CN 30-A TN
(Xh 22,20-26; 1 Tx 1,5-10; Mt 22,34-40)
I. Ca dao Việt Nam có câu : “Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Tình yêu làm cho người ta xởi lởi quảng đại với nhau. Và không có tình yêu, ngược lại. Đó là cách đối xử của con người. Còn Thiên Chúa, trải qua muôn thế hệ, Thiên Chúa vẫn đong đầy tình yêu của Người dành cho con người, vẫn mãi là vị Thiên Chúa trung tín trong lời nói và hành động của Người (x. Tb 14, 4; Ds 23, 19; Is 55, 11).
II. Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử con người như một Đấng tìm đến với con người, yêu thương và vẫn mãi sắt son với tình yêu giàu lòng thương xót dành cho con người. Thiên Chúa chỉ muốn con người thực sự nghe và giữ giao ước của Người, con người “sẽ là sở hữu riêng” của Thiên Chúa (x. Xh 19, 5), sẽ được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mặt đất (x. Đnl 5,32-33). Vì Người là một vị Thiên Chúa không thể thiếu con người, vị Thiên Chúa quyến luyến và chỉ tuyển chọn con người là bạn nghĩa thiết (x. St 3,8; Đnl 7, 7-8; 29, 11-12).
Chúa Giêsu là Dung Nhan Lòng Thương Xót và Tình Yêu Thiên Chúa Cha ban cho con người (x. Ga 3,16). Đây là Tin Mừng cho con người (x. Mc 1,1). Mặc khải Tình Yêu là tuyệt đỉnh sứ mệnh của Chúa Giêsu. Nhưng con người –đại diện qua lớp người lãnh đạo Israel thời Chúa Giêsu– chỉ coi Chúa Giêsu là ‘con bác phó mộc Giuse’ (x. Mt 13, 54-58). Họ tìm cách chối bỏ sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, nên “đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Chúa Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15).
Họ không buông tha Chúa Giêsu, hôm nay dù “nghe tin Chúa Giêsu đã làm cho nhóm Saduceo phải câm miệng, thì những người Pharisêu vẫn họp nhau lại” (Mt 22, 45). Họ cử một người thông luật trong nhóm hỏi Chúa Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36).
Người thông luật hỏi thử Chúa Giêsu, vì thời của Người, Lề Luật Do Thái được đặt ra tới 613 điều khoản, chia làm 248 điều khoản phải làm và 365 điều khoản phải tránh. Việc giữ Lề Luật của người Pharisêu đã đi tới mức tính toán hơn thiệt, đo lường theo những mức độ lớn nhỏ. Họ đã lấy họ làm trung tâm : Lề Luật không còn là phương tiện hướng dẫn con người đến với Thiên Chúa, nhưng đưa con người quay lại với chính mình để tự mãn với khả năng tuân giữ Lề Luật của mình. Con người trở nên nô lệ cho Lề Luật. Con người không còn tuân giữ Lề Luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa nữa.
Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu nhắc lại cho mọi người biết về tầm quan trọng của sự liên kết không thể tách biệt giữa hai điều răn mến Chúa và yêu người. Cả hai điều răn đều quan trọng vì hai điều răn đó nói lên những đối xử căn bản và cần thiết của con người: yêu mến Thiên Chúa theo mối tương quan chiều dọc và yêu thương anh chị em theo mối tương quan chiều ngang.
Về cách thức yêu mến Thiên Chúa, con người phải yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn (Đnl 6,5). Về cách thức yêu thương tha nhân, con người phải yêu thương nhau như chính mình (Lv 19,18). Hai cách thức tuy được diễn tả bằng những kiểu nói khác nhau, nhưng cùng trình bày một ý tưởng : cả hai điều răn đều dạy con người phải yêu mến bằng tất cả con người của mình.
III. Chúa Giêsu khẳng định “tất cả Luật Môsê và các Sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40). Điều này có nghĩa là tôn kính Chúa là động lực và gương mẫu để con người yêu thương nhau; và đổi lại, yêu thương nhau là phương thức bề ngoài diễn tả tâm tình tôn kính Chúa bề trong. Muốn thực hành tốt điều này, con người cần phản tỉnh nhìn lại quá khứ mình cũng từng là ngoại kiều (di dân), để đối xử tốt với mọi người (x. Xh 22,20-26 / BĐ I).
Thánh Thể Chúa Giêsu giúp con người phân định những hồng ân đã đón nhận. Và sẽ nhận ra Lời Chúa Giêsu khẳng định trên, quả là một mệnh lệnh : xúc phạm đến chính Chúa, Chúa còn tha thứ; làm tổn thương đến những kẻ Chúa yêu thương, sẽ không được thứ tha ! (x. Mt 25,31-46). Xin cho mọi người biết chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, để tôn kính Chúa hơn và yêu thương nhau cụ thể hơn.