CHÚA NHẬT IV-B MÙA VỌNG
THỐNG HỐI
Bài Tin Mừng thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Maria. Hội Thánh muốn nói với con cái về căn tính và sứ vụ của Đấng sắp giáng sinh. Đồng thời, Hội Thánh mời gọi con cái sống thái độ khiêm nhường tín thác vào Thiên Chúa như Đức Maria để đón Đấng sắp giáng sinh từ cung lòng Người.
Suốt Mùa Vọng, chúng ta đã sống trong tỉnh thức đợi chờ, bằng việc nguyện cầu, hoán cải và vui mừng vì “Chúa đã gần đến” (Pl 4,5). Giờ đây, chúng ta cùng phản tỉnh và thống hối theo biến cố truyền tin cho Đức Maria :
Lạy Chúa, sứ thần Gabriel cất lời chào Đức Trinh Nữ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà!” (Lc 1, 28). Đức Maria đã ngỡ ngàng trước lời chào và những gì sứ thần loan báo. Đức Maria khiêm nhường thưa “Xin vâng”. Còn chúng con, lại hoài nghi quyền năng của Chúa mà còn cản trở công trình của Chúa thực hiện nơi chúng con.
– Xin Chúa thương xót chúng con.
Lạy Chúa, lúc Đức Maria thưa “Xin vâng”, ‘lập tức chúng con được giải thoát’ (T.Bênađô). Từ đó Đức Maria hoàn toàn kết hiệp với công trình Con của Người, và trở nên Đấng Trung Gian để chúng con nhờ Người mà đến với Chúa Giêsu. Chúng con đã không đến với Đức Maria, chúng con mất cơ hội để Đức Maria là Mẹ của những ai hiệp nhất trong Chúa Giêsu (x. Gl 3,28).
– Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Lạy Chúa, Đức Maria là “Đấng đầy ân sủng” mà lại ít được nhắc tới trong Tin Mừng. Bài ca “Magnificat” là câu trả lời. Và cũng là bài học dạy chúng con biết đón nhận ơn Chúa trong đời bằng thái độ tri ân và khiêm nhường. Chúng con đã vô tâm trước những ân phúc Thiên Chúa ban hằng ngày, không khiêm nhượng để biết mình là ai.
– Xin Chúa thương xót chúng con.
CHÚA NHẬT IV – B – MÙA VỌNG
(2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38)
I. Con người sa ngã. Thiên Chúa có Chương Trình Cứu Độ con người. Mầu Nhiệm Cứu Độ được giữ kín tự ngàn xưa: Thiên Chúa mặc khải Chương Trình đó tiệm tiến qua các ngôn sứ, và mặc khải rõ ràng trong Chúa Giêsu, Người Con của Thiên Chúa, cho tất cả các dân tộc. Thiên Chúa yêu thương con người và muốn “xây nhà” trên trần gian để ở lại với con người. Đây là một “mầu nhiệm” đã được các vị ngôn sứ loan báo từ thời Cựu Ước.
II. Vua David không yên tâm khi ông có “nhà” làm bằng gỗ bá hương còn Hòm Bia Thiên Chúa lại phải đặt trong một lều vải. Ông hội ý với ngôn sứ Na than, muốn xây một thánh điện cho Thiên Chúa ngự giữa dân Người. Thiên Chúa liền sai ngôn sứ mang đến vua sứ điệp sau đây:
(1) “Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất”.
(2) “Ta sẽ cho dân Ta là Israel một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó”.
(3) “Ta sẽ lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
Vua David muốn xây một thánh điện cho Thiên Chúa, đổi lại, Thiên Chúa thiết lập một ngôi nhà bằng xương bằng thịt là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần để ở giữa con người. Một khi “ngôi nhà” Giêsu được thiết lập, sẽ nảy sinh một tương quan mới giữa Thiên Chúa và con người, nhờ mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Thiên Chúa phán với ngôn sứ Nathan: “Đối với nó (miêu duệ của vua David là Chúa Giêsu), Ta sẽ là cha; đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,14a). Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu thì cũng là cha của con người, và Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa thì loài người cũng được làm con Thiên Chúa, vì chúng ta được liên kết với Chúa Giêsu qua bản tính nhân loại của Người.
Thánh Irénée đã nói về Chúa Giêsu rằng: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Thánh Grégoire Naziance quả quyết: “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa” (x. Oratio 7,23). Về sau, cha Karl Rahner, cũng lặp lại tư tưởng này trong bộ thần học ‘Mysterium Salutis’: “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa”
“Nhờ Chúa Giêsu”, Thiên Chúa Cha đã cho loài người biết được ý định nhiệm mầu của Người. “Nhờ Chúa Giêsu” con người mới có thể “kính dâng Thiên Chúa mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời”. “Nhờ Chúa Giêsu”, chính là “nguyên do của mùa Giáng Sinh”. Theo Chương Trình này, Thiên Chúa sử dụng và huấn luyện một Dân Riêng, đó là dân Do Thái. Từ dân tộc này và giòng tộc của vua David, Ngài sẽ cho Đấng Cứu Thế ra đời để chuộc tội cho con người.
Cao điểm của Mầu Nhiệm Cứu Độ là Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Khởi đầu cuộc đời của Đấng Cứu Thế trên dương gian là biến cố Truyền Tin, cuộc gặp gỡ giữa trời và đất. Một Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa lại đến với một tạo vật của mình, để xin cho Người Con được vào cung lòng của một Trinh Nữ và sinh ra làm người. Đây chính là lời hứa thứ ba mà ngôn sứ Nathan đã loan báo cho vua David. Chỉ có một điều kỳ lạ không ai ngờ tới về đứa trẻ sinh ra, tuy là Con của Đấng Tối Cao nhưng lại thuộc giòng dõi vua David qua người cha nuôi, là thánh cả Giuse.
Và khởi đầu “nguyên do của mùa Giáng Sinh”, là việc Đức Maria khiêm nhường đón nhận sứ mệnh Thiên Chúa trao, khi trả lời với sứ thần Gabriel : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Lời chào của sứ thần nói lên con người và sứ mệnh của Đức Maria, và câu trả lời của Đức Maria là một khẳng định chân thành và khiêm tốn, Đức Maria nhìn nhận thân phận mình và đáp lại lời gọi của Thiên Chúa. Thái độ này diễn tả tâm tình mến yêu, tôn kính và tin tưởng tuyệt đối của Đức Maria dành cho Thiên Chúa.
Vì đã khấn giữ mình đồng trinh, nên Đức Maria thưa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Điều Đức Maria muốn giữ mình đồng trinh là điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn Con của Ngài nhập thể trong một cung lòng thanh khiết và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời ngôn sứ Isaia cũng đã báo trước về người Trinh Nữ này (Parthenos – Is 7,14).
Sứ thần cắt nghĩa : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Sứ thần minh chứng: “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Sau khi đã lắng nghe lời cắt nghĩa của sứ thần, Đức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Thiên Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Ecce ancilla Domini, fiat mihi secundum verbum tuum – “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin xảy ra cho tôi theo như lời sứ thần” Lc 1,38). “Xin Vâng – Fiat”, “Fiat” có nghĩa là “ước gì xẩy ra”, hoặc “hãy xẩy ra cho tôi theo như lời của ngài”.
III. Suốt Mùa Vọng, chúng ta có thời gian suy nghĩ về mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Suy nghĩ ấy cần dẫn đưa chúng ta tới việc đáp lại tình yêu của Người. Cách đáp lại tốt nhất, đó là phải xác tín về tình yêu đó và trở về vị trí nguyên thủy của chúng ta mà khiêm tốn và vâng phục Thiên Chúa. Đức Maria chính là gương mẫu của con người được cứu độ. Lòng khiêm nhường của Đức Maria không những đã đón Thiên Chúa vào ngự trong Mẹ, mà còn đưa Chúa đến cho mọi người. Cũng vậy, nếu chúng ta không có Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình, thì làm sao chúng ta có thể đưa Chúa đến với anh chị em.
Theo gương khiêm nhường của Đức Maria để đón nhận Chúa Giêsu, là chúng ta đón nhận ‘thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha’. Sự đón nhận này, là lòng khiêm nhượng giúp chúng ta luôn hướng về Thiên Chúa, là cùng đích để chúng ta biết mình là ai. Chúng ta không thể đích thực là chúng ta, nếu chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình. Để thực hành điều này, những ngày này chúng ta hãy dành cho nhau những nụ cười niềm nở đón tiếp nhau, và đừng quên trao tặng những người đang đói khổ một món quà vật chất nho nhỏ : đó là chúng ta chuẩn bị đón rước Chúa Hài Nhi Giêsu mà chúng ta sắp cử hành lễ kỷ niệm ngày Ngài giáng sinh trong đêm Noel.
Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, qua Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, ban muôn phúc lành cho mọi người được hưởng một Mùa Giáng Sinh có chính Chúa Giêsu là Quà Tặng Tuyệt Vời để cuộc sống luôn bình an hạnh phúc, trung thành chu toàn bổn phận trong Năm Mới Mậu Tuất 2018.