Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CN I PHỤC SINH – NHẮC BẢO ĐỂ NHỚ LẠI (Lc 24, 1-12)

I.      Với nhiều người, ngôi mộ là điểm tới của một kiếp người. Như cụ Nguyễn Du đã viết :

Trăm năm còn có gì đâu?

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì. 

Nhưng ở đây, ngôi mộ, lại là ngôi mộ trống, “cái không” minh chứng cho “cái có”.

 II.     Với cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu biến ngôi mộ là ‘điểm tới’ của đời người thành ‘cửa ngõ’ dẫn vào cõi trường sinh : “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 25). Các thánh sử trình thuật việc Chúa Giêsu sống lại trong các Tin Mừng, không đưa ra những tài liệu lịch sử để chứng minh Chúa Giêsu sống lại, mà chỉ đồng quan điểm khi nêu lên sự kiện ngôi mộ trống và những lần Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người khác nhau. Thánh sử Luca thuật lại những người đi đến mộ, để nói về đức tin của họ.

Khi các bà (những người đã đi theo Chúa Giêsu từ Galilê và giúp đỡ công cuộc loan giảng Tin Mừng) đến mộ, không thấy xác Chúa Giêsu, mà lại thấy “hai người đàn ông y phục sáng chói”, các bà sợ hãi.  Sợ hãi vì lâu nay, đối tượng đức tin của họ là một Chúa Giêsu đầy quyền năng trong lời nói cũng như việc làm. Nhưng giờ đây, các bà nghĩ đối tượng ấy không còn, vì khi Chúa Giêsu chịu tử nạn, các bà chỉ “đứng đàng xa” (Lc 23,49).

Hai thiên thần nhắc bảo cho các bà biết :  “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?  Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi”.  Đối tượng đức tin của các bà giờ đây được các thiên thần gọi là “Người Sống”. Nhắc bảo về đối tượng đức tin rồi, các thiên thần mời gọi các bà tiếp tục hành trình đức tin bằng cách mời các bà nhớ lại những điều Chúa Giêsu đã nói trước về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. 

‘Nhắc bảo’ và ‘nhớ lại’ là hai giai đoạn của một phương thức khôi phục đức tin đã phai nhạt hay đã mất, để minh chứng ‘cái có’ nằm trong ‘cái không’. Tương tự như muốn giúp một bệnh nhân ‘bị quên quá khứ’, người thân phải nhắc bảo các sự kiện quá khứ mà bệnh nhân đã nghe, đã thấy, để giúp bệnh nhân nhớ lại.  Vì khi theo Chúa Giêsu đi loan giảng Tin Mừng, các bà đã tin Ngài là Đấng đầy quyền năng trong lời nói cũng như việc làm. Bây giờ phải nhắc bảo để nhớ lại. Khởi đầu là nhắc bảo những điều Ngài đã nói đã làm, để nhớ lại mối quan hệ giữa các bà với Ngài. Sự tiệm tiến này, sẽ giúp các bà dần dần xác tín Ngài “không còn ở đây nữa”, nghĩa là Ngài không còn ở giữa kẻ chết nữa, nhưng Ngài đã sống lại rồi.

Đến lượt các bà, cũng theo cách thức như hai thiên thần : nhắc bảo để nhớ lại. Các bà “khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy”. Các Tông đồ sau khi nghe họ kể lại những gì họ đã gặp và nghe ở ngôi mộ thì “cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin”. Nhưng riêng ông Phêrô “đứng lên chạy ra mộ”, và “ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra”. Ông thực sự tin và lấy làm lạ cùng suy nghĩ về những gì đã xảy ra cho Chúa Giêsu.

 

III.      Loan giảng Tin Mừng Phục Sinh là bổn phận của mọi Kitô hữu (x. Mc 16,15). Vì Tin Mừng đó là chính Chúa Giêsu (x. Mc 1,1). Tin Mừng đó lại là ‘Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót’ (Tông chiếu Misericordiae Vultus,1). Mà ‘trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là Lòng Thương Xót’ (MV,10). Giáo Hội ‘vô cùng khao khát trao ban Lòng Thương Xót’ (Tông huấn Evangelii Gaudium, 24).

Nên muốn ‘nhắc bảo’ để ‘nhớ lại’ đức tin đã phai nhạt hay đã mất, nghĩa là ‘để có thể sống Lòng Xót Thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và biến Lòng Thương Xót ấy thành nếp nếp sống riêng của chúng ta’ (MV, 13).

Vai trò của ‘lectio divina’ và môi trường ‘thinh lặng’, là hai yếu tố cần thiết để củng cố đức tin vào Người Sống là Chúa Giêsu. Chúa đã sống lại. Alleluia.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI