THÂN PHẬN TỘI LỖI NHƯNG…..
(Bài Suy Niệm Thứ 3 tuần V MC: 31032020)
Triết gia Socrates đã phát biểu rằng: “Một cuộc đời không được kiểm điểm là một cuộc đời không đáng sống”. Thật ý nghĩa đối với chúng ta vì chỉ khi nào chúng ta biết soi mình vào Thiên Chúa chúng ta mới nhận ra mình là ai và Thiên Chúa là ai. Phần chúng ta mỏng dòn, yếu đuối và đầy tội lỗi, còn tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa thì vô biên. Ý thức được điều đó nên không có lý gì chúng ta không mau mắn thực hiện một cuộc trở về để nhận lãnh ơn tha thứ, sự chữa lành và chúc lành của Thiên Chúa. Đây là tinh thần của Mùa Chay và cũng là chủ đề lời Chúa ngày Thứ 3 tuần V Mùa Chay hôm nay.
Khi một nhà báo hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô: “Phanxicô là ai?”. Ngài đã trả lời không do dự: “Tôi là một tội nhân”. Không phải Đức Thánh Cha mà ngay từ đầu thánh sử Gioan đã viết: “Ai nói mình không có tội là kẻ nói dối. Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1, 8).
Rất nhiều người ngày nay, trong đó có cả các tu sĩ, linh mục cho rằng: tội lỗi là đề tài tế nhị, nhạy cảm, là chuyện riêng tư. Ngay cả các đề tài chia sẻ, đề tài giảng lễ hay giảng tĩnh tâm vấn đề này cũng ít được đề cập đến. Khởi đi từ nội dung bài đọc I, đối chiếu với sự lười biếng cố chấp của những người Dothái thời Chúa Giêsu chúng ta sẽ suy tư và suy niệm đề tài “Thân phận tội lỗi nhưng….”.
Một sự thật mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận đó là mọi người đã phạm tội, ai ai cũng đều có khả năng phạm tội và thành tích duy nhất của chúng ta đạt được là tội lỗi. Nhân loại phạm đủ mọi thứ tội và phạm không bao giờ chán, dĩ nhiên chúng ta ít hay nhiều cũng có trong số đó. Ai cũng có kinh nghiệm này và dường như càng lớn, càng sống lâu càng nhiều tội, càng thấy mình yếu đuối. Chúng ta phạm đủ mọi thứ tội, phạm đủ mọi giống tội: phạm ban ngày, phạm ban đêm, phạm chỗ đông người, phạm chỗ vắng vẻ, phạm tội tập thể, phạm với người khác, phạm một mình…vv và vv.
Vấn đề là bất cứ ai cũng có tội nhưng không phải ai cũng ý thức mình là tội nhân. Và ai cũng thấy mình có tội nhưng không phải ai cũng muốn sám hối ăn năn. Bởi đó, sẽ có cách sống khác nhau, tùy theo chọn lựa của mỗi người: có nhiều người tự cho mình là công chính không cần đến lòng thương xót Chúa hoặc cứ ở lì trong tình trạng đáng thương ấy; trái lại, có nhiều người ý thức mình là tội nhân, thật lòng ăn năn và đã tiến nhanh trên đường hoàn thiện, trở thành những vị thánh, những người thành công trước mặt Thiên Chúa.
Như vậy, có tội là chuyện đương nhiên, nhưng đứng dậy sau những lần vấp ngã, ăn năn tội, quyết tâm sửa đổi mới là điều đáng nói. Thánh Phaolô quả quyết: “Mọi người đều bị tội lỗi thống trị” (Rm 3, 9). Tuy nhiên ở chỗ khác cũng trong thư gởi tín hữu Roma thánh nhân viết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3, 23-24). Như vậy người Kitô hữu chúng ta có niềm hy vọng vì tin sẽ được ơn cứu độ, nhờ Chúa Giêsu Kitô.
Bài đọc I ngày Thứ 5 tuần IV Mùa Chay nhắc đến tội thờ ngẫu tượng của Israel khi họ đúc tượng bò vàng để thờ lạy. Hôm nay trong bài đọc I trích sách Dân Số chúng ta lại thấy dân Israel phạm tội kêu trách, chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên sau khi bị Thiên Chúa phạt cho rắn độc cắn, họ đã biết sám hối ăn năn, Thiên Chúa lại tha cho họ như ngày họ bỏ Thiên Chúa để thờ bò vàng nhờ sự can thiệp của Môsê. Ở đây chúng ta cũng thấy có sự khác biệt rất lớn giữa bài đọc I (Ds 21,4-9) và bài tin mừng (Ga 8, 21-30): một bên nhờ sám hối ăn năn mà được sống, còn bên kia thì không, cho nên họ “mang tội mình mà chết”. Cũng vậy, câu chuyện của 2 kẻ trộm cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên đồi Calvê hôm đó: một người được cứu, còn một người thì không.
Sự thật là chúng ta đã phạm tội, sự thật là chúng ta có tội. Thánh Phaolô kể ra những thói hư tật xấu của xã hội ngoại giáo đương thời như sau: đồng tính luyến ái, bất công, độc ác, ham hố, ghen tương, lừa đảo, nói xấu, khoe khoang, kiêu căng, nổi loạn chống lại cha mẹ. Trong bảng liệt kê đó chắc chắn chúng ta hầu như có dính dáng đến tất cả và có thể còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên lời kêu gọi của ngôn sứ Edekiel vẫn đang vang lên, không phải là chuyện của ngày xưa mà là lời gởi đến chúng ta hôm nay: “Hỡi nhà Israel, Ta sẽ xét xử các ngươi: ai nấy theo đường lối của mình – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch của các ngươi, chẳng còn chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa. Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi lại muốn chết? Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống” (Ed 18, 30-32).
Nghe lời khuyến cáo đó chúng ta có sẵn sàng không? Chẳng quan tâm, cứ chai lì trong tội lỗi hay quyết tâm sám hối ăn năn, có ở trong nguy cơ mang tội mình mà chết hay đứng lên làm lại cuộc đời? Chúng ta hãy học cùng vua Đavít để thật lòng sám hối ăn năn những tội lỗi mình đã vấp phạm. Lời của Thánh Vịnh 50, Tv 130 thật thấm thía đối với chúng ta: “Từ vực sâu, con kêu lên Ngài, lạy Chúa”, “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm”….
Tóm lại, trong mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc sống, chúng ta luôn được đặt trước hai con đường để chọn lựa: hoặc là sự sống khi đi con đường Chúa dạy hoặc là sự chết khi đặt chân vào con đường đưa tới diệt vong (x. Đnl 4,1; Tv 1). Tùy ở cách chọn lựa của mỗi người.
Mai Thi