Thứ Tư, 19 Tháng 3, 2025

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

I, Ghi nhận sự kiện

Chúng ta đã biết Chúa Nhật II sau lễ Phục Sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa Nật 8 ngày sau lễ PS, Chúa Nhật áo trắng, Chúa Nhật Bát Nhật sau lễ Chúa Phục Sinh. Đến năm 2000, thánh Gioan Phaolô II đặt thêm một danh xưng  nữa, đó là “Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót” trong dịp phong hiển thánh cho Thánh nữ Faustina, người Ba Lan, và ngài đã ấn định: kể từ năm 2010 về sau thì Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.

Năm 1930, Chúa Giêsu đã chọn nữ tu Faustina để phổ biến cho thế giới lòng thương xót bao la của Ngài. Nữ tu này đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu và vẽ nên bức hình của Ngài với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”. Trong bức ảnh, Chúa Giêsu mặc áo trắng, tay phải Ngài đưa lên ban phép lành và tay trái thì đặt vào ngực. Từ trái tim Chúa Giêsu tỏa ra luồng sáng đỏ và xanh nhạt, biểu tượng cho máu và nước đã đổ ra trong cuộc khổ nạn khi trái tim của Ngài bị đâm thâu qua trên thánh giá. Ánh sáng đỏ tượng trưng cho máu phát sinh sự sống cho linh hồn. Chúa Giêsu đã yêu cầu chị Fatina làm thư ký và Tông đồ của lòng Chúa thương xót. Chúa truyền cho chị ghi lại những lời Chúa nói để hướng dẫn cho mọi người cùng học hỏi để tin tưởng và phó thác cho Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chị Faustina biết lòng thương xót của Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho những tội nhân nặng nề nhất, ngay cả đối với những người tuyệt vọng. Ngài mong muốn mọi người đi xưng tội và rước lễ trong ngày lễ lòng Chúa thương xót để được ơn tha thứ mọi tội lỗi và hình phạt. Chúa Giêsu đã tuôn đổ cả đại dương ân sủng trên những linh hồn đến với lòng thương xót của Ngài. Mọi tội lỗi đều được Thiên Chúa thứ tha, bởi vì lòng thương xót của Ngài lớn hơn tội lỗi.

Trên đây là những ý tưởng được ghi lại từ cuộc mặc khái của Chúa Giêsu cho chị Faustina.

II, Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót

Hôm nay chúng ta nhớ lại phương thức Chúa Giêsu đã dùng  để tỏ lòng thương xót đối với chúng ta. Trước hết Tin Mừng thánh Gioan xác quyết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16). Rồi đến lượt Chúa Giêsu, hiện thân tình thương của Thiên Chúa, từ một Thiên Chúa cao sang vô cùng đã hóa thân làm người, sinh ra trong cảnh nghèo hèn trong hang bò lừa hôi hám. Quả thật tình yêu Thiên Chúa diệu vợi làm sao ai hiểu được. Trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không ngừng thi ân giáng phúc cho con người, cho tất cả những ai yếu đuối, nghèo hèn, tội lỗi. Ngài vui lòng để cho một phụ nữ đĩ điếm khét tiếng trong thành đến tửa chân cho Ngài bằng bình nước hoa quý giá, và lấy tóc mà lau chân Ngài. Ngài tạo cho chị cơ hội làm lại cuộc đời. Ngài đến nhà ôg Giakêu , 1 người thu thuế bị mọi người kết án và xa lánh, Ngài ban cho ông và cả gia đình được ơn cứu độ.

Trước khi ra đi nộp mình chịu chết, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với con người trong cuộc đời gian khổ trên thế gian. Cuối cùng Ngài đã chấp nhận chịu đau khổ và mang lấy tội lỗi của con người để chịu đóng đinh, chết ô nhục trên thập giá. Cái chết ấy thực sự là một biểu tượng hùng hồn của một tình yêu vĩ đại và mạnh liệt hơn sự chết, chết cho người mình yêu, như Ngài đã tuyên bố: “Không có tình yêu nàio cao cả hơn tình yêu của Người thí mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Trong bài giảng thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ chánh tòa Rôma ngày 07/04/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Đây là một chân lý đức tin tuyệt đẹp cho đời sống chúng ta: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao và sâu đậm: đó là một tình yêu bất diệt…

Các phép lạ Ngài đã thực hiện trong cuộc đời trần thế của Ngài, như chữa lành các bệnh tật, trừ quỷ, cho kẻ chết sống lại,… đặc biệt là dụ ngôn về tình phụ tử trong Tin Mừng thánh Luca chương 15, và cuối cùng Ngài đã chấp nhận chịu đau khổ và chết ô nhục trên thập giá. Như thế, cao điểm của lòng thương xót của Thiên Chúa là chết cho người mình yêu, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Quả thật tình yêu của Chúa Giêsu thật anh hùng, nếu không Ngài sẽ không hấp dẫn được ai; tình yêu Ngài tuyệt vời, nếu không Ngài không lôi cuốn được ai dám mạo hiểm. Tình yêu Ngài toàn năng, nếu không Ngài không khiến được ai dấn thân đi tìm Ngài. Và chính vì anh hùng, tuyệt vời và toàn năng mà lòng thương xót của Ngài là nguyên nhân đau khổ của Ngài, vì như người ta thường nói: Một lần yêu là phải trăm lần đau khổ.

Tình nào cũng đòi hỏi đi đến tận cùng lý lẽ của nó. Đường tình nào cũng đòi hỏi có cây số cuối cùng. Không cuộc tình nào chịu dở dang, không đường tình nào muốn rẽ ngang, không ân tình nào muốn đứt gánh giữa đường. Và đích điểm cuối cùng của cuộc tình ấy là cái chết cho người mình yêu. Đó là điều Chúa Giêsu đã thực hiện. Ngài đã yêu suốt đời, Ngài muốn yêu bằng tình yêu lớn nhất, thứ tình yêu dám đương đầu với cái chết. Khi chọn cuộc tình này, Ngài đã phải chấp nhận chết để chứng mình tình yêu của Ngài. Ngài chết vì tình yêu, vì lòng thương xót, và Ngài chết liên lỉ suốt cuộc hành trình dong duổi yêu thương. Nhưng cũng vì tình yêu và lòng thương xót đầy hy sinh ấy mới giúp chúng ta hiểu được phần nào ý nghĩa của thánh giá, vì thánh giá là biểu tượng tột đỉnh của lòng thương xót Chúa.

 

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Đó là tình yêu của một người hiến dâng cho tất cả mọi người. Đó là hy sinh của một người cho muôn người. Đó là lý tưởng của một người sống và chết cho mọi người. Lòng thương xót của Chúa là thế đó.

Như vậy, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng thương xót tuyệt vời đối với nhân loại chúng ta bằng cái giá phải trả trên Thập Giá, bằng cái chết thân xác tàn tạ, với quả tim bị xé nát, máu cùng nước chảy ra đến giọt cuối cùng. Vậy suy tôn lòng thương xót của Chúa là chúng ta đi vào tâm tình của Ngài, là sống mạch sống yêu thương của Ngài, là chấp nhận sự đau thương thiệt thòi mất mát, và chết cho anh em đồng loại được sống, được hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu là nguồn mạch muôn thuở của chúng con, hôm nay khi chiêm ngưỡng lòng thương xót của Chúa, chúng con được mời gọi sống và thực hành đạo lý yêu thương và lòng thương xót của Chúa để chúng con nên môn đệ của Chúa, Đấng đầy lòng thương xót.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI