Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT LỄ LÁ – Pl 2, 6-11

CHÚA NHẬT LỄ LÁ  –  Pl 2, 6-11 
 
       I.      Một trong những yếu tố để một đất nước phát triển, đó là phải có những con đường giao thông. Đức tin Kitô là một hành trình. Là một hành trình, nên cần có một con đường, con đường hai chiều.
 
Con đường hai chiều, chiều thứ nhất : Con đường của Chúa Cha xuống với con người, là con đường Lòng Thương Xót (x. Ga 3,16). Chiều thứ hai : Con đường để con người lên với Chúa Cha, là chính Đấng Dung Nhan Lòng Thương Xót, ai đi ‘con đường’ này sẽ không bị loại ra ngoài (x. Ga 6,37).
        Đây chính là con đường Giêsu. Chúa Giêsu là ‘Dung Nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha (x. MV 1).
 
 
II.     Cựu Ước diễn tả khi Thiên Chúa đến với con người, Thiên Chúa luôn đến theo cách thức của một vị Thiên Chúa hiển linh uy nghi, long trọng, có lửa, mây, sấm sét, cuồng phong… (Xh 19 và 20). Nhưng trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa chọn con đường trút bỏ vinh quang Thiên Chúa và trở thành con người như chúng ta, để làm nêncon đường Thiên Chúa xuống với con người và con người lên cùng Thiên Chúa. “Con đường Giêsu” này, được mô tả bằng một cụm từ vô cùng thực tế:  hoàn toàn trút bỏ vinh quang, tự hủy  (kenosis).
 
Cách thức Chúa Giêsu “trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, “trở nên Đấng tự hủy” (x. Pl 2,6) hoàn toàn không còn giữ lại chút nào cho mình. Cách thức ấy, tuần tự như sau: 
 
a) Từ địa vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ bỏ vị thế ngang hàng với Thiên Chúa và vinh quang Thiên Chúa; 
b) Chọn làm một con người như bao người trong loài người
c) Trong loài người, chọn thân phận nô lệ; 
d) Trong giới nô lệ, chọn làm tên nô lệ chết khổ hình thập giá. 
 
Trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để làm người, Chúa Giêsu muốn chia sẻ tất cả những gì yếu đuối của con người, như đói khát, nghèo hèn, mệt nhọc, đau khổ và cả cái chết, chỉ trừ tội lỗi thôi. Làm một người bình thường chưa đủ, Chúa Giêsu còn muốn trút bỏ thêm, đó là bỏ đi chính ý riêng của mình để hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục đến nỗi vui lòng đón nhận cái chết và cả cái chết ô nhục trên thập giá nữa. 
 
        Hiệu quả sự vâng phục này, thánh Phaolô xác tín : “như sự sa ngã của một người đã thành án phạt cho hết thảy mọi người, cũng vậy, công đức của một người đã thành giải án tuyên công đem lại sự sống cho mọi người hết thảy. Vì như do sự bất tuân của một người, nhiều người đã bị liệt hàng tội nhân, cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt hàng công chính (Rm 5,18-19).Chính nhờ sự vâng phục thập toàn này, Thiên Chúa đã siêu tôn Chúa Giêsu và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Để từ đó, Chúa Giêsu trở nên con đường cho con người đến với Thiên Chúa Nguồn Cội của mình.
 
Con đường Giêsu” là con đường nhỏ hẹp đòi hỏi hy sinh, chịu đựng gian khổ (x. Mt 16,24), nhưng luôn có Ngài đồng hành dẫn tới vinh quang. Trên mọi nẻo đường đời, Ngài luôn nhập vai một lữ khách thân tình, đồng hành với mỗi người trong đời sống. Ngài đối xử với mọi người như bạn hữu cố tri, gần gũi, cởi mở, lôi cuốn, thuyết phục. Ngài không chỉ sưởi ấm tâm hồn hai môn đệ Emmaus đang giá lạnh buồn sầu, lo âu và thất vọng, mà Ngài còn khơi bùng lên ngọn lửa hy vọng sáng ngời nơi hai môn đệ và nơi chúng ta, qua Lời Chúa (x. Lc 24,13-35).
 
        III.     Trong cuộc sống, chẳng những có rất nhiều con đường, mà lại còn có những con đường dài bất tận. Bước trên những con đường ấy, lòng người rất rất là hoang mang. Như có nhà thơ nào đó đã trải lòng rằng:
“Con đường cứ trải dài mãi mãi
“Từ cửa đến riết cõi vô chừng
“Phía trước mắt con đường đã trải
“Dù sức còn, biết đến cùng không
“Bước đi bàn chân vui khấp khởi
“Tới thênh thang đường mới nhập vào
“Biết bao ngã rẽ bao đích gọi
“Tiếp về đâu ? ta nào biết được.
 
        Con đường Giêsu là một con người sống động hữu hình, một lối sống ngập tràn gương mẫu, để mời gọi người người mau đi vào con đường này, nghĩa là phải kết hợp mật thiết (x. Ga 15,5) vớiĐấng chính Con Đường(x. Ga 14,6), thì mới tới được Quê Hương đích thực của mình (x. Pl 3,20). Vì Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha, “không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (x. Ga 14,1-12) để chúng ta được bình an hạnh phúc.
 
Con đường Giêsu là con đường tha thứ để nâng đỡ nhau. Bởi vậy, ĐTC Phanxicô nói “ai không biết tha thứ, không phải là tín hữu kitô” (Vatican, 11.9.2015). ĐTC mời gọi “Chúng ta hãy tha thứ, và sẽ được tha thứ. Hãy có lòng thương xót với người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận lòng thương xót Thiên Chúa, Đấng tha thứ cho chúng ta, và quên hết” (Vatican,01.03.2016). “Những chuyện ngồi lê đôi mách” và “những lời thì thầm và ghen tương”, ĐTC Phanxicô lên án đây là “loại khủng bố”: “Người ngồi lê cũng như kẻ đi ném bom, họ ném bom và họ bỏ chạy, họ hủy hoại bằng miệng lưỡi, họ không xây dựng hòa bình. Chính mỗi người chúng ta phải gỡ kíp các quả bom giết người này. Bởi vì thì thầm làm chia rẽ, làm hủy hoại và giết cộng đoàn, cắt đứt sợi dây đức ái liên kết để cộng đoàn không được hợp nhất: người thì thầm tự thân khai trừ mình ra khỏi sự hiệp nhất của anh em (Vatican, 16 . 03 . 2017).
 
Chúa Giêsu không chỉ là ‘con đường’, Ngài còn là ‘Vị Hướng Dẫn’ (x. Mt 23,10), là ‘Trạng Sư cho kẻ có tội’ (x. 1 Ga 2,1). Mượn lời thánh Phêrô, chúng ta thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa” (Ga 6,70).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI