Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT VI-C PHỤC SINH (Ga 14,23-29)

I. Người đời vẫn nói :

Mồ côi tội lắm người ơi!

 Nghĩa là mất cả bầu trời yêu thương.

Chúa Giêsu biết giờ ra đi của Người sắp đến, tưởng như việc các môn đệ phải chịu cảnh mồ côi. Lòng Thương Xót của Người bảo đảm cho các ông rằng Người sẽ không để các ông mồ côi.

 II. Trong suốt thời gian loan giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, các môn đệ đã được Người loan giảng về Nước Trời, được chứng kiến những việc Người làm, nhưng các ông chưa hiểu được hết ý muốn của Người. Trong diễn từ tạm biệt (Ga 13,31-14,31), Người nói về sự ra đi của Người. Các ông cảm thấy âu lo sợ hãi.

Người ra đi rồi sẽ trở lại với các ông, để bắt đầu ‘ở giữa’ các ông và ‘ở trong’ các ông một “cách ở” khác.  Một “cách ở” hiệp thông mật thiết trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (c.23). Việc ra đi của Người sẽ có lợi cho các ông hơn, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ngài sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (c.26). Người nhấn mạnh : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (c. 27). 

Người không bỏ rơi các ông nhưng luôn “ở” với các ông bằng một cách thức khác. Đồng thời, trong diễn từ tạm biệt này, mặc khải quan trọng nhất cũng được Người tỏ ra : mối tương quan yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với nhân loại. Để sau đó, Người bắt đầu cuộc Xuất Hành tình yêu (c.31).

Lòng Thương Xót của Người khởi đi từ trái tim của một Vị Thiên Chúa, một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (x. Ga 3,16) cho nhân loại, để đem Thiên Chúa đến cho nhân loại và đem nhân loại về với Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn đích thân đến với con người qua Con Một Người là Chúa Giêsu Kitô và ở lại với con người cho đến tận thế qua sự hiện diện Bí Tích trong Hội Thánh. Sinh hoạt yêu thương Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người là sự cộng tác tích cực giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để thực hiện một kế hoạch yêu thương mầu nhiệm (x. Ep 1,9).

        Sau khi Chúa Giêsu về trời ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn “ở lại” với trần gian.  Lúc sống trên trần gian, Người đã dùng sự hiện diện thể xác để tỏ ra Lòng Chúa Thương Xót cho nhân loại. Trước khi về trời, Người đã xin Chúa Cha sai Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần đến. Hội Thánh là thời gian của Thánh Thần Chúa Giêsu hoạt động. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục công việc của Chúa Giêsu là “dạy dỗ, làm nhớ lại và ban bình an” cho Hội Thánh.  “Bình an” của Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho mọi Kitô hữu trong Hội Thánh không bị “xao xuyến sợ hãi”, nhất là hoàn toàn tín thác vào Chúa Giêsu.

 

III.       Chuyện kể : Chúa Giêsu và một bạn trẻ cùng đồng hành trên một bãi cát dài trên biển, bốn vết bàn chân hằn lên rõ trên mặt cát, có lúc chỉ còn hai.

Bạn trẻ hỏi : – Thưa Thầy, tại sao là hai mà không là bốn vết bàn chân ?

Chúa Giêsu bảo bạn trẻ : – Con nhìn lại, xem đó là những vết chân của ai ?

Nghe lời Chúa, bạn trẻ nhìn kỹ lại thì mới biết  đó là những dấu chân của Chúa. Bạn trẻ vội thắc mắc : – Vậy thưa thầy, lúc đó con ở đâu ?

Chúa âu yếm trả lời : – Thầy biết con không đủ sức chịu đựng, nên Thầy đã vác con trên vai Thầy.

            Lòng Chúa Thương Xót không bỏ rơi con người, như Thiên Chúa đã hứa qua miệng ngôn sứ Isaia : “Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư ? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu” (Is 49,15). Để đáp lại Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Giêsu cho ta câu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (c.23). 

Chúa Thánh Thần là tình yêu và nội lực làm cho sinh hoạt yêu thương của Thiên Chúa với trần gian được thực hiện đầy tràn và liên tục trong Hội Thánh. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, rọi sáng dưới ánh sáng Phục Sinh những lời Thầy Giêsu dạy rõ hơn, để Hội Thánh luôn “tuân giữ lời Thầy Giêsu”. Và Hội Thánh luôn tuyên xưng “Chúa đã sống lại thật. Alleluia”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI