CHÚA NHẬT III TN-A (1 Cr 1, 1.10-13.17)
I. Chuyện xưa kể rằng : Có hai chú ngựa được nghỉ ngơi, đứng ăn cỏ bên cỗ xe song mã mà ngày ngày chúng cùng nhau kéo. Chúng đem chuyện chạy nhanh chạy chậm ra cằn nhằn nhau, không bên nào chịu thua bên nào. Nhân khi một lão ông đi ngang, chúng đem việc đang tranh chấp kể cho lão ông nghe. Lão ông ôn tồn góp ý: – “Một con đi nhanh, một con đi chậm, chiếc xe khó tiến và cả hai con chóng mệt. Một con muốn rẽ về bên trái, một con đi về bên phải, chiếc xe sẽ chóng xé đôi. Hai con cùng một tốc độ nhanh chậm bước đi, cùng tiến đến một hướng theo ý chủ, khi ấy chiếc xe mới có thể nhanh chóng và êm nhẹ tiến về mục đích”.
II. Câu chuyện ngụ ngôn trên cho chúng ta nhận định: đồng tâm hiệp ý, sẽ thành công. Chuyện đời chuyện đạo đều cần đồng tâm hiệp ý như thế. Đó là nguyên lý để có thành công, có bình an hạnh phúc. Giáo Đoàn Côrintô cũng đang rất cần điều đó.
Thánh Phaolô được “người nhà của bà Khloê” cho ngài biết“có chuyện bè phái” trong Giáo Đoàn Côrintô (x. 1 Cr 1,11). Vì họ đích thực lo lắng cho Giáo Đoàn, nên không muốn giữ thái độ‘khoe tốt, đậy xấu’. Nhưng họ thấy có bổn phận phải cho ngài biết thực trạng Giáo Đoàn để ngài kịp thời chỉnh đốn.
Côrintô là một hải cảng phồn thịnh của người Hy lạp, kinh tế khá, nhưng lại bị ảnh hưởng nhiều thói xấu của các nơi mang tới. Dân Côrintô dễ mở lòng đón tiếp những điều thiên hạ đưa tới, nhưng lại không phân định điều tốt xấu. Các tín hữu ở đây đang có tình trạng kẻ thì “tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô” (1 Cr 1,12).
Qua những khuôn mặt sáng giá này, những người chủ trương phe phái có thể tìm ra những lý do, để “nhân danh” các vị ấy mà bảo rằng mình hoặc nhóm của mình là “nhất”! Thánh Phaolô nhắc họ biết không phải đã trở thành tín hữu là họ hết tối tăm, được luôn sống trong ánh sáng và mọi sự đều tốt đẹp. Nếu họ vẫn còn luyến tiếc các lợi nhuận cá nhân, không đoạn tuyệt với tội lỗi và không chịu làm mọi cách để thực thi những lời Chúa Giêsu Kitô dạy bảo, để rồi cứ sống theo phe phái tinh thần thế gian, đó là không sống theo ánh sáng của Thiên Chúa soi dẫn, là họ đang tự hủy cuộc sống của chính họ và của Giáo Đoàn.
Chính vì thế thánh Phaolô : “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1, 10a) để nói cho họ biết là chỉ có Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh mới là Thầy, là nguyên lý hiệp nhất mà thôi. Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chính là kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa. Còn những gì thế gian cho là khôn ngoan, đối với Thiên Chúa, đó lại là yếu kém và điên rồ. Điều ngài muốn nhấn mạnh là các tín hữu hãy chú ý đến tình yêu của Chúa Giêsu Kitô biểu lộ qua cái chết của Người trên Thập Giá; không phải là tìm uy quyền, danh vọng, hay lợi lộc cá nhân để rồi chia năm xẻ bảy thân thể của Người. Thánh Phaolô muốn giúp các tín hữu Giáo Đoàn Côrintô cần phải đồng tâm hiệp ý trong việc sống đạo.
Thánh Phaolô nói Thiên Chúa tuyển chọn các tín hữu Côrintô chính là bằng chứng thứ nhất cho chân lý đó. Thiên Chúa tuyển chọn họ không phải vì họ khôn ngoan hay quyền quý, nhưng vì Người muốn chọn người yếu để đánh bại kẻ mạnh; và nhất là để họ trở thành “những người được hiến thánh trong Chúa Giêsu Kitô, được gọi là thánh”.
Bằng chứng thứ hai minh chứng cho chân lý đó là chính bản thân thánh Phaolô. Ngài đến hoạt động truyền giáo tại Côrintô không phải như một nhà hùng biện, nhưng ngài “thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy” (1 Cr 2,3). Sức mạnh của sứ vụ ngài là hoàn toàn do Thiên Chúa, không phải do nơi ngài. Điểm quan trọng trong các tông đồ chính là Thiên Chúa, Ðấng sai các tông đồ đi loan giảng sứ điệp nghịch lý về Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Bám víu vào một mình Chúa, các tín hữu Côrintô sẽ hóa giải tỏa được tất cả những động cơ, những ý đồ lập phe phái gây chia rẽ Giáo Đoàn.
III. Thánh Phaolô gọi Giáo Đoàn Côrintô là “Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô” và anh chị em tín hữu Côrintô là “những người được hiến thánh trong Ðức Kitô Giêsu, được gọi là thánh”(x. 1 Cr 1,1-3). Nên ngài nhân danh Chúa Giêsu Kitô khuyên mọi người đồng tâm hiệp ý với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1,10). Vì, căn bản của đời sống Kitô hữu là bác ái (x. 1 Cor 13). Không thể có đồng tâm hiệp ý nếu không có yêu thương. Chúa Giêsu cũng đã từng nhắn nhủ các môn đệ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Vì thế, ai thấy cái gì xấu trong Giáo Đoàn thì phải trình báo, không lặng thinh bao che hay thỏa hiệp (x. 1 Cr 1,11). Mọi thành phần Dân Chúa quảng đại vị tha đón nhận các thừa tác viên của Chúa đến phục vụ mình ; Mọi thành phần Dân Chúa là “những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương” luôn tha thứ cho nhau để có lòng tôn trọng lẫn nhau (x. Cl 3,12-13).
Có như thế, mọi thành phần mới có thể đồng tâm hiệp ý để xây dựng Giáo Đoàn, và cùng nhau giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (x. Lc 3, 16; Ga 1,29) cho mọi chúng sinh, theo gương Chúa Giêsu “đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, loan giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,12).