Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA KITÔ VUA (Lc 23,35-43)

LỄ CHÚA KITÔ VUA  (Lc 23,35-43)

 

I.          Thời Chúa Giêsu, dân Do Thái mong chờ một vị vua để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Roma. Nên sau phép lạ bánh hoá nhiều, họ đã muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua (x. Ga 6,1-15). Sách Tin Mừng Luca trình bày Người có quyền năng “vua” để trở nên ‘Giêsu cứu nhân độ thế’, là có từ trên Thánh Giá. Vương quyền này là do việc Người tuyệt đối vâng phục Chúa Cha (x. Pl 2,6-11). Một vị vua là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Tông Huấn Misericordiae vultus, 1).

II. Trong giờ phút đăng quang, thánh Luca cho ta một hình ảnh tương phản giữa những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa Giêsu và những kẻ tôn vinh Người.  – Một bên gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo Israel, binh lính Roma và một tên gian phi bị đóng đinh, họ cùng nhau nhục mạ Người.  – Một bên là dân chúng kính cẩn đứng nhìn và tên gian phi hối cải, họ đã can đảm bênh vực, tuyên xưng Chúa Giêsu vô tội và cầu xin Người cứu độ mình.

a)  Những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa Giêsu đã nhìn vương quyền ấy theo nhãn quan riêng của họ. 

Đối với binh lính, vương quyền là có quyền hành như một ông vua trần gian. Do đó, họ không thể chấp nhận một người đã bị họ đóng đinh vào thập giá lại có thể xưng mình là “vua dân Do thái” được. 

Tên gian phi nhục mạ Chúa thì chỉ nhìn vương quyền của Chúa dựa trên nhu cầu riêng tư của hắn.  Vì Chúa Giêsu không thể tự cứu mình và cứu được hắn, nên Chúa Giêsu cũng chẳng hơn gì hắn.

 Nhưng đối với những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái, cái nhìn của họ về vương quyền của Chúa Giêsu phức tạp hơn. Khi đặt câu hỏi giả dụ Chúa Giêsu là “Đấng Kitô”, chắc chắn họ đã hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu Kitô ấy. Là những người học biết và tin vào Kinh Thánh, họ hiểu Đấng Kitô là ai theo sấm ngôn của Isaia nói về Người Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn:  “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.  Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6).  Nhưng đối với họ, Chúa Giêsu chỉ là một anh thợ mộc đến từ Nazarét miền Galilê. 

Những người ở Giêrusalem đặt câu hỏi Chúa Giêsu có đích thực là Đấng Kitô không và họ tự trả lời:  “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi;  còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27).

 Tóm lại, họ không muốn nhìn nhận sứ mệnh cứu thế của Chúa Giêsu, mặc dù Chúa Cha đã đích thân giới thiệu:  “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn” (Lc 9,35), hoặc chính Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định:  “Tôi đâu có tự mình mà đến.  Đấng đã sai tôi đến là Đấng chân thật.  Các ông không biết Người.  Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi” (Ga 7,28-29).b)Trái ngược với những kẻ phủ nhận vương quyền của Chúa Giêsu là nhóm dân chúng “đứng nhìn” và nhất là người gian phi thống hối.  Những kẻ phủ nhận thì ồn ào buông lời chế giễu Người. Còn những người nhận biết Chúa Giêsu thì giữ thái độ im lặng kính cẩn hoặc tha thiết cầu xin Người. 

Chính trên thập giá, Người đã biểu lộ tột đỉnh của tình yêu, và tình yêu đã nói lên cung cách của người “thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13), và sẵn sàng tha thứ tất cả (x. Lc 23,34). Tình yêu đã biến đổi lòng nhóm dân chúng. Họ không theo thói a dua của người đời mà khinh bỉ người tử tội Giêsu, giống như nhóm lãnh đạo tôn giáo, tên gian phi không hối cải và binh lính đã làm. Nhưng họ đang “đứng nhìn”, một thái độ chiêm ngưỡng để cố gắng nhận ra chiều kích “dài, rộng, cao, sâu” của tình yêu Thiên Chúa (x. Ep 3,14-21).

          Tình yêu trên thập giá cũng biến đổi tâm hồn người gian phi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu, giúp anh thống hối nhận biết Chúa Giêsu là ai và mình là ai.  Anh khẩn cầu Chúa:  “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”  Anh còn nhận ra được Chúa Giêsu không chỉ là một người vô tội, nhưng hơn thế nữa, Người còn là “ông Giêsu”.  Đây là lần duy nhất trong sách Tin Mừng, Chúa Giêsu được gọi đích danh mà không phải bằng các tước hiệu. Thánh danh “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. 

            III.        Năm 1925, ĐTC Pio XI đã lập ra ngày lễ kính Chúa Giêsu Vua, để nhắc nhớ đến Công Đồng Nicea năm 325, và tuyên xưng Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, Vua lòng mỗi người.

Chúa Giêsu là một vị Vua chỉ vì muốn cứu độ muôn người: Người tự hiến cúi xuống với con người, Người tận hiến mạng sống cho con người, và Người thánh hiến để con người được sống muôn đời với Người trong vương quốc vĩnh cửu.

Chúng ta tôn vương Chúa Giêsu ngay trong cuộc sống hôm nay, bằng việc cầu nguyện cho nhau luôn biết dùng ‘khí giới vâng phục mà chiến đấu dưới cờ Vua Giêsu’ này (x. TL, lời mở, 3). Đồng thời, chúng ta lập đi lập lại trong suốt cuộc sống mình lời kêu cầu với Người:  “Lạy Chúa, xin nhớ đến con” (Lc 23,42). 

Christus Vincit,

Christux Regnat,

Christus Imperat.

 

(mời nghe nhạc : https://gloria.tv/video/xoNxkpQPqdRM4gF3b1YSAUZwv).

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI