Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA HIỂN LINH

LỄ CHÚA HIỂN LINH – B 

(Is 60,1-6; Ep 3, 2-3.5-6; Mt 2,1-12)

THỐNG HỐI

Giữa cảnh lưu đày u tối, ngôn sứ Isaia mơ tới ngày hồi hương. Và nhất là trong khi cả trái đất ngập chìm trong bóng tối, Giêrusalem được tái thiết huy hoàng, bừng sáng lên để thu hút muôn dân. Vì Chúa là Ánh sáng đang ngự ở đây. Giấc mơ của ngôn sứ Isaia chỉ được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Người chính là Ánh Sáng trần gian. Hôm nay chúng ta mừng lễ Hiển Linh, kỷ niệm việc ngày xưa Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ, đại diện cho lương dân. Ánh Sáng Giêsu vẫn còn chiếu sáng cho chúng ta hôm nay, chúng ta cùng thinh lặng để phản tỉnh về cuộc sống của chúng ta, xin Chúa cất đi những gì tạo nên những góc khuất cản trở không cho Ánh Sáng dọi soi vào.

– Lạy Chúa, Chúa đã cho các Đạo Sĩ được thấy ánh sao lạ, dấu chỉ để tìm đến Chúa. Hằng ngày, chúng con nhận được bao dấu chỉ của Chúa trong Hội Thánh, nhưng chúng con không quan tâm tìm ý Chúa qua những dấu chỉ này. 

Xin Chúa thương xót chúng con.

– Lạy Chúa Kitô, biết bao lời giáo huấn và ơn lành Chúa ban cho chúng con. Chúng con không quan tâm đồng cảm và chia sẻ cho những anh chị em ngoài Hội Thánh, nhưng những lời nói và việc làm của chúng con làm cho họ không nhận ra ánh sáng Chúa. 

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

– Lạy Chúa, lễ Chúa Hiển Linh nhắc nhủ chúng con ý thức Ánh Sáng không chỉ bùng lên trong Thánh Đường, mà còn “mở cửa ra” cho Ánh Sáng lan tỏa đến tận “vùng ngoại biên”. Nhờ Ánh Sáng này, muôn dân có được hạnh phúc hiện tại và niềm vui vĩnh cửu.

Xin Chúa thương xót chúng con.

SUY NIỆM

I. Khi dân Israel sắp vào Đất Hứa, không xa thành Giêricô bao nhiêu (x. Ds chương 22-24). Những người dân xứ Moab kinh hoàng trước sức tiến công của Israel. Họ tìm đến với một người tên Balaam, để nhờ ông ta ‘ếm bùa’ Israel.

Thiên Chúa can ngăn Balaam trong giấc mộng. Lúc đầu ông theo lệnh Thiên Chúa nhưng sau từ chối. Ông cưỡi con lừa cái của mình lên đường. Thiên Chúa hiện ra cho con lừa dưới dạng một Thần sứ với gươm tuốt trần cầm tay. Con lừa tránh sang một bên và phóng xuống ruộng. Balaam đánh đập và hành tội con vật. Nó lại chui vào một khúc đường trũng và hẹp, vô phương tới lui hay nhúc nhích bên này bên kia. Con lừa đáng thương quỵ xuống dưới làn roi tới tấp. Lúc ấy, Thiên Chúa cho nó mở miệng nói: nó trách Balaam đối xử với nó tàn nhẫn quá. Balaam nhìn ra được vị thần sứ với lưỡi gươm trần, ông quì xuống sấp mặt bái lạy. Sau đó, ông được tiếp tục ra đi, nhưng chỉ được phép nói trước mặt thù địch của Israel điều thần sứ bảo !

Ông Balaam chúc phúc cho Israel: “Ai nào đếm được số đông của Giacob và Israel? Một ngôi sao mọc lên từ Giacob và một vương tướng xuất từ Israel sẽ đập tan Moab lẫn Eđom? (x. H.Denis, trong “100 mots pour dire la soi”, Desclée de Brouwer, tr. 71-72).

II.         “Một ngôi sao mọc lên từ nhà Giacob”. Ngôi sao mọc lên từ nhà Giacob là Chúa Giêsu. Nhờ ngôi sao này, các đạo sĩ gặp được Vị Thiên Chúa làm người là Chúa Giêsu.

Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Ðông xứ Palestine. Các ngài nhận ra có ngôi sao lạ, tin đó là điềm báo về một Ðấng cứu tinh đã sinh ra, các ngài đã đi theo ánh sao và tìm đến với Hài Nhi Giêsu. Cuộc hành trình của các ngài không dễ dàng vì có lúc ngôi sao biến mất. Nhưng nhờ các ngài kiên trì, các ngài gặp lại ngôi sao xưa, và cuối cùng các ngài đã tìm đến nơi. Thánh sử Matthêu cho biết lý do thúc dục các đạo sĩ lên đường là vì các ngài “đã thấy ngôi sao của Hài Nhi xuất hiện bên Phương Ðông”. Ngôi Sao là một dấu chỉ thôi thúc lên đường. Nhờ ngôi sao lạ mà các đạo sĩ đã tìm ra Ðấng Cứu Thế.

Cuộc hội ngộ này, tạo nên một lễ hội. Lễ hội này khởi đầu từ các thiên thần loan báo cho các mục đồng đến gặp Đức Maria và thánh cả Giuse bên nôi của một Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ. Trong lễ hội này, Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Hài Nhi, để nhân loại trông thấy được Vị Thiên Chúa vô hình trong cái hữu hình (tự làm cho mình có thể trông thấy được – epiphaino). “Đấng ở xa đã trở thành gần; Đấng không thể đạt tới được đã muốn có thể đạt tới được, Đấng hiện hữu trước thời gian bắt đầu ở trong thời gian, Chúa vũ trụ che dấu sự cao cả sự uy nghi của Người để mặc lấy bản chất tôi tớ” (x. thánh Lêô Cả – Bài giảng Lễ Chúa Giáng Sinh, 2.1).

            Lễ hội mừng Chúa Giáng Sinh rực sáng thêm lên với sự thờ lạy của ba Đạo Sĩ nhận ra nơi Hài Nhi là Đấng Cứu Thế mà muôn dân mong đợi. Hội Thánh kêu gọi Dân Chúa “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi mà tiến bước” (x. Is 60,1-3).

Trong lễ hội mừng Chúa Giáng Sinh, điểm nhấn là : bằng sự khiêm hạ nhập thể và xuống thế để được bước vào kiếp người, Thiên Chúa trở nên gần gũi với con người để nâng con người lên tới sự cao cả đích thật của Người. Thiên Chúa, chia sẻ thân phận con người, để con người tái khám phá phẩm giá của mình là con Thiên Chúa. Hội Thánh khẳng định : “chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mầu nhiệm của con người mới tìm thấy ánh sáng thật” (Gaudium et Spes, 22).

Tiếp đón Ngôi Sao Giêsu là tiếp đón sự sống của Thiên Chúa, để đem ánh sáng vui tươi đích thật của Thiên Chúa đến cho người khác. Sự tiếp đón này lan tỏa ra thành một lễ hội, lễ hội mừng Chúa Giáng Sinh, đất trời giao duyên. Lễ hội về một cuộc trao đổi kỳ diệu “admirabile commercium” giữa thiên tính và nhân tính, mà thánh Anselmo Alessandria xác tín : “Con Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành Thiên Chúa” (De Incarnatione, 54,3; PG 25,192).

III.        Sự trao đổi kỳ diệu ấy trở thành cụ thể trong Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những gì là của chúng ta: bánh và rượu, là hoa qủa trái đất sản sinh từ công lao của con người. Khi Người chấp nhận và biến đổi chúng, bằng cách trao ban chính Người cho chúng ta và trở thành lương thực cho chúng ta, để khi rước Thánh Thể Người là chúng ta hiệp thông vào đời sống  thần linh của Người.

Chúng ta rước Thánh Thể Chúa Giêsu mỗi ngày (hoặc Rước Lễ thiêng liêng), hành vi đó làm cho Ngôi Sao xưa kia xuất hiện dẫn đường cho ba Đạo Sĩ thế nào, nay cũng tỏa sáng trong con người tiếp nhận Thánh Thể Chúa Giêsu, để trở thành Ngôi Sao dẫn đường cho anh chị em mình gặp nhau trong sinh hoạt thường ngày, không chỉ để thờ kính mà còn để được bình an hạnh phúc trong cuộc sống này. Vì đây là kế hoạch ân sủng, Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại Ân Sủng là Chúa Giêsu, để trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu mà mọi người, “cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.

Thiên Chúa muốn có sự cộng tác của loài người, nghĩa là cần họ phải kết hiệp với Chúa Giêsu (Kitô hữu) và đón nhận Tin Mừng (để cho Tin Mừng thay đổi lối sống). Nên việc Hiển Linh, không phải chỉ như một biến cố ba Đạo Sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu, nhưng với nội dung là chính kế hoạch ân sủng của Người được thể hiện nơi Chúa Giêsu, và bổn phận của chúng ta là tiếp nhận ân sủng ấy (x. BĐ II). Vì chỉ “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI