CHÚA NHẬT III – A – PS
(Cv 2,14,22b-33; 1 Pr 1,17-21; Lc 24,13-25)
I. Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Dù đời người đã từng trải : “Mồ côi khổ lắm ai ơi, Đói cơm ai biết, lỡ lời ai bênh”.Nhưng Kinh Thánh khẳng định : Con người là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa (x. Xh 19,5). Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu làm Đấng Cứu Độ con người (x. Ga 3,16). Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, là Đấng Hằng Hữu, con người không thể mồ côi, nên chúng ta “đừng bao giờ thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (TL Biển Đức 4,74; – BĐ I – Cv 2,14,22b-33)
II-a). Trong tâm tình đó, BĐ II – 1 Pr 1,17-21, thánh Phêrô mời chúng ta lưu ý :
Thân phận chúng ta là địa vị làm con. Để giúp chúng ta sống địa vị làm con của Cha trên trời, thánh Phêrô nói : “nếu anh chị em gọi Thiên Chúa là Cha, thì anh chị em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này”. Hình ảnh Thiên Chúa là Cha, được Chúa Giêsu nhắc đến nhiều lần, đặc biệt trong phần quảng diễn bài giảng trên núi (x. Mt 5-7) và cao điểm là kinh Lạy Cha. Thánh Phêrô đưa ra hai động lực : hết lòng kính sợ Thiên Chúa là vị quan án không vị nể ai, và luôn luôn tâm niệm mình được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Chúa Giêsu.
– Một. Hết lòng kính sợ Thiên Chúa là vị quan án không vị nể ai.
Nhiều người trong chúng ta viện dẫn lời thánh Gioan : “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16), rồi tự mình đưa ra hệ luận : “yêu thương thì không sợ hãi”, nên cho rằng : nói “kính sợ Chúa” là còn mang đậm tinh thần Cựu Ước, không phù hợp với thời Tân Ước. Nhưng xin nghe lại lời thánh Gioan đã viết trong thư 1 : “tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4,18). Ai trong chúng ta tự hào là mình đã có thứ tình yêu hoàn hảo mà thánh Gioan nói ở đây. Không ai cả. Bởi vậy, Lòng Kính Sợ tưởng như tiêu cực, nhưng tấm lòng này cũng giúp chúng ta được mục đích. Nên Kinh Thánh đã nhiều lần nói : kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan ! (x. Cn 9,10; Tv 111,10)
– Hai. Luôn luôn tâm niệm mình được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Chúa Giêsu.
Ðộng lực thứ hai giúp chúng ta có cái nhìn tích cực và mới mẻ về cuộc hy sinh chết trên Thánh Giá của Chúa Giêsu. Cái chết nầy không phải là một giá cả đo lường bằng vật chất thế gian, nhưng là bằng tình yêu của Ðấng “sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người mình yêu” (x. Ga 15,13). Máu cứu chuộc của Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi những đường lối tội lỗi, giúp chúng ta sống vâng phục Thiên Chúa, biết đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.
II-b). Thái độ chúng ta cần có : Mầu nhiệm Phục Sinh tiếp tục thể hiện trong đời sống Ki-tô hữu.
Bài TM, thánh Luca đã ngầm diễn tả sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh qua phản ứng của hai môn đệ làng Emmau. Ngài viết: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (24,31). Điều thánh Luca muốn trình bày ở đây giống như Tin Mừng Gioan trình bày trong bài giảng của Chúa Giêsu về Bí Tích Thánh Thể (x. Ga 6).
Chúa Giêsu đã khẳng định điều này trong Tin Mừng Gioan: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54). Lời của Chúa Giêsu rõ ràng, không ẩn ý, và là một khẳng định chắc chắn. Như thế ta có thể hiểu: cũng như đối với Chúa Giêsu con đường đưa đến vinh quang là con đường khổ hình, thì đối với chúng ta con đường đưa đến sự sống lại là con đường Thánh Thể.
III. Thay lời kết, chúng ta nghe ĐTC Phanxicô nói: “Kinh Thánh và Thánh Thể là những yếu tố tất yếu để gặp gỡ Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa đón tiếp chúng ta : Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho chúng ta và thắp lên trong tâm hồn chúng ta sức nóng của niềm tin và hy vọng; và qua việc Rước lễ, Người ban cho chúng ta sức mạnh. Mỗi ngày đọc một đoạn Tin Mừng. Anh chị em hãy nhớ điều đó : Mỗi ngày hãy đọc một đoạn Tin Mừng, và hãy đi Rước Lễ mỗi Chúa Nhật, hãy lãnh nhận Chúa Giêsu.
“Lời Chúa và Thánh Thể luôn đổ đầy niềm vui cho chúng ta. Anh chị em hãy nhớ rõ điều đó. Những lúc buồn đau, hãy nắm lấy Lời Chúa. Khi ngã quỵ, hãy nắm lấy Lời Chúa và đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật để rước lễ, để tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Lời Chúa và Thánh thể : đong đầy niềm vui cho chúng ta.
“Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Rất Thánh, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi người kitô hữu, biết đón nhận kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus, đặc biệt trong Thánh Lễ Chúa Nhật, biết tái khám phá ra ơn của việc gặp gỡ biến đổi với Thiên Chúa, với Chúa Phục Sinh, Đấng hằng ở với chúng ta luôn mãi. Lời Chúa luôn đem lại cho chúng ta phương hướng sau những bất định của mình; và qua những mỏi mệt và thất vọng của chúng ta luôn có Bánh được bẻ ra làm cho chúng ta luôn tiến về phía trước trong cuộc hành trình”. (x. Bài huấn đức, CN III-A PS, ngày 04 tháng 05 năm 2014)