Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

LỄ CHÚA THÁNH THẦN
(1 Cr 12, 3-7.12-13; Ga 7, 37-39)
      
I.          Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Sau 50 ngày hoan lạc sống lại, Chúa Giêsu đã gởi Chúa Thánh Thần từ trời xuống trên các tông đồ. Chúa Thánh Thần biến đổi các tông đồ đang co cụm vì sợ hãi trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện. Chúa Thánh Thần hoạt động trong các Bí Tích và làm cho Kinh Thánh trở nên sống động với chúng ta. Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn ban cho những ai mở rộng lòng với Người những ân huệ của Người (x. YOUCAT, 118-119).    
 
II-a.      Các ân huệ của Chúa Thánh Thần, sách Isaia 11,1-3 ghi: “Từ gốc tổ Giêsê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Giavê sẽ ngự trên vị này: Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Giavê. Lòng kính sợ Giavê làm cho Người hứng thú”. Ngôn sứ Isaia chỉ nói đến 6 ơn Thần Khí. “Ơn kính sợ” được lặp lại hai lần, nên bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp và Latin đổi thành “ơn hiếu thảo”, tất cả là 7 ơn.
Con số 7 tượng trưng sự sung mãn. Ngôn sứ Isaia nói đến các đức tính của Đấng Mêsia. Còn thánh Augustino và thánh Gregorio Cả áp dụng vào những ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu. “Ân huệ” lớn nhất là “ơn agape – ơn lòng mến” (x. Rm 5,5), là chóp đỉnh của mọi thứ ân huệ (x. 1 Cr 13,13).
Đến thời Trung Cổ, Hội Thánh trình bày :
Có 4 ơn thuộc về trí tuệ :
– Một. Ơn Khôn Ngoan, giúp chúng ta gắn bó với Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc chân thật.
– Hai. Ơn Hiểu Biết, giúp chúng ta sự hiểu biết sâu sắc các chân lý đức tin.
– Ba. Ơn Thông Minh, giúp chúng ta phân định giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin.
– Bốn. Ơn Biết Lo Liệu, giúp chúng ta biết chọn con đường hợp ý Chúa và ngoan ngoãn đi theo.
Có 3 ơn thuộc về ý chí :
– Năm. Ơn Hiếu Đễ, ban cho chúng ta tôn thờ Thiên Chúa với tinh thần con thảo (hiếu) và tương quan với mọi người như con cái cùng một Cha (đễ).
– Sáu. Ơn  Dũng Mạnh, giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn đau khổ nhờ sức mạnh Chúa ban.
– Bảy. Ơn Kính Sợ, giúp chúng ta xa lánh tất cả những gì làm mất lòng tôn kính mến yêu Chúa.
Khi nói “7 Ơn Chúa Thánh Thần”, hoặc nói  “Đặc Sủng Chúa Thánh Thần”, tất cả đều là những hồng ân của Ngôi Ba Thiên Chúa.
Xét về mục tiêu, lại chia ra 2 nhóm :
– Nhóm một. Gồm 7 Ơn nói trên, mục đích giúp tín hữu nên thánh.
– Nhóm hai. Gồm những “Đặc Sủng” do Chúa Thánh Thần ban nhằm giúp ích cho cộng đoàn Hội Thánh (x. 1 Cr 12, 4-7. 12-18. 27).
Ngoài những “Đặc Sủng”, còn có “12 hoa trái” của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22-23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo kể: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hoà, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết” (GLHTCG, 1832).
 
II-b.     Đặc sủng của “Chúa Thánh Thần là để mở lòng chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Người dạy chúng ta cầu nguyện, và giúp chúng ta thực hành bác ái với tha nhân (YOUCAT, 120). ĐTC Phanxicô cầu xin cho chúng ta “nhận được Thần Khí của Đấng Phục Sinh, để chúng ta vững bước trên đường, không với sự thỏa hiệp, cũng không cứng nhắc, nhưng với hành trang, là ơn tự do đến từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã trở nên người phàm” (Vatican Radio, ngày 24/04/2017).
 Nên, xưa kia thánh Phaolô đã khẳng định đặc sủng là một ân huệ đặc biệt, được ban phát từ mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa để xây dựng cộng đoàn Hội Thánh : Chúa Giêsu thực hiện việc phục vụ Thiên Chúa và nhân loại; Chúa Cha tiếp tục công cuộc sáng tạo trong mọi người (x. 1 Cr 12,4-6). Đặc sủng chính là thi hành việc phục vụ Chúa Giêsu đã làm, để hoàn tất công trình sáng tạo của Thiên Chúa Cha.
         Ðặc sủng đem lại sự hiệp nhất. Nếu những đặc sủng đã đến từ một nguồn gốc duy nhất thì những đặc sủng này cũng được sử dụng cho một mục đích duy nhất là xây dựng Huyền Thể Chúa Giêsu. Vì đó, phần còn lại của chương 12, thánh Phaolô tỉ mỉ nói đến cơ cấu chặt chẽ của Huyền Thể Chúa Giêsu, cuối cùng đi tới kết luận: chúng ta là Huyền Thể Chúa Giêsu, chúng ta được đầy tràn Thần Khí duy nhất.
         Ðức mến, điều kiện cần thiết nhất để thi hành đặc sủng. Ðức mến, động lực duy nhất thúc đẩy chúng ta đem những ân huệ Chúa ban riêng cho chúng ta để phục vụ Hội Thánh và anh chị em. Đặc sủng là phương tiện, là những khả năng đặc biệt của người tông đồ đi xây dựng Hội Thánh. Đặc sủng tuy khác nhau, nhưng hướng tới mục đích xây dựng Hội Thánh. 
         Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được tái sinh trong nước Rửa Tội, để được làm con Chúa và chi thể trong Hội Thánh. Nên Chúa Thánh Thần không thể tách rời khỏi Huyền Thể Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần là nguyên lý phát sinh sự sống, hiệp nhất mọi chi thể khác nhau lại thành một Huyền Thể, một Dân Mới của Thiên Chúa, để không còn là “Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do” nữa, nhưng là anh chị em con cùng một Cha và “đồng thừa tự” với Chúa Giêsu.
Chúa Thánh Thần tạo nên sự hài hòa mọi sinh hoạt của Hội Thánh, vì “chỉ có một Thần Khí duy nhất”, như thánh Phaolô nói : “tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 13). Một khi đã có sự hài hòa và duy nhất thì không còn tình trạng chia rẽ, mạnh ai nấy sống nữa. Trong các ân huệ của Thánh Thần (Gl 5,22-23), bình an là kết quả của mọi ân huệ khác.  Do đó, khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, Người đã ban bình an cho các ông, rồi thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần’ (Ga 20,22).
       
III.        Alleluia. Chúa đã sống lại. Chúa Giêsu sống lại ban cho chúng ta sự sống mới, đó là sống phong phú trong Chúa Thánh Thần. Lời ngôn sứ Isaia nói lên điều đó : “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!  Dầu không có tiền bạc, cứ đến” (Is 55,1). Và Chúa Giêsu cũng khẳng định : “Ai khát, hãy đến với tôi;  ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7,38).
Một lời mời gọi không phân biệt giai cấp, màu da, ngôn ngữ, không giới hạn vào thời gian hay không gian nào cả. Lời mời đến với Chúa Giêsu chỉ bằng tất cả đức tin.  Chúa Giêsu Phục Sinh là nguồn mạch ban Chúa Thánh Thần.  Ai tin vào Chúa Giêsu mới lãnh nhận được đầy tràn ân sủng Chúa Thánh Thần của Người. Một sự đầy tràn đến ngỡ ngàng kinh ngạc cho người nhận, cũng như cho những người chứng kiến (x. Cv 2,1-11 – BĐ I).
Chính vì thế, ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta “coi chừng tội chống lại Thần Khí, và luôn biết mở lòng với những sự kinh ngạc của Thiên Chúa”. Điều này cần chúng ta xin ơn nhận định. Các tông đồ đã làm: hội lại với nhau, đối thoại và nhìn ra con đường của Thần Khí. Các Kitô hữu phải học cách nhận định, biết những gì đến từ Thiên Chúa và những gì từ thế gian cùng ma quỷ, để đừng nhầm lẫn mà rơi vào bất động, cứng ngắc và khép kín tâm hồn” (x. Vatican Radio, ngày 08-05-2017).
            Để đạt điều này, ĐTC mời gọi “đón nhận Thần Khí với sự vâng thuận” theo 3 bước :
– Bước thứ nhất là đón nhận Lời, để Lời Chúa mở trái tim chúng ta ra.
– Bước thứ hai là biết Lời Chúa, biết Chúa Giêsu, Đấng đã nói rằng “chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
– Bước thứ ba là thân thiết với Lời Chúa. Luôn mang Lời Chúa theo mình. Để đọc, để mở lòng với Lời Chúa, mở lòng với Thần Khí giúp chúng ta hiểu Lời Chúa (x. Vatican Radio, ngày 09-05-2017).
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần cũng được gọi là ngày khai sinh Hội Thánh. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, muôn người được tháp nhập vào Hội Thánh Chúa. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến như một ngọn gió mới tái tạo Hội Thánh Chúa. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta sống yêu thương, đồng cảm để Hội Thánh Chúa trở nên một Huyền Thể duy nhất trong cùng sứ vụ. Sứ vụ của Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi vào đời, để như các môn đệ đầu tiên “đầy tràn Chúa Thánh Thần”, chúng ta “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”, những kỳ công Người đã thực hiện để bày tỏ Lòng Chúa Thương Xót đối với con người.
Alleluia. Tạ ơn Chúa. Chúng ta kết thúc Mùa Phục Sinh.
Cầu chúc mọi người đầy tràn hồng ân Chúa Thánh Thần để chu toàn sứ vụ của mình trong Lòng Chúa Thương Xót. Alleluia.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI