Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT III-A MÙA CHAY (Rm 5, 1-2.5-8)

I.          Thi sĩ Xuân Diệu từng trăn trở : “Làm sao sống được mà không yêu, Không nhớ không thương một kẻ nào… (Bài thơ tuổi nhỏ). Nhưng tưởng chừng như ông lại hụt hẫng khi yêu : “Yêu là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu” (Yêu). 
 
Phần chúng ta được Giáo Hội hướng dẫn : “Con người không thể sống mà không có tình yêu thương. Con người vẫn là một cái gì không thể hiểu được đối với chính mình, cuộc sống con người mất ý nghĩa nếu không nhận lấy mặc khải về tình yêu thương, nếu không gặp tình yêu thương và không chiếm tình yêu thương thành của mình, không dự phần vào đó cách mãnh liệt” (Redemptor Hominis,10).
 
Một chân trời mới, được mở ra. Thật hạnh phúc cho con người. Con người không còn sợ hãi “hậu quả của tội nguyên tổ” (x. St 3,1-24). Vì Thiên Chúa đã dùng miệng lưỡi ngôn sứ Isaia để diễn tả tình yêu của Người dành cho con người: “Con đừng sợ, Ta cứu chuộc con. Ta gọi tên con. Con là con Ta, con thuộc về Ta” (Is 43,1).
 
            II.         Thật vậy, như Chúa Giêsu Kitô nói với ông Nicôđêmô : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thánh Phaolô (BĐ II Rm 5, 1-2.5-8) xác tín,  nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được trở nên con cái Chúa qua Bí Tích Rửa Tội và bắt đầu sống “niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”.  Bằng chứng là (1) Chúa Giêsu Kitô đã chết vì con người, đang khi con người còn là một tội nhân;(2) Chúa Giêsu Kitô đã chết vì con người, khi con người chưa biết Người. Thánh nhân khẳng định : “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
 
Việc Thiên Chúa cứu độ và kêu gọi từng người trong những sứ vụ riêng biệt, là hoàn toàn do tôn ý Lòng Chúa Thương Xót, không phải do sự xứng đáng của cá nhân đương sự (x. 2 Tm 1,8-10). Thánh nhân kể ra 5 ơn lành con người được lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô:
(1) Con người được nên công chính là do bởi việc tin vào Chúa Giêsu Kitô.
(2) Chúa Giêsu Kitô chịu chết để xóa bỏ tội lỗi cho con người, và làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa.
(3) Cái chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại cho con người muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa, qua các bí tích Người thiết lập trong Giáo Hội.
(4) Khi đã được tẩy sạch khỏi tội lỗi và được thánh hóa bằng các ân sủng, con người trở thành những người con thánh thiện, xứng đáng được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa trong Nước Trời.
(5) Để giúp con người nhận ra những sự thật và tình yêu của Thiên Chúa, sau khi Chúa Giêsu Kitôvề trời, Người ban cho chúng ta một Đấng Phù Trợ khác, đó chính là Chúa Thánh Thần.
 
            Qua đây, chúng ta xác tín rằng :  Hành trình đức tin của mỗi người chúng ta là hành trình trong tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đã phục hồi cho chúng ta quyền (ius) làm con cái Thiên Chúa, để đứng thẳng (stare) trước tôn nhan Thiên Chúa, là đem lại cho chúng ta ơn công chính hóa (iustification), là hạnh phúc vĩnh hằng của con người.
 
Chúa Giêsu Kitô đã vui lòng chịu chết vì chúng ta, để “mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”. Ân sủng được làm con Thiên Chúa và sống đời sống mới trong Chúa Thánh Thần.  Cuộc hành trình đức tin của chúng ta luôn được nuôi dưỡng bằng “tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần”. 
 
III.        Khát vọng hạnh phúc là một nhu cầu gắn liền với bản tính con người, như thánh Tôma Aquinô nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc” (Sum. Theol. I, q. 2 ad 1). Ơn cứu độ phát xuất từ Thiên Chúa, là hạnh phúc của con người. Hạnh phúc này chỉ có nơi ChúaGiêsu Kitô. Điều kiện duy nhất phía con người cần có là con người tin vào Chúa Giêsu Kitô do Thiên Chúa Cha sai đến trần gian (x. Ga 3,16). 
 
Mà “đức tin không minh chứng bằng việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Mùa Chay 2017 này, chúng ta minh chứng “đức tin vào Chúa Giêsu” như lời ĐTC Phanxicô dạy trong Sứ Điệp Mùa Chay 2017, cụ thể : – đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong lời của Người, trong các bí tích và nơi người thân cận của chúng ta; – xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, để chúng ta có thể tái khám phá hồng ân Lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi đã làm cho chúng ta ra mù loà, và phục vụ Chúa Giêsu hiện diện trong những anh chị em của chúng ta đang túng thiếu; – tham gia các Chiến Dịch Mùa Chay để thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ trong gia đình nhân loại duy nhất của chúng ta; – cầu nguyện cho nhau, để nhờ tham dự vào chiến thắng của Chúa Giêsu, chúng ta biết mở cửa lòng mình cho những ai yếu đuối và nghèo khổ.
 
Chúng ta cầu nguyện cho nhau biết đưa tình yêu vào cuộc sống, để mỗi giây phút sống đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương; biết đưa cuộc sống vào tình yêu để từng giây phút yêu, đều làm cho cuộc sống thêm giá trị; biết hòa nhập cả hai nên một: để sống là yêu và yêu là sống, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Như thế, chúng ta mới có thể sống và làm chứng cho niềm vui Phục Sinh cách trọn vẹn.
 
 
 
CHÚA NHẬT III-A MC
(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)
 
 
I.          Có lẽ nhiều người trong chúng ta còn nhớ bài đồng dao : Lạy trời mưa xuống,/ Lấy nước tôi uống,/ Lấy ruộng tôi cày,/ Lấy đầy bát cơm,/ Lấy rơm đun bếp… Bài đồng dao như muốn nói với chúng ta : nước là cội nguồn của sự sống.
 
Nếu không có nước, hoặc nguồn nước bị ô nhiễm nặng, sự sống trên hành tinh và của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Nước không chỉ để canh tác, để cây được mọc xanh lên. Nước còn là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người.
 
Về phương diện thể lý, nước có vai trò quan trọng như thế. Về phương diện tâm linh, còn khẩn thiết hơn. Qua sự kiện dân Do Thái không có nước để uống trong sa mạc, và sự kiện Chúa Giêsu gặp và xin người phụ nữ Samaria nước uống, Thiên Chúa kiên nhẫn hướng dẫn con người biết có một ‘thứ nước trường sinh’, mà chỉ có Đấng do Thiên Chúa sai đến trần gian mới ban được, đó là Chúa Giêsu.
 
II.         Trên đường tiến về quê trời, Thiên Chúa đã ban nhiều ơn lành cho con người, nhưng con người không bao giờ thấy đủ, và luôn kêu than trách phận. Con người không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang với con người. Thiên Chúa luôn chứng tỏ Lòng Thương Xót của Ngài dành cho con người. BĐ I ghi lại sự kiện Thiên Chúa vừa mới làm bao nhiêu phép lạ trước mắt dân Do Thái để đưa họra khỏi đất nô lệ của Ai cập. Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai cập, Ngài cũng có đầy quyền uy năng lực để cung cấp cho họ những thứ cần thiết. Ngài đã cho họ có manna, có chim trời, và giờ đây Ngài cũng cho họ có nước uống.
 
Theo các thánh Giáo Phụ, đây chỉ là hình ảnh của thức ăn thiêng liêng : Manna tượng trưng cho Mình của Chúa Giêsu, nước uống tượng trưng cho Máu của Ngài, và tảng đá là thân thể của Ngài. Chúa Giêsu không định khung vào không gian hay thời gian, luôn vượt qua bức tường kỳ thị chủng tộc, không riêng tư cho Do Thái hay Dân Ngoại (x. Lc 9,53-54), vượt bức tường xét đoán của người phụ nữ Samaria (x. Ga 4, 9), của các môn đệ khi Chúa nói chuyện với một phụ nữ (x. Ga 4, 33) là để trao ban Bí Tích Thánh Thể cho con người.
 
Câu truyện được mở đầu bằng việc xin nước uống, chỉ là để Chúa Giêsu mặc khải cho người phụ nữ Samaria về một điều quan trọng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trả lời: “Nếu cô nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với cô: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn cô đã xin, và người ấy đã ban cho cô nước hằng sống”. Người phụ nữ Samaria không nhận ra điều Chúa Giêsu muốn nói về “Nước Hằng Sống.” Cô tưởng Chúa Giêsu muốn nói về “nước giếng”, nên cô nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của người cũng vậy”.
 
Chúa Giêsu phân biệt giữa “Nước Hằng Sống” và “nước này”. Ngài nói với cô: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Các thánh Giáo Phụ nói Chúa Giêsu muốn đề cập tới Nước Rửa Tội và Máu của Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.
 
Để giúp người phụ nữ Samaria tin vào Ngài, Chúa Giêsu bày tỏ uy quyền của Ngài qua việc cho cô biết Ngài đã nhìn thấu cuộc đời của cô. Thấy người lạ nói “đúng” những gì mình đã kinh qua, cô giật mình và tuyên xưng Ngài thật là một ngôn sứ. Và Ngài cũng cho cô biết về sự thờ phượng thật trong thần khí và trong chân lý. Khi người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu mặc khải bản thân mình cho người phụ nữ: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với cô đây”.
 
Hành trình đức tin của người phụ nữ Samaria khởi đi từ chỗ nhìn Chúa Giêsu như một người Do thái thù nghịch, đến chỗ thú nhận “Ngài là một ngôn sứ”. Sau cùng đến chỗ tin Ngài là Đấng Mêsia, khi cô mời gọi mọi người đến với Chúa Giêsu: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”
 
            Chúa Giêsu vất vả tìm kiếm lương thực phần linh hồn, các môn đệ lại lo lắng tìm thức ăn phần xác. Lương thực Chúa Giêsu vất vả tìm kiếm, chính là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa là làm sao cho mọi người được hưởng ơn cứu độ, được hạnh phúc. Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy một “đồng lúa đã chín vàng” đang chờ ngày gặt hái! Đồng lúa chín vàng đây chính là dân thành Samaria. Họ ra giếng gặp Ngài và dân Samaria xin Ngài ở lại với họ, và Ngài đã ở lại đó hai ngày. Họ bảo người phụ nữ Samaria: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.
 
III.        Chúa Giêsu, qua Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, dần dần tỏ ra chân tính của mình là Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian. Lòng Chúa Thương Xót được bày tỏ trọn vẹn và hoàn hảo trong Chúa GiêsuKitô. Để có một đức tin và một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta đích thân đến với Ngài, và đào sâu mối tương quan với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện không ngừng, qua việc suy gẫm Lời Hằng Sống, năng lãnh nhận các bí tích, và thể hiện ra ngoài bằng một đời sống bác ái yêu thương. Đồng thời, chúng ta cần quan tâm đồng cảm với người khác. Vì để hoán cải con người, Chúa Giêsu không dùng bất cứ một ép buộc nào. Nhưng, Chúa Giêsu đã dùng Lòng Chúa Thương Xót mà tha thứ.

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI