Thứ Ba, 16 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA BA NGÔI

LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI-A (2 Cr 13,11-13)
 
I.          Khởi đầu Thánh Lễ, Chủ Tế chào Cộng Đoàn : “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”. Đây là  một trong những công thức chúc lành, Hội Thánh mượn từ 2 Cr 13,13 của BĐ II hôm nay.
 
 
II.          Thư 2 Côrintô được thánh Phaolô viết trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba, năm 53-58, có lẽ từ Êphêsô. Tuy ‘Thư’ này được viết trong lúc có thái độ chống đối của các tín hữu Côrintô đối với ngài, nhưng ở phần kết thư, ngài lại tỏ ra hết sức nhân từ, xin họ sống hiệp nhất, thuận hòa. Một lời cầu chúc tuy vắn, không chỉ ngài muốn nhắn gởi lời chào thăm mà còn chuyển tải một giáo lý sâu sắc về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
(1) “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”:
Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho con người. Kế hoạch này được thực hiện nơi Chúa Giêsu, nên Ngài vừa là Ðấng Cứu Thế, là chính Ơn Cứu Độ. Ngài trở thành Ân Sủng, ‘Dung Nhan của Lòng Chúa Thương Xót’.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu thương còn hơn cả người mẹ yêu con cái. Người nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù người mẹ ấy có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Nên Người tiền định cho chúng ta được làm nghĩa tử của Người. Người không đòi điều gì của chúng ta. Người chỉ muốn chúng ta lấy tình yêu đáp lại tình yêu.
 
Thánh Phaolô gọi kế hoạch này là “kế hoạch yêu thương” (x. Ep 1,3-14).  Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Một làm bảo chứng tình yêu của Người, và Người muốn ta nhận Ân Sủng ấy bằng cách “tin vào Con của Người”. Ân Sủng của Chúa Giêsu được ban qua các Bí Tích mà Ngài đã thiết lập trong Hội Thánh.
 
(2) Tình yêu của Chúa Cha:
 Thiên Chúa Cha có nhiều đặc tính, nhưng đặc tính bao gồm tất cả đó tình yêu. Thánh Gioan cũng xác định điều này khi định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Vì tình yêu, Thiên Chúa đã làm mọi sự cho con người.
Do tình yêu này, Thiên Chúa đã sáng tạo chúng ta từ hư vô, ban cho chúng ta một giá trị vượt trên mọi thụ tạo trên mặt đất. Trước tình yêu sáng tạo này, con người có được chỗ đứng của mình trong tương quan với các tạo vật khác và nhất là với Ðấng Tạo Hóa (Tv 8 và 139).
Tình yêu ấy đã từ trời cao cúi xuống vực con người trỗi dậy và dìu dắt về với kế hoạch cứu chuộc. Kế hoạch ấy là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
 
(3) Ơn thông hiệp của Ch.Th.Thần:
Kế hoạch cứu chuộc đã phát xuất từ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, được thực hiện bởi Chúa Giêsu và được tiếp tục do Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên ủy sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên ủy sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau.
 
Công việc của Thánh Thần là tiếp tục hiệp nhất loài người trong Chúa Giêsu, để đem về với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần thúc giục chúng ta nhìn nhận tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha được biểu lộ qua Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần cũng mở lòng chúng ta tiếp nhận Ân Sủng là Chúa Giêsu.
 
Nên Chúa Giêsu tuyên bố tội phạm đến Chúa Thánh Thần là một thứ tội không thể thứ tha (x. Mt 12,31-32; Mc 3,29; Lc 12,10). Đó là tội con người mất lòng trông cậy vào Lòng Chúa Thương Xót, không còn nhận mình là kẻ có tội để xin ơn tha thứ. Nói cách khác, con người từ khước Ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu (x. GLCG 1864).
Cha Thánh Biển Đức khuyên bảo : “không bao giờ thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (TL 4,74).
 
III.        Alleluia. Chúa đã sống lại. Chúa Giêsu sống lại ban cho chúng ta sự sống mới trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nên, dù Cộng Đoàn Tín Hữu Corintô đang đương đầu với nhiều vấn nạn, thánh Phaolô vẫn mời gọi họ:
 
(1%) Vui mừng và cố gắng trở nên hoàn thiện. Các vấn nạn xảy ra là để giúp các tín hữu ngày càng trở nên hoàn hảo hơn. Cái khó ló cái khôn.
 
(2%) Đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Yêu thương nhau là mẫu số chung để giải quyết các vấn nạn trong cộng đoàn. Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng họ.
 
(3%) Người tín hữu thường có khuynh hướng khinh thường và khai trừ nhau. Quan tâm đồng cảm thân thiện bằng cử chỉ “hôn chào nhau cách thánh thiện”. Đó là bí quyết tiên quyết để cùng nhau giải quyết các vấn đề.
Vì, tất cả chúng ta có một địa vị cao cả trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đến nỗi cả Ba Ngôi đều đã vì yêu thương mà hướng về chúng ta. Chúng ta soi gương Ba Ngôi Thiên Chúa hướng đến tha nhân, để tha nhân cũng được lãnh nhận Ơn Cứu Độ. Mỗi khi ‘làm dấu Thánh Giá’, chúng ta xin ơn này.
 
 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI