Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG – BỔN MẠNG ĐAN VIỆN

NGÀY 22/08: ĐỨC MARIA TRINH VƯƠNG (Lc 1, 26-38)
Chúc mừng 13 Tân Khấn Sinh và 4 Tân Tập Sinh
 
I.          Lễ Đức Maria Trinh Vương được ĐTC Piô XII thiết lập ngày 11-10-1954, với thông điệp Ad Caeli Reginam. Lễ này được mừng vào ngày 31-5, ngày cuối cùng của Tháng Năm – Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Năm 1969, ĐTC Phaolô VI dời lễ này vào ngày 22-8.
 
Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ được dời lên ngày Thứ Bảy ngay sát Thứ Sáu lễ Thánh Tâm Chúa trong tuần lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa. Sự thay đổi này rất có ý nghĩa: Dời Lễ kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ lên sát ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là để tín hữu thấy được nguồn mạch Tình Yêu khơi nguồn từ Thiên Chúa Tình Yêu nơi Trái Tim Chúa Giêsu đã triển nở trong Trái Tim Tinh Tuyền Mẹ Maria Vô Nhiễm. Dời lễ kính Mẹ Nữ Vương xuống tuần bát nhật Lễ Đức Mẹ Mông Triệu Thăng Thiên, là có ý nghĩa tôn vinh Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng thì cũng là Nữ Vương Hoàn Vũ.
 
 
ĐTC Phaolo VI nói : “Lễ trọng Đức Mẹ Mông Triệu Thăng Thiên được tiếp nối bằng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, lễ này được cử hành một tuần sau lễ trước. Trong lễ này, người ta ngắm nhìn Đấng đang ngự bên cạnh Đức Vua muôn đời, Đức Maria sáng láng như Nữ Vương và nắm giữ vai trò cầu bầu như người Mẹ” (Tông huấn ”Marialis cultus”, số 6).
 
II.         ĐTC Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là “sự cứu rỗi của dân thành Roma”. Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Maria. Ngài nói: Xin Mẹ cai quản trên Hội Thánh, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi”. Ngài còn nói: “Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người”.
 
Với muôn vàn tước hiệu Hội Thánh và nhân loại cung kính dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, tước hiệu Nữ Vương Vũ Trụ Trời Đất bao gồm mọi tước hiệu Nữ Vương khác, và tước hiệu này có nền tảng trong Sách Khải Huyền: “Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao”(Kh 12,1), và “Người mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Người: Vua các vua và Chúa các chúa” (Kh 19, 16 ). Chúa Giêsu là Vua trên hết các vua. Vương quyền của Chúa Giêsu vượt trên mọi vương quyền. Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa Giêsu: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu cũng phải được tôn vinh như vậy, và nhân loại phải tung hô vương quyền, tôn nhận Mẹ là Nữ Vương trên hết mọi Nữ Vương.
 
Thật là ý nghĩa, khi tôn vinh Đức Maria với tước hiệu cao cả nhất, tước hiệu “Nữ Vương” trong Thánh Lễ hôm nay.Hội Thánh mời gọi chúng ta lắng nghe lại biến cố truyền tin, là biến cố đầu tiên được thánh sử Luca kể lại. Tầm mức của tước hiệu Nữ Vương thật rộng lớn và phổ quát, cả trên Thiên Đàng lẫn ở trần thế. Nhưng, biến cố truyền tin lại là một biến cố rất riêng tư và âm thầm. Riêng tư và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria.
 
Kinh nghiệm thiêng liêng này là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel. Điều này làm chúng ta cảm thấy thật gần hơn với Đức Maria, vì Mẹ không lắng nghe Lời Chúa cách trực tiếp nhưng qua một vị trung gian. Chúng ta cũng thế, ngang qua nhiều trung gian, và nhất là trung gian Sách Thánh trong Lectio divina.
 
Điều làm cho chúng ta cảm thấy thật gần với Đức Mẹ hơn nữa, đó là, trong khi đối thoại với sứ thần Gabriel, Mẹ cũng bối rối, cũng tự hỏi, cũng nêu thắc mắc, trước khi nói lời ưng thuận. Lời “xin vâng” được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng sẽ được Mẹ sống đến tận cùng nơi Thánh Giá, nghĩa là nơi của thử thách và đau khổ tận cùng. Và hôm nay, ơn Vô Nhiệm của Mẹ còn nói cho chúng ta rằng, lời “xin vâng” của Mẹ đã hiện diện ngay ở khởi đầu ơn sự sống của Mẹ. Vì thế, lời “xin vâng” của Mẹ còn là một ơn huệ thuần túy và tuyệt đối của Thiên Chúa. Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã tin vào Lời Chúa. Trình thuật truyền tin nói cho chúng ta sự tín thác tuyện đối của Đức Mẹ : “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
 
 
III.        Chúng ta cũng được mời gọi đặt lời xin vâng với lòng tín thác của chúng ta, được diễn tả ngang qua ơn huệ đi theo Chúa Giêsu trong một ơn gọi, ơn gọi thánh hiến đan tu, trong cùng một hành trình như Đức Mẹ : từ khởi đầu của sự sống đến điểm tận cùng của ơn huệ sự sống. Xin Mẹ Maria Trinh Vương, bổn mạng Đan Viện chúng ta, là Hiền Mẫu của mỗi người trong chúng ta nâng đỡ, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình Hiền Mẫu. Chúng ta tha thiết tung hô Mẹ Maria Trinh Vương : “Salve, Regina, Mater misericordiae, vita, dulcedo, et spes nostra, salve. ad te clamamus exsules filii Hevae, ad te suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle. Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos misericordes oculos ad nos converte; et Jesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exsilium ostende. O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI