CHÚA NHẬT III – A MÙA VỌNG
Is 35,1-6a.10; Gc 5, 7-10; Mt 11,2-11
I. Chúa Nhật III Mùa Vọng, nhiều nơi có thói quen đốt lên cây nến thứ 3 màu hồng; và Chủ Tế cũng mặc phẩm phục màu hồng. Truyền thống Phụng Vụ Giáo Hội gọi Chúa Nhật này là Chúa Nhật “vui mừng”, vì Giáo Hội dựa vào Ca Nhập Lễ trích Pl 4,4-5 để mời gọi chúng ta “hãy vui luôn trong Chúa – Gaudete in Domino semper”.
Sắc hồng nổi bật trên Cung Thánh hôm nay diễn tả và làm tăng thêm niềm vui, niềm vui vì chính Chúa Giêsu Kitô đã đến trần gian. Sắc hồng này diễn tả “Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta một cách nhưng không trong Chúa Giêsu Kitô” (x. Rm 8, 35-39). Vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8), như thế, mầu hồng còn diễn tả chính Thiên Chúa.
Sắc hồng trong ngày Chúa Nhật hôm nay, còn liên quan đến hoa hồng, dù hoa hồng có nhiều mầu khác nhau. Trong ngày này, Đức Thánh Cha chúc lành cho những bó hoa hồng trước khi gởi đi tặng các bậc vĩ vọng và vua chúa để mừng lễ Giáng Sinh. Mỗi cánh hoa hồng chúng ta gởi tặng nhau, xin là một cánh tay nối dài của Thiên Chúa để quan tâm săn sóc nhau, đồng cảm với nhau, và nhất là chia sẻ Tình Yêu cho nhau.
II. Nhưng làm sao có được “niềm vui luôn trong Chúa”?
Các tín hữu Giáo Hội sơ khai thời thánh Giacôbê, một phần vì áp lực của những bách hại phải chịu quá lâu, một phần vì nghĩ rằng sắp đạt được phần thưởng cứu độ khi Chúa trở lại, các tín hữu này đã chờ đợi Chúa đến với thái độ thiếu kiên nhẫn mỗi ngày một tăng thêm. Do đó, thánh Giacôbê đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu này “cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm”. Ngài bảo đảm với họ rằng kế hoạch của Thiên Chúa chắc chắn sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên thời gian hoàn tất là do Thiên Chúa hoạch định.
Sự thiếu kiên nhẫn không chỉ ảnh hưởng từng cá nhân chúng ta, mà người khác thường cũng phải gánh chịu hậu quả do việc thiếu kiên nhẫn của chúng ta nữa. Thánh Giacôbê đã nêu lên một hậu quả tiêu biểu của sự thiếu kiên nhẫn, đó là “phàn nàn kêu trách lẫn nhau”, kèm theo bực bội lẫn nhau, phán xét tiêu cực nhau, gắt gỏng nhau…
Thánh Giacôbê mượn hình ảnh người nông dân chờ vụ mùa, và mời gọi các tín hữu cần có được sự kiên tâm của người nông dân như khi họ tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa, vì kế hoạch của Thiên Chúa luôn tiến hành chậm nhưng chắc chắn. Chúng ta chấp nhận kế hoạch ấy với tất cả kiên nhẫn và hiểu biết. Ðiều quan trọng hơn cả không phải là chờ đợi một cách thụ động, nhưng phải là những người thực hành lời Chúa.
Trong suốt lá thư, thánh Giacôbê đã đề cập tới hai điểm chính:
– thứ nhất là tránh bất công xã hội, điển hình là những chênh lệch giàu nghèo và những bất công người giàu gây nên [trong Tông Thư “Misericordia et Misera”, ngày 20-11-2016, ĐTC Phanxico ấn định Ngày Thế Giới Người Nghèo sẽ được cử hành vào Chúa Nhật 33 Thường Niên: “Ngày này sẽ là một sự chuẩn bị xứng đáng để sống lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, Đấng đồng hóa với người bé nhỏ và nghèo hèn và sẽ xét xử chúng ta về các công việc thương xót (x. Mt 25,31-46). Bao lâu còn Lazaro nằm trước cửa nhà chúng ta (x. Lc 16,19-21), thì không thể có công bằng, cũng chẳng có an bình xã hội” trên thế giới. (số 21)];
– thứ hai là cần phải tỏ ra đức tin sống động qua những việc làm cụ thể – “Ðức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).
III. Như thế, ‘niềm vui’ trong ngày Chúa Nhật Hồng sẽ lan tỏa trong cuộc sống thường nhật, để đón chờ “Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa”. Chúng ta sẽ “kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm”, để chúng ta sống niềm hy vọng, kiên nhẫn và chịu đựng, tức là vẫn tiếp tục xây dựng cho công bình xã hội và làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu qua những bổn phận thường nhật.