Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT II TN-A (1 Cr 1, 1-3)

CHÚA NHẬT II TN-A (1 Cr 1, 1-3)
 
I.          Theo ông Charles Robert Darwin (người Anh, 1809 – 1882), con người được cho là bắt nguồn từ cỏ cây dưới nước, bò sát lưỡng cư rồi thành vượn, từ đó tiến hóa thành con người. Một số người yên tâm mình có nguồn gốc từ động vật như vậy trong suốt những năm đầu của thế kỷ 20. Mãi sau, các nhà khoa học phát hiện ra là học thuyết này chứa đựng quá nhiều những chi tiết sai lầm và sơ hở.
 
Con người có nhiều khả năng là một sinh mệnh đặc biệt, hoàn toàn độc lập không liên quan đến loài khỉ vượn. Con người cũng có nhiều đặc điểm mà động vật dẫu có tiến hóa hàng triệu triệu năm nữa cũng không thể tiến gần được. Và nhìn lại những câu chuyện huyền thoại lưu truyền từ đời này qua đời khác của mọi dân tộc trên thế giới, con người thấy rằng mình có nguồn gốc cao quý hơn vượn gấp bội phần.
 
Theo huyền thoại Hy Lạp, trên đỉnh Olympia thủa ấy, khi trái đất còn đang trong cảnh hỗn mang tăm tối, hai anh em Prometheus và Epimetheus được Thần Zeus giao cho nhiệm vụ cai quản trái đất, sáng tạo ra con người. Còn trong thần thoại cổ phương Đông, có Bàn Cổ khai thiên lập địa và Nữ Oa sáng tạo con người. Đối với người Do Thái, chính Đức Chúa đã làm điều ấy. Có thể thấy rằng, các câu chuyện giải thích về nguồn gốc của nhân loại đều có chung một đặc điểm: con người là do Thần tạo ra, vì các Ngài muốn tạo ra một sinh linh đặc biệt, một sinh linh giống các Ngài (x. St 1,26).
 
            II.         Và trong BĐ II trích từ thư 1 gởi giáo đoàn Corintô, thánh Phaolô cũng khẳng định nguồn gốc của con người là ‘thần thánh’. Với lời chào thăm “kính gởi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an (1 Cr 1,2-3). Thánh Phaolô muốn nhắc nhở tín hữu Côrintô hãy nhìn lại căn tính của mình và của giáo đoàn mình. Thánh Phaolô dám mạnh mẽ nhắc nhở tín hữu Côrintô hãy nhìn lại căn tínhcủa mình là ‘thần thánh’, là có gốc ‘linh thánh’, nhờ kinh nghiệm ơn gọi như ngài chứng thực: ngài được trở thành tông đồ của Đức Kitô là do ý định của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,1).
 
Mục đích của ơn gọi làm Tông Đồ và Sứ Vụ Làm Chứng là để mọi người nhận ra và tin vào Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô không chọn thánh Phaolô làm tông đồ như ban một chức tước, để thánh Phaolô được kính trọng. Chúa Giêsu Kitô cũng không giáo dục cho thánh Phaolô biết về Chúa để chỉ giúp cho bản thân của thánh Phaolô được hưởng ơn cứu độ. Trái lại, Chúa Giêsu Kitô đã trao cho ngài một sứ vụ và sai ngài ra đi để loan giảng và làm chứng làm cho các dân ngoại được biết và tin tưởng vào Chúa, để tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.
 
Quả thực, thánh Phaolô coi việc “được gọi làm tông đồ của Chúa Giêsu Kitô” là một ơn gọi. Ngài còn coi ơn gọi làm tông đồ như là điều do Thiên Chúa tiền định (Gl 1,15). Ðể đáp lại hồng ân ấy, thánh Phaolô đã bất chấp mọi khó khăn và sẵn sàng hy sinh mạng sống để loan giảng Tin Mừng cho Dân ngoại, vì “tình yêu Ðức Kitô thôi thúc” (2 Cr 5,14). Thánh Phaolô hăng say ra đi loan giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Ngài thành lập nhiều cộng đoàn, trong đó có các tín hữu tại Côrintô. Ngài viết nhiều Thư đến an ủi và giải thích những khó khăn về niềm tin mà họ gặp phải. Ngài tôn trọng các tín hữu như các thánh, dạy họ phải tôn trọng nhau và tôn trọng mọi thành phần trong Dân Chúa.
 
III.        Kitô hữu là những người được hiến thánh. Thánh Phaolô gọi họ là “thánh”, dĩ nhiên ngài không có ý nói họ đã là những người hoàn hảo, nhưng ngài muốn ám chỉ phẩm giá cao quý của họ, vì họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và cho họ làm con cái Thiên Chúa. Các Kitô hữu, được tham dự vào Hội Thánh là một tổ chức thánh thiện. Hội Đoàn này được gọi là thánh, vì có tâm điểm là Đấng Thánh Giêsu. Đấng Thánh Giêsu luôn hiện diện trong Hội Đoàn như Danh hiệu là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, và thánh hóa Hội Đoàn này thành Hội Thánh.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau luôn hiểu và nhớ rõ căn tính Kitô hữu của mình, của cộng đoàn mình. Căn tính đó là “thánh”, vì có Chúa Giêsu Kitô là tâm điểm đang hiện diện trong mỗi phần tử Kitô và toàn thể Hội Thánh. Chúng ta sẽ tránh được thảm cảnh phe phái kình chống nhau trong cùng một cộng đoàn.
 
            Được như thế, tất cả lời nói việc làm của Kitô hữu, mới có thể trở thành như một lời chứng hùng hồn sống động giống như ông Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, và giới thiệu với mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Con người phải có Chúa Giêsu Kitô hiển ngự trong tâm hồn, con người mới trở thành con Thiên Chúa (x. Ga 1,12), mới có bình an hạnh phúc (x. Ga 1,16-17).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI