Khám Phá Sự Hiền Hậu và Khiêm Nhường Nơi Đức Ki Tô
FM. Stephano Phan Văn Lý
“ Hãy đến cùng tôi, hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Khi nghe qua lời mời gọi của Đức Giê su chắc hẳn dưới nhãn quan của người ngoại giáo không ít người sẽ cho rằng Ngài tự tin về mình quá chăng nếu không muốn nói là có phần tự kiêu? Vì ai lại tự cho mình là người “ khiêm nhường và hiền lành” bao giờ, như Karl Marx từng nói: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự hào một chút cũng là nhiều”, nơi khác Sinclair Lewis cũng nhận định: “ Người suy nghĩ sáng suốt chẳng bao giờ kiêu ngạo về tài năng của mình”. Thế nhưng, là những người mang đức tin Ki tô giáo, chúng ta hoàn toàn có lý để xác tín rằng: quả thật Ngài là Đấng giàu lòng hiền lành và khiêm nhường. Sau khi suy niệm tin mừng hôm nay con xin chia sẻ hai điểm “ khám phá sự hiền hậu và khiêm nhường nơi Đức Giê su”.
Sự hiền hậu của Đức Giê su
Tiên tri Isaia đã tiên báo về sự hiền lành của Đức Giê su như sau: Ngài không la hét, không to tiếng hoặc ăn nói ồn ào ngoài đường phố. Ngài không nỡ bẻ gẫy cây sậy bị giập, không thổi tắt tim đèn còn leo lét. Sự hiền lành của Ngài được cụ thể hóa qua lòng khoan dung tha thứ, như khi đứng trước người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mọi người đều kết án tử người phụ nữ, thì Ngài lại nói : “Tôi không kết án chị đâu, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Sự hiền dịu của Ngài còn được tỏ lộ khi Ngài khuyên dạy chúng ta bắt chước người mục tử nhân lành trong dụ ngôn con chiên lạc. Người ấy không hề đánh đập hay lôi kéo con chiên về nhà, trái lại đã vác nó trên vai đem về. Không chỉ vậy Ngài còn khuyên chúng ta mặc lấy tâm tình của người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, Ông ta đã không quở trách hay đánh đập mà thay vào đó là cử chỉ đầy yêu thương trìu mến “hôn lấy hôn để và mở tiệc ăn mừng” người con trở về. John Heywood từng nói: “Với một trái tim luôn rộng mở chẳng có điều gì là không thể làm được”, tuy nhiên để trái tim luôn biết rộng mở thì thiết tưởng đó phải là một trái tim chất chứa sự khiêm nhường thẳm sâu.
Sự khiêm nhường nơi Đức Giê su.
Đức Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Đường hy vọng” số 510 có viết : “ Con chỉ hiểu được đức khiêm nhường khi suy niệm cả cuộc đời của Chúa Giê su, Con Thiên Chúa hạ mình chịu đựng mọi sự ngớ ngẩn dốt nát, hiểu lầm sâu độc của người ta suốt 33 năm chỉ vì yêu chúng ta”. Vâng, vì yêu mà Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa , nhưng Ngài đã không nghĩ phải dành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm. Cũng chính nhờ sống khiêm nhường mà khi được mọi người ca tụng, tung hô muốn tôn Ngài lên làm vua, thì Ngài lại âm thầm rút lui về phía sau và lên núi cầu nguyện một mình trong lặng lẽ. Hơn thế nữa, dù cho được mọi người gọi là thầy là chúa nhưng Ngài đã khiêm nhượng hạ mình sát đất không còn ngã xuống được nữa để cúi rạp mình xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài đã đến và đi bước trước để cho chúng ta cũng biết sống như Ngài đã sống “ khiêm nhường và hiền lành”.
Qua những gì vừa chia sẻ ở trên cho bản thân con nghiệm ra bài học quan trọng đó là tập sống như Chúa Giê su đã sống “ hiền lành và khiêm nhường”. Cố gắng đối xử với mọi người bằng sự nồng thắm yêu thương thân tình. Kế đến là biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình cách này hay cách khác, biết sống cảm thông, bao dung hơn là suy xét kết đoán. Và sau cuối là luôn luôn biết sống với tâm tình “ tất cả những gì mình có đều là do Chúa ban mà thôi”.