Thứ năm, 10 Tháng mười, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT II MÙA CHAY C (Lc 9, 28b-36)

 
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – năm C
(Lc 9, 28b-36)
 
Sống trong một đất nước đang bị ngoại bang đô hộ chèn ép, các tông đồ cũng như dân Do Thái, thời Chúa Giêsu, chỉ mong một Đấng Mêsia có khả năng giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại bang, làm cho đất nước thịnh vượng, dân chúng an cư lạc nghiệp. Có cái nhìn cục bộ như thế, nên khi Chúa Giêsu tỏ cho các ông biết Ngài phải lên Giêrusalem để chịu thương khó và chịu chết, các ông cảm thấy rúng động tâm hồn. Chúa Giêsu tỏ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho các ông, muốn giúp các ông lấy cái nhìn đức tin mà nhận biết Ngài thực sự là ai qua cuộc hiển dung.
 
          Cuộc hiển dung được thánh sử Luca thuật lại: một đêm kia, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện cùng với ba môn đệ. Đêm đã khuya, Ngài vẫn còn trò chuyện với Cha. Khi chợt tỉnh, các môn đệ ngất ngây trước cảnh tượng phi thường. Thầy Giêsu đang đàm đạo với hai ông Môsê và Êlia “dung mạo Ngài biến đổi khác thường và áo Ngài trắng tinh sáng láng”. Nội dung câu chuyện giữa hai ông và Chúa Giêsu là “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem.”  Đây chính là “giờ của Ngài phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1), là giờ của “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem.”
Khi biến đổi hình dạng nên sáng láng, Chúa Giêsu cho các tông đồ thoáng nhận ra vinh hiển tương lai của Ngài.  Điều này rất cần thiết cho các ông, vì các ông sẽ không còn nhìn căn tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu một cách phiến diện hoặc tiêu cực nữa, nhưng là một hình ảnh trọn vẹn từ thập giá đến vinh quang. Các ông sẽ cùng với Chúa Giêsu lên Giêrusalem, không phải để chứng kiến Ngài được dân chúng tôn làm vua trần thế, nhưng là để cùng chịu đau khổ và chịu chết với Ngài, đồng thời cũng để củng cố niềm tin của họ vào sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Con người Chúa Giêsu là Mêsia, là Người Tôi Trung của Thiên Chúa, đã được chính lời Chúa Cha xác nhận:  “Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn; các con hãy vâng nghe lời Ngài”.
Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu đã tác động trên ông Phêrô và các bạn ông. Ông thưa với Chúa:  “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy…” Ông đã thay đổi phần nào. Cảm nghiệm của ông về Thiên Chúa khi được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến đổi hình dạng đã gợi ý cho ông làm một cái gì đó để được “ở lại” với Ngài. Ông đề nghị dựng một cái lều cho Chúa Giêsu để Ngài “cư ngụ” với ông.  Nhưng, Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” rồi (Ga 1,14).
       Cuộc hiển dung trên núi cao, là để Chúa Giêsu chuẩn bị tinh thần cho các ông đón nhận mặt tối của đời Ngài trong đêm vườn Dầu và đêm khổ nạn, cũng là bài học cho chúng ta trong tương quan với người khác. Trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này, qua giáo huấn của ĐTC Phanxicô trong Tông Chiếu Dung Nhan Chúa Thương Xót, biến cố Chúa Giêsu biến hình nhắc chúng ta ý thức rằng : ai đó bị xem là xấu xa đến đâu chăng nữa cũng có những điểm sáng, những nết tốt tiềm ẩn bên trong, nếu khi chúng ta nhìn họ với lòng thương xót thứ tha. Ước gì chúng ta biết nhìn vào điểm sáng, điểm tốt, nhìn vào ưu điểm của nhau để dễ dàng thông cảm với những mặt trái, mặt xấu của nhau. Nhờ đó, chúng ta cảm thấy những người quanh chúng ta dễ thương hơn, tương quan của chúng ta với người khác được cải thiện tốt đẹp hơn, và đời sống giữa chúng ta với nhau sẽ hạnh phúc hơn. Đó là chúng ta đã mở cõi lòng để đón nhận Lòng Chúa Thương Xót. Tha thứ là chìa khóa mở cõi lòng để đón nhận Lòng Chúa Thương Xót.
 
Sứ điệp :  
Như thánh Phêrô, chúng ta cần mời Chúa Giêsu cư ngụ với chúng ta, thì chúng ta mới nhận biết được Ngài là ai và sứ mệnh của Ngài là gì.  Ý định dựng lều của thánh Phêrô phải được thực hiện nơi mỗi người Kitô hữu.  ĐTC Phanxicô đề nghị trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này, chúng ta dùng 10 điểm sau đây để “dựng lều” cho Chúa ngự : 1. Đừng nói xấu nhau; 2. Đừng vất phần ăn dư của mình;  3. Dành thời gian cho người khác;  4. Chọn những món rẻ tiền hơn;  5. Viếng thăm người nghèo;  6. Đừng lên án người khác; 7.Làm bạn với những ai bất đồng với chúng ta; 8. Trung thành với lời giao ước (như lời khấn, lời cam kết trong đời sống hôn nhân;  9. Tạo thói quen: kêu cầu đến Thiên Chúa; 10. Là người vui tươi.
Chúa Giêsu ‘đầy tràn Thánh Thần, và Thánh Thần đã đưa Ngài vào hoang địa’, chính Thánh Thần đã làm cho Ngài chiến thắng ma quỷ. Chúng ta dùng phương thế thứ 9 : Tạo thói quen: kêu cầu đến Thiên Chúa. Chúng ta dùng lời Chúa Giêsu dạy Thánh Nữ Faustina để kêu cầu đến Thiên Chúa và cũng là cách thế để Chúa Thánh Thần hiển ngự đầy tràn trong con người của mình : “lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI