29). Vì hiện tại, các tín hữu như đang chia rẽ, nghi kỵ giữa tín hữu gốc Do thái và tín hữu gốc Dân ngoại, không muốn đón nhận nhau.

         II. Qua suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể này, Lời Kinh Thánh đang chất vấn chúng ta : tinh thần hiệp nhất, hiệu quả hạt giống gieo trong đất mầu nơi chúng ta, Lời Thiên Chúa Nhập Thể là Ðức Kitô có giúp chúng ta kiên nhẫn, an ủi và làm cho chúng ta vững lòng trông cậy không ?

Để trả lời cho chất vấn này, thánh Gioan Tẩy Giả hiến kế :  “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Nhắc lại lời sấm của ngôn sứ Isaia xưa (x. Is 40,3), thánh Gioan Tẩy Giả muốn nói với người nay về một cuộc xuất hành thiêng liêng : xuất hành khỏi con người tội lỗi của chúng ta, để lột xác thành con người mới và làm con đường mới cho Chúa đến với chúng ta. 

Như thế, muốn được trở thành con người mới và con đường mới cho Chúa đến, chúng ta phải thống hối và canh tân.  Thống hối và canh tân là quay mặt về hướng Chúa, và quay lưng về phía tội lỗi để dứt bỏ nó. Một hành động bao gồm hai động tác cùng một lúc. Thống hối và canh tân, trước hết đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường nhìn thẳng vào con người mình để nhận ra những gì cần phải thay đổi. 

Thống hối và canh tân như thế, sẽ nảy sinh hoa trái. Hoa trái ấy là những thay đổi trong lối sống, là sắp đặt lại cuộc sống cho đúng với những giá trị ưu tiên, là thay đổi não trạng, là sẵn sàng và mở lòng để Chúa Giêsu đến và Kitô hóa cuộc sống của chúng ta. Và như thế, lời Kinh Thánh chất vấn chúng ta, giờ đây không còn là Lời chất vấn. Nhưng chính Chúa Giêsu sẽ là Tinh Thần Hiệp Nhất, là Hiệu Quả Hạt Giống gieo trong đất mầu nơi chúng ta, là Lời Thiên Chúa Nhập Thể giúp chúng ta kiên nhẫn, an ủi và làm cho chúng ta vững lòng trông cậy.

        Tuy nhiên, thống hối và canh tân là một tiến trình.  Trong tiến trình này, vai trò của ông Gioan chỉ là chuẩn bị, như ông khẳng định:  “Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh thống hối”.  Còn giai đoạn chính là công việc của Chúa Giêsu, “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”.  Do đó, nếu chúng ta cứ tiếp tục để cho Chúa Giêsu là  Nước Trời đi vào tâm hồn chúng ta, thì Nước Trời đã có trong chúng ta ngay khi chúng ta đang sống trên đời này rồi. Chúa Giêsu là Đấng tái tạo hòa bình, xóa bỏ mọi chia rẽ và đưa muôn loài muôn vật trở về trong sự hài hòa với nhau và với Thiên Chúa. Như ngôn sứ Isaia chỉ cho chúng ta thấy một viễn tượng hòa bình “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ… bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục…” (Is 11,6-8).

 

III.        Các dân tộc sẽ tìm kiếm Chúa Giêsu và nơi Chúa Giêsu ngự sẽ rực rỡ vinh quang (x. Is 11,10). Nên việc cứu độ mang hai chiều kích:  một đàng Chúa đến với chúng ta, đàng khác chúng ta nghe tiếng Chúa mời gọi và đến với Người.  Con đường Chúa đến với chúng ta là con đường yêu thương. Tình yêu đã khiến Chúa “trút bỏ vinh quang” (Pl 2,7) từ trời đến với chúng ta, thì tình yêu cũng phải là con đường đưa chúng ta đến với Người.  Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hoán cải, dám theo gương yêu thương của Chúa, ‘yêu đến cùng’, để đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Đó là dám rời bỏ con người của mình để hướng tới tha nhân, tôn trọng tha nhân, đồng cảm với tha nhân, hiến thân phục vụ tha nhân.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI