Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – DẬY ĐI EM

DẬY ĐI EM

 

TẬP VIỆN XI-TÔ THÁNH MẪU AN PHƯỚC

sưu tập để sử dụng nội bộ

 

 

Trích sách Diệu Ca (Dc 2, 8-14).

 

Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây,

kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi,

tung tăng trên núi.

Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương,

tựa hồ chú nai nhỏ.

Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà,

nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song.

Người yêu của tôi lên tiếng bảo :

Dậy đi em, bạn tình của anh,

người đẹp của anh, hãy ra đây nào !

Tiết đông giá lạnh đã qua,

mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.

Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây.

Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.

Vả kia đã kết trái non,

vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.

Dậy đi em, bạn tình của anh,

người đẹp của anh, hãy ra đây nào !

Bồ câu của anh ơi,

em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.

Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng,

vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng” .

˜™˜


 

Đây là một áng thơ tình tuyệt tác, với những từ ngữ đầy tình tứ và hình ảnh đầy sắc màu sống động. Trích đoạn này diễn tả một ý nghĩa thật sâu sắc và phong phú về một hạnh phúc vĩnh cửu (Ơn Cứu Độ) mà Thiên Chúa ‘dường như’ nóng lòng muốn dành cho bạn. Cha thánh Bênađô (1090-1153) hay thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591) và các nhà thần bí khác, thường muốn mượn hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả kinh nghiệm linh hồn con người được kết hợp với  Thiên Chúa.

 

“Dậy đi em” mau ra đón chào “núi sông nở rộ hoa tươi”. “Dậy đi em” hòa nhịp với “mùa ca hát vang trời” đang về. “Dậy đi em” cùng nghe “tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta”. “Dậy đi em” ngắm nhìn “vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào”.

 

“Dậy đi em” như một bản văn “tóm lược nhiều lời trong vài chữ” (x. Huấn ca – Sir 32,8). Để “dậy đi em”, đạt được nguyện vọng trở nên “bạn đồng hành” với bạn trong những bước đầu tiên ở Tập Viện. Và để “dậy đi em” được giúp bạn “không còn ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo”, nhưng lộ diện ra để Bạn Tình Giêsu “thấy mặt, nghe tiếng”, vì “tiếng bạn ngọt ngào và mặt bạn duyên dáng”.

 

Lễ Kính Các Thánh Giữ Tu Luật Cha Thánh Biển Đức

Bổn Mạng Tập Viện Đan Viện Xitô Thánh Mẫu An Phước

2006 * 13-11 * 2016

˜™˜


 

Bạn thân mến,

 

An bình phước hạnh biết bao, khi chúng ta cùng nhau xác tín lại lời Thiên Chúa nói với chúng ta qua miệng ngôn sứ Giêrêmia : “Cha đã thương con bằng một tình yêu muôn thuở, Cha đã lôi cuốn con bằng Lòng Thương Xót của Cha” (Gr 31,3). Lòng Thương Xót này, chính là Chúa Giêsu (x. Tông Huấn Misericordiae Vultus, 1). Chúa Giêsu là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha ban tặng cho chúng ta, để chúng ta được an bình phước hạnh, như chính Chúa Giêsu đã phán : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

 

Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và an bình phước hạnh. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ” (x. Tông Huấn Misericordiae Vultus, 2).

 

Thiên Chúa ban tặng điều này cho chúng ta, vì Người yêu thương chúng ta một cách tự ý và vô vị lợi.  Người muốn chia sẻ niềm vui của Người cho chúng ta là những thụ tạo của tình yêu Người. Trong Giao Ước Sinai, Thiên Chúa nhận con người là “cục cưng” của Ngài (Am Sơgullah = Dân sở hữu = Cục Cưng: kho tàng vô giá không thể thiếu được, trong khi tự bản chất không có chút giá trị gì – x. Xh 19,5). Tông đồ Phaolô đã khẳng định:  “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,4-5). Nên chúng ta :

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

           hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời,

là Chúa Trời hằng sống.

           Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan ?

                (Tv 42,1-2).

 

Vì Thiên Chúa đã đặt trong lòng chúng ta điều ước mong kiếm tìm Người và gặp được Người, như thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa đã sáng tạo nên chúng con cho Thiên Chúa, và lòng chúng con không nghỉ yên cho tới khi được yên nghỉ trong Thiên Chúa”.

 

Đó là an bình, là phước hạnh, là niềm vui của bạn, một thứ “Niềm Vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 1). Chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu trong nhiều trường hợp, một trong những trường hợp cụ thể đặc biệt, theo truyền thống đan tu chúng ta, đó là “lectio divina”, như lời dạy của ĐTC Phanxicô :Có một cách cụ thể để lắng nghe điều Chúa muốn nói với chúng ta trong Lời của Người và được Thánh Thần của Người biến đổi, đó là điều mà chúng ta gọi là “lectio divina” (Tông Huấn Evangelii Gaudium,152).

 

Như vậy, để tìm gặp Chúa Giêsu, Đấng là Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót, hay nói theo ĐTC Phanxicô: “Để có thể sống Lòng Chúa Xót Thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và biến Lòng Chúa Thương Xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta” (x. Tông Huấn Misericordiae Vultus, 13). “Nếu tôi không bao giờ thinh lặng, nếu phụng vụ không cho tôi khoảng thời gian cầu nguyện thinh lặng và chiêm niệm, thì làm sao tôi có thể thờ lạy Chúa Giêsu, làm sao tôi có thể kết nối với Ngài trong tâm hồn và linh hồn tôi? Thinh lặng là rất quan trọng, không những trước và sau phụng vụ. Đó là nền tảng của một đời sống thiêng liêng sâu xa” (x. ĐHY Robert Sarah, Bài Thuyết Trình, London 5-7-2016).

 

Con người là một kiệt tác của Thiên Chúa. Đời sống thiêng liêng của con người là một thực tại vô cùng phong phú đa dạng. Cầu Nguyện là một trong những bộ phận chính của đời sống thiêng liêng, để con người tìm gặp và sống trong Thiên Chúa.

Một tùy viên của Tổng Thống Abraham Lincoln (1809-1865) đã kể lại như sau :

Đêm ấy không ngủ được, tôi đã nghe thấy tiếng xì xào bên phòng của Tổng Thống. Rón rén nhìn qua khe cửa, tôi thấy Tổng Thống quì gối trước một quyển Kinh Thánh, và ông đang thưa lên cùng Thiên Chúa :

“Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã nghe lời vua Salômon, thì hôm nay, xin Chúa cũng nghe lời con. Con sẽ không thể nào lãnh đạo dân tộc này, con sẽ không thể nào điều khiển đất nước này, nếu không có Chúa giúp đỡ. Con bé bỏng, con tội lỗi, vậy xin Chúa hãy nghe lời con trong đêm nay mà cứu vãn quốc gia này”.

 

Tổng Thống Abraham Lincoln đã cầu nguyện.

 


 

 

Cầu nguyện là “nhớ đến Chúa”, là thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa. [GLHTCG 2697 (1099)].

Truyền thống Ki-tô giáo có ba hình thức cầu nguyện quan trọng: khẩu nguyện, nguyện ngắm và chiêm niệm. Cả ba đòi hỏi ta phải tịnh tâm [GLHTCG 2721].

Dựa vào bản tính con người có hồn có xác, khẩu nguyện kết hợp thái độ bên ngoài với tâm tình bên trong theo gương Ðức Giê-su, Ðấng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha và dạy các môn đệ kinh Lạy Cha [GLHTCG 2722].

 Nguyện ngắm là tìm hiểu trong khi cầu nguyện, bằng cách vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Nhờ nguyện ngắm chúng ta hấp thụ được đề tài trong đức tin và đối chiếu với thực tại cuộc sống [GLHTCG 2723 ].

 

Chiêm niệm là hình thức đơn sơ của kinh nguyện, là lấy đức tin mà chiêm ngắm Chúa Giêsu, là lắng nghe Lời Chúa, là yêu mến Chúa trong thinh lặng. Chiêm niệm cho ta hợp nhất với Chúa Giêsu trong kinh nguyện của Chúa Giêsu theo mức độ chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người  [GLHTCG 2724].

 

“Có lẽ ta cầu nguyện nhiều hơn khi ta nói ít,

và cầu nguyện ít hơn khi ta nói nhiều”

(Thánh Augustinô).

 

Kinh Thánh nhắc đến tên ông Môsê 767 lần, chú tâm đến ông là người giải phóng và lập Luật của dân Israel. Đồng thời ông Môsê cũng là người chuyển cầu cho dân Israel. Nhờ cầu nguyện, ông nhận được sứ mạng, nhận được sức mạnh. Ông được liên kết tư riêng và thân mật với Thiên Chúa. Trước khi Môsê hành động và nhắn bảo dân chúng, ông đi lên núi cầu nguyện. Thiên Chúa thường nói chuyện đối mặt với ông như hai người bạn nói chuyện với nhau (Xh 33,11). Ông là gương mẫu đầu tiên cho người cầu nguyện chiêm ngắm : Chiêm ngắm là đặt mình trước mặt Chúa trong cầu nguyện. Chiêm ngắm (sống nội tâm, sống thiêng liêng) và hoạt động là hai thành phần của lễ vật dâng lên Chúa. Trong Kitô giáo cả hai không thể tách rời.

 

“Tất cả các giáo phụ của Hội thánh vốn coi cầu nguyện là rất quan trọng,

đều đồng ý rằng một thái độ đạo đức được bày tỏ nhiều cách, chẳng hạn như quì gối,

chắp tay, khoanh tay trước ngực.

Thái độ đó giúp ta tĩnh tâm lại trước mặt Thiên Chúa,

và tập trung vào Thiên Chúa,

ta đừng coi thường.

Chúa đáng yêu của chúng ta thích được quấy rầy”.

(Thánh FranÇois De Sales).

 

 

”Vậy tôi sẽ đứng lên,

đi rảo quanh khắp thành,

nơi đầu đường cuối phố,

để tìm Người Yêu Dấu của lòng tôi” (Dc 3,2).

 


 

CÁC PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN NGẮM

Có thể nói được, có bao nhiêu trường phái linh đạo trong truyền thống Kitô giáo, có bấy nhiêu phương pháp nguyện ngắm. Mỗi trường phái linh đạo đều quen với một cách nguyện ngắm, tóm kết nơi đó tất cả nền linh đạo của trường phái linh đạo mình. Bản chất của một trường phái linh đạo được tỏ hiện qua cách cầu nguyện độc đáo của mình.

 


 

 

NỘI DUNG NGUYỆN NGẮM

Thường nguyện ngắm :

– Về các ưu phẩm của Thiên Chúa;

– Về vẻ yêu kiều vô biên của Người; do đó phát xuất ra tâm tình thờ phượng và yêu mến cũng như quyết tâm.

– Về lòng thương xót, các ân huệ, mầu nhiệm Nhập thể, Ơn cứu độ, cuộc sống và tử nạn của Chúa Giêsu.

– Về cuộc sống đời đời được hứa ban, do đó phát xuất tâm tình ước ao được sự sống ấy, dẫn đến thay đổi cuộc sống.

– Về mầu nhiệm Phục sinh và cuộc toàn thắng hiển vinh của Chúa Giêsu, do đó phát xuất tâm tình hân hoan vui mừng.

– Về các tội lỗi của ta đã phản bội tình yêu của Chúa và đóng đinh Con của Người, do đó, nẩy nở tâm tình gớm ghét tội … Mục đích là để đi đến yêu mến Chúa và lưu lại trong các tâm tình yêu mến Chúa.

       Nhiều phương thức nguyện ngắm, nói được là kiểu mẫu cho các phương thức khác và được Hội Thánh luôn luôn khuyến khích, như phương thức của thánh Ignatiô Loyola, Đấng sáng lập dòng Tên. Thánh Anphong hay phương thức của Hội Xuân Bích cũng phỏng theo phương thức này.

Theo cách nguyện ngắm này, đại để: tài năng nội quan, ký ức, trí tuệ, ý chí, được huy động, để tấn công một vấn đề, tìm ra những lẽ đủ mạnh có thể khắc phục ý chí, làm cho nó khắng khít với Chúa và quyết tâm từ đây sẽ làm mọi việc để theo Chúa.

 


 

 

PHƯƠNG PHÁP

 

Phương pháp là cách thức, quy tắc để làm bất kỳ việc gì nhằm đưa đến kết quả mong muốn. Phương pháp càng tinh vi thì kết quả càng dễ thu hoạch. Phương pháp nguyện ngắm chỉ là phương tiện tạm thời để giúp ta đạt được mục đích cầu nguyện. Một khi mục đích đã đạt được, không dùng đến phương tiện nữa.

 


 

LƯỢC ĐỒ PHƯƠNG PHÁP TÂM NGUYỆN TỔNG QUÁT:

 A. KHỞI NGUYỆN.

 I. DỌN MÌNH XA

  1. Giữ tâm hồn thanh sạch
  2. Canh giữ ngũ quan cùng trí tưởng tượng
  3. Ở khiêm nhường
  4. Ban chiều dọn bài gẫm cùng nhớ lại trước khi đi ngủ
  5. Khi thức dậy, ôn lại điều đã chuẩn bị chiều hôm trước.

 II. DỌN MÌNH GẦN.

  1. Tin có Chúa ở trước mặt, cùng thờ lạy Ngài.
  2. Giục lòng ăn năn tội
  3. Xin ơn cho được nguyện ngắm nên
  4. Hình dung khung cảnh cho điều mình sắp gẫm như thấy hiện có trước mắt.

 B. TÂM NGUYỆN.

 I. SUY LUẬN.

  1. Đọc bài gẫm xong, suy nghĩ những lời ấy dạy ta sự gì
  2. Chúa Giêsu và các thánh đã thực hiện như thế nào: đã giữ, đã làm hay lánh xa?
  3. Về phần ta đã sống như thế nào.

 II. TÂM TÌNH.

  1. Quy hướng lòng ta về những sự lành thánh.
  2. Cứ gẫm luôn điều nào làm cho mình động lòng.
  3. Cầu xin cùng Chúa.

 

III.      QUYẾT TÂM.

  1. Đừng dốc lòng cách trống không, song dốc lòng cho ngày hôm sau, trong giờ này, dịp này.
  2. Dốc lòng ít, thiêt thực, cần kíp và dễ thực thi
  3. Có điều nào làm cản ngăn việc mình vừa dốc quyết, phương thế nào giúp ta giữ điều dốc quyết ấy.
  4. Đừng cậy sức riêng mình
  5. Kiếm dịp mà giữ lời dốc lòng.

 C. KẾT NGUYỆN.

  1. Cám ơn và xin lỗi.
  2. Dâng mọi ý lành cùng sự dốc lòng trong tay Đức Mẹ.
  3. Cầu nguyện cho mọi người.
  4. Kết hoa thiêng liêng và xét mình coi đã nguyện gẫm thế nào.

 


 

PHƯƠNG PHÁP SUY NIỆM

THEO THÁNH IGNATIO DÒNG TÊN (1491-1556)

 

Phương pháp này cũng gọi là ‘phương pháp tam tài’ (méditation des trois puissances) vì phương pháp này sử dụng ba tài năng của con người là trí nhớ, trí hiểu và lòng muốn.

 I. KHỞI NGUYỆN

  1. Xướng đề tài
  2. Hình dung một cảnh tượng hợp với đề tài
  3. Cầu xin một ơn riêng hợp với đề tài.

II. SUY NGUYỆN.

 1. TRÍ NHỚ.

          Nhớ lại bài gẫm với hoàn cảnh và lý do cốt yếu.

 2. TRÍ HIỂU.

          a)- Phải gẫm lẽ gì trong bài (theo đức tin và lý trí)

          b)- Phải kết luận thực hành điều gì ? Vì lý do nào ?

          c)- Xét mình đã giữ điều đó thế nào ?

Có những trở lực nào cần vượt qua không ?

          d)- Phải áp dụng phương tiện nào để giữ trọn điều ấy .  

 3. LÒNG MUỐN

          a)- Thúc đẩy tâm tình đạo đức trót giờ gẫm,

nhất là những phút cuối.

b)- Quyết định làm một điều hợp cảnh, vững chắc, khiêm nhường và được củng cố bằng lời nguyện.

 

III. KẾT NGUYỆN

  1. Đàm toại, kêu xin cùng Chúa, Đức Mẹ, các thánh.
  2. Xét mình: đã gẫm thế nào? Có tử tế không, đã suy lẽ nào ? Dốc lòng điều gì ? Cầu xin ơn gì ?
  3. Bông thiêng liêng là một tư tưởng đạo đức.

 


 

PHƯƠNG PHÁP CẢM NGHIỆM

THEO HỘI XUÂN BÍCH (CHA OLIER 1608-1657)

 I. KHỞI NGUYỆN

  1. Chọn bài gẫm từ tối hôm trước
  2. Đặt mình ở trước nhan Chúa, đang ngự trong lòng ta, thờ phượng, tạ ơn, ăn năn, xin ơn gẫm.

 II. CẢM NGHIỆM.

 A. THỜ PHƯỢNG (Chúa Giêsu ở trươc mặt ta)

  1. Suy ngắm tâm tình, ngôn ngữ, hành vi của Chúa, hoặc của các thánh về đề tài đã chọn.
  2. Giục lòng thờ lạy, ngợi khen, tạ ơn, yêu mến, vui buồn với Đấng ấy.

 B. CẢM THÔNG (Chúa Giêsu trong lòng ta).

  1. Minh chứng sự cần thiết hay hữu ích của nhân đức ta đang gẫm, bằng lẽ đức tin hay lẽ tự nhiên.
  2. Xét minh về nhân đức ấy: ăn năn về dĩ vãng, hổ thẹn về hiện tại, ước ao về tương lai.
  3. Khẩn cầu xin Chúa ban đức ấy cho ta: đây chính là việc cảm thông các nhân đức của Chúa, cầu nguyện cho mình, cho thân nhân, cho Giáo Hội

 C. CỘNG TÁC (Chúa Giêsu trên tay ta).

  1. Qyết định một điều rõ rệt, khiêm nhường, hữu hiệu và có thể thực hiện ngay được
  2. Nhắc lại điều xét mình riêng trong tháng.

III. KẾT NGUYỆN.

  1. Cám ơn, tạ lỗi về giờ gẫm.
  2. Xin Chúa ban phúc lành cho các điều dốc lòng,cho đời sông ta hôm nay và nhất là trong ngày sau hết.
  3. Bông thiêng lêng
  4. Phú thác mọi sự trong tay Đức Mẹ

 


 

PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN NGẮM TÂM TÌNH  THEO

THÁNH ALFONSO MARIA DE LIGUORI (1696-1786)

 

Phương pháp nguyện ngắm của thánh An Phong quy tất cả về Chúa Giêsu : tình bạn của Chúa Giêsu, sự tuân theo ý Thiên Chúa, tinh thần cầu nguyện. Đây là phương pháp nguyện ngắm bình thường, có tính cách suy niệm hay tâm tình, không nhắm đến sự chiêm niệm với những quy luật riêng của nó.

Nguyện ngắm điều gì ? Nguyện ngắm thế nào ? Tại sao nguyện ngắm ? Trả lời đầy đủ ba câu hỏi trên sẽ giúp ta thấu hiểu suy tư đích xác của Thánh An phong.

 

THỰC HÀNH TÂM NGUYỆN

 I. CHUẨN BỊ.

a)- Chuẩn bị xa: Chọn đề tài nguyện ngắm: Các chân lý vĩnh cửu. Cuộc thương khó.

b)- Chuẩn bị gần: – Giục lòng tin Chúa đang hiện diện, hết lòng thờ lạy. – Ký thác cho Đức Trinh Nữ Maria qua một kinh Kính mừng, và cho Thánh Cả Giuse, Thiên Thần Bản Mệnh, Thánh Quan Thầy bằng một kinh.

 II. TÂM NGUYỆN.

– Đọc bài nguyện ngắm, dừng lại ở những đoạn nào linh hồn tìm được lương thực nuôi mình.

– Giục lòng khiêm nhường, cám ơn, cách riêng ăn năn và yêu mến, tuân phục và hiến dâng.

 

III. KẾT NGUYỆN.

– Dốc lòng tránh một lỗi xác định như là gốc gây ra đỗ vỡ nhiều hơn cả trong đời sống thiêng liêng.

– Kết thúc bằng 1 kinh Lạy Cha và 1 kinh Kính Mừng.

– Cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục và cho những người tội lỗi.

 


 

SUY NIỆM LỜI CHÚA

 I. DÂNG MÌNH CHO CHÚA – CHUẨN BỊ (Preparatio).

  Giục lòng tin ta đang ở với Chúa là Đấng yêu thương ta và chờ đợi ta.

  Cầu khẩn Ngài ban ơn, soi sáng và giúp ức cho ta thực thi hoàn hảo.

 Thân thưa với Mẹ Maria, xin Người giúp ta thấm nhuần tinh thần Phúc Âm.

 II. ĐỌC BẢN VĂN (Lectio).

          Đọc rất chậm tất cả đoạn văn một lần, có thể hai lần với tâm trạng ao ước và thầm nguyện cùng Chúa cho ta hiểu biết Chúa muốn dạy ta những gì qua đoạn văn này, Chúa muốn ta thi hành gì qua những chữ viết đây. Không phải là nhà chuyên môn Kinh Thánh, nên không cần phải dừng lâu ở những câu tối nghĩa.

 

III. SUY NGẮM (Meditatio).

          Sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần rồi, xếp sách lại, suy nghĩ, dĩ nhiên là không buộc suy nghĩ toàn bài. Ta có thể chọn một điểm, một câu hay một tiếng đã đánh động ta để làm chất suy nghĩ.

Có thể Suy Nghĩ theo chu trình : NGHI – NGHĨ – NGHỊ – NGHỈ.

 IV. CẦU NGUYỆN (Oratio).

          Nhờ giai đoạn suy nghĩ, ta có mối tương quan giữa ta và bối cảnh mô tả, giữa ta và ngông ngữ ghi chép trong sách. Ta khám phá ra mối tương quan này và thân thưa với Chúa. Những suy tư và tâm tình có thể lẫn lộn nhau. Ta cố gắng làm cho ngôn ngữ, thái độ của Chúa hay nhân vật nào đó thành ngôn ngữ, thái độ của ta.

 V. CHIỆM NIỆM (Contemplatio).

          Trong chiêm niệm, suy tư và tâm tình cũng còn và có thể pha lẫn, nhưng nhiều hơn phần nhìn và nghe các chuyện kể trong bản văn Lời Chúa. Ta hình dung cách giản dị một bối cảnh trong đó có phong cảnh, nhân vật ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Ta để Chúa dịu dàng hấp dẫn ta, phó thác ta cho Chúa Thánh Thần.

 VI. HIẾN THÂN (= Actio).

          Nhận ra muôn phúc lành Chúa thương ban, ta hiến dâng cuộc sống mình bằng hành động để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân : hiến thân, là dấu chỉ nói lên lòng yêu mến Chúa và bản thân ta cũng được thánh hóa.

 


 

THỰC HÀNH CHIA SẺ LỜI CHÚA

 

– Chia nhóm : để mọi người được chia sẻ, nên chia nhóm nhỏ phù hợp với số giờ.

– Chọn nhóm trưởng kiêm thư ký : chọn một người làm hai công việc này, vừa điều hành vừa ghi chép các phát biểu.

 – Phút thờ lạy và thánh hóa : trước khi hội thảo trưởng nhóm linh động hóa sự hiện diện của Thiên Chúa cho cả nhóm : giục lòng tin sự hiện diện của Chúa và thờ lạy Chúa.

 – Phút chia sẻ -phần chính- : Lectio – Meditatio – Oratio – Contemplatio – Actio.

 Phút tri ân : Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Mẹ, các thánh và anh em.

 


 

CÁC PHƯƠNG PHÁP NGUYỆN NGẮM CỔ ĐIỂN

 I. CHUẨN BỊ XA

– Hạn chế ngũ quan và dục vọng

– Giục lòng sốt sắng

– Khiêm nhường thống hối

 2. CHUẨN BỊ GẦN

– Đọc, nghe, nghĩ đề tài nguyện ngắm từ tối hôm trước

– Vừa thức dậy, nghĩ ngay đến đề tài đó

– Loại bỏ những ý tưởng viễn vông ra xa ta

 3. BẮT ĐẦU NGUYỆN NGẮM

– Giục lòng tin Chúa

– Tự hạ khiêm nhường biết mình

– Dâng trọn vẹn tâm hồn cho Chúa       

 4. NGUYỆN NGẮM

– Nguyện ngắm đề tài đã chọn hôm qua

– Xét mình : tự kiểm điểm bản thân :

đối với Chúa – với anh em

– Nói chuyện với Chúa như một người con ngoan ngoãn

 5. DỐC LÒNG

 6. KẾT NGUYỆN :

– Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Maria, các thánh

– Duyệt lại mình đã nguyện ngắm thế nào

– Xin Chúa ban phúc lành

– Bó hoa thiêng : chọn một ý niệm cốt tủy trong bài suy niệm làm tiêu chuẩn dinh dưỡng lòng đạo đức.

 


 

SUY NIỆM : dùng trí khôn để suy xét.

 TÂM TÌNH : dùng cảm tình sưởi nóng lòng mến.

 DỐC QUYẾT : hướng dẫn ý chí cầu nguyện.

 


 

NGUYỆN NGẮM BẬC THƯỜNG – 1

 

Là cuộc trao đổi tâm tình giữa Chúa và linh hồn, mà linh hồn vẫn giữ chủ động. Đây là một cuộc đối thoại, một cuộc truyện vãn tâm tình. Gồm :

 1)- CHUẨN BỊ : cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp tâm hồn lắng đọng trong an tĩnh.

 2)- THỰC HÀNH :

         

* Bước I. Bước của lý trí : Chăm chú đọc (bằng mắt, bằng tay, hoặc lắng nghe) và tìm hiểu Lời Chúa để biêt ý chính Chúa muốn dạy gì ?

         

* Bước II. Bước của tâm tình : Ghi sâu vào lòng Lời Chúa chúng ta vừa nghe. Chọn một câu Lời Chúa trọng tâm để học thuộc lòng, tâm niệm và làm nguyên tắc ứng xử cho ngày sống.

         

* Bước III. Bước của ý chí : quyết tâm đổi mới các tư duy, lời nói và hành động theo gương Chúa Giêsu dạy và làm, mà những gì lý trí chúng ta lãnh nhận và tâm tình chúng ta cảm mến.

         

* Bước IV. Bước của Chúa Thánh Thần để hành động : chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, để được Thánh Thần của Chúa Giêsu thánh hóa con người chúng ta, thúc bách chúng ta dấn thân cho Giáo Hội và Xã Hội. Tạ ơn Chúa.

˜™˜


 

NGUYỆN NGẮM BẬC THƯỜNG – 2

 1. SUY LUẬN :

– Suy luận : để biết thấu đáo vấn đề, để gây niềm cảm mến. Vô tri bất mộ.

– Thấm thía : là đào sâu một tư tưởng, tìm ra những lý lẽ đủ mạnh để có thể khắc phục ý lí của mình.

– Thiết thực : phải thực tế và được áp dụng ngay vào đời sống để giúp ta vươn cao mãi.

2. THAN THỞ :

Trao phó tâm tình ta vào tâm tình Chúa. Đây là lúc ta thông hiệp với Chúa, kết hiệp ý chí ta với ý chí Chúa. Phải được phát xuất từ đáy lòng hiện thực do một tình yêu nồng nhiệt say mê tuyệt đỉnh. Sự sốt sắng nếu có, phải được cụ thể hóa bằng những hành vi trong đời sống hằng ngày.

3. QUYẾT TÂM :

Phải quyết chí sống nên giống Chúa và cố sức làm đẹp lòng Chúa. Đây là nguyện vọng cao đẹp và tha thiết nhất của một người muốn vươn tới Chúa.

 


 

CÁC PHƯƠNG PHÁP THỰC TIỄN

ĐỂ DIỄN TẢ MỘT ĐỀ TÀI NGUYỆN NGẮM

 1. MỘT BIẾN CỐ.

– Ai ?                                                  (quis ?)

– Cái gì ?                                             (quid ?)

– Ở đâu ?                                             (ubi ?)

– Với những phương thế nào ?           (quibus auxiliis ?)

– Tại sao ?                                           (cur ?)

– Thế nào ?                                          (quomodo ?)

– Khi nào ?                                          (quando ?)


 

˜™˜2. NGUYỆN NGẮM VỀ MỘT NHÂN ĐỨC

– Yếu tính của nhân đức đó là gì ?

– Đặc tính và hậu quả của nhân đức đó thế nào ?

– Đâu là nết xấu nghịch với nhân đức này,

phải nghĩ thế nào ?

– Những ai đã được nổi tiếng vì đã thực hiện nhân đức này ?


 

 3. NGUYỆN NGẮM VỀ MỘT LỖI HAY MỘT NẾT XẤU

– Yếu tính của điều lỗi hay nết xấu này hệ tại cái gì ?

– Đâu là sự điên cuồng, dại dột và sự xấu xa bởi chúng mà ra ?

– Điều lỗi hay nết xấu này sẽ đem lại những nguy hiểm nào cho hạnh phúc thiêng liêng và vật chất của cuộc sống ?

– Nó bắt nguồn từ đâu ?

– Gương tiền nhân ?


 

˜™˜4. NGUYỆN NGẮM VỀ MỘT CÂU CHÂM NGÔN

– Ai đã tuyên bố ?

– Có ý nghĩa gì ?

– Có chính xác không ?

– Có cần theo và theo sẽ được gì ?

– Khó hay dễ thực hành ?

– Bài học tiền nhân để lại ?

˜™˜


 

 5. TỔNG QUÁT

– Chân lý suy ngắm đây ích gì cho ta ?

– Đã thi hành thế nào ?

– Sẽ cải tiến ra sao ?

– Sẽ gặp những trở ngai và nguy hiểm gì ?

– Dùng phương tiện gì ?

– Dốc lòng ?

˜™


 

TRƯỚC KHI NGUYỆN NGẮM

– Thanh tẩy lòng cho khỏi vấn vương mùi trần, nhất là tội trọng. Ta không thể ở trước thánh nhan Thiên Chúa khi trong ta còn đầy tội ác.

– Hãm dẹp ngũ quan để tâm trí ta qui chiếu về việc làm lành lánh dữ, đừng để tâm trí suy xét những việc bông lông không đâu.

– Có lòng thành thật : con thơ phó thác.

– Chú tâm theo dõi, suy xét và sống mãi với ý tưởng mà ta định nguyện ngắm từ tối hôm trước cho đến giờ nguyện ngắm sáng hôm sau.

˜™˜


 

 

TRONG KHI NGUYỆN NGẮM

– Việc nguyện ngắm không cốt ở chỗ suy diễn nhiều lời hay ý đẹp, nhưng cốt làm sao cho điều ta nguyện ngắm gây được nơi ta một tâm tình sốt mến.

– Điều can hệ là sống và thực hành vào đời sống điều mình vừa suy ngắm.

– Nếu có chia trí -đừng bỏ giở- cố hết sức cầm trí vượt qua đến mức có thể.


 

 SAU KHI NGUYỆN NGẮM

– Luôn nhớ những điều mình vừa nguyện ngắm.

– Cố gắng thực hiện điều dôc lòng.

– Cầu nguyện liên lỉ và bền chí thi hành điều dốc quyết.

˜™


 

 

PHƯƠNG THẾ NÊN MỘT NGƯỜI SỐNG NỘI TÂM

 1. Theo thánh FranÇois De Sales :

a- Trung thành nguyện ngắm. Mỗi sáng mai, Ngài dành để một giờ nguyện ngắm. Mỗi chiều tối, Ngài vừa lần chuỗi Kinh Mân Côi  vừa suy ngắm các huyền nhiệm Chúa cho đủ một giờ (x. Hamon, Vie de Saint FranÇois De Sales , 1883, P. VII, ch. II, p. 328).

b- Tập nhớ Chúa hiện diện : Đa số những người đạo đức lỗi lầm trong bổn phận, đều tại không cầm mình ở trước uy nhan Chúa cho đủ. (Esprit de Saint FranÇois De Sales , p. XIII, ch. I).

Tĩnh tâm nguyện tắt là hai cách tập nhớ Chúa hiện diện : « mình nó thay thế được mọi thứ nguyện ngắm khác, nhưng thiếu nó thì gần như không còn cách nào khác đền bù. Thiếu nó, không thể chiêm ngưỡng hẳn hoi, và sống hoạt động cũng không sao tử tế. Nên cha khuyên con hết lòng vâng giữ, đừng bỏ khi nào (x. Saint FranÇois De Sales, Introduction à la vie dévote, ch.XII-XIII).

Nguyện ngắm và kéo dài việc này suốt ngày bằng cách tập nhớ Chúa luôn hiện diện bằng Lời Nguyện Tắt. Nếu vì lẽ gì mà phải lựa chọn một trong hai, ta phải lựa chọn phương pháp ‘tập nhớ Chúa hiện diện’.

 2. Theo thánh viện phụ Biển Đức (trong Tu Luật, 4):

– Lợi khí việc lành 49 : Xác tín Chúa nhìn ta mọi nơi. 

– Lợi khí việc lành 57 : Hằng ngày, trong giờ cầu nguyện,  khóc lóc than van, xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm quá khứ. 

˜™˜


 

TẬP NHỚ CHÚA HIỆN DIỆN

 

Tập nhớ Chúa hiện diện, chủ yếu giúp ta tránh lãng quên, nhờ năng trở về với Chúa. Trở về là tái lập trong linh hồn ta những tâm trạng đã có khi vừa nguyện ngắm, hoặc bảo tồn lấy nó, hoặc tăng cường nó lên, tùy theo trạng thái ta hiện thời.

Cha Chaminade dạy : « Đây là một nguyên tắc : ai không tập cho quen thói lành nhớ Chúa hiện diện, sẽ không nguyện ngắm bao giờ…  nên ngoài giờ nguyện ngắm, phải năng tập nhớ Chúa hiện diện cho quen ».

Không kể những giờ kinh nguyện chung, ta còn có thể nhớ Chúa nhiều lần giữa các công việc ta làm. Việc trở về với Chúa cốt yếu ở 3 nhịp :

– Tôi đặt mình trước uy nhan Thiên Chúa, rồi tự hỏi : Chúa muốn tôi làm gì ? Tôi sẽ thấy có Ngài hiển hiện ngay.

– Tôi có đáp lại không ? Tôi có cộng tác hành động với Ngài không ?

– Nếu không hoàn toàn vâng theo ý Chúa, tôi sửa lại và điều chỉnh chủ ý của tôi cho hợp với thánh ý Thiên Chúa. Nếu tuân giữ ý Ngài, sẽ không bảo tồn ý riêng.

– Nếu thờ ơ, sẽ tăng cường chủ ý bằng cách phú mình triệt để hơn cho Thiên Chúa tác động.

– Việc trở về với Thiên Chúa, vừa là tác phẩm Thiên Chúa, vừa là tác phẩm con người.

˜™˜


 

 

VIỆC TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA

 

Theo thánh FranÇois De Sales,  năng nhìn Chúa và nhìn ta , hoặc nhìn ta trong Chúa. Vắn tắt nâng trí ta lên với Chúa, như thế linh hồn ta bay lên với Ngài. “Hãy nhắc trí con nhớ Chúa hiện diện, mỗi ngày nhiều lần. Hãy nhìn coi việc Chúa làm với việc con làm. Con sẽ thấy mắt Chúa quay về phía con và đăm đăm nhìn con lên lĩ với niềm âu yếm tuyệt vời. Hồn ta hỡi, ta ở đâu ? Địa vị thật của ta, chính là Thiên Chúa. Thế mà ta hiện ở đâu bây giờ ? Philôthê, con hãy nâng khát khao vào trong Thiên Chúa bằng những cái vươn lòng vắn tắt nhưng nhiệt liệt (Esprit de Saint FranÇois De Sales, p.XI, ch. XII).

 

Theo thánh Viện Phụ Biển Đức, thánh nhân xem việc nhớ Chúa hiện diện là phương thế đầu tiên và linh diệu để huấn luyện đan sinh (TL 7,1; Tv 13,2). Thánh nhân vẫn trung hòa với việc canh giữ nội tâm. Chính bởi tôi « vững tin Thiên Chúa mọi chỗ nhìn tôi « (TL 49) tôi mới “mọi giờ canh giữ cử chỉ đời mình” (TL 48)  – Thiên Chúa nhìn ta ta nhìn Thiên Chúa. Thiên Chúa cho ta biết Ngài muốn ta làm gì, ta xét mình phải làm chi để đáp lại ý Chúa. Thiên Chúa đòi ta phúc đáp, ta cộng tác bằng cách điều chỉnh, bảo tốn hay gia tăng cường độ việc ta quy hướng tới Ngài.

 

– Ước ao làm vui lòng một mình Thiên Chúa

– Sống một mình mình trước uy nhan Thiên Chúa.

 

St 17,1 : hãy bước đi trước Ta (nghĩa là trước uy nhan Ta)

    và hãy nên hoàn hảo.

˜™˜


 

PHÚT XÉT MÌNH HẰNG NGÀY

(dùng sau Giờ Kinh Sáu và sau Giờ Kinh Tối)

 1. CHẮP TAY : tin Chúa hiện diện: thờ lạy Chúa.

 2. MỞ 2 LÒNG BÀN TAY (MẶT PHẢI BÀN TAY) RA TRƯỚC MẶT : xét mình về những gì ta đã làm tốt cho tha nhân… (tích cực).

 3. LẬT ÚP MẶT TRÁI 2 BÀN TAY RA TRƯỚC MẶT : xét mình về những gì ta đã làm xấu, hoặc biết tốt mà chưa làm cho tha nhân… (tiêu cực).

 4. LIÊN KẾT 2 ĐẦU NGÓN TAY CÁI VÀ 2 ĐẦU NGÓN TRỎ VỚI NHAU THÀNH HÌNH TRÁI TIM : tâm tình dâng Chúa và quyết tâm sửa lại những gì sai sót.

 5. CHẤP TAY : tạ ơn Chúa.

˜™˜


 

 

THAY LỜI KẾT

 

Tôi đã “đứng lên, đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm Người Yêu Dấu của lòng tôi” (Dc 3,2). Tôi đã tìm gặp Người Yêu Dấu của tôi.  Người Yêu Dấu của tôi là Ngôi Hai Thiên Chúa Chí Thánh và cũng chính là Thầy Giêsu, Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót, qua Hội Thánh của Người, tôi có một bản văn “tóm lược nhiều lời trong vài chữ” (x. Huấn ca – Sir 32,8)  sau đây :

 

I)-      “Không thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (TL 4,74) để đủ sức kiên nhẫn chịu mọi nỗi gian truân đời này: tật nguyền, bệnh hoạn, đau đớn, nghèo khổ, mồ côi, bị chống đối, bị loại trừ và các điều trái ý. Mọi bất hạnh đời này đều là dấu chứng của tình yêu đặc biệt Chúa dành cho ta, và là ước muốn của Chúa cho ta được cứu độ trong cuộc sống mai sau. Ngoài ra, hiểu cho thấu điều này: những việc hãm mình đẹp lòng Chúa nhất thì không phải là những việc ta tự chọn, song là những việc ta không muốn chút nào, do Chúa gửi đến cho ta.

Trong cơn bệnh tật, tìm vâng theo ý Chúa hoàn toàn. Như vậy ta sẽ đẹp lòng Chúa hơn là làm tất cả các việc đạo đức khác. Khi ấy, nếu ta không thể nguyện ngắm được,  ngước mắt lên Thánh Giá và dâng cho Chúa các đau khổ ta đang chịu để kết hiệp với các đau khổ Ngài chịu trên Thánh Giá. Và khi được người ta cho hay rằng ta sắp chết, đón nhận tin ấy trong bình an và trong tinh thần tận hiến, nghĩa là với ý muốn được chết cho đẹp lòng Chúa Giêsu Kitô. Ý muốn này làm nên công nghiệp của các thánh tử đạo. Khi ấy, thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây. Con muốn mọi điều Chúa muốn. Con muốn chịu mọi sự đẹp ý Chúa. Con sẵn sàng chết, nếu Chúa muốn”. Ta đừng xin được sống thêm để đền tội. Lãnh nhận cái chết trong vui tươi thực sự thì giá trị hơn mọi việc đền tội.

          Luôn vâng theo thánh ý Chúa trong các thử thách mà cuộc sống nghèo khó và các điều xuất phát từ sự nghèo khó mang lại.

          Biết vâng theo thánh ý Chúa khi phải mất cha mẹ, bạn hữu, ân nhân… Trong những nghịch cảnh, lặp đi lặp lại: Chúa muốn thế thì tôi cũng muốn thế. Và khi Chúa cất một người thân của ta về, đừng mất thì giờ khóc lóc vật vã,  dùng thời giờ mà cầu nguyện cho người đã khuất, và dâng cho Chúa Giêsu mất mát lớn lao này.

           Sau cùng, cố gắng chịu đựng trong kiên nhẫn và bình an những sự sỉ nhục và chống đối. Lấy sự hiền hậu mà trả lời kẻ xúc phạm ta. Song nếu thấy lòng mình không được bình tĩnh, tốt nhất là giữ yên lặng cho đến lúc tinh thần ta bình an. Đừng kể lể và phàn nàn về những bất công ta phải chịu. Dâng chúng cho Trái Tim Chúa Giêsu, Đấng đã chịu bao đau khổ vì ta.

 

II)-     Lấy sự ngọt ngào, nhân từ và quảng đại mà đối xử với mọi người: bề trên hay bề dưới, người thân hay kẻ lạ, kẻ vĩ vọng hay người bần hàn, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ và bệnh hoạn tật nguyền, và càng đặc biệt hơn nữa là với những người đang tìm cách hại ta.

Khi ta sửa dạy ai, sự dịu dàng quí hơn mọi lý lẽ. Vậy giữ sự dịu dàng ngay giữa cơn giận. Khi giận, ta sẽ luôn pha vị đắng hoặc trong điều ta nói hoặc trong cách ta nói. Cũng chú ý khi sửa dạy kẻ đang nóng giận, nếu không, ta sẽ chỉ là kẻ đổ dầu vào lửa mà thôi.

 

III)-    Không ghen tuông với những kẻ giàu có, vinh dự, quyền thế. Không ghen với những sự khen lao mà họ được dâng tặng. Thi đua với những người yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhất. Bởi vì họ đang được sống sung sướng hơn tất cả những vua cả trần gian nay. Tạ ơn Thiên Chúa vì Người cho ta nhận ra sự phù vân của mọi của cải đời này, là thứ đã làm cho biết bao kẻ hư mất đời đời.

 

IV)-    Trong mọi tư tưởng và hành động, đừng bao giờ tìm sự thỏa mãn riêng của mình, một chỉ tìm điều làm đẹp lòng Chúa. Đừng buồn vì không được thuận buồm xuôi gió. Khi thành công, đừng tìm kiếm khen ngợi và lời cám ơn nơi loài người. Nếu ngược lại, người ta nói xấu ta, thì đừng phản đối làm gì, bởi ta đã làm việc vì muốn làm đẹp lòng Chúa chứ không phải làm đẹp lòng người ta.

 

V)-     Đây là những phương thế chính yếu để nên trọn lành:

 

1/ Tránh mọi tội, dù nhẹ. Tuy nhiên, nếu có lỡ sa ngã thời đừng giận mình, đừng mất kiên nhẫn với chính mình. Khi ấy, trong an bình, làm một hành vi đền tội và yêu mến Chúa Giêsu, rồi quyết không xúc phạm đến Chúa nữa, và xin Người ban cho ơn được sống trung tín.

         

2/ Ước ao nên trọn lành như các thánh và chịu mọi đau khổ cho được đẹp lòng Chúa Giêsu Kitô. Nếu chưa có ao ước ấy, cầu xin Chúa ban cho. Bởi vì nếu không thực sự ước ao thánh hóa chính mình, chúng ta sẽ không boa giờ tiến bộ được.

 

3/ Quyết tâm sống trọn lành. Không có sự quyết tâm chắc chắn này, ta sẽ sống nhu nhược, không bao giờ đủ can đảm vượt thắng các trở ngại. Ngược lại, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, một tâm hồn luôn cương quyết sẽ chiến thắng mọi sự.

4/ Mỗi ngày phải dành ít là 1 giờ, để nguyện ngắm. Đừng bỏ, ngoại trừ trường hợp thật cần thiết, dù cho phải chán ngán, khô khan, bận bịu đến mấy đi nữa. Giờ nguyện ngắm này cử hành trước Thánh Thể Chúa Giêsu, quả là tuyệt vời.

 

5/ Rước lễ thường xuyên theo ý cha giải tội. Các việc hãm mình bề ngoài (như ăn chay…), nếu thực hiện mà không có phép của cha giải tội hay của bề trên, thì chỉ tàn phá sức khỏe và đẩy ta vào chỗ ham mê vinh quang giả trá. Mỗi người cần có cha linh hướng.

 

6/ Cuối cùng, cầu nguyện liên tục. Tỏ cho Chúa Giêsu mọi nhu cầu của ta. Xin các thiên thần bản mệnh giúp đỡ. Xin các thánh, nhất là Đức Mẹ, cầu bầu cho ta. Cầu nguyện là nguồn mọi ơn lành. Mọi ngày, chúng ta phải đặc biệt xin Chúa ban ơn bền đỗ. Ai xin ơn ấy sẽ được như lòng sở cầu. Kẻ không xin ơn ấy sẽ không được bền đỗ, và phải hư đi mất. Xin Chúa Giêsu ban cho ta tình yêu thánh thiện và sự vâng theo thánh ý Chúa cách hoàn hảo. Đừng bao giờ quên dựa vào công nghiệp Chúa Giêsu mà cầu nguyện. Những lời cầu xin ấy, ta làm mỗi sáng khi thức dậy, lặp lại khi nguyện ngắm, khi rước lễ, khi viếng Thánh Thể, và khi làm mọi hành vi có ý thức khác. Tuy nhiên, chính trong cơn cám dỗ mà người ta bị buộc phải xin Chúa cứu giúp hơn cả, để có thể chống trả, nhất là khi bị cám dỗ lỗi đức khiết tịnh. Khi ấy, liên tục kêu tên cực trọng Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Ai cầu nguyện sẽ thắng. Kẻ không cầu nguyện sẽ thua.

 

VI)    Về đức khiêm nhường. Ta đừng kiêu ngạo vì những sự giàu có, vinh dự, phẩm tước, những tài năng tự nhiên hay siêu nhiên…Luôn nhớ là chúng đến từ Thiên Chúa. Ngược lại, ta thấy mình là kẻ bất xứng nhất trong nhân loại, yêu mến sự mình bị khinh dể hơn người. Đừng làm một đàng nhận biết rất rõ mình tồi tệ hơn người, đàng khác lại muốn mình được kính trọng hơn người. Đón nhận mọi sự sửa dạy với lòng khiêm nhường, đừng biện minh, cả khi người ta quở trách ta, trừ trường hợp cần thiết để khỏi gây gương mù gương xấu.

Giữ mình khỏi ao ước được hưởng sự ca ngợi khen lao của thế gian. Luôn đặt trước mắt lời khôn ngoan của thánh FranÇois De Sales: “Ta là gì trước Nhan Thánh Chúa thì ta hãy sống đúng như vậy”. Thật là bất xứng khi một Đan Sĩ mà lại đi tìm cho được những chức vụ tôn quí hoặc tìm cách cho được làm Bề Trên trong Cộng Đoàn. Vinh dự của một Đan Sĩ là được phục vụ mọi người trong bổn phận.

 

VII)-   Đuổi khỏi lòng ta mọi loài thụ tạo. Bao lâu còn bị ràng buộc với bất cứ loại vật gì dưới đất này, dù nhỏ đến mấy đi nữa, chúng ta cũng không thể bay đến cùng Thiên Chúa và kết hợp nên một với Người cách hoàn hảo được.

Đừng quá quyến luyến với cha mẹ, bạn bè, thân hữu cách trái lẽ, nhất là trong việc chọn ơn kêu gọi.

Phải biết từ bỏ mọi sự kính trọng của nhân loại, mọi công việc hão huyền nhân loại, và đặc biệt phải biết từ bỏ ý riêng mình. Tắt một lời; phải từ bỏ mọi sự để có được mọi sự, như thánh Tomas A-Kemps đã nói.

 

VIII)-  Dù chuyện gì xảy đến, chúng ta cũng đừng bao giờ giận dữ. Nếu có lỡ nóng giận, chạy ngay đến với Chúa và tránh làm hoặc nói bất cứ gì cho đến khi chắc chắn rằng lòng mình đã được bình an. Thật là điều tốt nếu ta thường xuyên chuẩn bị, bằng nguyện ngắm, đón nhận mọi sự có thể xảy đến, để trong mọi trường hợp, ta không phải sai lỗi gì. Năng nhớ lời của thánh FranÇois De Sales: “Tôi chưa bao giờ nóng giận mà sau đó lại không phải hối hận”.

 

IX)-    Tất cả sự thánh thiện hệ tại lòng yêu mến Thiên Chúa, và tất cả sự yêu mến Thiên Chúa cốt ở việc thực hiện thánh ý Người. Chúng ta lãnh nhận mọi cảnh huống cuộc sống mà Chúa Quan Phòng dành cho ta, không trừ ra bất cứ thứ gì. Ta ôm lấy trong bình an mọi sự Chúa muốn cho xảy ra, dù đó là điều hợp ý hay điều trái ý ta.

Trong mọi giờ cầu nguyện, xin cho được ơn thực thi thánh ý Chúa luôn.

Để được chắc chắn rằng mình đang làm theo thánh ý Chúa, hoàn toàn tuân phục Bề Trên và Cha Giải Tội. Thánh Philippe Néri dạy: “Không gì chắc chắn là bạn đang làm theo thánh ý Chúa cho bằng làm việc vì đức vâng lời, miễn đó không phải là việc sai quấy rõ ràng”.

 

X)-     Có hai phương cách chống trả các cơn cám dỗ: kiên nhẫn và cầu nguyện.

 

1- Kiên nhẫn: vì mặc dù các cơn cám dỗ không đến từ Thiên Chúa, song Thiên Chúa cho phép chúng xảy ra, vì ích lợi cho ta. Biết kiên nhẫn, dù chúng quấy rầy ta thế nào đi nữa. đặt mình dưới thánh ý Chúa, Đấng cho phép chúng xảy ra. Và muốn đẩy lui cơn cám dỗ, thì cầu nguyện.

 

2- Cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ và chắc chắn nhất để chiến thắng ma quỉ. Các tư tưởng xấu, dẫu chúng báng bổ và đáng xấu hổ mấy đi nữa, không phải là tội lỗi: chỉ sự ưng nhận chúng mới là tội thôi. Liên tục kêu tên cực trọng Đức Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria, bạn sẽ không thua trận bao giờ. Ngay giữa cơn cám dỗ, thật là tốt nến ta giục lòng nhất định thà chết còn hơn là phạm tội xúc phạm đến Chúa. Cũng thật là tốt lành nếu ta làm dấu thánh giá với nước thánh nhiều lân. Cũng là việc tốt nếu ta bày tỏ côn cám dỗ với cha giải tội. Song phương thế tuyệt hảo và khẩn thiết hơn cả vẫn là cầu nguyện. Xin Chúa Giêsu và Đức Mẹ cứu giúp, để ta đủ sức mạnh mà chống trả.

 

Năng dùng Lời Nguyện Tắt.

 

+ Lời Nguyện Tắt truyền thống đan tu :

“Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con” (Tv 69,2)

 

+ Có thể dùng lời Nguyện Tắt  khác, như:

“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

 

XI)-    Trong các cơn thử thách thiêng liêng, có 2 nhân đức chính yếu mà ta phải thực thi:

 

1/ Khiêm nhường nhận chân rằng mình đáng bị như thế;

 

2/ Đón nhận thánh ý Chúa và phó mình cho lòng từ bi nhân lành vô cùng của Người.

Khi Chúa yên ủi ta, ta chuẩn bị đón nhận các cuộc thanh luyện mà Chúa thường có thói quen gởi đến sau đó. Ngược lại, khi phải lâm vào cơn buồn phiền, khiêm nhường đặt mình dưới thánh ý Chúa, và cơn thử thách sẽ giúp ích cho ta nhiều hơn sự an ủi.

 

XII)-   Để luôn kiên trung trên đường lành, cần phải khắc sâu trong trí những châm ngôn liên quan đến sự sống đời đời, ví dụ: Mọi sự trên trần gian này đều có cùng hạn, chẳng kể là sung sướng hay đau khổ. Cõi vĩnh cửu thì chẳng bao giờ có cùng cả.

Khi người ta chết, ích gì tất cả những sự vĩ đại trần gian này? Mọi sự từ Thiên Chúa mà đến, bất kể là thuận tình hay trái ý ta, thì đều là điều tốt và đều sinh ích cho ta được. Từ bỏ tất cả để có mọi sự.

Không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng bao giờ có sự bình an đích thực. Chỉ có một điều cần kíp: Yêu mến Thiên Chúa và rỗi linh hồn. Mất Thiên Chúa là mất tất cả.

Kẻ không ước ao gì ở trần gian này chính là kẻ làm chủ cả trần gian này. Ai cầu nguyện sẽ được cứu; ai không cầu nguyện sẽ hư mất. Hoặc chết hoặc làm vừa lòng Chúa.

Để tậu được Nước Thiên Chúa, mọi khó khăn đều là quá ít. Ta có thể chịu được mọi dự khi biết nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Mọi việc ta không làm vì Thiên Chúa đều trở nên cực hình. Người yêu mến Thiên Chúa tìm thấy sự ngọt ngào trong mọi sự. Kẻ không yêu mến Người thì chỉ thấy phiền sầu và nước mắt.

Kẻ chỉ ước ao một mình Thiên Chúa sẽ có mọi sự làm gia nghiệp. Phúc cho ai nói thật lòng:

Lạy Chúa Giêsu,

con chỉ muốn một mình Chúa !

Và luôn tâm niệm :

“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

 

 

 

Ghi nhớ

Cộng Đoàn Xitô Thánh Mẫu An Phước

Được nâng lên hàng ‘Đan Viện tự trị’

(Monasterium Sui Iuris)

2006  – 30/08 –  2016

 

 

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU AN PHƯỚC

 

Địa sở

Số 01 – Ấp 08 – Xã An Phước      

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

Liên lạc

Hộp Thư 13- Bưu Điện Tam Phước

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

Email: dv.anphuoc@yahoo.com

ĐT: 0613.511.560

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI